
Người vay dùng tiền lừa đảo để trả nợ, người cho vay có trách nhiệm trả lại không?
(TCTA) - Do vay nợ không có tiền chi trả, H đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của các bị hại và dùng tiền này trả nợ. Xác định trách nhiệm của người cho vay liên quan đến số tiền lừa đảo như thế nào?
Từ tháng 10/2020 đến tháng 01/2021, do cần tiền để trả nợ, Dương Hữu H nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản. H đã đưa ra thông tin gian dối rằng đang cần vốn làm ăn, biết được có lô hàng thiết bị điện tử giá rẻ, muốn vay tiền để mua về bán lại với giá cao kiếm lời. Bằng thủ đoạn này, H đã lừa vay tiền của bà N, ông T, chị L với tổng số tiền 3.500.000.000 đồng, trong đó, của bà N là: 2.300.000.000 đồng, ông T là 900.000.000 đồng, chị L là 300.000.000 đồng.
Sau khi chiếm đoạt được tiền của các bị hại, H đem đi trả nợ cho ông D số tiền 350.000.000 đồng, bà Y số tiền 500.000.000 đồng, anh B số tiền 1.500.000.000 đồng. Số tiền còn lại, H dùng tiêu xài cá nhân và đánh bạc hết.
Có đủ cơ sở khẳng định với hành vi đã thực hiện, H phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, đối với việc xác định trách nhiệm dân sự trong vụ án thì còn có các quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất: Trách nhiệm bồi thường cho các bị hại thuộc về bị cáo, những người được H trả nợ không liên quan và không có trách nhiệm gì trong vụ án nên không xác định tư cách tham gia tố tụng. Hành vi phạm tội được H thực hiện một mình, việc H đem tiền lừa đảo được trả cho ông D, bà Y, anh B là việc H đang tự giác trả nợ. Việc vay nợ thông qua giao dịch dân sự hợp pháp, ông D, bà Y, anh B là những không biết và không cần phải biết số tiền H trả nợ là do H phạm tội mà có. Tiền lúc này là tài sản của chủ sở hữu đã nhận, khoản tiền không còn sự quản lý của H. Tiền là vật đặc định, đã hòa trộn trong tài khoản của người nhận một cách ngay tình và được chuyển hóa qua việc thanh toán trong các giao dịch dân sự, do đó không còn là vật chứng trong vụ án nên không thu hồi trả cho các bị hại. Do đó, chỉ buộc H bồi thường cho các bị hại.
Quan điểm thứ hai: Trách nhiệm bồi thường cho các bị hại thuộc về bị cáo, tuy nhiên những người được H trả nợ có liên quan và có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền đã nhận từ H cho các bị hại, nên cần xác định tư cách tố tụng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Đây là tiền - tang vật của vụ án cần phải thu hồi để hoàn trả cho người bị hại. Bởi theo khoản 2 Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015 và điểm b khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về việc trả lại tài sản bị chiếm đoạt, vật chứng cho chủ sở hữu. Mặc dù ông D, bà Y, anh B không biết số tiền đó là do phạm tội mà có, là người thứ ba ngay tình nhưng trong vụ án hình sự, vật chứng phải được xử lý theo quy định tại Điều 47, 48 Bộ luật Hình sự năm 2015, Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Trên đây, là các quan điểm khác nhau về việc xác định trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự, tác giả rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ quý bạn đọc./.
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử trực tuyến. Nguồn ảnh: Internet.
Bài liên quan
-
Một số bất cập đối với hoạt động bào chữa, bảo vệ trong các vụ án hình sự về phòng, chống tham nhũng của luật sư
-
Bàn về các tình tiết của vụ án hình sự và các tình tiết do Bộ luật Hình sự quy định
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Đình chỉ vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đề xuất mô hình Tòa án 3 cấp khi bỏ đơn vị hành chính cấp huyện
-
Trao đổi ý kiến về bài viết “bên đặt cọc hay bên nhận đặt cọc có lỗi?”
-
Không áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ đối với Tạ Tấn P
-
Người khởi kiện có bắt buộc xác nhận địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện hay không?
-
Người vay dùng tiền lừa đảo để trả nợ, người cho vay có trách nhiệm trả lại không?
Bình luận