Lê Trung A phạm tội giả mạo trong công tác
Sau khi nghiên cứu bài viết "Lê Trung A phạm tội gì?" của tác giả Vũ Văn Hoàng, đăng ngày 14/3/2022, và các ý kiến trao đổi, tôi cho rằng Lê Trung A phạm tội “Giả mạo trong công tác” theo Điều 359 BLHS.
Lê Trung A là Giám đốc phòng khám đa khoa B, A thống nhất ký và cấp giấy khám sức khỏe cho khách hàng, với giá 300.000 vnđ/ 01 giấy khám sức khỏe, khách chỉ cần đưa thông tin, ảnh chân dung của khách hàng. Như vậy, mặc dù phòng khám đa khoa B có chức năng cấp giấy khám sức khỏe, trên giấy khám sức khỏe có đầy đủ nội dung theo quy định, có chữ ký, có kết luận của của bác sỹ, có đóng dấu là đúng về mặt hình thức nhưng trong trường hợp này, đối tượng cần khám sức khỏe không xuất hiện, hoàn toàn không có việc khám sức khỏe diễn ra. việc bác sỹ kết luận về sức khỏe của một người mà không biết người đó là ai, không qua bất kỳ một hoạt động chuyên môn nào, hơn nữa là không đúng với tình trạng sức khỏe của người đó thì nội dung kết luận này là giả. Do đó, hành vi cấp giấy khám sức khỏe là giả (giả về mặt nội dung).
Hành vi của ông Lê Trung A không phải là hành vi vi phạm hành chính vì theo quy định tại Điều 5 Thông tư 14/2013/TT-BYT hướng dẫn khám sức khỏe do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành thì thủ tục khám sức khỏe theo đúng quy định là người có yêu cầu khám sức khỏe phải có mặt, nộp tờ khai và giấy tờ tùy thân để cơ sở khám chữa bệnh đối chiếu các hồ sơ giấy tờ, sau đó thực hiện việc khám chữa bệnh đối với chính người đó và trả kết quả theo quy định. Khoản 1 Điều 46 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Bộ Y tế, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế để xử lý: “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Cung cấp giấy khám sức khỏe khi không thực hiện việc khám đầy đủ các nội dung theo yêu cầu…Như vậy, hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo điểm a khoản 1 Điều 46 Nghị định 117 là hành vi có thực hiện việc khám sức khỏe nhưng thực hiện sai trình tự, thủ tục, quy định theo quy định tại Điều 5 Thông tư 14/2013/TT-BYT, không phải là hành vi không khám bệnh mà cấp giấy khám sức khỏe.
Vì vậy, hành vi cấp giấy khám sức khỏe khống không phải là hành vi vi phạm hành chính mà là hành vi vi phạm pháp luật hình sự.
Đối với câu hỏi Lê Trung A phạm tội gì, tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” hay tội “Giả mạo trong công tác”, thấy rằng: Tình huống trong bài viết có nhiều điểm thỏa mãn cấu thành của cả hai tội danh trên như: Về khách thể, việc cấp giấy khám sức khỏe giả xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của Phòng khám đa khoa B, đều có thể là khách thể của cả hai tội. Về mặt chủ quan: Lỗi cả hai tội đều là lỗi cố ý trực tiếp, về động cơ, mục đích: tội “Giả mạo trong công tác” bắt buộc phải có động cơ vụ lợi, tội “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức” động cơ phạm tội không bắt buộc nhưng có thể là vì lợi ích vật chất. Hành vi khách quan đều là hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu.
Ngoài ra, về chủ thể cũng khó phân biệt. Đối với tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, chủ thể là chủ thể thường nhưng cũng có thể là người có chức vụ, quyền hạn” như: có trách nhiệm trong việc quản lý con dấu, tài liệu, giấy tờ nhưng cho mượn con dấu của cơ quan mình để người khác làm giả (đây là trường hợp xét xử về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” có áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm c khoản 1 Điều 52 BLHS “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội”). Chủ thể của tội “Giả mạo trong công tác” là chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn.
Do đó, để xác định được Lê Trung A phạm tội gì, điểm mấu chốt cần làm rõ là Lê Trung A là chủ thể của tội Làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức” hay “Giả mạo trong công tác”. Tôi cho rằng, đối với tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, người lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để làm giả không phải là người có thẩm quyền ban hành văn bản đó. Còn đối với tội “Giả mạo trong công tác”, hành vi làm giấy tờ giả phải gắn liền với chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền của người phạm tội.
Theo dữ kiện bài viết đưa ra, Lê Trung A là Giám đốc phòng khám đa khoa B, là người có chức vụ, quyền hạn, có thẩm quyền cấp giấy khám sức khỏe. Trong quá trình thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình, A đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm và cấp giấy khám sức khỏe giả. Giấy khám sức khỏe này về hình thức là do chính các bác sỹ có thẩm quyền khám chữa bệnh ký, kết luận, con dấu là con dấu thật. Nếu không phải là người có chức vụ, quyền hạn, Lê Trung A không thể làm được việc này. Vì vậy, hành vi phạm tội của A là hành vi thực hiện trong công tác, A thỏa mãn chủ thể và bị xét xử về tội “Giả mạo trong công tác” theo Điều 359 BLHS.
Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử phúc thẩm vụ án giả mạo trong công tác - Ảnh: NV
Bài liên quan
-
Bắt đối tượng tiêu thụ hàng làm giả, nhái sản phẩm tăng, giảm cân Tiến Hạnh
-
Công ty CP Đầu tư tài chính PFS làm giả văn bản của Ngân hàng Nhà nước; Kỳ 2 - Công ty Bắc Bình huy động vốn: Cơ hội hay 'cạm bẫy'?
-
Lương Văn H phạm hai tội Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản
-
Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính PFS làm giả văn bản của Ngân hàng Nhà nước để huy động vốn?
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận