Một số bất cập về việc ủy quyền trong tố tụng dân sự
Trong quá trình thực hiện hành vi tố tụng dân sự , đương sự có thể trực tiếp tham gia hoặc cũng có thể ủy quyền cho người thứ ba (bên được ủy quyền) để thực hiện hành vi tố tụng dân sự. Tuy nhiên, do pháp luật chưa quy định cụ thể nên có những vấn đề có những cách hiểu khác nhau.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 thì người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự (BLDS) là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự[1]. Như vậy, các quy định về đại diện theo ủy quyền trong BLDS (Luật nội dung) sẽ được áp dụng trong hoạt động tố tụng dân sự (Luật hình thức). Tuy nhiên, hiện nay pháp luật quy định về việc ủy uyền trong tố tụng dân sự vẫn còn một số bất cập.
1. Trong pháp luật tố tụng dân sự thì có cho phép người được ủy quyền ký đơn khởi kiện hay không?
Hiện nay có hai quan điểm khác nhau giải thích về vấn đề này, cụ thể như sau:
Quan điểm 1: Người được ủy quyền được phép ký vào đơn khởi kiện thay cho người khởi kiện (người ủy quyền), bởi lẽ:
Việc ủy quyền ký đơn khởi kiện của người khởi kiện là thể hiện đúng nguyên tắc quyền tự quyết định, tự định đoạt của đương sự. Đây là nguyên tắc cơ bản, quan trọng trong tố tụng dân sự được quy định tại Điều 5 BLTTDS năm 2015. Do đó, việc người khởi kiện ủy quyền cho người khác ký thay trong đơn khởi kiện là phù hợp với quy định của pháp luật.
Xuất phát từ nguyên tắc công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm, pháp luật không có quy định cấm người khởi kiện ủy quyền cho người khác ký đơn thay người khởi kiện nên đương sự thực hiện hoạt động ủy quyền trên là hoàn toàn không trái pháp luật.
Tạo sự công bằng giữa các chủ thể trong hoạt động tố tụng dân sự. Theo quy định tại Công văn số 38/KHXX ngày 29/3/2007 của TANDTC hướng dẫn việc pháp nhân khởi kiện và ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự có quy định: trường hợp Văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân thực hiện việc khởi kiện vụ án về tranh chấp phát sinh từ giao dịch do Văn phòng đại diện, chi nhánh xác lập thực hiện thì tại mục “người khởi kiện” ở cuối đơn khởi kiện cần phải ghi tên của pháp nhân, ghi chức vụ của người đứng đầu Văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân ký tên, ghi họ tên của người đứng đầu Văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân. Như vậy trong trường hợp này thì người được ủy quyền của cơ quan, tổ chức (Văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân) có thể ký tên và đóng dấu vào cuối đơn khởi kiện chứ không bắt buộc cơ quan, tổ chức đứng ra khởi kiện. Trong khi đó, người nhận ủy quyền của cá nhân khởi kiện thì không được ký tên vào đơn khởi kiện.
Quan điểm 2: Người khởi kiện không được phép ủy quyền cho người khác (người nhận ủy quyền) ký thay vào đơn khởi kiện, bởi lẽ:
Theo quy định tại Điều 189 BLTTDS năm 2015 và hướng dẫn tại mẫu số 23-DS (Đơn khởi kiện) ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC được ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự thì nếu người khởi kiện là cá nhân thì phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khởi kiện đó. Do đó, pháp luật không cho phép người được ủy quyền là cá nhân ký thay vào đơn khởi kiện của người khởi kiện.
Theo mục 4 của Công văn số 38/KHXX ngày 29/3/2007 của TANDTC thì pháp luật cho phép người được ủy quyền của pháp nhân (cơ quan, tổ chức) ký tên và đóng dấu tại phần cuối đơn khởi kiện. Việc quy định này không tạo ra sự thiếu công bằng giữa chủ thể là pháp nhân và cá nhân ủy quyền ký thay đơn khởi kiện. Bởi lẽ, tại cuối đơn người đứng đầu Văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân ký tên và đóng dấu khởi kiện là xuất phát từ tranh chấp phát sinh từ giao dịch do Văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân xác lập. Vì vậy việc quy định người đứng đầu được ủy quyền từ pháp nhân của mình ký đơn khởi kiện là không tạo ra sự thiếu công bằng so với chủ thể là cá nhân khởi kiện.
Khi Tòa án giải quyết vụ án thì ngoài việc xem xét các giấy tờ, tài liệu... tranh chấp ra thì Tòa án còn xem xét lời khai của đương sự. Do đó, trong đơn khởi kiện lời khai của đương sự là một trong những căn cứ để Tòa án giải quyết vụ án. Vì vậy, nếu người khởi kiện chỉ ủy quyền cho người khác ký thay đơn khởi kiện mà không trực tiếp ký đơn khởi kiện thì có thể dẫn đến hệ lụy là người khởi kiện không thừa nhận lời nội dung trình bày và yêu cầu nào đó trong đơn khởi kiện nếu việc giải quyết của Tòa án sau này không có lợi cho người khởi kiện. Do đó để ràng buộc trách nhiệm của người khởi kiện về nội dung khởi kiện của mình thì pháp luật nên quy định người khởi kiện phải ký trực tiếp hoặc điểm chỉ xác nhận vào đơn khởi kiện.
Theo quan điểm của tác giả thì quan điểm thứ 2 là hợp lý, bởi vì mặc dù việc ủy quyền ký thay đơn khởi kiện là thể hiện nguyên tắc tự định đoạt, tự quyết định của người khởi kiện đồng thời pháp luật cũng không có quy định nào cấm việc uỷ quyền trên. Tuy nhiên, để đương sự chịu trách nhiệm ràng buộc về nội dung trong đơn khởi kiện thì pháp luật cần phải quy định bắt buộc nguời khởi kiện là cá nhân phải trực tiếp ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào đơn khởi kiện.
2. Việc gửi đơn khởi kiện trực tiếp đến Tòa án có bắt buộc phải ủy quyền hay không?
Theo quy định tại Điều 190 BLTTDS năm 2015 quy định 03 hình thức gửi đơn khởi kiện cho Tòa án là: Nộp đơn trực tiếp; Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính; Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có)[2].
Pháp luật chỉ quy định hình thức nộp đơn khởi kiện trực tiếp tại Tòa án nhưng không có quy định cụ thể là bắt buộc ủy quyền khi nộp đơn khởi kiện hay không, do đó thực tế có một số Tòa án nhận đơn khởi kiện do người thân hoặc ai đó nộp thay nhưng không có giấy ủy quyền. Theo quan điểm của tác giả thì khi nộp đơn trực tiếp thì người nộp thay đơn khởi kiện cho người khởi kiện bắt buộc phải có ủy quyền. Bởi lẽ, thực tế có một số trường hợp người đứng đơn trong đơn khởi kiện không có ký đơn và không có yêu cầu khởi kiện nhưng vì lý do nào đó, người thân của họ lại ký thay và nộp đơn cho Tòa án. Do đó, để xác định người đứng đơn khởi kiện có phải có yêu cầu khởi kiện hay không thì pháp luật nên quy định khi người nộp đơn thay cho người khởi kiện trực tiếp tại Tòa án thì bắt buộc phải có ủy quyền.
3. Việc ủy quyền trong tố tụng dân sự có bắt buộc phải thực hiện đúng hình thức quy định pháp luật hay không?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 85 BLTTDS năm 2015 thì người đại diện theo ủy quyền theo quy định của BLDS là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự. Tuy nhiên, trong BLDS lại không có quy định hình thức ủy quyền là như thế nào và cũng không có văn bản hướng dẫn rõ là ủy quyền bằng lời nói hay bằng văn bản và có cần phải công chứng hoặc chứng thực hay không?
Do BLDS điều chỉnh về nhiều loại quan hệ dân sự khác nhau nên có một số giao dịch nhỏ, đơn giản thì chỉ cần hình thức ủy quyền bằng lời nói, tuy nhiên đối với giao dịch dân sự quan trọng thì pháp luật nên quy định hình thức bằng văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực để hạn chế rủi ro, tranh chấp về sau giữa người ủy quyền và người được ủy quyền. Trong hoạt động tố tụng dân sự thì để đảm bảo trách nhiệm ràng buộc giữa người ủy quyền và người được ủy quyền thì pháp luật tố tụng cần phải quy định việc ủy quyền trong tố tụng dân sự bắt buộc phải bằng văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực. Do pháp luật chưa quy định cụ thể về việc quy định ủy quyền trong tố tụng dân sự phải bằng hình thức văn bản và có công chứng hoặc chứng thực nên thực tế tại một số Tòa án đã tự tạo ra các biểu mẫu ủy quyền khác nhau, không đảm bảo tính thống nhất pháp luật. Do vậy, pháp luật cần phải quy định hình thức ủy quyền trong tố tụng dân sự và biểu mẫu kèm theo để đảm bảo tính thống nhất pháp luật.
4. Trong vụ án ly hôn thì đương sự có quyền được ủy quyền cho người khác tham gia về việc giải quyết tranh chấp tài sản, nghĩa vụ về tài sản và phần con chung trong tố tụng được không?
Về vấn đề này thì hiện nay có hai quan điểm khác nhau:
Quan điểm 1 cho rằng: Trong vụ án ly hôn thì đương sự ngoài việc không được phép ủy quyền cho người khác giải quyết ly hôn thì đương sự cũng không có phép ủy quyền cho người khác để giải quyết phần tranh chấp tài sản, nghĩa vụ về tài sản và con chung trong vụ án hôn nhân và gia đình.
Quan điểm này giải thích rằng theo quy định tại Điều 85 BLTTDS năm 2015 thì đối với việc ly hôn, đương sự không được quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình thì họ là đại diện. Do vậy, từ quy định trên thì quan điểm 1 cho rằng đối với vụ án ly hôn (bao gồm cả các phần tranh chấp khác) thì đương sự không được ủy quyền cho người khác mà phải tự đương sự tham gia tố tụng.
Quan điểm 2 cho rằng: đối với vụ án ly hôn thì đương sự chỉ không được quyền ủy quyền cho người khác ly hôn nhưng đối với các tranh chấp khác như tài sản, nghĩa vụ tài sản, con chung thì đương sự vẫn có quyền ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng, người ủng hộ quan điểm này giải thích rằng:
Theo khoản 1, khoản 2 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về giải thích từ ngữ thì hôn nhân được giải thích là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn. Còn gia đình được giải thích là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật này. Do đó, theo cách giải thích trên thì HNGĐ bao gồm nhiều vấn đề như kết hôn, ly hôn, quan hệ cha mẹ con... Vì vậy đối chiếu với quy định tại Điều 85 BLTTDS năm 2015 thì chỉ không cho phép được ủy quyền đối với ly hôn còn các vấn đề khác của hôn nhân thì vẫn cho phép đương sự được ủy quyền.
Đối với vấn đề tranh chấp ly hôn thì bắt buộc đương sự không được ủy quyền vì để Tòa án căn cứ giải quyết cho đương sự được ly hôn thì bắt buộc đương sự phải tự trình bày về mối quan hệ hôn nhân của đương sự. Chính đương sự là người hiểu rõ mối quan hệ phát sinh với bên còn lại trong quá trình chung sống của vợ chồng. Do đó, việc ủy quyền khi đương sự ly hôn sẽ không có tác dụng và không giải quyết thấu đáo của Tòa án về mối quan hệ hôn nhân của các bên đương sự. Tuy nhiên đối với vấn đề về con chung, tài sản, nghĩa vụ về tài sản trong hôn nhân gia đình thì đương sự có thể ủy quyền bởi việc ủy quyền trên không ảnh hưởng đến việc giải quyết của Tòa án về vấn đề đó.
Theo quan điểm của tác giả thì quan điềm 2 là hợp lý bởi vì luật chỉ không cho phép đương sự ủy quyền khi ly hôn còn các nội dung khác trong quá trình giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình thì đương sự vẫn có quyền ủy quyền. Hơn nữa, các nội dung khác ngoài vấn đề ly hôn mà đương sự ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng vẫn không ảnh hưởng đến giải quyết toàn diện vụ án của Tòa án.
Nói tóm lại, việc ủy quyền trong tố tụng dân sự là hoạt động tố tụng thường xảy ra khi Tòa án giải quyết vụ án dân sự. Tuy nhiên, hiện nay các quy định về ủy quyền trong tố tụng dân sự đều được đối chiếu tại BLDS nên một số vấn đề về ủy quyền trong tố tụng dân sự còn thiếu sót, chưa đầy đủ. Do hoạt động tố tụng dân sự là hoạt động đặc thù khi Tòa án giải quyết vụ việc dân sự nên pháp luật cần phải điều chỉnh riêng biệt trong BLTTDS và phải bổ sung một số một số nội dung cụ thể, các biểu mẫu kèm theo nhằm đảm bảo tính thống nhất khi Tòa án áp dụng vào thực tế giải quyết vụ án.
Phiên tòa xét xử vụ án dân sự phúc thẩm "Tranh chấp hợp đồng mua bán nhà ở tại TAND tỉnh An Giang - Ảnh: Duy Bình
[1] Khoản 4 Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
[2] Ngày 30-12-2016, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã ban hành nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Luật tố tụng hành chính 2015 về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận