Không công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài
Sau khi nghiên cứu bài đăng “Trường hợp không đủ căn cứ công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài” của tác giả Chu Minh Đức đăng ngày 26/7/2022, bàn về vấn đề công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài, tôi xin trao đổi quan điểm của mình.
Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng Phán quyết của Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (SIAC) trong tình huống được nêu không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam. Xuất phát từ những lý do sau:
Thứ nhất, căn cứ quy định tại Điều 3 Thông tư 32/2013/TT-NHNN, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 03/2019/TT-NHNN quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam: “Trên lãnh thổ Việt Nam, trừ các trường hợp được sử dụng ngoại hối quy định tại Điều 4 Thông tư này, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối”. Trong tình huống, hợp đồng cho vay chuyển đổi giữa công ty A và công ty M được ký kết, thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng hai bên đã thỏa thuận khoản vay bằng đồng ngoại tệ (USD). Nội dung này vi phạm quy định về hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam. Do đó, giao dịch bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015.
Thứ hai, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 3 BLDS năm 2015 về các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng. Trong trường hợp này, hợp đồng giữa công ty A và công ty M đã vi phạm điều cấm của luật, theo đó, thỏa thuận giữa công ty A và công ty M đã vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự Việt Nam.
Thứ ba, phán quyết của SIAC đã buộc công ty M, bà M và bà C chịu trách nhiệm riêng rẽ và liên đới thanh toán cho công ty A các khoản theo yêu cầu của công ty A. Điều này đồng nghĩa với việc SIAC công nhận hiệu lực của hợp đồng giữa công ty A và công ty M. Trong khi đó, như tác giả đã phân tích ở trên, theo quy định của pháp luật Việt Nam thì hợp giữa công ty A và công ty M là vi phạm điều cấm của luật và bị vô hiệu.
Từ ba lý do trên, nhận thấy nếu Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành phán quyết của SIAC tại Việt Nam thì sẽ vi phạm đến nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam (do hợp đồng giữa công ty A và công ty M vi phạm điều cấm theo pháp luật Việt Nam). Do vậy, căn cứ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 459 BLTTDS năm 2015: “Phán quyết của Trọng tài nước ngoài cũng không được công nhận, nếu Tòa án Việt Nam xét thấy việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tàu nước ngoài trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, phán quyết của SIAC trong tình huống đã nêu không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.
Trên đây là nội dung trao đổi của tác giả, rất mong nhận được sự góp ý từ bạn đọc và đồng nghiệp.
Bài liên quan
-
Về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài
-
Về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài (tiếp theo kỳ trước)
-
Về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận