Những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng Điều 178 BLHS về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
Tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại Điều 178 BLHS năm 2015. Trong thực tiễn việc áp dụng các quy định của pháp luật để giải quyết loại tội này đã nảy sinh vướng mắc, khó khăn, các quan điểm khác nhau cần tháo gỡ như việc xác định tài sản bị xâm phạm, xác định tội danh, giá trị tài sản bị hủy hoại…
1. Những khó khăn, vướng mắc
1.1 Vấn đề định tội danh
Qua nghiên cứu và xuất phát từ công tác thực tiễn, chúng tôi nêu một số bất cập, vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật khi xử lý hành vi cắt dây cáp truyền dẫn thông tin liên lạc để luận giải cho vấn đề này.
Thực tế, khi xử lý hành vi này nổi lên hai chiều quan điểm liên quan đến việc định tội danh, đó là tội “trộm cắp tài sản”, hoặc là tội “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”. Cơ sở để mỗi chiều quan điểm đưa ra khi lập luận định tội danh cho hành vi này là mặt chủ quan và khách thể trong bốn yếu tố cấu thành tội phạm. Theo đó: Quan điểm lập luận hành vi cắt dây cáp thông tin liên lạc cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” cho rằng: Ý thức chủ quan của người phạm tội chỉ hướng đến là mục đích vụ lợi (nhằm bán lấy tiền) nên hành vi này phải bị xử lý về tội “Trộm cắp tài sản”, theo quy định tại Điều 173 BLHS mới sát đúng với bản chất vụ án, thỏa mãn được các yếu tố cấu thành tội phạm về mặt lý luận.
Quan điểm lập luận hành vi cắt dây cáp thông tin liên lạc cấu thành tội “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” thì cho rằng: Hành vi cắt trộm dây liên lạc đang sử dụng vừa gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu vừa gây thiệt hại cho an toàn thông tin liên lạc, vì đối tượng tác động ở đây là tài sản và đồng thời là phương tiện thông tin liên lạc nên mặc dù người phạm tội chỉ hướng đến là mục đích vụ lợi (nhằm bán lấy tiền) nhưng cần phải xác định khách thể bị xâm hại trực tiếp là sự an toàn thông tin liên lạc do đó cần phải xử lý về tội “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo quy định tại Điều 178 BLHS mới thể hiện được đầy đủ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi.
Thực tế này cũng đã phát sinh trong quá trình xử lý án của các cơ quan tiến hành tố tụng huyện H với các đơn vị tố tụng khác ngoài địa bàn. Ví dụ cụ thể: Trong khoảng thời gian từ ngày 27/10/2018 đến ngày 02/12/2018, Nguyễn Nam K (sinh năm 1992) và Lê Đức H (sinh năm 1994), cùng trú xã Đại Hưng, huyện Đ, tỉnh Q, đã bàn bạc và cùng nhau chuẩn bị sẵn công cụ, phương tiện đợi đêm tối đi đến các địa điểm có đường dây cáp thông tin liên lạc chạy dọc theo ven đường nhưng thưa dân cư ở địa bàn huyện H, thành phố Đ và huyện Đ, tỉnh Q cắt dây cáp điện thoại và cáp quang của Công ty điện thoại II Viễn thông N, sau đó đem đi đến địa điểm khác đốt lấy lõi đồng rồi mang bán cho các địa điểm thu mua phế liệu lấy tiền tiêu xài cá nhân. Mặc dù cùng một hành vi như vậy nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng huyện H, thành phố Đ thì xử lý về tội “Hủy hoại tài sản” nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng của huyện Đ, tỉnh Q lại xử lý về tội “Trộm cắp tài sản”. Do đó bản thân các bị can cũng không hiểu được lý do vì sao mình lại bị xử lý ở các tội danh khác nhau như vậy.
Theo chúng tôi để xác định tội phạm phải căn cứ vào các dấu hiệu cấu thành của tội đó. Cùng là hành vi cắt trộm đường dây liên lạc nhưng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội nào thì xử theo điều luật quy định về tội phạm đó. Bất cứ tội phạm cụ thể nào cũng đều xâm hại đến một hoặc nhiều quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Có tội phạm chỉ có một khách thể trực tiếp, cũng có tội phạm có nhiều khách thể trực tiếp. Mặt khác, có tội phạm xâm hại đến nhiều quan hệ xã hội nhưng không phải tất cả những quan hệ xã hội bị xâm hại đều được coi là khách thể trực tiếp. Trong trường hợp nhiều quan hệ xã hội cùng bị gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thì quan hệ xã hội được coi là khách thể trực tiếp là quan hệ xã hội mà sự gây thiệt hại cho quan hệ xã hội đó khi căn cứ vào tất cả các mặt như tính chất quan trọng của quan hệ xã hội, mức độ bị gây thiệt hại, mục đích chủ quan của người phạm tội... thể hiện được đầy đủ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi.
Với lập luận đó, có thể xác định: Hành vi cắt trộm dây liên lạc đang sử dụng vừa gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu vừa gây thiệt hại cho an toàn thông tin liên lạc, vì đối tượng tác động ở đây là tài sản và đồng thời là phương tiện thông tin liên lạc. Vì vậy, cùng là hành vi cắt trộm đường dây liên lạc nhưng hành vi này chỉ xâm phạm đến đường dây liên lạc của một hộ gia đình thì chỉ cấu thành tội trộm cắp tài sản. Còn hành vi cắt trộm khác xâm phạm đến đường dây liên lạc của một thôn, một xã..., gây tê liệt cả hệ thống liên lạc của một thôn, xã… thì cấu thành tội hủy hoại tài sản, vì ở đây xác định khách thể bị xâm hại trực tiếp là sự an toàn thông tin liên lạc mới thể hiện được đầy đủ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi.
1.2 Vấn đề tài sản bị xâm hại trong vụ án huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
Khoản 1 Điều 178 BLHS quy định “Người nào huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác giá trị từ 2.000.000 đồng....”.
Vì vậy đối với dấu hiệu “Tài sản thuộc sở hữu của người khác” không xác định rõ thì cũng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề giải quyết.
Ví dụ: Trần Văn H và Nguyễn Thị N là chồng vợ hợp pháp, có 2 con (lớn 5 tuổi, nhỏ 1 tuổi). Vào 22 giờ ngày 8/3/2018, sau khi đi nhậu cùng với một số bạn về, H không thấy vợ ở nhà, do mâu thuẫn với vợ từ trước, bản thân cũng có rượu trong người nên H đã châm lửa đốt vào mái nhà của mình. Khi phát hiện nhà của H bị cháy, mọi người xung quanh chạy đến và kéo được H ra khỏi nhà và tiến hành dập lửa, nhưng do lửa to nên đã làm cháy toàn bộ ngôi nhà gỗ của hai vợ chồng, ngoài ra còn làm cháy một trại nuôi gà của ông D (ở sát nhà H). Tổng thiệt hại về tài sản do hành vi của H gây ra là 40 triệu đồng (trong đó tài sản chung của hai vợ chồng H là 37 triệu đồng; tài sản của ông D là 3 triệu đồng). Sau đó, H bị bắt và bị truy tố, xét xử về tội tội “Huỷ hoại tài sản” theo khoản 1 Điều 178 của BLHS. Trường hợp trên có nhiều ý kiến khác nhau.
Ý kiến thứ nhất cho rằng H không phạm tội “Huỷ hoại tài sản”. Bởi vì H tự đốt nhà mình nên không phạm tội “Huỷ hoại tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 178 của BLHS vì tài sản bị huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng là tài sản của người khác, như vậy ngôi nhà mà H đốt là tài sản của gia đình H chứ không phải của người khác nên H không phạm tội. Còn đối với trại nuôi gà của ông D, thì H không cố ý đốt tài sản này, vì theo quy định tại Điều 178 BLHS, yếu tố lỗi cố ý là bắt buộc.
Ý kiến thứ hai cho rằng H phạm tội “Huỷ hoại tài sản” và phải xác định thiệt hại do hành vi phạm tội của H gây ra là 21,5 triệu đồng (trong đó thiệt hại gây ra cho chị N là 18,5 triệu đồng và của ông D là 3 triệu đồng) để làm cơ sở khi xác định trách nhiệm hình sự đối với H. Bởi vì ngôi nhà thuộc sở hữu chung của hai vợ chồng (H và N), và qua xác định của cơ quan điều tra mức đóng góp vào khối tài sản chung của hai vợ chồng là ngang nhau. Vậy cần xác định chị N cũng là người bị hại, hành vi của H tự đốt nhà của mình (tài sản là khối tài sản chung của vợ chồng) là đã phạm tội “Huỷ hoại tài sản”. Như vậy, việc truy tố, xét xử H về tội “Huỷ hoại tài sản” và xác định thiệt hại do hành vi phạm tội của H gây ra là 21,5 triệu đồng là đúng pháp luật.
Theo chúng tôi, mặc dù thiệt hại mà H gây ra là 40 triệu đồng nhưng trong trường hợp này thì H chỉ phải bồi thường cho ông D (3 triệu đồng) mà thôi, vì tài sản của chị N chỉ được tính phân chia khi có yêu cầu chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân hoặc khi ly hôn (tài sản chung hợp nhất). Vì vậy, khi không có yêu cầu phân chia của chị N thì khối tài sản đó vẫn được coi là tài sản của H. Còn đối với thiệt hại về trại gà của ông D, thì H không cố ý làm hư hại tài sản này, do lỗi “vô ý”. Do đó, H không phạm tội “ Huỷ hoại tài sản”.
1.3. Vấn đề định giá tài sản bị huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng
Trong BLHS có rất nhiều tội danh quy định yếu tố giá trị tài sản bị xâm phạm (trong đó có tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản) là một trong những dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Vì vậy, việc xác định giá trị tài sản bị xâm phạm có ý nghĩa quan trọng và mang tính bắt buộc để xác định hành vi xâm phạm về tài sản có phải là tội phạm hay không. Bên cạnh đó, việc định giá tài sản còn là căn cứ để xác định khung hình phạt; đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội khi lượng hình và xác định mức bồi thường thiệt hại.
- Tài sản bị xâm hại là tác phẩm nghệ thuật, di vật, cổ vật vấn đề định giá tài sản thiệt hại như thế nào? Có phù hợp với giá trị của tác phẩm đó không? Nếu định giá không tương xứng hoặc quá lớn sẽ ảnh hưởng đến vấn đề định tội, định khung hình phạt. Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật đối với cách nhìn của mỗi người khác nhau, đối với người bình thường, ít quan tâm thì giá trị tài sản là tác phẩm đó không lớn. Còn đối với những người đam mê đối với tác phẩm nghệ thuật thì tài sản đó có giá trị rất lớn, thậm chí là vô giá.
Ví dụ: Nguyễn Văn A có mâu thuẫn với gia đình ông Trần Thanh B (Ông B là chủ tịch xã). Ngày 21/10/2018 Nguyễn Văn A đến nhà ông B gây sự và quậy phá. A đã dùng lời lẽ lăng mạ và dùng gậy đập phá làm hư hỏng một số vật dụng trong nhà B, trong đó có một bình gốm sứ, trên thân bình có in hoa văn và chữ Trung Quốc (được cho là tác phẩm nghệ thuật).
Qua lời khai của ông B: Đây là tài sản rất quý, được anh họ ở Trung quốc gửi về có giá trị hơn tỉ đồng, nên ông B đề nghị cơ quan chức năng định giá trị thiệt hại và yêu cầu Nguyễn Văn A bồi thường thiệt hại gây ra.
Hội đồng định giá tài sản tỉnh K giám định và kết luận Bình hoa văn (là tác phẩm nghệ thuật) có trị giá 79 triệu đồng.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 24/2018/HSST ngày 20/12/2018 Toà án quân sự Khu vực D Quân khu N tuyên bố bị cáo A phạm tội “Huỷ hoại tài sản”…
Về bồi thường thiệt hại: A phải bồi thường giá trị thiệt hại cho ông B là 79 triệu đồng.
Ông B không chấp nhận với bản án trên và kháng cáo, đề nghị Hội đồng định giá tài sản tỉnh K giám định lại tài sản bị thiệt hại và cho rằng giá trị chiếc bình cao hơn nhiều lần so với 79 triệu đồng đã được định giá.
Tài sản là tác phẩm nghệ thuật, di vật, cổ vật… là những tài sản không có khung giá, thậm chí là tài sản vô giá. Vì vậy việc định giá gặp nhiều khó khăn. Để việc định giá những tài sản có tính đặc thù này, Tòa án cần đề nghị các cơ quan chuyên môn như cơ quan bảo tàng hoặc khảo cổ tham gia Hội đồng định giá khi định giá đồ cổ. Căn cứ vào kết quả định giá của Hội đồng định giá, Tòa án giải quyết vụ á
- Đối với tài sản bị xâm hại là quyền “sở hữu trí tuệ”: Tài sản trí tuệ là thành quả do trí tuệ con người tạo ra thông qua hoạt động sáng tạo, bao gồm các tác phẩm văn học nghệ thuật, các sáng tạo khoa học kỹ thuật và các giống cây trồng mới.
Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với cây trồng.
Theo quy định tại Điều 115 của BLDS năm 2015, quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ… Theo Điều 105 BLDS thì tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Vậy, quyền sở hữu trí tuệ được coi là tài sản.
Vấn đề đặt ra là đối tượng phạm tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Trong đó có quyền tài sản), việc xác định thiệt hại như thế nào?
Ví dụ: Nguyễn Văn A vì mâu thuẫn với Trần Văn N nên A đập phá và đốt chiếc máy tính của N. Hậu quả làm toàn bộ chiếc máy tính bị hư hỏng (trong máy tính có công trình nghiên cứu khoa học của N). Vậy việc xác định hậu quả thiệt hại đối với loại tài sản này như thế nào?
Như vậy, vấn đề định giá của Hội đồng định giá tài sản sẽ gặp rất nhiều khó khăn, rất khó để định giá đúng giá trị của loại tài sản này. Và trong thực tế, xảy ra các vụ án xâm phạm đến tài sản là tác phẩm nghệ thuật, đồ cổ… thì Hội đồng định giá tài sản chỉ định giá mang tính chất chất tương đối và đây là vấn đề mà chúng ta cần quan tâm để trong quá trình giải quyết vụ án xác định trách nhiệm hình sự cũng như vấn đề bồi thường thiệt hại khách quan, phù hợp nhất.
Hiện nay, các hành vi xâm phạm đến tài sản của người khác một cách bất hợp pháp mà đặc biệt đối với những tài sản là sinh vật cảnh, tranh ảnh, cây cối… là một trong những vấn đề hết sức phức tạp, nhất là trong việc xác định giá trị tài sản thiệt hại. Mặc dù Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ quy định về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự đã có hướng dẫn về vấn đề này nhưng trên thực tế làm thế nào để định giá tài sản bị thiệt hại một cách khách quan, chính xác để vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu vừa làm cơ sở cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng như áp dụng đúng khung hình phạt, và việc đền bù thiệt hại đối với những người xâm phạm tài sản là công việc rất phức tạp, khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án.
2. Một số đề xuất, kiến nghị
Thứ nhất, tăng mức tối thiểu giá trị tài sản bị huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng. Thực tiễn hiện nay, tình trạng xâm phạm đến tài sản có mức hai triệu đồng diễn ra khá phổ biến (Ví dụ: Hành vi chặt một cây bạc hà cũng thiệt hại hơn hai triệu đồng) nhưng ít người bị khởi tố, điều tra, việc định lượng mức tối thiểu về tài sản bị xâm hại từ hai triệu đồng vẫn còn thấp với điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay. Vậy chúng tôi đề xuất tài sản bị huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản có mức tối thiểu từ 3 triệu đồng trở lên.
Thứ hai, với hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được quy định trong BLHS còn chung chung. Thực tiễn áp dụng hình phạt này trên thực tế cũng không nhiều đối với tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”, căn cứ vào thực tế cho thấy loại hình phạt này không khả thi. Vì vậy, chúng tôi đề xuất bỏ quy định “cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề …” tại khoản 5 Điều 178 BLHS.
Thứ ba, do còn nhiều quan điểm khác nhau về tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” và tội “Trộm cắp tài sản” như đã đề cập như trên, đồng thời đây là loại tội phạm phát sinh nhiều trong thực tế nên thiết nghĩ Hội đồng thẩm phán TANDTC cần sớm ban hành Nghị quyết để hướng dẫn cụ thể đối với hành vi này, tránh sự chồng chéo trong nhận thức khi áp dụng pháp luật giữa các cơ quan tiến hành tố tụng dễ dẫn đến lượng án bị hủy sửa phát sinh tăng trong thời gian đến, góp phần đắc lực cho công cuộc đấu tranh, phòng chống tội phạm trong tình hình mới.
Thứ tư, chế tài của tội cố ý làm hư hỏng tài sản được đặt chung với chế tài của tội hủy hoại tài sản (Điều 178) là chưa thật phù hợp. Tách Điều 178 BLHS thành hai tội riêng biệt, đó là “Tội hủy hoại tài sản” và “Tội cố ý làm hư hỏng tài sản” và xây dựng chế tài hình phạt của hai tội này khác nhau. Mặt khách quan của hai tội danh trên cơ bản là giống nhau, việc định tội danh phần lớn căn cứ vào mức độ thiệt hại. Thiệt hại một phần - cố ý làm hư hỏng, tiêu hủy hoàn toàn - hủy hoại. Như vậy, rõ ràng hủy hoại có mức độ nguy hiểm cao hơn cố ý làm hư hỏng nhưng hình phạt lại ngang nhau. Chính vì vậy cần xem xét sửa đổi theo hướng tách hai tội danh này độc lập để có cơ sở xem xét định tội và xử lý công bằng./.
TAND huyện Yên Thủy, Hòa Bình xét xử 9 bị cáo bị truy tố về tội gây rối trật tự công cộng và cố ý làm hư hỏng tài sản - Ảnh: Xuân Thiên/ BHB
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận