Nguyễn Văn A phạm tội Cưỡng đoạt tài sản
Sau khi nghiên cứu bài viết “Nguyễn Văn A phạm tội gì?” của tác giả Bùi Đức Tùng đăng ngày 09/9/2024 , tôi cho rằng Nguyễn Văn A phạm tội Cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 170 của BLHS là phù hợp.
Khoản 1 Điều 170 quy định tội Cưỡng đoạt tài sản: “Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.
Về khách thể của tội phạm, tội Cưỡng đoạt tài sản xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác. Hành vi của A đã xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp của gia đình cháu H, khi A đe dọa tinh thần nhằm chiếm đoạt tài sản.
Mặt khách quan, Hành vi cưỡng đoạt tài sản là hành vi uy hiếp tinh thần nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Có thể là đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn gây áp lực lên nạn nhân, khiến họ buộc phải giao tài sản. A không trực tiếp bắt giữ cháu H mà sử dụng cách tiếp cận, lừa cháu H để chiếm đoạt điện thoại, sau đó yêu cầu gia đình cháu chuyển tiền. A gửi nhiều tin nhắn đe dọa, yêu cầu gia đình chuyển 10 triệu đồng vào tài khoản nếu không cháu H sẽ không được về nhà, gây áp lực về tâm lý làm gia đình cháu H, sau đó phải chuyển 2 triệu đồng do lo sợ sự an nguy của con mình. Hành vi của A chủ yếu là đe dọa yêu cầu gia đình cháu H chuyển tiền để bảo đảm sự an toàn của cháu H. Đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản qua uy hiếp, không bao gồm việc bắt giữ hay khống chế cháu H.
Mặt chủ quan, A có mục đích chiếm đoạt tài sản từ ban đầu, thể hiện qua việc đe dọa và yêu cầu gia đình cháu H chuyển tiền. Đây là yếu tố chủ quan của tội phạm cưỡng đoạt tài sản.
Tội phạm đã hoàn thành, Hành vi của A đã khiến gia đình cháu H bị uy hiếp tinh thần, lo sợ và buộc phải chuyển tiền (2 triệu đồng). Mặc dù số tiền chuyển không đúng với yêu cầu 10 triệu, nhưng tội Cưỡng đoạt tài sản đã hoàn thành khi A đã có hành vi đe dọa và chiếm đoạt được tài sản của gia đình cháu H.
Từ những điểm trên, có đủ căn cứ để xác định hành vi của A phạm tội Cưỡng đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 170 BLHS.
Việc xem xét A phạm tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 169 của BLHS theo như của tác giả là có căn cứ, tuy nhiên chưa thực sự đầy đủ và phù hợp với tính chất và mức độ của tội phạm. Bởi cấu thành tội phạm tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản cần phải có hành vi bắt giữ hoặc khống chế nạn nhân, làm cho nạn nhân không thể tự do di chuyển hoặc bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe. Trong vụ việc này, cháu H không bị bắt giữ hoặc khống chế, H vẫn có thể di chuyển và không bị hạn chế quyền tự do thân thể. Ngoài ra, tính cân xứng giữa hành vi phạm tội và mức hình phạt phải tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Việc áp dụng khoản 2 Điều 169 với khung hình phạt từ 5 đến 12 năm tù được xem xét là nặng đối với hành vi phạm tội và không tương xứng với mức độ nguy hiểm thực tế mà A gây ra.
Trên đây là quan điểm trao đổi của tôi, rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ quý độc giả và đồng nghiệp.
Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang xét xử sơ thẩm vụ án Cưỡng đoạt tài sản - Ảnh: Bắc Bình
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận