Kinh nghiệm theo dõi thời hạn tạm giam của Thư ký tổng hợp hình sự

Trong phạm vi nhiệm vụ của Thư ký Tòa án làm nhiệm vụ tổng hợp hình sự, bản thân tôi mạnh dạn viết bài này để chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp về những kỹ năng tính toán, theo dõi thời hạn xét xử và thời hạn tạm giam đối với những vụ án hình sự có bị can bị tạm giữ, tạm giam.

Hiện nay các vụ án hình sự đang có chiều hướng gia tăng về số lượng và ngày càng phức tạp, quá trình thụ lý các vụ án hình sự nhận thấy, các bị cáo bị tạm giam cũng có xu hướng tăng theo. Việc theo dõi lệnh giam luôn là một vấn đề hết sức quan trọng đối với các thẩm phán được phân công giải quyết vụ án và thư ký làm nhiệm vụ tổng hợp hình sự bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết vụ án cũng như toàn bộ quá trình tố tụng xét xử vụ án.

Thực tiễn quá trình thực hiện nhiệm vụ Thư ký tổng hợp hình sự cho thấy, việc theo dõi và tính toán thời hạn tạm giam đối với các bị cáo trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án hình sự bằng phương thức thủ công trên sổ thụ lý như trước đây sẽ có những hạn chế và thiếu sót. Do đó, để giảm bớt sự thiếu sót và đảm bảo sự chặt chẽ hơn, giúp các Thẩm phán kiểm soát tốt hơn việc giải quyết vụ án đối với những trường hợp có bị cáo đang bị tạm giam, tác giả đã nghiên cứu, tìm hiểu và lập nên file exell chuyên phục vụ cho việc tính toán và theo dõi thời hạn giải quyết vụ án và thời hạn tạm giam.

Trong phạm vi bài viết, bảng theo dõi lệnh giam được mô phỏng trên file Word. Tuy nhiên, thực tế, việc theo dõi lệnh giam được lập và thực hiện trên file Exell nên kèm theo bài viết tác giả xin phép đính kèm theo file Exell để các đồng nghiệp có thể tham khảo.

Bảng theo dõi lệnh giam được thực hiện với những nội dung cụ thể như sau:

 

Họ tên bị cáo

(Điều khoản VKS truy tố)

Nhập ngày
thụ lý vụ án

Nhập ngày
hết thời hạn tạm giam theo quyết định tạm giam cũ

Nhập thời hạn tạm giam tiếp theo
 

Ngày hết
thời hạn chuẩn bị xét xử

 

Số ngày phải giam  theo quyết định tạm giam mới
 

Giam kể từ ngày
 

 

 

 

Ngày hết thời hạn tạm giam mới

 

Nhập ngày cần kiểm tra thời hạn tạm giam

 

Số ngày còn tạm giam

 

A

B

C

D

      E

(B+D-1)

F

(E-C)

G

(C+1)

H

(G+D-1)

I

   J

(H-I)

Cao Văn A

(K2-Đ255)

14/4/2023

15/4/2023

60

12/6/2023

58

16/4/2023

14/6/2023

09/6/2023

05

 

Với bảng theo dõi như trên, sau khi thụ lý hồ sơ vụ án hình sự, căn cứ vào tài liệu có trong hồ sơ vụ án thư ký tổng hợp cần cập nhật những thông tin hồ sơ thụ lý tại các mục từ A đến D. Đối với các cột E, F, G, H, J, sau khi nhập công thức và mã hóa toàn bộ các công thức tính ở các cột trên file Exell, các thông tin cần tính toán và theo dõi lệnh giam sẽ tự cho ra kết quả tính chính xác và chi tiết.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 278 BLTTHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021: “Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều 277 của Bộ luật này”.

Cụ thể, thời hạn tam giam sẽ được tính như sau:

- 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng.

- 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng.

- 02 tháng đối với tội rất nghiêm trọng.

- 03 tháng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng.

Đối với người bị can là người dưới 18 tuổi cần lưu ý: Căn cứ theo quy định tại Điều 419 BLTTHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021: “… Thời hạn tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi bằng hai phần ba thời hạn tạm giam đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên quy định tại Bộ luật này...”.

Như vậy, khi thụ lý hồ sơ vụ án hình sự, thư ký tổng hợp hình sự sẽ căn cứ vào các quy định nói trên và tài liệu hồ sơ có trong vụ án để xác định thời hạn tạm giam tiếp theo (cột D) của bảng theo dõi. Từ các dữ diệu đó, bảng Exell sẽ tính và cho kết quả thời hạn chuẩn bị xét xử đối với vụ án đang theo dõi ngày hết thời hạn tạm giam, kèm theo đó là những thông số để thư ký đề xuất lãnh đạo ra lệnh giam mới tiếp theo như: Số ngày cần tạm giam, thời gian tạm từ ngày nào, ngày hết lệnh giam mới…

Các công thức tính trên bảng Exell được lập trình cụ thể như sau:

- Thời hạn chuẩn bị xét xử = Ngày thụ lý + Thời hạn tạm giam tiếp theo – 1.

- Số ngày phải giam theo quyết định tạm giam mới = Ngày hết thời hạn chuẩn bị xét xử - ngày hết lệnh giam cũ.

- Giam kể từ ngày = ngày hết thời hạn tạm giam cũ + 1.

- Ngày hết thời hạn tạm giam mới = Giam kể từ ngày + Thời hạn tạm giam tiếp theo – 1.

- Số ngày còn tạm giam = Ngày hết thời hạn tạm giam mới – Ngày cần kiểm tra thời hạn tạm giam.

Như dẫn chứng đã đưa ra tại bảng theo dõi trên, thư ký tổng hợp đã có đầy đủ dữ liệu để đề xuất lệnh giam cụ thể như sau:

                

                                         QUYẾT ĐỊNH TẠM GIAM

                        CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ N.

       - Căn cứ các Điều 44, 109, 113, 119, 277 và 278 của Bộ luật tố tụng hình sự;

       - Căn cứ vào hồ sơ vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 95/2023/HS-ST ngày 14 tháng 4 năm 2023;

       - Xét thấy: Cần tiếp tục tạm giam bị can để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án;

                                             QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1:

Tạm giam bị can: Cao Văn A – Sinh năm 1983.

Nơi cư trú: 205 đường Hoàng A, phường B, thành phố F, tỉnh K.

Bị Viện kiểm sát nhân dân thành phố N truy tố về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" theo quy định tại khoản 2 Điều 255 Bộ luật Hình sự.

Thời hạn tạm giam là: 58 ngày, kể từ ngày 16 tháng 4 năm 2023.

Điều 2: ….                                                                                                                                                   

 

Ngày hết thời hạn tạm giam của quyết định nói trên sẽ là ngày 14/6/2023 (Cột H) (Thông tin này thư ký tổng hợp nên ghi chú trên bìa hồ sơ vụ án Nguyễn Văn A và ghi chú trên lịch làm việc để theo dõi và nhắc nhở thẩm phán khi lệnh giam gần hết).

Quá trình xây dựng đề tài là cách để tôi có thể một lần nữa khái quát lại kiến thức và hình thành kỹ năng của Thư ký trong trình thụ lý vụ án hình sự và theo dõi thời hạn tạm giam. Tôi mong rằng đề tài này sẽ là một kênh tham khảo hữu ích đối với các đồng nghiệp và có thể áp dụng một số giải pháp, kinh nghiệm của bản thân tôi vào thực tiễn khi được giao nhiệm vụ tại Tòa án.

 

Tòa án tỉnh Khánh Hòa xét xử vụ án hình sự- Ảnh: Duy Hiển               

 

NGUYỄN THỊ VÂN (Thư ký TAND Tp Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa)