Huỳnh Bá Đ phạm tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản

Sau khi nghiên cứu bài viết “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản?” của tác giả Hoàng Thuỳ Linh đăng ngày 04/7/2023, tác giả thống nhất với quan điểm thứ nhất.

Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hai tội phạm có liên quan đến việc chiếm đoạt tài sản của người khác.

Về chủ thể thực hiện hành vi phạm tội: Chủ thể của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là người có chức vụ, quyền hạn. Chủ thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không yêu cầu người có chức vụ, quyền hạn mà là bất cứ cá nhân nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

Về thủ đoạn thực hiện tội phạm: Trong tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, chủ thể phạm tội sử dụng chức vụ, quyền hạn không đúng pháp luật hoặc sử dụng sự ảnh hưởng và quyền lực của mình để lợi dụng và chiếm đoạt tài sản của người khác. Trái lại, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra khi một người sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác, không sử dụng chức vụ, quyền hạn.

Tóm lại, tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có những điểm khác biệt về chủ thể và cách thức thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, cả hai tội phạm đều liên quan đến việc chiếm đoạt và gây thiệt hại đến tài sản của người khác.

Tình huống đưa ra: Huỳnh Bá Đ là thư ký ở TAND cấp cao tại Thành phố H có nhiệm vụ thụ lý, phân loại đơn kháng cáo. Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án tổ chức đánh bạc do Phạm Văn E cầm đầu (vụ án có E, G, H đồng phạm). Đ thấy trong đơn kháng cáo có ghi số điện thoại của E, G, H nên chủ động liên hệ hứa giúp cho E, G, H được hưởng án treo. Để tạo sự tin tưởng, Đ cho những người này xem thẻ thư ký, giấy xác nhận đang công tác tại Tòa án. Đ đặt vấn đề hứa giúp E, G, H được hưởng án treo với điều kiện mỗi người phải nộp 250.000.000 đồng cho Đ. Khi những người này đồng ý, Đ hẹn gặp những người này ở quán cà phê và nhận được từ E, G, H mỗi người 150.000.000 đồng tiền mặt, đồng thời giao hẹn sau khi E, G, H được hưởng án treo sẽ nhận nốt số tiền còn lại. Một tuần sau, phiên tòa xét xử nhóm E, G, H diễn ra, nhưng không có bị cáo nào được hưởng án treo. Sau nhiều lần đòi tiền Đ không được, E, G, H đã tố cáo hành vi của Đ với cơ quan công an, Đ bị bắt. Tại cơ quan điều tra, Đ đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình.

Tác giả thống nhất với quan điểm thứ nhất: Thư ký Huỳnh Bá Đ phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Bởi vì Huỳnh Bá Đ đã lạm dụng chức vụ là Thư ký Toà án liên lạc với các bị cáo và hứa giúp các bị cáo E, G, H được hưởng án treo. Thực tế cho thấy, nếu Đ không phải Thư ký Toà án thì các bị cáo sẽ không tin tưởng giao tiền (bằng chứng là Đ cho những người này xem thẻ thư ký, giấy xác nhận đang công tác tại Tòa án). Do đó, Đ đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản của người khác trái pháp luật.

Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được sự phản hồi và trao đổi cùng với quý bạn đọc.

 

 TAND TP Hà Nội xét xử “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”- Ảnh: Q.Đông

Ths LÊ THỊ NGỌC LỢI (Ban Nội chính Tỉnh uỷ Đồng Tháp)