Nguyễn Văn B phạm tội Cố ý gây thương tích
Sau khi nghiên cứu bài viết “Nguyễn Văn B phạm tội Giết người hay tội Cố ý gây thương tích” của tác giả Trần Văn Minh đăng ngày 21/02/2024, tôi nhất trí với quan điểm thứ nhất, Nguyễn Văn B phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
Xem xét tích chất và diễn biến của vụ án cho thấy:
Về hành vi khách quan: Chưa thể xác định được rằng B có nhắm vào đầu, là vùng trọng yếu trên cơ thể của K hay không? Hành vi dùng dao rựa chém liên tiếp vào người K là không xác định (chém trúng vào nhiều vị trí trên cơ thể của K), với ý thức muốn ra sao thì ra, nạn nhân không bị chết nên cũng chỉ coi hành vi của B là hành vi cố ý gây thương tích.
- Về cường độ tấn công: Việc B dùng dao rựa chém liên tiếp vào người K, trong đó có 03 nhát trúng vào vùng trán kích thước lần lượt là 3.8cm x 0.3cm, 3cm x 0.3cm, 3cm x 0.2cm; vết thương ở môi; vết thương ở 2 đốt ngón tay; vết thương ở gò vùng má 0.9cm x 9.4cm, với nhiều vết thương trên cơ thể K thể hiện B không nhận thức được vị trí chém K. Với tích chất, mức độ như vậy, có thể khẳng định B không hướng đến hậu quả chết người mà chỉ nhằm gây thương tích cho cơ thể của K.
- Về mục đích: Lúc đang nhậu giữa B và K đã có lời qua tiếng lại, cãi cọ nhau, được mọi người can ngăn K đã đi về nhà. Do quên nón bảo hiểm nên K quay lại để lấy, khi thấy K đến, B nghĩ K đến gây sự nên đã dùng dao rựa chém nhiều nhát vào người K nhằm mục đích đánh cho K chừa thói vô cớ gây sự với người khác chứ không nhằm tước đoạt mạng sống của K. Nếu muốn tước đoạt mạng sống của K thì B đã tấn công dồn dập hơn, tập trung vào vị trí đầu hoặc vùng ngực của K.
- Về hậu quả: K chỉ bị tổn thương cơ thể 12%, hậu quả chết người chưa xảy ra. Trường hợp này không tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa hành vi hành hung của B với hậu quả chết người. Còn mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và tổn thương sức khỏe của nạn nhân là rất rõ. Với con dao rựa bằng kim loại dài 60cm B dùng để chém K là hung khí nguy hiểm (theo tinh thần Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003; Nghị quyết số 01/2006/TANDTC) và tỷ lệ tổn thương cơ thể của K là 12%, nên B chỉ bị định tội theo điểm đ khoản 2 Điều 134 BLHS năm 2015.
- Về yếu tố lỗi: Khi chém K, được mọi người can ngăn B đã dừng lại hành vi của mình, điều này khẳng định B không quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng, không tìm mọi cách để tước đoạt bằng được mạng sống của nạn nhân. Xét thấy, B nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, thấy được hậu quả chết người có thể xảy ra bên cạnh hậu quả tổn hại về sức khỏe cho nạn nhân. Tuy nhiên, về ý chí B không muốn hậu quả chết người xảy ra mà chỉ hướng đến mục tiêu gây ra tổn thương về sức khỏe cho K. Vì vậy có thể khẳng định, B thực hiện hành vi cố ý gây thương tích với lỗi cố ý trực tiếp.
Từ sự phân tích trên, có thể kết luận: Nguyễn Văn B đã phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 Điều 134 BLHS năm 2015.
Trên đây là quan điểm của tôi đối với bài viết “Nguyễn Văn B phạm tội Giết người hay tội Cố ý gây thương tích”, mong nhận được sự thảo luận, trao đổi của bạn đọc, đồng nghiệp./.
Tòa án nhân dân huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum xét xử vụ án Cố ý gây thương tích- Ảnh: Hoài Nam
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận