Phạm vi kháng cáo và hiệu lực của bản án hình sự sơ thẩm trong vụ án đồng phạm có bị cáo kháng cáo toàn bộ bản án
Trong thực tiễn xét xử, việc xác định phạm vi kháng cáo và phần có hiệu lực pháp luật của bản án hình sự sơ thẩm trong vụ án đồng phạm, các bị cáo cùng nhau thực hiện hành vi phạm tội và cùng bị xét xử về một tội danh nhưng chỉ có một trong số các bị cáo kháng cáo toàn bộ bản án còn có vướng mắc và nhiều quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất, cần hiểu quyền kháng cáo bản án của bị cáo theo quy định tại khoản 1 Điều 331 BLTTHS là kháng cáo toàn bộ những nội dung của bản án liên quan đến bị cáo có kháng cáo. Những nội dung liên quan đến các bị cáo không kháng cáo được coi là phần bản án không bị kháng cáo, phần này sẽ có hiệu lực pháp luật và được đưa ra thi hành theo quy định tại Điều 343 BLTTHS.
Bởi vì, bị cáo chỉ được kháng cáo những nội dung liên quan đến họ, không có quyền kháng cáo phần của các bị cáo khác tránh trường hợp bị cáo ngoan cố, không nhận tội kháng cáo gây bất lợi cho các bị cáo khác (Ví dụ: Gây bất lợi cho bị cáo chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ vì hình phạt cải tạo không giam giữ được tính từ ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án từ đó dẫn đến việc kéo dài thời hạn được xóa án tích).
Thực tế, mặc dù một trong số các bị cáo của vụ án đồng phạm có kháng cáo toàn bộ bản án, Tòa án cấp phúc thẩm cũng chỉ xem xét những nội dung liên quan đến bị cáo đó. Đối với các trường hợp cần thiết thì Tòa án cấp phúc thẩm sẽ áp dụng Điều 345 BLTTHS để xem xét (Ví dụ: Để phù hợp với tổng thể chung vì bị cáo đầu vụ kháng cáo, được giảm nhẹ hình phạt, các bị cáo khác với vai trò thấp hơn cũng được giảm nhẹ hình phạt. Vì vậy, về bản chất, kháng cáo toàn bộ bản án của một bị cáo trong vụ án đồng phạm chính là kháng cáo toàn bộ những nội dung liên quan đến bị cáo đó trong bản án.
Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của tác giả), bị cáo kháng cáo toàn bộ bản án nên toàn bộ bản án chưa có hiệu lực pháp luật, Tòa án cấp phúc thẩm cần xem xét lại toàn bộ nội dung bản án trong đó bao gồm cả những nội dung liên quan đến bị cáo có kháng cáo và những nội dung liên quan đến các bị cáo không có kháng cáo, các quyết định liên quan đến các bị cáo không kháng cáo cũng chưa được đưa ra thi hành. Bởi vì:
Về cơ sở pháp lý, khoản 1 Điều 331 BLTTHS quy định người có quyền kháng cáo như sau: “Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm”. Như vậy, theo quy định của pháp luật, bị cáo có quyền kháng cáo bản án và cần phải hiểu quyền kháng cáo bản án của bị cáo ở đây là toàn bộ bản án sơ thẩm, tức là toàn bộ nội dung trong bản án đó như: về tội danh, điều khoản BLHS, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, hình phạt chính và hình phạt bổ sung, về biện pháp tư pháp, xử lý vật chứng, án phí… trong đó bao gồm cả những phần liên quan đến các bị cáo không kháng cáo.
Hơn nữa, xét về tính chất của vụ án đồng phạm thì đồng phạm là trường hợp các bị cáo cố ý cùng thực hiện một tội phạm, hành vi của mỗi người đều nằm trong mối liên kết thống nhất với nhau, hậu quả thiệt hại của tội phạm là kết quả chung do hoạt động của tất cả những người tham gia vào việc thực hiện tội phạm. Trong vụ án đồng phạm, các bị cáo cùng bị xét xử về một tội danh; do đó, kháng cáo của một bị cáo sẽ liên quan trực tiếp đến các bị cáo khác (Ví dụ: Nếu cấp phúc thẩm sửa tội danh hay hình phạt của một bị cáo, có thể sẽ kéo theo việc sửa tội danh và hình phạt của các bị cáo còn lại).
Việc xác định những nội dung liên quan đến các bị cáo không kháng cáo là phần bản án không bị kháng cáo, kháng nghị, hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị sẽ được đưa ra thi hành, trong khi những nội dung đó có thể bị sửa đổi trong xét xử phúc thẩm là điều không phù hợp. Kháng cáo toàn bộ bản án của bị cáo là đúng pháp luật, Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào kháng cáo để xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm theo quy định về phạm vi xét xử phúc thẩm quy định tại Điều 345 BLTTHS; vì thế, toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, chưa được đưa ra thi hành theo quy định tại Điều 339 BLTTHS.
Trên đây là một số những vướng mắc trong xác định phạm vi kháng cáo của bị cáo trong vụ án đồng phạm, kính mong nhận được sự quan tâm, trao đổi của quý bạn đọc./.
Tòa án nhân dân huyện Quế Sơn, Quảng Nam xét xử vụ án hình sự- Ảnh: Nguyễn Hồ Thu Thảo
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận