Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước hạn chế ghi âm, ghi hình tại phiên tòa để bảo vệ quyền con người
Sáng 29/8, tại buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên báo chí và Tạp chí Tòa án nhân dân nhằm làm rõ hơn nội dung Pháp lệnh.
Cơ sở pháp lý quan trọng
Xin Phó Chánh án cho biết ý nghĩa của việc ban hành Pháp lệnh này?
Pháp lệnh này là văn bản quy phạm pháp luật có tính hệ thống, chi tiết về việc xử phạt các hành vi cản trở hoạt động tố tụng, quy định cụ thể rõ ràng về hành vi, hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng tạo thuân lợi cho việc xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Pháp lệnh được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý nghiêm minh những hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tố tụng và ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra; bảo đảm sự tôn trọng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với cơ quan tiến hành tố tụng; tạo điều kiện giải quyết các vụ việc nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa, bảo vệ quyền uy tư pháp.
Trước khi có Pháp lệnh này, pháp luật nước ta chưa có văn bản quy định có hệ thống về việc xử phạt các hành vi cản trở hoạt động tố tụng mà chỉ có một số quy định chung, chưa cụ thể, chưa rõ ràng về xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Các đạo luật này chỉ quy định chung theo hướng liệt kê, chỉ ra những hành vi bị coi là cản trở tố tụng và quy định theo mô tuýp “tùy từng trường hợp” “tùy tính chất, mức độ của hành vi” mà người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ
Các đạo luật này không quy định cụ thể trường hợp nào người có hành vi vi phạm bị kỷ luật, trường hợp nào bị xử lý hành chính, trường hợp nào bị xử lý hình sự; mà phạm vi quy định này sẽ nằm ở các đạo luật chuyên ngành khác, ví dụ như Bộ luật Hình sự sẽ quy định về những trường hợp bị xử lý hình sự (tội phạm); Luật Cán bộ, công chức quy định về xử lý kỷ luật; còn việc xử lý vi phạm hành chính sẽ được quy định trong văn bản chuyên ngành tùy theo lĩnh vực. Pháp lệnh này quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt, mức phạt, hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi cản trở hoạt động tố tụng cụ thể.
Xử lý vi phạm của luật sư
Theo quy định của Pháp lệnh này thì Luật sư có bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam có thời hạn hay không?
Trường hợp hành vi vi phạm của luật sư đến mức phải áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam có thời hạn theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì việc xử phạt được áp dụng theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
Tại sao trong Pháp lệnh này Luật sư có cùng hành vi vi phạm với chủ thể khác thường được quy định mức phạt tiền cao hơn các chủ thể khác?
Luật sư có cùng hành vi vi phạm với chủ thể khác thường được quy định mức phạt tiền cao hơn các chủ thể khác. Tuy nhiên, cần lưu ý là Luật sư chỉ bị phạt theo mức tiền phạt này khi tham gia tố tụng với tư cách:
a) Người bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự;
b) Người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính;
c) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Quy định như vậy vì Luật sư là người am hiểu pháp luật, tham gia tố tụng để đại diện hoặc bảo vệ quyền và lợi ích của người dân, do vậy yêu cầu khắt khe hơn về việc tuân thủ và tôn trọng pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp đặc thù của mình tại phiên tòa, phiên họp. Còn khi Luật sư tham dự phiên tòa không với một trong các tư cách nêu trên thì sẽ chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính như các chủ thể khác. Mức phạt tiền đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Luật sư cơ bản cân đối với mức phạt tiền quy định cho hành vi tương ứng trong Nghị định số 82/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở tố tụng nhưng có quy định thẩm quyền xử phạt cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp. Vậy, khi nào Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp xử phạt và khi nào thì người có thẩm quyền của các cơ quan khác xử phạt (Công an, Tòa án…)?
Chủ tịch Ủy ban nhân dân có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan, người có thẩm quyền, trừ những hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt của của người có thẩm quyền trong Tòa án quân sự (Thẩm phán chủ tọa phiên tọa, Chánh án Tòa án quân sự khu vực, Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương).
Như vậy, có một số hành vi sẽ đồng thời thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân và của người có thẩm quyền của cơ quan khác xử phạt. Trong trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người thì việc xử phạt vi phạm hành chính do người thụ lý đầu tiên thực hiện (khoản 3 Điều 52 của Luật Xử lý vi phạm hành chính).
Nhà báo ghi âm, ghi hình
Đề nghị Phó Chánh án Thường trực TANDTC giải thích rõ thêm về quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh người tham gia tố tụng khi không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính? Đối với phiên tòa hình sự thì như thế nào? Cơ sở nào mà Pháp lệnh quy định như vậy? Có hạn chế quyền hoạt động báo chí của Nhà báo hay không?
Như các bạn đã biết thì theo Luật Báo chí, nhà báo có quyền được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.
Nhà báo có quyền như vậy nhưng những người khác cũng có quyền mà quyền rất thiêng liêng đã được Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản pháp luật ghi nhận đó là quyền của cá nhân đối với hình ảnh, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh… Do vậy, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước có quy định hạn chế ghi âm, ghi hình tại phiên tòa, để bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Ví dụ: Điều 59 Luật Tổ chức Tòa án Hàn Quốc quy định: “Không ai được quay phim, chụp ảnh, phát sóng, hoặc thực hiện các hành vi tương tự khác trong tòa án mà không được phép của thẩm phán chủ toạ”. Họ còn có Quy tắc dự thính và quay phim tại phiên tòa, Điều 4 Quy tắc này quy định: “Người muốn được chủ tọa phiên tòa cho phép theo Điều 59 của Luật Tổ chức Tòa án sẽ nộp đơn nêu rõ mục đích, loại hình, chủ đề, thời gian của việc quay phim/ chụp ảnh và tên của tổ chức mà người đó trực thuộc hoặc của họ, vào ngày trước của ngày xét xử.” “Chủ tọa chỉ có thể cho phép yêu cầu được đề cập ở trên khi có sự đồng ý của bị cáo (hoặc nguyên đơn, bị đơn)”. Trường hợp mà dù bị cáo, hoặc nguyên đơn, bị đơn không đồng ý nhưng quay phim hay chụp ảnh được coi là hợp lý vì lợi ích công cộng thì chủ toạ có thể cho phép.
Điểm c khoản 4 Điều 23 Pháp lệnh quy định hành vi “ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự” là hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính. Đây là những hành vi vi phạm những nghĩa vụ đã được quy định tại các điều về nội quy phiên tòa trong các đạo luật tố tụng (khoản 4 Điều 234 Bộ luật Tố tụng dân sự, khoản 4 Điều 153 Luật Tố tụng hành chính, Điều 256 Bộ luật Tố tụng hình sự), do vậy những hành vi này cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tại phiên tòa, phiên họp.
Việc ghi âm phương tiện tác nghiệp bình thường của nhà báo, việc ghi âm cũng không ảnh hưởng nhiều tới quyền riêng tư của Hội đồng xét xử, người tham gia phiên tòa (vì Phòng viên không đăng phát nội dung ghi âm phiên tòa?), cũng không làm ảnh trật tự, chất lượng phiên tòa. Vì sao lại bắt Phóng viên phải xin phép mới được ghi âm, và nếu không được sự đồng ý lại phạt tiền?
Pháp lệnh này không quy định các hành vi mới, mà chỉ quy định cụ thể hơn việc xử phạt, các hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt đối với những hành vi không được phép thực hiện, hành vi bị coi là cản trở hoạt động tố tụng đã được quy định trong các đạo luật tố tụng.
Điều 234 Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 153 Luật Tố tụng hành chính về Nội quy phiên tòa đều quy định “4. Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp. Nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ”.
Hành vi phát trực tiếp ( livestream) tại phiên tòa
Ban đầu dự thảo dự kiến xử phạt hành vi livestream tại phiên tòa, Pháp lệnh thông qua không còn quy định cụ thể về hành vi này. Xin hỏi, đối với hành vi phát livestream tại phiên tòa sẽ xử lý thế nào và căn cứ trên cơ sở nào để xử lý?
Tổ chức một phiên tòa mục tiêu tối thượng là chúng ta hướng đến một bản án đúng pháp luật, công tâm, tâm phục khẩu phục, không phải một phiên tòa là dịp để truyền thông. Cho nên nhiệm vụ của Hội đồng xét xử là phải toàn tâm, toàn ý cho việc đưa ra phán quyết, đảm bảo một phán quyết công tâm, đúng nhất. Nếu bây giờ hội đồng xét xử, các đồng chí hình dung là hàng trăm máy điện thoại người ta đưa lên để livestream thì sự toàn tâm, toàn ý cho nhiệm vụ chính của phiên tòa là đưa ra các bản án đúng pháp luật sẽ bị xao nhãng. Cho nên rất mong người dân và đặc biệt là truyền thông, các nhà báo tôn trọng, chia sẻ với áp lực của các thẩm phán, Hội đồng xét xử khi đứng trước một nhiệm vụ rất lớn là phải đưa ra phán quyết liên quan đến sinh mệnh và quyền lợi của con người thì người ta phải toàn tâm, toàn ý. Lúc đó người ta phải đứng trước ống kính, tâm trạng của bất cứ ai cũng thế thôi, đứng trước ống kính và đứng trước các máy truyền thông thì bị xao nhãng. Rất mong các nhà báo chia sẻ với áp lực này và tạo điều kiện để cho Hội đồng xét xử làm đúng phận sự của mình. Đây là lý do tại sao pháp luật của chúng ta cũng như thế giới người ta quy định về việc không được ghi âm, ghi hình vì liên quan đến quyền con người và liên quan đến chất lượng của phiên tòa.
Do vậy, về mặt nguyên tắc, việc tự ý ghi âm, ghi hình phiên tòa, phiên họp là không được phép thực hiện. Quy định tại điểm c khoản 4 Điều 23 Pháp lệnh áp dụng cho bất cứ chủ thể nào, không chỉ là nhà báo.
Việc quy định như Pháp lệnh là phù hợp và hết sức cần thiết bởi tố tụng tư pháp tại Tòa án là quyết định những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền con người và việc ghi âm, ghi hình đặc biệt là phát trực tiếp trên không gian mạng dễ dẫn đến xâm phạm quyền riêng tư của cá nhân, quyền con người, ảnh hưởng đến chất lượng phiên tòa. Do vậy, cần phải tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa.
Pháp lệnh quy định nhà báo bị phạt tiền nếu ghi âm, ghi hình không được sự đồng ý của Hội đồng xét xử và người tham gia phiên tòa, đối với tòa dân sự, hành chính. Vậy cách thức xin ý kiến của nhà báo như thế nào? Xin bằng văn bản, bằng miệng tại phiên tòa? Có phải xin tất cả những người liên quan có mặt tại phiên tòa không?
Hiện nay, chưa có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể về quay phim, chụp ảnh tại phiên tòa. Trong đề xuất cải cách tư pháp xây dựng Nhà nước pháp quyền trong thời gian tới, Tòa án nhân dân tối cao cũng đã kiến nghị việc hoàn thiện cơ chế tố tụng tư pháp bảo vệ quyền con người, trong đó có nội dung đề nghị “Ban hành quy định pháp luật về quay phim, chụp ảnh tại phiên tòa” phiên họp, để quy phạm hóa hoạt động này, tạo thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền cũng như cơ quan, tổ chức có liên quan (cơ quan báo chí trong hoạt động nghiệp vụ của mình tại phiên tòa), vừa bảo đảm giữ trật tự, sự tôn nghiêm của phiên tòa, đồng thời bảo vệ quyền con người, quyền công dân của người tham gia tố tụng đặc biệt là bị cáo, đương sự.
Nhà báo có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng đối với những hành vi như thế nào?
Theo quy định của Pháp lệnh, thì Nhà báo tham dự phiên tòa để hoạt động nghiệp vụ báo chí có thể xử phạt khi có hành vi không thực hiện yêu cầu của Tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo khi tham dự phiên tòa (điểm i khoản 2 Điều 23). Ngoài ra, Nhà báo có thể bị xử phạt khi thực hiện những hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp, hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng… Hành vi đăng, phát nội dung thông tin sai sự thật trên báo chí nhằm cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án thì bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí.
Phóng viên tác nghiệp tại phiên tòa bạo hành trẻ em ở Tp HCM - Ảnh: Vũ Hoàn
Bài liên quan
-
Quy định về ghi âm, ghi hình tại phiên toà, phiên họp từ 1/1/2025
-
Đại học Luật TP.HCM tổ chức thành công cuộc thi Phiên tòa giả định năm 2024
-
Quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2024 về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp
-
Bàn về việc tiếp xúc giữa người bị hại là người dưới 18 tuổi với bị cáo tại phiên tòa xét xử các vụ án xâm hại tình dục
theo quy định tại Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận