
Xác định tư cách tố tụng tại phiên toà theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự
(TCTA) - Theo quy định tại Điều 55 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) thì có 20 loại người tham gia tố tụng trong các gian đoạn tố tụng khác nhau, bao gồm: Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố; Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; Người bị bắt; Người bị tạm giữ; Bị can; Bị cáo; Bị hại; Nguyên đơn dân sự; Bị đơn dân sự; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; Người làm chứng; Người chứng kiến; Người giám định; Người định giá tài sản; Người phiên dịch, người dịch thuật; Người bào chữa; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố; Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội, người đại diện khác theo quy định của Bộ luật này.
Trong số những người tham gia tố tụng quy định, chỉ những người sau đây tham gia tố tụng tại phiên toà hình sự: Bị cáo; Bị hại; Nguyên đơn dân sự; Bị đơn dân sự; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; Người làm chứng; Người chứng kiến; Người giám định; Người định giá tài sản; Người phiên dịch, người dịch thuật; Người bào chữa; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố; Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội, người đại diện khác theo quy định của BLTTHS.
Việc quy định phân biệt những người tham gia tố tụng trong BLTTHS và các đương sự như Nguyên đơn dân sự, Bị đơn dân sự, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo quy định của BLTTHS, về bản chất pháp lý, có một số người có tư cách tố tụng kép, tuỳ theo góc độ giải quyết vấn đề là hình sự hay dân sự. Đó là:
Trong những trường hợp bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho bị hại hoặc nguyên đơn, thì người đó phải thực hiện hai tư cách: là bị cáo (từ góc độ hình sự) và bị đơn dân sự (từ góc độ tố tụng dân sự);
Trong những trường hợp Bị hại được bồi thường thiệt hại, thì người đó phải thực hiện hai tư cách: là bị hại (từ góc độ hình sự) và Nguyên đơn dân sự (từ góc độ tố tụng dân sự).
Trong những trường hợp này, BLTTHS và thực tiễn sẽ xác định tư cách tố tụng có địa vị tố tụng (quyền và nghĩa vụ) bao trùm hơn, bảo đảm lợi ịch của người đó cao hơn, đó là Bị cáo trong trường hợp thứ nhất và Bị hại trong trường hợp thứ hai.
Tuy nhiên, trong thực tế áp dụng pháp luật còn có vướng mắc, cụ thể là nội dung vụ án sau:
A và B là hai quân nhân thuộc đơn vị C. A đánh B gây thương tích phải cấp cứu ở Quân y đơn vị rồi chuyển đến Viện Quân y D. Sau khi B ra viện, Viện Quân y A đã làm thủ tục thanh toán với cơ quan bảo hiểm. Vậy xác định tư cách tham gia tố tụng của Viện Quân y D và Cơ quan bảo hiểm đã chi trả như thế nào: Cơ quan nào là nguyên đơn dân sự, cơ quan nào là người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan?
Xoay quanh vụ án này, có hai quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: A là người phạm tội nên phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra đối với B. Luật Bảo hiểm quy định các trường hợp không được chi trả như thiệt hại do tội phạm gây ra; gây tai nạn giao thông trong tình trạng vi phạm nồng độ cồn trong khi điều khiển phương tiện giao thông… Việc cơ quan bảo hiểm đã thanh toán cho Viện Quân y D khoản chi phí cứu chữa B chỉ là giải pháp tạm thời để cứu chữa và bảo đảm sức khoẻ cho quân nhân. Sau khi A bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị kết tội thì có cơ sở khẳng định trường hợp này việc cứu chữa, điều trị cho B thuộc trường hợp Bảo hiểm không chi trả. Như vậy, về nguyên tắc A phải bồi thường cho B; nhưng chi phí điều trị cho B đã được Bảo hiểm chi trả và thanh toán cho Viện Quân y D, cho nên có thể coi Bảo hiểm là cơ quan gián tiếp bị thiệt hại này. Cho nên có thể coi Bảo hiểm là nguyên đơn dân sự và A phải bồi thường cho Bảo hiểm nếu Bảo hiểm có đơn yêu cầu.
Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của tác giả) cho rằng: Một số chi phí ban đầu mà quân y đơn vị bỏ ra thì A cũng phải bồi hoàn cần được xem xét lại, vì cho đến nay không có quy định ngân sách cấp cho quân y chỉ dùng cho trường hợp bình thường, không phải dùng cho trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật. Hoạt động bảo hiểm và hoạt động bảo đảm quốc phòng cho các cơ sở quân y là khác nhau về bản chất, mục đích và cách chi trả.
Cho nên không thể vận dụng Luật bảo hiểm cho hoạt động bảo đảm của các cơ sở quân y. Không thể mở rộng rằng ngân sách, tài sản của quân y, Viện quân y chỉ được dùng cho hoạt động bình thường giống như pháp luật về bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, là nguyên đơn dân sự, Viện quân y, Cơ quan bảo hiểm có quyền không nhận tiền bồi hoàn từ người phạm tội.
Trên đây là nội dung vụ án và các quan điểm giải quyết, tác giả mong nhận được ý trao đổi để góp phần vào việc áp dụng pháp luật được thống nhất.
Phiên toà xét xử vụ án hình sự sơ thẩm của Toà án quân sự Quân khu 3 - Ảnh: Quang Anh.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Từ ngày 01/7/2025, Nghị quyết số 02/2025/NQ-HĐTP chính thức có hiệu lực thi hành, bảo đảm áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Luật Phá sản, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Hình sự
-
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định về tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của các Tòa án nhân dân
-
Bình Phước: Tìm nhân chứng là hành khách trên xe khách mang biển kiểm soát 47B–022.22
-
Cần làm rõ quy định tại Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là xác định chứng cứ hay đó chỉ là nguồn chứng cứ
-
Từ ngày 01/6/2025 sẽ "hết mẹo" trong sát hạch giấy phép lái xe
Bình luận