Hội thảo “Thực trạng vi phạm pháp luật về đất đai và kiến nghị sửa đổi chính sách, pháp luật về đất đai”
Sáng ngày 28/6/2021, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp với Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội thảo “Thực trạng vi phạm pháp luật về đất đai và kiến nghị sửa đổi chính sách, pháp luật về đất đai”.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo còn có lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương; lãnh đạo, Thẩn phán Tòa án nhân dân tối cao; đại diện lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Ủy Ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Hiến pháp năm 2013 khẳng định đất đai là tài nguyên đặc biệt của Quốc gia, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật. Tại Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hoá theo hướng hiện đại” đánh giá sau gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, đã nêu rõ “Tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này còn lớn” và nguyên nhân do “Chủ trương, chính sách, pháp luật hiện hành về đất đai còn một số nội dung chưa đủ rõ, chưa phù hợp”, “Ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một bộ phận cán bộ và nhân dân còn hạn chế. Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi sai phạm chưa nghiêm. Hiệu lực, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn thấp…".
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phát biểu tại Hội thảo
Và sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, tại Kết luận số 36-KL/TW ngày 6/9/2018 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” cũng đã chỉ rõ tồn tại như “Tình trạng vi phạm chính sách pháp luật đất đai còn diễn ra phổ biến, phức tạp”, “Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai chưa được cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền quan tâm kịp thời, xử lý dứt điểm”.
Nguyên nhân của những tồn tại, đó là “Ý thức chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân chưa đầy đủ, chưa nghiêm”, “Vẫn còn tình trạng cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức lợi dụng chức quyền tham ô, tham nhũng, sách nhiễu, lợi ích nhóm.”
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng ta đã xác định những nội dung quan trọng trong lĩnh vực này, cụ thể như: Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất; kịp thời phát hiện xử lý dứt điểm các vi phạm, tranh chấp, lấn chiếm đất đai. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, trục lợi làm thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan tới đất đai”.
Để có thêm cơ sở góp phần tham mưu cho Đảng và Nhà nước về vấn đề quan trọng này, Ban Kinh tế Trung ương (Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW) và Tòa án nhân dân tối cao thống nhất tổ chức Hội thảo “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XI: Thực trạng vi phạm pháp luật về đất đai và kiến nghị sửa đổi chính sách, pháp luật về đất đai”.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận vào 5 nhóm vấn đề trọng tâm: Những hạn chế, vướng mắc của Luật Đất đai năm 2013 và văn bản quy định chi tiết. Các tranh chấp và vi phạm pháp luật về đất đai trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự. Thực trạng công tác kiểm toán, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, thực tiễn ở một số địa phương. Thực tiễn điều tra, truy tố các vụ án về đất đai thời gian qua. Thực trạng công tác thẩm định giá đất hiện nay, nhất là việc xác định giá đất để xác định mức độ thất thoát tài sản của Nhà nước qua những vụ án tham nhũng hiện nay.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm đã đươc các đại biểu tham dự trình bày, trao đổi để làm rõ, từ đó đề xuất các nội dung nhằm đổi mới, hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực này thời gian tới. Các tham luận và ý kiến phát biểu đã đi thẳng vào những hạn chế và bất cập của chính sách, pháp luật về đất đai, nhất là Luật Đất đai năm 2013 từ thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực tư pháp (công tác kiểm toán, thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo về đất đai; giải quyết các vụ án hành chính, vụ án hình sự về đất đai thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương quản lý; thực tiễn điều tra, truy tố các vụ án về đất đai).
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW đồng chủ trì Hội thảo.
Các tham luận và ý kiến phát biểu thảo luận cho thấy đất đai là vấn đề phức tạp, có liên quan chặt chẽ đến đời sống của người dân và có ảnh hướng đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Mặc dù có xu hướng giảm nhưng trong giai đoạn 2013 đến nay, đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các đơn thư khiếu nại, tố cáo (trên 60%). Các vụ án hành chính liên quan đến đất đai có xu hướng tăng liên tục từ mức chiếm 64,2% tổng số các vụ án về hành chính năm 2015 lên trên 80% năm 2020. Cũng trong khoảng thời gian này, số lượng thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại liên quan đến đất đai chiếm 75% tổng số các vụ án Toà án nhân dân tối cao thụ lý, giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (trong đó, số vụ đã giải quyết chiếm 83,49%). Các vụ án hình sự liên quan đến đất đai diễn ra rất đa dạng, động cơ, mục đích phạm tội rất phức tạp. Có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều tổ chức, nhiều người, trong đó có cả cán bộ có chức vụ cao, gây thiệt hại lớn đối với tài sản của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức và niềm tin của xã hội đối với Đảng và Nhà nước.
Qua các báo cáo tham luận và đánh giá tại Hội thảo cho thấy, tình trạng vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai xảy ra phổ biến trong các hoạt động chủ yếu như: Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (không đúng mục đích, không qua đấu giá quyền sử dụng đất, không theo quy hoạch đã được phê duyệt…). Thu hồi, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (không đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, người sử dụng đất có đất bị thu hồi, nhà đầu tư; chậm chễ trong trả tiền đền bù…). Quản lý đất đai trước và sau khi cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (vi phạm trong việc xác định giá trị đất đai trước khi cổ phần hoá; chuyển mục đích sử dụng đất sau khi cổ phần hoá…). Cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (không đúng trình tự thủ tục, không đúng thẩm quyền…). Quản lý quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất (không tương thích với các quy hoạch khác; thường xuyên bị điều chỉnh…).
Các tham luận, ý kiến tại Hội thảo cũng chỉ ra các nguyên nhân của tình trạng vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai mà một trong những nguyên nhân chính là do còn có những hạn chế, bất cập trong chính sách, pháp luật về đất đai cũng như sự chồng chéo, chưa thống nhất trong một số quy định giữa Luật Đất đai 2013 với các hướng dẫn thi hành luật và với một số luật khác (Bộ Luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở…). Điều này dẫn đến sự lúng túng trong quản lý và tạo ra những khe hở của luật pháp để một số cá nhân và tổ chức lợi dụng để tham nhũng và trục lợi, gây lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước. Thêm vào đó là năng lực của bộ máy quản lý Nhà nước về đất đai còn chưa cao, nhất là chất lượng nguồn nhân lực. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai còn sơ sài, thiếu thống nhất…
Phát biểu kết luận và bế mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, Hội thảo ngày hôm nay có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá toàn diện tình hình vi phạm pháp luật và xử lý vi phạm từ hoạt động tư pháp, trên cơ sở đó kiến nghị với Trung ương những nội dung liên quan đến hoạt động tư pháp trong lĩnh vực đất đai, phục vụ Tổng kết thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XI, định hướng cho việc sửa đổi chính sách, pháp luật đất đai giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng chỉ rõ một số vấn đề cần được quan tâm trong việc sửa đổi chính sách, pháp luật về đất đai:
Thứ nhất, vấn đề đất đai rất quan trọng trong thực tiễn, liên quan đến nhiều người nhưng là vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp.
Thứ hai, Nghị quyết 19 và Luật Đất đai có hiệu lực đã phát huy tác dụng tốt trong việc đảm bảo phát triển đất nước, tạo ra nguồn lực quốc gia, đảm bảo cuộc sống người dân, thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Chúng ta cũng đã dần hoàn thiện hơn chức năng quản lý nhà nước đối với đất đai.
Thứ ba, mặc dù Nghị quyết 19-NQ/TW và Luật Đất đai đã có tác dụng tích cực, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước, nhưng cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế trên các mặt về thẩm quyền, hệ thống pháp luật…
Thứ tư, về thực thi, thực hiện Luật Đất đai có nơi có lúc chưa nghiêm, có tiêu cực tham nhũng, sai phạm, lãng phí nguồn lực; hệ thống pháp luật không đồng bộ, không thống nhất, chưa rõ ràng, có khoảng trống, mâu thuẫn, xung đột lẫn nhau; vi phạm liên quan đến đất đai...
Đối với việc xây dựng, sửa đổi bổ sung Luật đất đai, Chánh án Nguyễn Hòa Bình lưu ý một số vấn đề: Phải hoàn thiện hệ thống pháp luật chủ đạo là Luật Đất đai và hệ thống pháp luật liên quan, đảm bảo yêu cầu đơn giản, tiện ích, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực thi; đồng bộ thống nhất với hiến pháp, với các đạo luật, khắc phục xung đột, chồng chéo; bổ sung những khoảng trống chưa được điều chỉnh như các ý kiến đã nêu; Luật Đất đai phải tạo ra hành lang pháp lý chống được vi phạm, đặc biệt là tội phạm tham nhũng, đấu giá, đấu thầu..., phải đảm bảo quyền, lợi ích người dân theo nguyên tắc thị trường.
Tổ chức các luật hiện hành đặc biệt thực thi Luật Đất đai nghiêm chỉnh hơn, tránh dự án giao rồi thành dự án treo làm lãng phí nguồn lực; tăng cường thanh tra, kiểm soát xử lý nghiêm các vi phạm, tội phạm.
Nghiên cứu, tổ chức lại các cơ quan thực thi pháp luật về đất đai một cách chuyên nghiệp hơn, đồng bộ hơn trong đó có Tòa án về đất đai, cơ quan Thanh tra về đất đai
Tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất đai: về đăng ký tài sản, cơ sở dữ liệu quốc gia, kiểm soát tài sản...
Kết thúc Hội thảo, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cảm ơn các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến giá trị, góp phần làm cho Hội thảo thành công tốt đẹp và đề nghị các lãnh đạo các Bộ, ban ngành; các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, đặc biệt là các lãnh đạo, chuyên gia lĩnh vực tư pháp tiếp tục quan tâm, nghiên cứu, tham gia, đóng góp thêm ý kiến để giúp Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao cũng như Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận