Lê Hoài D đã phạm tội Cướp tài sản
Qua nghiên cứu bài viết “Xác định tội danh của Lê Hoài D” của tác giả Đoàn Phước Hòa đăng trên Tạp chí Tòa án ngày 16/12/2023, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai của tác giả cho rằng: Lê Hoài D đã phạm tội “Cướp tài sản” theo quy định tại 168 BLHS năm 2015.
Thứ nhất, quan điểm cho rằng D phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 172 BLHS năm 2015” là chưa phù hợp.
Bởi lẽ: Công nhiên chiếm đoạt tài sản theo quy định trên được hiểu là hành vi công khai lấy tài sản trước sự chứng kiến của chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản mà không dùng đến vũ lực hay bất cứ thủ đoạn nào nhằm đe dọa, uy hiếp để chiếm đoạt tài sản. Chủ sở hữu hay người quản lý tài sản biết rõ người chiếm đoạt và hành vi chiếm đoạt đó nhưng không thể làm gì hay ngăn chặn hành vi đó.
Theo vụ án trên, các đối tượng A, N, H, D đã sử dụng vũ lực tấn công làm cho B ngất, sau đó D đã lợi dụng việc B ngất (lâm vào tình trạng không thể chống cự) để chiếm đoạt tài sản của B gồm chiếc điện thoại trị giá 8.000.000 đồng và số tiền 2.000.000 đồng. Trong trường hợp này, hành vi chiếm đoạt của D đã sử dụng vũ lực tấn công B và khi bị chiếm đoạt B đã bị ngất tức là B không chứng kiến và không hề biết được việc D lấy tài sản của mình.
Như vậy, xét về mặt hành vi đã không thỏa mãn tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”.
Thứ hai, hành vi của D đủ yếu tố cấu thành tội “Cướp tài sản” . Cụ thể như sau:
- Nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản: Sau khi B bị đánh và ngất xỉu, D đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của B thể hiện sự lợi dụng tình trạng không thể bảo vệ tài sản của nạn nhân để thực hiện hành vi chiếm đoạt.
- Hành vi chiếm đoạt tài sản: Lê Hoài D đã lục túi quần và lấy chiếc điện thoại trị giá 8.000.000 đồng và số tiền 2.000.000 đồng của B khi B bị đánh và ngất xỉu. Hành vi này rõ ràng là thực hiện hành động chiếm đoạt tài sản của nạn nhân mà không có sự cho phép. Hành vi của D lấy tài sản trước mặt mẹ của B và sau đó ung dung rời khỏi nhà của B. Sự thực hiện một cách công khai không che giấu cho thấy tính chủ quan trong hành vi chiếm đoạt.
- Hành vi sử dụng bạo lực: Tuy mục đích ban đầu của D cùng A,N,H chỉ là giải quyết mâu thuẫn, nhưng sau khi B bị D cùng đồng bọn đánh ngất xỉu thì D đã nảy sinh ý định và chiếm đoạt tài sản của B. Việc lấy tài sản của B được thực hiện trong bối cảnh đã sử dụng bạo lực và gây thương tích trước đó. Hành vi đánh và gây thương tích tạo ra tình huống khiến B không thể chống cự và bảo vệ tài sản đã tạo điều kiện thuận lợi cho D thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của mình. Điều này thể hiện sự liên quan giữa việc sử dụng bạo lực và hành vi chiếm đoạt tài sản.
- Tạo ra hậu quả mất tài sản: Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoài D đã tạo ra hậu quả là mất điện thoại và số tiền 2.000.000 đồng của Trịnh Quốc B , tác động trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của nạn nhân.
Như vậy, hành vi sử dụng bạo lực của Lê Hoài D không chỉ gây thương tích cho nạn nhân mà còn liên quan chặt chẽ đến hành vi chiếm đoạt tài sản, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lấy điện thoại và tiền của nạn nhân.
Từ những phân tích như trên, tác giả cho rằng hành vi của Lê Hoài D đủ yếu tố cấu thành tội Cướp tài sản theo quy định tại Điều168 BLHS 2015.
Tòa án nhân dân thành phố Bà Rịa xét xử tội cướp tài sản - Ảnh: Nhật Thanh
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận