Nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng

Trong thời kỳ hôn nhân, tài sản riêng hay tài sản chung thường vẫn được sử dụng chung nên việc đã nhập tài sản riêng và tài sản chung hay chưa là vấn đề thường xảy ra tranh chấp khi ly hôn.

Điều 46 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “1. Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng. 2. Tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức đó”.

Căn cứ quy định nêu trên, việc nhập nhà ở là tài sản riêng vào tài sản chung ở thời điểm năm 2015 phải tuân theo hình thức quy định về giao dịch nhà ở quy định tại Luật Nhà ở năm 2014 là công chứng, chứng thực hợp đồng. Việc nhập quyền sử dụng đất là tài sản riêng vào tài sản chung cũng phải được công chứng và có hiệu lực từ thời điểm đăng ký. Trong thời kỳ hôn nhân, tài sản riêng hay tài sản chung thường vẫn được sử dụng chung nên việc đã nhập tài sản riêng và tài sản chung hay chưa là vấn đề thường xảy ra tranh chấp khi ly hôn. Thực tế, trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản riêng nhưng sử dụng đất làm nhà ở chung cũng chưa thể coi là đã đưa quyền sử dụng đất vào tài sản chung. Vụ án dưới đây là một ví dụ cụ thể.

1. Nội dung vụ án

Bà T và ông H là vợ chồng có đăng ký kết hôn. Diện tích đất 267,55m2 tại thửa đất số 65, tọa lạc tại phường A có nguồn gốc của vợ chồng cụ B cụ C. Ngày 26/4/2008, cụ B cụ C lập Hợp đồng tặng cho con là ông H quyền sử dụng diện tích đất nêu trên. Ngày 25/9/2008, ông H được Uỷ ban nhân dân huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2010, vợ chồng ông H bà T đã xây dựng 01 căn nhà và 07 phòng trọ trên đất. Ngày 22/7/2010, tại Văn phòng công chứng ông H lập Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất nêu trên cho cụ C; cụ C đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 17/8/2010.

Sau khi ông H và bà T ly hôn, tại giấy “Biên nhận” ngày 12/7/2011 thể hiện bà T nhận của cụ C số tiền 140.000.000 đồng (nhận theo thỏa thuận ly hôn chia tài sản với ông H); ngày 20/7/2011, bà T nhận thêm 10.000.000 đồng. Tổng cộng là 150.000.000 đồng.

Ngày 29/7/2011, bà T lập “Tờ cam kết” có nội dung: Bà xin cam kết với Ủy ban nhân dân phường và các cơ quan ban ngành có liên quan đến tài sản của bà và ông H. Trước đây, bà có tranh chấp với ông H và cụ C. Nay bà và ông H đã thỏa thuận ly hôn tự chia tài sản đã xong, bà không có tranh chấp về tài sản có liên quan đến bà; đề nghị các cơ quan liên quan tạo điều kiện cho ông H, cụ C tiếp tục làm hồ sơ chuyển nhượng hoặc thủ tục có liên quan về tài sản bình thường. Nếu sau này bà có tranh chấp bà hoàn toàn chịu trách nhiệm trước cơ quan và pháp luật.

Tại “Đơn xin rút đơn ngăn chặn” bà T gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường xin rút đơn ngăn chặn về việc chuyển nhượng đối với thửa đất số 65 do cụ C đứng tên vì bà và ông H đã thỏa thuận ly hôn, theo thỏa thuận tài sản tự chia, bà sẽ không khiếu nại về sau.

Ngày 26/6/2012, cụ C ông H và bà T lập “Văn bản thỏa thuận” thống nhất chuyển nhượng thửa đất số 65,  diện tích 267,55m2, trên đất có 01 căn nhà kiên cố cấp 2, một trệt, một lần và 07 căn nhà trọ cho bà L, giá chuyển nhượng 1.800.000.000 đồng để trang trải các khoản nợ.

Tuy nhiên, sau đó bà T khởi kiện, yêu cầu Tòa án hủy Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa ông H và cụ C vì bà T cho rằng toàn bộ diện tích đất và tài sản trên đất là tài sản chung của bà và ông H trong thời kỳ hôn nhân.

2. Quá trình giải quyết vụ án

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 47/2016/DSST ngày 20/7/2016  của Tòa án nhân dân quận K, tỉnh M đã quyết định (tóm tắt): Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là bà T, hủy Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất do ông H ký tặng cụ C được công chứng tại Văn phòng công chứng ngày 22/7/2010. Đề nghị Ủy ban nhân dân quận thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp ngày 17/8/2010 cho cụ C.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm 78/2021/DSPT ngày 30/5/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh M quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà T, hủy Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất do ông H ký tặng cụ C được công chứng tại Văn phòng Công chứng ngày 22/7/2010. Kiến nghị Ủy ban nhân dân quận thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp ngày 17/8/2010 cho cụ C để cấp lại cho ông H.

3. Quan điểm đối với vụ án

Nguồn gốc diện tích đất 267,55m2 tại thửa đất số 65 là của vợ chồng cụ B cụ C. Ngày 26/4/2008, cụ B cụ C lập hợp đồng tặng cho ông H quyền sử dụng đất trên, ông H cũng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như vậy, phần đất tranh chấp ông H được cụ B cụ C tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân. Tuy nhiên, năm 2010 ông H và vợ là bà T đã xây dựng 01 căn nhà và 07 phòng trọ trên đất. Do đó có căn cứ xác định ông H đã đưa tài sản riêng vào sử dụng chung cho gia đình.

Ngày 22/7/2010, ông H ký hợp đồng tặng cho cụ C quyền sử dụng đất nêu trên, trên đất có nhà của ông H, bà T xây dựng nhưng hợp đồng tặng cho không có ý kiến đồng ý của bà T là không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bà T. Tuy nhiên, căn cứ các nội dung thể hiện tại giấy “Biên nhận” ngày 12/7/2011,  “Tờ cam kết” ngày 29/7/2011, “Đơn xin rút đơn ngăn chặn” có cơ sở xác định đối với tài sản chung giữa bà T và ông H đã có sự thỏa thuận phân chia, nếu thỏa thuận này vô hiệu thì nhà đất mới còn là tài sản chung của ông H, bà T. Tại Biên bản phiên tòa phúc thẩm ngày 30/5/2017, đại diện theo ủy quyền của bà T cho rằng "Tờ cam kết" ngày 29/7/2011 bà T có ký và mục đích làm tờ cam kết nhằm khắc phục hậu quả cho ông H. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa làm rõ cam kết của bà T, chưa làm rõ số tiền 150.000.000 đồng bà T nhận của cụ C vì lý do gì, có việc thỏa thuận chia tài sản sau khi có quyết định thỏa thuận ly hôn hay không nhưng đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà T hủy Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa ông H với cụ C là chưa đủ căn cứ.

Trên đây là quan điểm của tác giả đối với vụ án, rất mong nhận được sự trao đổi của bạn đọc.

 

Tranh chấp tài sản là nhà đất thường rất phức tạp- Ảnh: Thái Vũ

Luật gia CHU THANH TÙNG