Phạm Trung Đ phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
Sau khi nghiên cứu bài viết “Phạm Trung Đ phạm tội gì?” của tác giả Mai Trọng Thao đăng trên Tạp chí điện tử Tòa án nhân dân ngày 19/8/2021, tôi có một số ý kiến trao đổi cùng tác giả và bạn đọc.
Tội “Cướp giật tài sản” được quy định tại Điều 171 BLHS năm 2015 với đặc điểm đặc trưng và nổi bật đó là người phạm tội lợi dụng sơ hở của chủ sở hữu, người trực tiếp quản lý tài sản (sơ hở này có thể sẵn có hoặc do người phạm tội chủ động tạo ra) để nhanh chóng giật lấy, giành lấy tài sản mà chủ sở hữu, người trực tiếp quản lý tài sản khó có thể giữ được hoặc giằng lại được (trong một khoảng thời gian rất ngắn, thường chỉ trong một vài giây là đã thực hiện xong hành vi chiếm đoạt) làm cho chủ sở hữu, người trực tiếp quản lý tài sản không kịp ứng phó. Mặc dù điều luật không mô tả cụ thể và rõ ràng về hành vi khách quan của tội cướp giật tài sản, nhưng căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội cướp giật tài sản thì người phạm tội cướp giật tài sản phải có hành vi “giật” tài sản từ tay chủ sở hữu hoặc người trực tiếp quản lý tài sản.
Do vậy, có thể khẳng định rằng, đặc trưng của tội “cướp giật tài sản” là hành vi giằng giật, tức là giằng mạnh lấy tài sản về mình một cách nhanh chóng (ngay tức khắc). Tuy nhiên, trong một số trường hợp người phạm tội muốn tạo ra yếu tố bất ngờ đối với chủ sở hữu hoặc người trực tiếp quản lý tài sản nhưng thủ đoạn phạm tội không làm cho chủ sở hữu hoặc người trực tiếp quản lý tài sản bị bất ngờ nên người phạm tội không thực hiện được hành vi giật tài sản. Để thực hiện hành vi giật tài sản, người phạm tội có thể sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau như: lợi dụng chủ sở hữu hoặc người trực tiếp quản lý tài sản không chú ý bất ngờ giật lấy tài sản; lợi dụng chủ sở hữu hoặc người trực tiếp quản lý tài sản đang bị vướng mắc hoặc đang điều khiển phương tiện giao thông để giật tài sản...
Trong khi đó, tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 172 BLHS năm 2015 là trường hợp người phạm tội lợi dụng hoàn cảnh chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản nên đã công khai chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Ví dụ: H là thợ điện dựng xe máy loại xe LEAD có giá trị 35 triệu đồng ở ria đường để trèo lên cột điện sửa chữa điện nhưng quên không rút chìa khoá. C đi qua thấy vậy liền tiến đến xe máy của H, gạt chân chống xe lên rồi nổ xe phóng đi. H ở trên cột điện nhìn thấy C lấy xe máy của mình nhưng không làm gì được. Trong trường hợp này, C đã lợi dụng việc H đang trèo lên cột điện sửa chữa điện (không có biện pháp nào ngăn cản được hành vi chiếm đoạt tài sản của C hoặc nếu có thì biện pháp đó cũng không đem lại hiệu quả, tài sản vẫn bị C lấy đi một cách công khai) để chiếm đoạt xe máy của H. Đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản một cách công khai, sau khi chiếm đoạt được tài sản, người phạm tội có thể có thêm hành vi nhanh chóng tẩu thoát.
Từ sự phân tích nêu trên và dựa theo nội dung vụ án, quan điểm của tôi cho rằng, Phạm Trung Đ phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 172 BLHS và không đồng ý với quan điểm của tác giả Mai Trọng Thao, Phạm Trung Đ phạm tội “Cướp giật tài sản” quy định tại Điều 171 BLHS. Bởi hành vi khách quan cho thấy, Phạm Trung Đ đã công nhiên chiếm đoạt tài sản của L thông qua việc lợi dụng hoàn cảnh không có khả năng ngăn cản của L đó là việc lợi dụng đoạn ngõ vắng, Đ xuống xe và cầm điện thoại L bỏ chạy (trước đó L đã đưa điện thoại cho Đ kiểm tra lại lần nữa khi L đang chở Đ đi lấy tiền mặt) trong khi đó L vẫn đang ngồi trên xe, không thể ngay lập tức đuổi theo Đ để lấy lại tài sản. Và yếu tố quan trọng để định tội danh trong trường hợp này đó là Phạm Trung Đ không có hành động “giật” chiếc điện thoại từ tay của L. Do vậy, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Phạm Trung Đ về tội danh ‘Công nhiên chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 172 BLHS năm 2015 là hoàn toàn phù hợp trên cả phương diện lý luận và thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm./.
TAND huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Ảnh: Trường Long
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận