Nguyễn Hải K phạm tội trộm cắp tài sản
Sau khi đọc nội dung bài viết “Nguyễn Hải K phạm tội gì?” của tác giả Dương Thị Hồng Ngát đăng trên Tạp chí TAND điện tử ngày 02/11/2021 tôi đồng tình với quan điểm Nguyễn Hải K phạm tội trộm cắp tài sản.
1.Đối với quan điểm cho rằng Nguyễn Hải K phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo chúng tôi là không phù hợp. Trong cấu thành của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì dấu hiệu “Dùng thủ đoạn gian dối” là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản. Thông tin giả là thì người đưa ra thông tin đó là người chủ động và có ý thức trong việc đưa ra thông tin đó.
Trong vụ án trên khi thực hiện 4 chuyến hàng đúng lần đầu đó không phải là thông tin giả do K đưa ra mà đó là thông tin thật và K hoàn toàn không lấy 4 chuyến hàng thật đó làm thông tin giả để tạo ra niềm tin cho thủ kho để chiếm đoạt hàng mà điều quan trong đó là người thủ kho đã không kiểm tra hàng nên đã để lọt 2 thùng hàng, nếu thủ kho thực hiện việc kiểm tra theo đúng chức năng nhiệm vụ thì 2 thùng hàng đó sẽ phát hiện ra. Nên trong trường hợp này thủ đoạn gian dối không thoả mãn nên Nguyễn Hải K không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
2.Đối với quan điểm cho rằng Nguyễn Hải K phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Đối với tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cấu thành cơ bản là vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó, hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có khả năng nhưng cố tình không trả; hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Nghiên cứu dữ liệu vụ án có thể thấy, việc Nguyễn Hải K bốc thêm 2 thùng hàng ngoài 30 thùng hàng không phải thông qua việc vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản thông qua hợp đồng mà Nguyễn Hải K và Trần Văn C là hai nhân viên được giao nhiệm vụ chở hàng hóa cho Công ty X và kiêm nhân viên bốc xếp và thực chất hai nhân viên này đã thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao, nên hành vi của Nguyễn Hải K không cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
3.Hành vi của Nguyễn Hải K thỏa mãn dấu hiệu “Lén lút” và “Chiếm đoạt” trong tội trộm cắp tài sản.
Thông thường thủ đoạn lén lút được thể hiện qua các dạng sau: (1) Che dấu hành vi chiếm đoạt đối với mọi người như: thực hiện hành vi vào lúc đêm khuya khi mọi người đã ngủ; chờ khi nơi giữ tài sản không còn ai trực tiếp trông coi; tìm những chỗ ít hoặc không có người qua lại để thực hiện hành vi phạm tội; (2) Chỉ che dấu hành vi chiếm đoạt đối với chủ sở hữu, người quản lý tài sản nhưng công khai hành vi chiếm đoạt của mình đối với những người khác. Thông thường việc công khai hành vi chiếm đoạt đối với những người khác thể hiện qua hai hình thức sau:
Một là, công khai sự vi phạm pháp luật của hành vi. Đó là trường hợp, người phạm tội chỉ thực hiện việc che giấu hành vi chiếm đoạt đối với chủ tài sản; còn những người khác, người phạm tội không che giấu hành vi phạm tội của mình.
Hai là, công khai thực hiện hành vi, nhưng bản chất chiếm đoạt của hành vi đã được che đậy. Đó là trường hợp, người phạm tội đã sử dụng các thủ đoạn khác nhau để che giấu bản chất tội phạm của hành vi nhưng việc thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của họ lại công khai
Hành vi của Nguyễn Hải K thỏa mãn dấu hiệu “Lén lút” trong tội trộm cắp tài sản trên hai phương diện:
Một là: Bốn chuyến hàng đầu tiên Nguyễn Hải K và Trần Văn C bốc hàng đầy đủ 30 thùng hàng, nhưng đến chuyến thứ 5 khi không có mặt Trần Văn C thì K đã bốc thêm 2 thùng hàng, nói cách khác chỉ khi không có mặt C thì K mới bốc thêm 2 thùng hàng đây là biểu hiện của dấu hiệu lén lút.
Hai là: Bốn chuyến hàng hợp pháp ban đầu và 30 thùng hàng hợp pháp của chuyến hàng thứ năm là vỏ bọc che dấu cho 2 thùng hàng bốc thêm mà Nguyễn Hải K tạo ra nhằm qua mắt nhân viên thủ kho, trường hợp này thuộc dạng công khai thực hiện hành vi, nhưng bản chất chiếm đoạt của hành vi được che đậy. Đồng thời, thủ kho trong trường hợp này đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình nên đã để K vận chuyển thêm 2 thùng hàng và chiếm đoạt.
Trên đây là quan điểm về nội dung bài viết “Nguyễn Hải K phạm tội gì?” rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ bạn đọc./.
Bài trao đổi: Nguyễn Hải K phạm tội gì?
Tòa án huyện Tiên Phước, Quảng Nam xét xử vụ án trộm cắp tài sản - Ảnh: TAND huyện Tiên Phước
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận