Phan Văn T phạm tội cướp tài sản theo khoản nào?

Trong tình huống dưới đây, T có hành vi rút con dao nhọn dài khoảng 30cm ra để đe dọa H và chiếm đoạt tài sản của H,tuy nhiên vấn đề đặt ra là T có “sử dụng vũ khí nguy hiểm” theo 2 Điều 168 BLHS hay không? Mong nhận được ý kiến của các độc giả.

Ngày 19/9/2022, Phan Văn T thông qua mạng xã hội đặt mua của Nguyễn Tấn H 01 điện thoại di động trị giá 20.000.000 đồng. Ngày 20/9/2022, mặc dù không có tiền nhưng Phan Văn T vẫn hẹn Nguyễn Tấn H ra quán nước tại số 14 đường TQK, phường Y, quận X, thành phố H với ý định sẽ chiếm đoạt chiếc điện thoại này. Tại đây, khi H đưa T xem điện thoại, T bỏ điện thoại vào túi quần của T, sau đó rút trong người ra 01 con dao nhọn dài khoảng 30cm rồi nói với H “giờ tao không có tiền trả, chỉ có cái này thôi mày có lấy không?”. Vì thấy T cầm con dao nhọn trên tay nên H sợ hãi không dám nói gì, T thấy H sợ hãi không dám nói gì nên rời khỏi quán mang theo chiếc điện thoại di động của H rồi đem bán được 18.000.000 đồng lấy tiền tiêu xài cá nhân. Sau khi T rời khỏi quán nước thì H đến Cơ quan Công an trình báo việc bị T chiếm đoạt điện thoại di động.

Cơ quan điều tra quận X đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Phan Văn T về tội Cướp tài sản theo quy định tại Điều 168 BLHS. Tuy nhiên về điểm, khoản áp dụng đối với T thì còn có hai quan điểm như sau:

Quan điểm thứ nhất: Do T đã sử dụng con dao nhọn dài khoản 30cm để đe dọa H, làm cho H sợ hãi không dám phản ứng để mặc cho T chiếm đoạt chiếc điện thoại di động trị giá 20.000.000 đồng nên hành vi của T đã thỏa mãn dấu hiệu của tội Cướp tài sản. Hành vi sử dụng con dao nhọn dài khoản 30 cm của T là hành vi “sử dụng vũ khí nguy hiểm”, do đó hành vi của T phải được xử lý theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 168 BLHS.

Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả: Mặc dù T đã rút con dao nhọn dài khoản 30cm ra để đe dọa H và chiếm đoạt tài sản của H, tuy nhiên hành vi này không phải là hành vi “sử dụng vũ khí nguy hiểm” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 168 BLHS. Bởi vì, hành vi “sử dụng vũ khí nguy hiểm” phải là hành vi nhằm khai thác tính năng, tác dụng của vũ khí đó như sử dụng súng là lên đạn, bóp cò; sử dụng lựu đạn là rút chốt, giật nụ xùy; sử dụng dao là đâm, chém, chặt, cắt…; nếu chỉ dùng vũ khí để uy hiếp làm tê liệt ý chí của nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi này chỉ là dấu hiệu thuộc cấu thành cơ bản của tội cướp. Rõ ràng trong tình huống trên, T chỉ dùng con dao nhọn dài khoản 30cm để uy hiếp làm tê liệt ý chí của H nhằm chiếm đoạt tài sản của H, vì vậy hành vi của T chỉ thỏa mãn dấu hiệu của tội Cướp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 168 mà thôi.

Trên đây là tình huống pháp lý và các quan điểm giải quyết, rất mong nhận được trao đổi của quý bạn đọc./.

 

TAND huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi xét xử vụ án “Cướp giật tài sản” - Ảnh: Đặng Ngọc Hoàng

 

TRẦN QUANG THÁI (Tòa án quân sự khu vực Quân khu 7)