Những bất cập trong thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại
Các nội dung về nguyên tắc, chủ thể, biện pháp, trình tự, thủ tục thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại trong Luật thi hành án hình sự năm 2019 hiện nay còn nhiều vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện quy định về những vấn đề này.
1. Về phân loại chủ thể là cơ quan quản lý nhà nước trong thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại
Hiện nay, pháp luật chưa phân loại, chưa quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể là cơ quan quản lý nhà nước trong thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại (PNTM). Pháp nhân là đối tượng của thi hành án hình sự gồm 02 nhóm chính: Pháp nhân thương mại là doanh nghiệp và PNTM là các tổ chức kinh tế khác. Xét theo tính chất của các hoạt động giao dịch của pháp nhân, có thể phân loại hoạt động của pháp nhân thành 03 nhóm chính, bao gồm: Nhóm “hoạt động tự thân”, nhóm “hoạt động với chủ thể công” và nhóm “hoạt động với chủ thể tư”. Để xác định chủ thể và trình tự, thủ tục thi hành án hình sự đối với PNTM, có thể dựa vào 02 cách phân loại trên, hoặc dựa vào cách thức thi hành án theo loại hình phạt.
Tuy nhiên, để xác định cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong thi hành án hình sự đối với PNTM, cũng như trình tự, thủ tục thi hành án phù hợp với từng chủ thể, theo tác giả, cần căn cứ vào đặc điểm của đối tượng phải thi hành án (tức là xem xét đối tượng phải thi hành án là PNTM thuộc loại hình doanh nghiệp hay tổ chức kinh tế nào). Cụ thể như sau:
Thứ nhất, nhóm các cơ quan quản lý nhà nước trong thi hành án đối với PNTM thuộc các ngành, nghề không yêu cầu điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính (chỉ cần đăng ký doanh nghiệp là có thể hoạt động).
Đối với PNTM thuộc các ngành, nghề không yêu cầu điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, công tác theo dõi, giám sát, bảo đảm thi hành án thuộc thẩm quyền chính của cơ quan đăng ký kinh doanh các cấp và cơ quan thuế.
Hiện nay, cơ chế phối hợp liên thông điện tử tự động giữa các cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế là thông qua quy trình tạo và sử dụng mã số doanh nghiệp. Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối công khai thông tin doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật về doanh nghiệp và đầu tư. Cục Thuế công khai danh sách các doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp trên địa bàn có vi phạm pháp luật về thuế. Hình thức công khai thông tin về xử lý doanh nghiệp phạm tội của từng cơ quan được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử của mỗi ngành theo quy trình công khai thông tin điện tử riêng của từng cơ quan.
Thứ hai, nhóm các cơ quan quản lý nhà nước trong thi hành án đối với PNTM thuộc các ngành, nghề thuộc kinh doanh có điều kiện.
Đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (gồm 243 ngành, nghề theo quy định tại Phụ lục IV Luật đầu tư năm 2020), các pháp nhân muốn hoạt động cần có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, hoặc giấy phép hoạt động (tiền kiểm). Cơ quan quản lý nhà nước trong thi hành án hình sự đối với PNTM kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện là cơ quan nhà nước trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính (tiền kiểm) theo quy định của pháp luật (cơ quan có thẩm quyền cấp, thu hồi, sửa đổi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoặc giấy tờ có giá trị tương đương cho PNTM) như: Ủy ban chứng khoán (đối với các pháp nhân kinh doanh chứng khoán), ngân hàng nhà nước (đối với các tổ chức tín dụng ngân hàng).
Tuy nhiên, không phải tất cả 243 ngành, nghề trên đều được quản lý theo phương pháp tiền kiểm; nhiều ngành, nghề dần được chuyển sang dạng hậu kiểm, tức là diện kinh doanh chỉ được kiểm soát trong quá trình doanh nghiệp hoạt động thông qua thanh tra, kiểm tra, mà không nhất thiết phải kiểm tra và cấp phép trước khi hoạt động. Đối với các ngành, nghề có điều kiện kinh doanh theo chế độ hậu kiểm, việc thi hành các hình phạt (các biện pháp cấm kinh doanh, cấm hoạt động...) được thực hiện tương tự như đối với các pháp nhân tự do kinh doanh.
Thứ ba, nhóm các cơ quan quản lý nhà nước trong thi hành án đối với PNTM kinh doanh một số ngành, nghề phải thực hiện thủ tục hành chính trước khi hoạt động (giấy phép, chứng chỉ hành nghề và các giấy tờ tương đương).
Theo Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính, các thủ tục hành chính được thực hiện theo các phương thức sau: (1) Pháp nhân thương mại đề nghị cơ quan quản lý có thẩm quyền cấp giấy phép, chấp thuận, xác nhận... trước khi hoạt động (hành chính - tiền kiểm); (2) Pháp nhân đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để được hoạt động, việc đăng ký có thể cần có kết quả trả lời mới được hoạt động, hoặc không cần trả lời (sau một thời gian nhất định mà không phản hồi thì doanh nghiệp tự động được hoạt động); (3) Pháp nhân thông báo hoạt động đến cơ quan quản lý nhà nước có liên quan mà không cần cơ quan quản lý nhà nước trả lời là có đồng ý hay không (hành chính hậu kiểm) - việc thi hành các biện pháp cấm kinh doanh, cấm hoạt động được thực hiện tương tự như đối với pháp nhân tự do kinh doanh.
Như vậy, ngoài pháp nhân được thực hiện thủ tục hành chính hậu kiểm, đối với 02 hình thức hành chính tiền kiểm còn lại của pháp nhân kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện, cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật như: Cơ quan hải quan, các hãng vận tải, cảng vụ hàng không, đại lý hải quan... thực hiện các hình phạt cấm/đình chỉ hoạt động xuất nhập khẩu; ngân hàng nhà nước, cảng vụ hàng không, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán... thực hiện hình phạt đình chỉ hoạt động giao dịch tài chính.
2. Về hình thức và biện pháp thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại
Thứ nhất, về hình thức thi hành án hình sự đối với PNTM.
Theo tác giả, cần quy định cụ thể 02 biện pháp chính trong thi hành hình phạt đối với PNTM gồm: Tự nguyện thi hành và cưỡng chế thi hành. Đối với hình thức tự nguyện thi hành, cần quy định cụ thể thời hạn để PNTM tự nguyện thi hành bản án (bao nhiêu ngày); hết thời hạn này nếu PNTM không tự nguyện thi hành thì mới áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành. Theo đó, ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, PNTM phạm tội có nghĩa vụ chấp hành bản án, các quyết định thi hành án của cơ quan Thi hành án và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Trường hợp pháp nhân không tự nguyện chấp hành án hoặc chấp hành án không đầy đủ thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế. Tuy nhiên, Luật thi hành án hình sự năm 2019 chưa quy định các hình thức cưỡng chế thi hành án, mà giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Trước đây, Điều 178 Dự thảo lần 6 Luật thi hành án hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2018 quy định các hình thức cưỡng chế thi hành án đối với PNTM, bao gồm: Buộc chấm dứt ngay hoạt động đã bị Tòa án đình chỉ hoặc cấm; buộc công khai thông tin về hoạt động đã bị Tòa án đình chỉ hoặc cấm trên các phương tiện theo quy định của pháp luật; niêm phong, tạm giữ tài liệu, chứng từ, dữ liệu điện tử, con dấu của PNTM; phong tỏa tài khoản; kê biên tài sản. Đây là phương án tham khảo hợp lý có giá trị, do đó, cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án hình sự năm 2019 theo hướng này.
Thứ hai, về biện pháp thi hành án hình sự đối với PNTM.
Ngoài hình phạt tiền, thì các hình phạt còn lại đều có chung đặc điểm là hạn chế quyền thực hiện một, một số, hoặc tất cả các hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, áp dụng hình phạt đối với pháp nhân là tác động tới hành vi của người đại diện hoặc hành vi của đối tác (hoặc cả hai) để đình chỉ, tạm đình chỉ, cấm, đình chỉ vĩnh viễn một (hoặc một số, toàn bộ) hoạt động (lĩnh vực) của PNTM.
Tác giả cho rằng, có thể phân loại hoạt động của PNTM thành 03 nhóm như sau:
- Nhóm “hoạt động tự thân”: Các hoạt động PNTM tự làm mà không cần phối hợp hay giao dịch với bất kỳ chủ thể thứ hai nào (như vận hành máy móc, tự sản xuất, gia công, hoạt động điều hành, quản lý doanh nghiệp...). Đây là loại hoạt động mang tính vật lý diễn ra tại trụ sở (sản xuất, vận chuyển, xây dựng, vận hành, điều hành... doanh nghiệp), nên trách nhiệm thi hành án đối với loại hoạt động này hoàn toàn thuộc về cơ quan Thi hành án hình sự chuyên trách (áp dụng các biện pháp để giám sát/cấm/đình chỉ các hoạt động này tại trụ sở doanh nghiệp). Cơ quan Thi hành án niêm phong máy móc, nhà xưởng và cử người giám sát để dừng hoạt động sản xuất của PNTM.
- Nhóm “hoạt động với chủ thể công”: Các hoạt động có giao dịch với cơ quan nhà nước. Cơ quan Thi hành án hình sự chuyên trách cần gửi thông báo đến cơ quan nhà nước tương ứng (mà doanh nghiệp đang có hoặc sẽ có hoạt động giao dịch), để yêu cầu cơ quan nhà nước dừng, tạm dừng, hoặc đình chỉ vĩnh viễn hoạt động đối với PNTM theo hình phạt áp dụng. Ví dụ: Doanh nghiệp phải thi hành hình phạt cấm mua bán, phát hành chứng khoán thì cơ quan Thi hành án yêu cầu Ủy ban chứng khoán nhà nước cấm hoạt động mua bán, phát hành chứng khoán của doanh nghiệp.
- Nhóm “hoạt động với chủ thể tư”: Các hoạt động có giao dịch với một bên chủ thể tư (như mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, thuê mướn lao động, chuyển quyền sở hữu đối với tài sản...).
Đây là loại hoạt động phức tạp nhất trong thi hành án hình sự đối với PNTM. Vì pháp nhân thực hiện giao dịch với bên thứ hai là chủ thể tư nên một mặt, cơ quan thi hành án yêu cầu doanh nghiệp phải tự nguyện thực hiện hình phạt, mặt khác, cơ quan thi hành án cần có hình thức thông báo rộng rãi đến các chủ thể tư và công chúng nội dung: Toàn bộ các giao dịch được pháp nhân thực hiện trong phạm vi bị cấm/đình chỉ (theo bản án) đều bị coi là vô hiệu, nếu cá nhân hoặc pháp nhân (chủ thể tư) vẫn cố tình giao dịch thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Như vậy, tùy thuộc vào đặc điểm của các loại hoạt động của PNTM, cần xác định hình thức và biện pháp thi hành án hình sự phù hợp, trong đó:
- Việc thi hành hình phạt liên quan đến “hoạt động tự thân” của PNTM nên giao cho cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan Thi hành án hình sự cấp quân khu.
- Việc thi hành hình phạt liên quan đến “hoạt động với chủ thể công” của PNTM nên giao, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước chủ trì đối với ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện (đối với PNTM kinh doanh có điều kiện) và giao cho cơ quan nhà nước trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính (đối với PNTM phải thực hiện thủ tục hành chính - tiền kiểm) ngừng/hạn chế/từ chối/cấm/đình chỉ hoặc xử lý các hoạt động theo mức hình phạt tương ứng đối với PNTM.
- Việc thi hành hình phạt liên quan đến các “hoạt động với chủ thể tư” của PNTM cần thông qua các cơ chế phối hợp, giám sát và kiểm soát phù hợp, linh hoạt như: Yêu cầu pháp nhân báo cáo, cơ quan quản lý từ chối giao dịch liên quan, thông báo rộng rãi tới các chủ thể tư để buộc chủ thể tư phải dừng các giao dịch bị cấm, nếu vẫn giao dịch thì giao dịch đó bị vô hiệu và có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Về nguyên tắc thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại
Điều 4 Luật thi hành án hình sự năm 2019 quy định về 08 nguyên tắc thi hành án hình sự. Tuy nhiên, các nguyên tắc này mới chỉ được nghiên cứu dựa trên chính sách thi hành án hình sự áp dụng đối với cá nhân phạm tội. Tác giả cho rằng, nguyên tắc thi hành án đối với PNTM cần bao hàm các vấn đề có tính ảnh hưởng rộng lớn đối với kinh tế, chính trị, xã hội, cụ thể là:
Thứ nhất, việc thi hành án đối với PNTM không chỉ ảnh hưởng đến PNTM phải chấp hành bản án, mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, cá nhân, tổ chức liên quan.
Thứ hai, cần xem xét, tính toán kỹ lưỡng về hậu quả pháp lý khi thi hành hình phạt đối với PNTM phạm tội, đặc biệt là PNTM có quy mô hoạt động lớn. Bởi lẽ, hoạt động của PNTM liên quan đến rất nhiều yếu tố như: Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; quyền lợi của chủ nợ đối với pháp nhân; quyền lợi, việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… của người lao động…
Thứ ba, cần chú ý việc giải quyết hậu quả pháp lý sau khi thi hành án đối với PNTM, nhất là đối với chủ nợ, quyền lợi của người lao động… theo Luật phá sản khi PNTM bị áp dụng hình phạt đình chỉ vĩnh viễn. Theo đó, cần cân nhắc đến các vấn đề phát sinh như: Chi phí phá sản; khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể; khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản; nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ…
Theo Kiemsat.vn
Cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm - Ảnh MH
Bài liên quan
-
Hoàn thiện một số quy định của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự
-
Một số vướng mắc trong quy định của pháp luật về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với các tội xâm phạm sở hữu trí tuệ
-
Nghị định mới quy định chi tiết một số điều của Luật Thi hành án hình sự
-
Quy định của Bộ Chính trị về bảo vệ cơ quan, tổ chức, người thi hành công vụ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận