K phạm tội Giết người, V có thể phạm tội Cố ý gây thương tích
Qua nghiên cứu bài viết “Các bị cáo phạm tội Giết người hay Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người?” của tác giả Th.s Nguyễn Anh Chung và quy định của pháp luật, quan điểm của tôi là: K phạm tội Giết người, V có thể phạm tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác.
Trước hết, tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của tác giả cho rằng: “Trong thực tiễn, một số vụ án hình sự việc xác định ranh giới để phân biệt tội này với tội kia rất mong manh, có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau về việc xác định tội danh theo quy định của Bộ luật hình sự; có thể kế đến như giữa tội “Giết người” và tội “Cố ý gây thương tích” dẫn đến hậu quả chết người”. Tuy nhiên, đối với tình huống mà tác giả đưa ra, quan điểm về vấn đề định tội danh của tôi không đồng tình với quan điểm của tác giả; đồng ý một phần với quan điểm của tác giả Nguyễn Cường (Ban Nội chính Tỉnh uỷ Hà Tĩnh) trong bài viết “Các bị cáo phạm tội Giết người”. Quá trình nghiên cứu định tội danh của các bị cáo, tôi đưa ra một số luận điểm như sau:
(i) Về hành vi của K và V, có thể tóm tắt theo trình tự thời gian dưới đây:
+ K vung tay đấm vào mặt bên trái của A.
+ V xô A nhưng A không ngã.
+ K nhảy vào đấm vào mặt trái của A làm A ngã nằm nghiêng xuống đường.
+ K lấy chân phải đạp vào đầu A.
+ K đá vào phần trước mặt A một cái.
+ V đá 2 cái vào ngực A.
Trong quá trình trên, K và V đã được can ngăn nhưng không dừng lại ngay mà vẫn tiếp tục hành vi phạm tội mặc dù A không hề chống cự, thậm chí đã ngã xuống. Mặt khác, mức độ tấn công và cường độ tấn công trong hành vi của K (đấm, đạp, đá) là rất mạnh, nhanh, nhiều, cố ý thực hiện hành vi phạm tội đến cùng; vị trí tác động là những chỗ rất hiểm trên cơ thể (mặt, đầu) có thể gây ra chết người. Hành vi của V gây nguy hiểm (xô nhưng A không ngã, đá) nhưng vị trí tác động ít nguy hiểm hơn (ngực); đặc biệt là khi so sánh với K về mức độ, cường độ và vị trí tấn công.
Những hành vi nêu trên xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ, nạn nhân cũng đã xin lỗi nên tôi thấy rằng hành vi của K và V thực sự đã gây nguy hiểm cho xã hội rất nghiêm trọng, lỗi hoàn toàn đến từ phía các bị cáo.
(ii) Hậu quả: Sau khi bất tỉnh, A được đưa đi cấp cứu (người đưa đi không phải là K và V mà là 2 người khác), A đã bị tử vong trên đường đi.
(iii) Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả:
Theo Bản kết luận giám định pháp y về tử thi có xác định nguyên nhân chết của A là: “Chấn thương sọ não (dấu hiệu chính qua giám định: Chấn thương sọ não, thái dương đỉnh phải, chẩm phải và thái dương đỉnh trái có các khối sưng nề, trên nền khối sưng nề có bầm tụ máu; tổ chức dưới da và vùng thái dương hai bên bầm tụ máu; tụ máu lan tỏa dưới màng cứng vùng thái dương, đỉnh, chẩm bán cầu đại não hai bên, tụt hạnh nhân tiểu não)”.
Khi đối chiếu kết luận giám định và hành vi của 2 bị cáo, tôi nhận định hành vi của K mới là tác nhân khiến A chết, hành vi của V chỉ khiến A bị thương tích hoặc tổn hại sức khoẻ. Trong trường hợp này, K phải biết rằng hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, có thể làm chết người (thực tế A đã chết).
Kết luận: Quá trình nghiên cứu, đặc biệt là sau khi đánh giá hành vi, hậu quả và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả; tôi cho rằng K phạm tội giết người (lỗi cố ý gián tiếp)[1].
Bên cạnh đó, tôi cũng nhận định V không có ý định cố ý tước đoạt sinh mạng của A. Mà đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm[2] nên V không phải là đồng phạm của K đối với tội Giết người.
Vì vậy, đối với việc định tội danh của V, tôi cho rằng cần giám định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của A (thực tế đây là một việc làm rất khó) và đối chiếu với quy định tại Điều 134 BLHS để xác định V phạm tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác” hay không phạm tội. Cơ sở để xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể như sau: “Giám định để xác định tỷ lệ % TTCT được thực hiện trên hồ sơ trong trường hợp người cần giám định đã bị chết hoặc bị mất tích hoặc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Khi giám định trên hồ sơ, tỷ lệ % TTCT được xác định ở mức thấp nhất của khung tỷ lệ tương ứng với các tỷ lệ % TTCT”[3].
Trên đây là quan điểm của tôi về vấn đề định tội danh đối với K và V, rất mong nhận được những ý kiến trao đổi, đóng góp của tác giả và bạn đọc.
Lưu ý: Về chủ thế, giả định rằng K và V đã đủ độ tuổi chịu TNHS đối với hai tội danh trên và không thuộc trường hợp ở trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự. Về khách thể, tôi cho rằng căn cứ vào hành vi và hậu quả, hành vi của K đã xâm phạm tính mạng của A; hành vi của V đã xâm phạm sức khoẻ của A.
TAND TP Cần Thơ xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người”. Ảnh: Lê An/ Báo Giao thông.
[1] Xem thêm Điều 10, Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
[2] Xem thêm Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
[3] Xem thêm Điều 2 Thông tư 22/2019/TT-BYT.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận