Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua thủ tục hòa giải, đối thoại

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải, đối thoại là một trong những hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được hệ thống Tòa án nhân dân quan tâm chú trọng và đạt hiệu quả cao.

Quy định của pháp luật về hòa giải

Tăng cường hòa giải, đối thoại luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, được xác định trong nhiều văn kiện quan trọng về cải cách tư pháp như: Nghị quyết số: 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Kết luận số: 92-KL/TW ngày 12 – 3 – 2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ chính trị khóa IX về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Tại phiên họp ngày 15-12-2017 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Ban Chỉ đạo đã kết luận: “...giao Tòa án nhân dân tối cao triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính; đề xuất việc hoàn thiện cơ sở pháp lý và các điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và yêu cầu thực tiễn...”.

Ngày 03-10-2017, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 04/2017/CT-CA về tăng cường công tác hòa giải tại Tòa án nhân dân, đã đề ra các giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác hòa giải trong tố tụng dân sự. Đặc biệt, trong năm 2018 và 2019, thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thời gian thí điểm từ tháng 11-2018 đến tháng 9-2019). Tại các địa phương này, đã thành lập Ban Chỉ đạo thí điểm, tổ chức các Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; đào tạo Hòa giải viên; tiến hành hòa giải, đối thoại tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính và đã thu được những kết quả tích cực.

Sau gần 10 tháng thực hiện thí điểm, kết quả thí điểm đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án số 58/2020/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9 ngày 16 tháng 6 năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có ý nghĩa rất lớn trong sự cố gắng của cả hệ thống Tòa án nhân dân trong việc nâng cao hơn nữa chất lượng công tác hòa giải, đối thoại, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, cải cách hành chính; theo đó, phải bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý, tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên, khuyến khích việc giải quyết các tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại; không làm tăng bộ máy, tổ chức, biên chế của Tòa án; thu hút, huy động nguồn nhân lực chất lượng cao trong xã hội tham gia giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.

Khuyến khích đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Với đặc thù là việc tuyên truyển, phổ biến và giáo dục tại Tòa án chủ yếu được lồng ghép qua công tác chuyên môn nghiệp vụ. Vì vậy, việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng công tác chuyên môn sẽ góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Hiện nay, hình thức tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật thường được áp dụng trong thủ tục hòa giải, đối thoại là hình thức bằng miệng, tức là người chủ trì phiên hòa giải, đối thoại tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua việc truyền đạt bằng miệng các quy định của pháp luật đến các bên tham gia phiên họp, và thường mang tính chất một chiều. Trong khi trên thực tế có rất nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật khác có thể áp dụng trong phiên hòa giải.

- Đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác hòa giải, đối thoại trong việc giải quyết các tranh chấp. Khuyến khích, ưu tiên lựa chọn hòa giải, đối thoại là phương thức hòa giải tranh chấp đầu tiên khi có mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh.

- Tuyên truyển, phổ biến rộng rãi đến toàn bộ cán bộ, công chức, người dân về Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, để hiểu và thực hiện đúng, đủ và có hiệu quả.

- Cần có các văn bản hướng dẫn Luật để việc áp dụng Luật trong thực tế được dễ dàng, nhanh chóng, chính xác.

- Hàng năm cần tiến hành tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được của công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án, từ đó rút ra kinh nghiệm từ trong thực tiễn áp dụng, phát huy những kết quả đã đạt được, hạn chế những vi phạm đồng thời để xuất, giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

- Động viên, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại Tòa án. Đưa chỉ tiêu hòa giải, đối thoại thành là một chỉ tiêu thi đua khen thưởng của ngành Tòa án để tạo động lực thúc đẩy giải quyết tranh chấp thông qua thủ tục hòa giải, đối thoại, từ đó tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật đối với người dân.

Để cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất thì Tòa án nhân dân tối cao đã lựa chọn, ban hành nhiều án lệ về nhiều quan hệ tranh chấp khác nhau và cho phép Thẩm phán áp dụng án lệ trong việc giải quyết vụ án. Hơn nữa, để đàm bảo việc người dân được tiếp cận với pháp luật, tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật thì Tòa án nhân dân cũng đã đăng công khai bản án trên trang điện tử. Vì vậy, thiết nghĩ đối với những tranh chấp mang tính chất tương tự tranh chấp đang được hòa giải, đối thoại thì có thể lựa chọn việc in ấn các án lệ, bản án có tính chất tương tự để các bên khi tham gia hòa giải, đối thoại có thể được đọc, được nghiên cứu, kết hợp với hình thức tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật bằng miệng của người chủ trì phiên họp hòa giải, đối thoại sẽ mang lại kết quả nhanh chóng, hiệu quả hơn, giống như câu thành ngữ “nói có sách, mách có chứng”. Hoặc củng có thể ứng dụng công nghệ thông tin tại phiên hòa giải, đối thoại nhằm hỗ trợ cho người chủ trì phiên họp hòa giải, đối thoại khi phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, các bên tham gia phiên họp hòa giải, đối thoại có thể tra cứu các quy định pháp luật, các án lệ, các bản án đã được công khai theo những gì mà được nghe, được phổ biến để kiểm chứng, hiểu kỹ hơn.

Bên cạnh đó, cần chú trọng việc tổ chức giải đáp pháp luật thông qua các hình thức: Giải đáp bằng văn bản, giải đáp thông qua mạng điện tử, giải đáp trực tiếp hoặc thông qua điện tử.

Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật  trên các phương tiện thông tin đại chúng và đa dạng hóa các loại tài liệu tuyên truyên, phổ biến, giáo dục pháp luật, chú trọng tài liệu song ngữ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số.

 Về công tác bổ nhiệm, tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực

Việc hòa giải, đối thoại có thành hay bại, việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục có đạt hiểu quả cao hay không thì phần lớn phụ thuộc vào người thực hiện, người tham gia.

Trong đó người thực hiện tiến hành phiên hòa giải, đối thoại là người đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Trong điều kiện số lượng vụ án thụ lý của Tòa án mỗi năm đều tăng, năm sau thường cao hơn năm trước, trong khi số lượng biên chế không tăng mà còn giảm. Điều này đặt ra nhiệm vụ quan trọng trong việc tuyển chọn, đào đạo, bổ nhiệm các chức danh tư pháp tại Tòa án (Thẩm phán, Thư ký Tòa án) những người trực tiếp tiến hành phiên hòa giải, đối thoại đồng thời là người trực tiếp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đương sự, khi tuyển dụng được nguồn nhân lực tốt, đảm bảo chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng cần thiết trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ góp phần không nhỏ vào việc thành công của phiên hòa giải, đối thoại và chất lượng của công tác tuyên truyển, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Cần xây dựng cơ chế khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho Thư ký Tòa án, Thẩm phán, Hòa giải viên trực tiếp làm công tác hòa giải, đối thoại thường xuyên trau dồi kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng công việc, chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để đảm bảo tất cả đều được đào tạo kỹ năng, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Từng bước đổi mới nội dung và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cho các chức danh trong đó chú trọng tới kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong thời gian tới, việc tuyển chọn công chức vào làm việc trong hệ thống Tòa án nhân dân cần được quan tâm lựa chọn kỹ, yêu cầu về trình độ, đạo đức được để cao khi tuyển chọn, làm tốt công tác tuyển chọn, bổ nhiệm chức danh Thẩm phán, Thư ký, hòa giải viên.

Cần mạnh dạn áp dụng các quy định về tổ chức thi sát hạch thường xuyên đối với đội ngũ Thẩm phán, Thư ký Tòa án, hòa giải viên.

Phân công, bổ nhiệm cán bộ chuyên trách thực hiện công việc biên tập tài liệu giáo dục pháp luật của Tòa án dựa trên điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh, giúp cho việc giáo dục pháp luật đạt hiệu quả hơn.

 Đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án còn hạn chế. Đa số các phiên họp hòa giải, đối thoại đều tận dụng phòng làm việc của Thẩm phán, trường hợp với những tranh chấp có nhiều đương sự tham gia thì phòng họp cơ quan là nơi được tận dụng. Tuy nhiên, như đã trình bày, số lượng vụ án cần giải quyết mỗi năm mỗi tăng, tính vụ án phức tạp, không phải lúc nào cũng đủ phòng để tổ chức phiên họp hòa giải, đối thoại. Và hiện nay khi Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực từ ngày 01-01-2021 thì việc phải có phòng để hòa giải viên tiến hành phiên họp hòa giải, đối thoại là cần thiết theo quy định của pháp luật. Vì vậy, cần chú trọng đầu tư xây dựng khu phòng họp để tổ chức phiên họp hòa giải, đối thoại. Khi  xây dựng cũng chú ý đến trang thiết bị cần thiết để phục vụ cho công việc, cần đầu tư tủ sách pháp luật hoặc máy tính để phục vụ cho công việc tra cứu văn bản pháp luật được nhanh chóng và có hiệu quả. Từ đó giúp cho công việc hòa giải, đối thoại trở nên thành công, mang lại hiệu quả trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Bên cạnh đó, có những tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại mà giá trị tranh chấp vô cùng lớn. Việc giải quyết tranh chấp thông qua công tác xét xử của Tòa án sẽ rất mất thời gian, tiền của và công sức đi lại, chưa kể có những vụ án tranh chấp bị hủy, sửa nhiểu lần, gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế cho các bên đương sự. Vì vậy, cần có một cơ chế mở về kinh phí đối với các phiên hòa giải, đối thoại thành, phù hợp với giá trị tranh chấp, công khai để khuyến khích, tạo động lực cho người tiến hành hòa giải, đối thoại, đồng thời ngăn chặn những tiêu cực có thể xảy ra nếu có. 

 Quán triệt các văn bản chỉ đạo, các quy định về công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức về vai trò của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Tiếp tục quán triệt đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật tới từng cán bộ, công chức Tòa án. Xác định rõ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, để từ đó góp phần tạo chuyển biến căn bản về ý thức tôn trọng pháp luật và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân.

Đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân thông qua công tác xây dựng và hướng dẫn Luật

Khi hệ thống pháp luật được hoàn thiện, áp dụng thống nhất thì sẽ không gặp tình trạng hiểu không đúng, không đầy đủ quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho người dân dễ hiểu, dễ áp dụng quy định pháp luật trong cuộc sống, hạn chế tranh chấp có thể xảy ra.

Dù là giải pháp nào thì để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn chủ yếu xoay quanh việc hoàn thiện về pháp luật tố tụng có liên quan, bên cạnh đó là hướng tới hoàn thiện về kỹ năng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người tiến hành hòa giải, đối thoại; đổi mới hình thức, biện pháp của công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, cũng như tăng cường hơn nữa nhận thức của chính các bên đương sự trong quan hệ pháp luật có tranh chấp.

* Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai

Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải, đối thoại TAND tỉnh Bình Dương tham gia hòa giải một vụ tranh chấp dân sự - Ảnh: Tâm Trang

NGUYỄN TIẾN SỸ*