Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm tiền giả tại Việt Nam hiện nay
Tội phạm sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, gây ra những hệ lụy tiêu cực đến sự phát triển của đất nước, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự là một thách thức lớn hiện nay. Nhận diện và đề ra giải pháp đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm nguy hiểm này đang được đặt ra một cách cấp bách.
Diễn biến phức tạp
Tội phạm làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả gây ra nhiều hệ quả phức tạp từ việc làm giảm giá trị đồng tiền Việt Nam, gây ảnh hưởng đến vấn đề an ninh tiền tệ, gây ra những xáo trộn về tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn. Mặc dù thời gian qua, Nhà nước, Bộ Công an và các lực lượng chức năng đã có nhiều hành động quyết liệt nhằm kiểm soát, đầy lùi loại tội phạm này, tuy vậy, số lượng, tính chất phức tạp của loại tội phạm này chưa giảm và đang có những diễn biến ngày càng phức tạp.
Tính đến năm 2018, sau 15 năm ban hành và thực hiện Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã khởi tố hơn 1.000 vụ, bắt giữ khoảng 2.000 đối tượng phạm tội về tiền giả.
Tiền giả có thể sản xuất từ nước ngoài đưa về Việt Nam tiêu thụ hoặc sản xuất ngay trong nước.
Theo Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, năm 2019, lực lượng Công an Thành phố đã triệt phá nhiều vụ án lớn, bắt giữ 24 đối tượng, thu giữ 444 tờ tiền giả mệnh giá 500.000 đồng với 83 seri tiền giả, thu giữ nhiều bộ thiết bị, phương tiện, vật liệu làm tiền giả, triệt phá nhiều ổ nhóm làm tiền giả. Về mệnh giá tiền giả được sản xuất, các đối tượng sản xuất hầu hết các mệnh giá từ 5.000 trở lên, trong đó, phức tạp và phổ biến nhất là tiền có mệnh giá 100.000 đồng, 200.000 đồng, 500.000 đồng. Trong đó, có thể khái quát một số vụ án điển hình gần đây như:
Tháng 7/2019 lực lượng Công an huyện Đắk G’long, Đắk Nông bắt giữ Ngô Nguyễn Trung Hiếu (20 tuổi) về hành vi sử dụng tiền giả. Qua đấu tranh, đã bắt thêm 5 đối tượng khác, làm rõ đường dây làm, tàng trữ và lưu hành tiền giả. Các đối tượng khai nhận đã làm khoảng 1,6 tỷ đồng tiền giả và bán ra thị trường. Đối tượng Nguyễn Đức Huy (32 tuổi, trú quận 10, TP Hồ Chí Minh) trong đường dây này khai tự mình lên mạng internet học cách làm tiền giả rồi mua máy móc, thiết bị về để làm tiền giả. Sau đó, Huy thông qua các mối quan hệ và mạng xã hội bán tiền giả cho người khác tiêu thụ. Từ tháng 10/2018 đến tháng 5/2019, đã làm được hơn 1 tỷ đồng tiền giả mệnh giá 500.000 đồng. Huy bán với tỷ lệ 1.000.000 tiền thật mua được 3.000.000 đến 4.000.000 đồng tiền giả.
Ngày 21/01/2020, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Công an quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) kiểm tra nơi ở của Nguyễn Quang Bình (30 tuổi) và Vũ Duy Phương (26 tuổi, cùng trú tại quận Gò Vấp) phát hiện tại đây có nhiều tờ tiền Việt Nam mệnh giá 500 ngàn đồng, tổng số tiền tang vật thu giữ là 14,5 triệu đồng. Tổ công tác thu giữ nhiều phương tiện (máy tính xách tay, máy scan, máy in màu) dụng cụ, nguyên liệu (dao rọc giấy, thước kim loại, giấy A4, sơn xịt nhanh, keo sữa) dùng trong việc sản xuất tiền giả. Bình là đối tượng cầm đầu hoạt động in tiền giả này. Sau khi học cách sản xuất tiền giả từ internet, Bình mua máy móc và nguyên liệu về cùng Phương và các đối tượng khác sản xuất và đem đi tiêu thụ. Ngoài việc đăng tải bán trên mạng xã hội, các đối tượng còn sử dụng tiền giả này mua đồ dùng, ma túy để sử dụng.
Ngày 30/8/2020, Công an huyện Phong Điền, Cần Thơ bắt quả tang ông T.V.T. (36 tuổi, An Giang) tàng trữ tiền giả tại căn nhà thuê ở xã Mỹ Khánh. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng Công an thu giữ máy ép nhựa, máy ép nilông, 8 tờ giấy A4 in hình 22 tờ tiền Việt Nam mệnh giá 500.000 đồng và 6 tờ giấy A4 in hình 12 tờ tiền mệnh giá 200.000 đồng, 13 tờ giấy A4 in hình 52 tờ tiền mệnh giá 200.000 đồng và 4 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng đã cắt gọn.
Ngày 7/4/2020, Công an huyện Hải Hậu (Nam Định) bắt giữ Đỗ Mạnh Tường (20 tuổi, trú tại xã Trực Thắng, Trực Ninh) đang tiêu thụ tiền giả trên địa bàn. Qua khám xét đã thu giữ 7.800.000 đồng tiền giả. Tường khai nhận đã sử dụng 1.700.000 đồng tiền giả mua điện thoại. Toàn bộ số tiền giả được đặt mua toàn của Trần Hoàng Anh (18 tuổi, trú tại xã Nam Thanh, Nam Trực). Qua điều tra, lực lượng Công an đã phát hiện, bắt giữ Nguyễn Văn Tác (24 tuổi) và Cao Văn Phương (25 tuổi, đều ở huyện Giao Thủy) đang có hành vi sản xuất tiền giả. Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã thu giữ 41 tờ tiền giả mệnh giá 500.000 đồng và toàn bộ tang vật mà các đối tượng dùng để sản xuất tiền giả như giấy in, máy, mực in, phôi tiền, máy cắt giấy,…
Thủ đoạn tinh vi
Hiện nay, tiền giả được làm bằng kĩ xảo khá tinh vi, có đặc điểm giống hệt tiền thật, bằng mắt thường khó có thể phát hiện. Đặc biệt, chất lượng loại tiền polyme giả mệnh giá 100.000 đồng, 200.000 đồng, 500.000 đồng được làm gần giống với tiền thật và có nhiều loại sêri khác nhau, làm cho người tiêu dùng khó phân biệt. Phần lớn nguồn tiền giả được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới và đem đi các tỉnh để tiêu thụ. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì số lượng tiền giả ngày một tăng, mỗi năm ngân hàng thu vào hàng chục tỷ tiền Việt Nam giả, chủ yếu là các loại có mệnh giá cao.
Một đối tượng sản xuất, tiêu thụ tiền giả bị bắt tại Cần Thơ - Ảnh: TTXVN
Với tiền giả sản xuất trong nước, các đối tượng thường tự tìm hiểu về mẫu mã, cách thức bố trí họa tiết, hoa văn, chất liệu từ các loại giấy tờ gốc, sau đó học cách in giấy tờ có sẵn mệnh giá hoặc tiền. Qua các lần in, các đối tượng tự rút kinh nghiệm để có sản phẩm in ngày càng giống với giấy tờ gốc. Từ đó, tự tổ chức in để đem đi mua sắm, sử dụng để tránh thuế, phí, tự tiêu thụ tiền giả, rao bán cho những người thân quen với giá thấp hơn nhiều so với tiền thật, thậm chí, các đối tượng còn ngang nhiên rao bán tiền giả trên mạng internet, Facebook, Zalo thông qua sử dụng số điện thoại không cố định, khảo sát kỹ, tìm cách an toàn nhất khi mua bán, bàn giao tiền giả. Mặc dù các đối tượng có thể tự in ấn hoặc câu kết với nhau nhưng thường thấy nhất vẫn là phạm tội có tổ chức từ khâu chế bản, in, và tiêu thụ tiền giả.
Để lưu hành tiền giả, các đối tượng thường lợi dụng lúc sáng sớm, xế chiều trong điều kiện thiếu ánh sáng, trộn lẫn tiền giả vào tiền thật nhằm đánh lừa người khác. Nhiều đối tượng sử dụng tiền giả có mệnh giá cao mua hàng hóa có giá trị thấp, với mục đích thu về tiền thật. Một số đối tượng nhúng tiền giả vào hóa chất làm cho tờ bạc chuyển sang mầu sẫm, giống tiền cũ để người khác khó phát hiện. Các đối tượng cũng chú ý chọn địa bàn tiêu thụ như khu vực đông người chợ, khu du lịch, quán hàng đông khách mà người giao dịch bận rộn, nhiều hoạt động khác xen lẫn, hoặc khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, nơi người dân hạn chế hiểu biết về cách thức phát hiện tiền giả, hạn chế hiểu biết về tình hình tội phạm, kinh tế - xã hội, cũng như dễ dàng tẩu thoát nếu bị phát hiện. Nhiều đối tượng tạo ra tình huống làm cho cho người tiếp xúc thiếu tập trung, mất cảnh giác để giao dịch tiền giả.
Đối tượng làm tiền giả thường là những người có hiểu biết nhất định trong lĩnh vực in. Nhiều đối tượng có hiểu biết sâu, có kinh nghiệm in ấn nhiều năm, quen biết với nhiều đầu mối là cá nhân, tổ chức liên quan đến lĩnh vực in ấn,…
Các đối tượng làm tiền giả đa phần có kiến thức về tin học, biết sử dụng các phần mềm kỹ thuật, pha các nguyên liệu để tạo ra sản phẩm tiền giả giống như thật.
Một điểm đáng chú ý khác là những đối tượng làm tiền giả thường có mối quan hệ chặt chẽ với nhau từ khâu chế bản, tổ chức in, phân công tiêu thụ, rao bán, vận chuyển đến người mua. Trong đó, thường có đối tượng chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo toàn bộ đường dây. Giữa các đối tượng trong một đường dây làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả có một tỉ lệ lớn là người thân, quen, người trong gia đình, họ hàng, bạn thân. Với mối quan hệ chặt chẽ đó, các đối tượng dễ thống nhất phương thức thực hiện, che dấu hành vi vi phạm, lực lượng Cảnh sát cũng khó khai thác thông tin.
Hành vi mua và bán tiền giả, không phân biệt giá trị lớn hay nhỏ đều có thể bị xử lý hình sự về tội “làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả” theo Điều 207 BLHS năm 2015. Đã có rất nhiều vụ, các đối tượng mua bán tiền giả bị khởi tố, phải hầu tòa, tuy nhiên nguồn tiền giả này đều được mua bán từ các đối tượng nước ngoài, còn việc tự sản xuất tiền giả tại TP. Hồ Chí Minh thì đây mới là những vụ đầu tiên, chưa xét xử. Thực tế cho thấy các đối tượng ngày càng tinh vi, liều lĩnh và người chịu thiệt hại không chỉ là các nạn nhân bị lừa đảo bằng giao dịch tiền giả, mà ngay cơ quan quản lý tiền tệ cũng bị ảnh hưởng.
Các giải pháp đồng bộ
Trong những năm qua, hoạt động của tội phạm làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành các loại tiền Việt Nam giả, ngoại tệ giả, thẻ tín dụng giả, ngân phiếu giả, công trái giả, séc giả và các giấy tờ có giá giả khác (gọi chung là “tiền giả”) diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng, gây hoang mang lo lắng trong nhân dân, là nhân tố tiềm ẩn gây tác động tiêu cực đến việc hoạch định và thực hiện chính sách tiền tệ của Nhà nước. Tình hình đó đặt ra yêu cầu cấp bách cho lực lượng chức năng phải đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả với loại tội phạm này trong thời gian tới.
NHNN đã tích cực tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam thông qua các biện pháp nghiệp vụ. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh với tội phạm tiền giả và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức, cá nhân trong giao dịch tiền mặt. NHNN đã xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống và xử lý tiền giả, bảo vệ tiền Việt Nam, tạo khuôn khổ pháp lý triển khai thống nhất trong hệ thống ngân hàng, KBNN. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định: Lĩnh vực phòng, chống tiền giả và bảo vệ đồng tiền Việt Nam là lĩnh vực không mới và là nhiệm vụ thường xuyên. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề quan trọng đối với an ninh quốc gia nói chung cũng như an ninh tiền tệ nói riêng.
Tuy nhiên, cuộc chiến ngăn chặn tội phạm tiền giả phải có sự phối hợp tích cực giữa các ngành, các địa phương mới có hiệu quả. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú từng nhấn mạnh: “Để người dân tuyệt đối tin tưởng khi cầm đồng tiền trong tay là đồng tiền thật của Việt Nam, cần phải tiếp tục triển khai các giải pháp, biện pháp tích cực hơn, phối hợp chặt chẽ hơn giữa các bộ, ngành liên quan”.
Yêu cầu đặt ra là tuyên truyền phổ biến về nhận diện, cảnh giác với tiền giả trong nhân dân; tăng cường và chủ động trong công tác nắm tình hình, đánh giá đúng thực trạng hoạt động của tội phạm, tham mưu kịp thời để tổ chức các biện pháp phòng ngừa xã hội, nghiệp vụ và pháp luật.
Dù tiền giả tinh vi đến đâu cũng không thể tinh xảo, hoàn toàn giống tiền thật từ chất liệu đến kỹ thuật nên người dân thận trọng, có ý thức cảnh giác sẽ ngăn ngừa được tội phạm. Khi có nghi ngờ, người dân phải từ chối hoặc báo với cơ quan chức năng để xử lý. Thủ đoạn của các đối tượng ngày một tinh vi, đa dạng, nếu người tiêu dùng lỡ nhận phải tiền giả, vì xót của không báo cho cơ quan chức năng mà tiếp tục tìm cách tiêu thụ thì sẽ gây khó khăn cho các cơ quan chức năng chuyên trách, đồng thời góp phần tiếp tay cho tội phạm, tự biến bản thân thành người phạm tội.
Trên thực tiễn, Nhà nước chưa có văn bản chính thức nào về việc cho tuyên truyền phòng, chống tiền giả trong nhân dân, mặc dù về mặt xã hội, tội phạm về tiền giả có thể tạo ra tâm lý bất ổn trong hoạt động lưu thông tiền tệ, gây hoang mang trong quần chúng. Để chủ động trong công tác phòng ngừa, ngoài việc nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm, đã đến lúc cần mở rộng và tăng cường công tác tuyên truyền về tình hình và kết quả đấu tranh chống tội phạm về tiền giả như các tội phạm có tính chất quốc tế khác (hoạt động rửa tiền, buôn bán phụ nữ, trẻ em, ma túy, thuốc lắc… ). Làm tốt công tác tuyên truyền, người dân cảnh giác khi giao dịch bằng tiền mặt sẽ hạn chế điều kiện hoạt động của tội phạm về tiền giả.
Tuy nhiên, đó là khâu cuối cùng của quy trình sản xuất, buôn bán, tiêu thụ tiền giả, vấn đề đặt ra là phải ngăn chặn tận gốc của các đường dây tội phạm về tiền giả. Vì vậy, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về tiền giả với các nước, đặc biệt là với Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma để loại trừ những cơ sở làm tiền giả từ nước ngoài, ổ nhóm tổ chức tội phạm nguy hiểm.
Ngành Ngân hàng trong nước cần làm tốt công tác bảo vệ nội bộ, giáo dục tinh thần trách nhiệm, đồng thời trang bị kiến thức đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn việc làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, nhận biết tiền thật, tiền giả đối với cán bộ thu ngân, kho quỹ tuyệt đối không để tội phạm tiền giả lợi dụng móc nối đưa tiền giả vào Ngân hàng, Kho bạc.
Lực lượng chức năng cần tăng cường phối hợp liên ngành để phát hiện, ngăn chặn hoạt động vận chuyển tiền giả từ biên giới cũng như quá trình tiêu thụ trong nội địa. Đối với các ngành được giao nhiệm vụ quản lý biên giới, cửa khẩu biên giới cần tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát ở các cửa khẩu, tuyến biên giới cả ở trên đất liền, trên biển và luôn luôn đề cao cảnh giác để nhanh chóng phát hiện các hành vi vận chuyển tiền giả Việt Nam vào nước ta.
Các cơ quan TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Tư pháp cần hướng dẫn thực hiện hiệu quả các quy định của BLHS về xử lý tội phạm sản xuất, tàng trữ, buôn bán tiền giả.
Trong tương lai, tội phạm về tiền giả sẽ còn diễn biến hết sức phức tạp với chiều hướng gia tăng. Do đó, cần có sự nhận thức đúng và phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng cũng như quan hệ quốc tế để tạo ra các điều kiện thuận lợi cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Mặt khác, cần thường xuyên tổng kết rút ra bài học kinh nghiệm nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót đang tồn tại, xác định đúng nguyên nhân và điều kiện nảy sinh tội phạm về tiền giả để hạn chế và xóa bỏ tình trạng này.
Tiền giả được rao bán trên mạng - Ảnh: TL
Bài liên quan
-
Thực tiễn giải quyết các tranh chấp về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
-
Năm 2024 số lượng tội phạm tăng cao và diễn biến phức tạp
-
CÔNG TY TNHH MTV XSKT TIỀN GIANG
-
Công ty TNHH Công nghệ cao Polymer Q&T và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận