Nếu không có số tiền 136.000.000 đồng thì có căn cứ để xác định bị cáo phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản không?
Sau khi đọc bài “Tiền bồi thường có thể được coi là vật chứng của vụ án không” được đăng ngày 10/12/2021 và một số ý kiến trao đổi của đồng nghiệp, tôi thấy còn quan điểm khác nhau, nên tôi xin có ý kiến trao đổi thêm.
Trước hết cần phải khẳng định rằng BLTTHS năm 2015 chỉ có quy định về vật chứng tại Điều 89 như sau: “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”. Ngoài ra, hiện nay không có văn bản của cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn hay giải thích thêm về thế nào là vật chứng. Cho nên việc hiểu hay lý giải thế nào là vật chứng mang tính chất lý luận sẽ dễ có quan điểm khác nhau. Vì vậy, theo quan điểm của tôi, cần làm rõ các vấn đề sau đây trên cơ sở phân tích các quy định của pháp luật và đối chiếu với thực tiễn xét xử tại Tòa án hiện nay sẽ kết luận được số tiền 136.000.000 đồng có phải là vật chứng trong vụ án không.
Thứ nhất, nếu không có số tiền 136.000.000 đồng (tức bị cáo hoặc gia đình bị cáo không nộp số tiền 136.000.000 đồng) thì có căn cứ để xác định bị cáo Giang đình Q phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” không?
Thứ hai, số tiền 136.000.000 đồng này sẽ được Tòa án C xử lý như thế nào khi xét xử vụ án.
Thứ ba, bị cáo Giang Đình Q sẽ được Tòa án C xem xét như thế nào sau khi gia đình nộp số tiền 136.000.000 đồng trong giai đoạn điều tra.
Tôi xin phân tích từng vấn đề như sau:
Vấn đề thứ nhất, nếu không có số tiền 136.000.000 đồng (tức bị cáo hoặc gia đình bị cáo không nộp số tiền 136.000.000 đồng) thì có căn cứ để xác định bị cáo Giang đình Q phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” không? Theo nội dung vụ án mà tác giả bài viết cung cấp thì “Do cần tiền để chi tiêu nên trong khoảng thời gian từ tháng 02/2017 đến tháng 11/2018, bị can Trần Thanh B, Vũ Văn T và Giang Đình Q đã nhiều lần làm giả hồ sơ để trực tiếp hoặc nhờ người khác vay tiền của Ngân hàng MB và Ngân hàng VPBank, sau đó chiếm đoạt của các ngân hàng. Cụ thể: Trần Thanh B chiếm đoạt 790.000.000 đồng, Vũ Văn T chiếm đoạt 58.000.000 đồng, Giang Đình Q chiếm đoạt 136.000.000 đồng… Ngày 24/6/2020, Tòa án C thụ lý hồ sơ vụ án Trần Thanh B, Vũ Văn T và Giang Đình Q bị Viện kiểm sát C truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại khoản 4 Điều 174 BLHS”. Với những tình tiết như vậy, có thể hiểu rõ ràng là Giang Đình Q đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cho nên dù cho gia đình bị cáo Giang Đình Q có nộp hay không có nộp số tiền 136.000.000 đồng cho cơ quan điều tra thì vẫn có đủ chứng cứ để kết luận Giang Đình Q phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Ngân hàng MB và Ngân hàng VPBank. Vì vậy, số tiền 136.000.000 đồng này không phải là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm; cũng không phải là tiền có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội.
Vấn đề thứ hai, số tiền 136.000.000 đồng này sẽ được Tòa án C xử lý như thế nào khi xét xử vụ án. Giả sử số tiền 136.000.000 đồng này là vật chứng trong vụ án. Vậy việc xử lý vật chứng phải thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 106 của BLTTHS năm 2015, như sau: a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy; b) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;c) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy”.
Đối chiếu quy định trên thì rõ ràng Tòa án C không thể tuyên: tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tịch thu và tiêu hủy số tiền 136.000.000 đồng này được. Phân tích đến đây để thấy rõ ràng hơn số tiền 136.000.000 đồng không phải là vật chứng trong vụ án được.
Vậy Tòa án sẽ xử lý số tiền 136.000.000 đồng này như thế nào. Hiện nay, sau khi BLTTHS năm 2015 có hiệu lực pháp luật thì không có hướng dẫn cụ thể về xử lý số tiền mà bị cáo hoặc người thân của bị cáo giao nộp để bồi thường hoặc khắc phục hậu quả trong giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử. Tuy nhiên, nghiên cứu Thông tư liên ngành số 987/1993/TTLN-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 21/9/1993 của Bộ Tư pháp, TANDTC, VKSDTC có hướng dẫn tại mục 2,3,4 phần III như sau:
“Việc nhận tiền, tài sản do đương sự, bị cáo hoặc người khác nộp trước khi Toà án thụ lý, xét xử vụ án được thực hiện như sau:…
2. Trong trường hợp trước khi xét xử, đương sự, bị cáo hoặc người khác nộp tiền bồi thường thiệt hai, tiền thu lợi bất chính... thì Toà án hướng dẫn họ đến nộp cho cơ quan thi hành án cùng cấp. Cơ quan thi hành án nhận tiền và cấp hai biên lai nhận tiền để họ giữ một biên lai và nộp cho Toà án một biên lại đưa vào hồ sơ.
Trong trường hợp nhận tài sản không phải là tiền, thì cơ quan thi hành án lập biên bản ghi tình trạng, chất lượng tài sản và cấp hai bản sao biên bản đó để họ giữ một bản sao và nộp cho Toà án một bản sao đưa vào hồ sơ.
3. Cơ quan thi hành án phải lập sổ riêng theo dõi việc nhận tiền, tài sản do đương sự, bị cáo hoặc người khác nộp trước khi Toà án thụ lý, xét xử. Việc gửi, quản lý tiền, tài sản đó phải thực hiện theo quy định của Nhà nước.
4. Khi bản án, quyết định của Toà án được thi hành. Việc xét xử số tiền, tài sản đã nộp trước khi Toà án thụ lý, xét xử vụ án được thực hiện theo phần quyết định của bản án, quyết định có liên quan đến số tiền, tài sản đó”.
Thực tiễn tại các Tòa án hiện nay vẫn thực hiện tương tự. Nếu bị cáo hoặc gia đình bị cáo đem tiền bồi thường hoặc khắc phục hậu quả nhưng bị hại không nhận thì các Tòa án sẽ hướng dẫn họ đến Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp để nộp số tiền này. Cơ quan thi hành án dân sự sẽ có biên lai thu tiền giao cho họ và họ sẽ nộp biên lai cho Tòa án lưu vào hồ sơ vụ án. Khi đưa vụ án ra xét xử, số tiền mà bị cáo hoặc người thân bị cáo giao nộp tại cơ quan thi hành án dân sự sẽ được Tòa án tuyên dùng để thi hành nghĩa vụ bồi thường của bị cáo trong vụ án. Trở lại vụ án trên, khi xét xử Tòa án C sẽ tuyên dùng số tiền 136.000.000 đồng để thi hành nghĩa vụ bồi thường của bị cáo Giang Đình Q cho Ngân hàng MB và Ngân hàng VPBank.
Vấn đề thứ ba, bị cáo Giang Đình Q sẽ được Tòa án C xem xét như thế nào sau khi gia đình nộp số tiền 136.000.000 đồng trong giai đoạn điều tra. Theo nội dung vụ án thì Giang Đình Q đã tác động và được gia đình nộp số tiền 136.000.000 đồng cho Cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả. Cho nên đối chiếu quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 của BLHS năm 2015, thì khi xét xử Giang Đình Q sẽ được Tòa án C xem xét cho hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả”.
Tóm lại, như đã phân tích thì có thể kết luận rằng số tiền 136.000.000 đồng không phải là vật chứng trong vụ án. Việc gia đình bị cáo Giang Đình Q nộp số tiền 136.000.000 đồng sẽ được Tòa án xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 của BLHS năm 2015 đối với Giang Đình Q.
Tòa án nhân dân huyện Quế Sơn, Quảng Nam xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” - Ảnh: Nguyễn Văn Liêm
Bài liên quan
-
Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử
-
Bảo quản, xử lý vật chứng trong quá trình điều tra, giải quyết vụ án hình sự
-
Xử lý vật chứng là tài sản chung trong các vụ án hình sự
-
Xử lý vật chứng là tài sản chung của vợ chồng trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng sử dụng vào việc phạm tội
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận