Quan hệ giao nhận, bảo quản tro cốt tại chùa và những vấn đề pháp lý dân sự

Sự cố nhiều hũ tro cốt bị mất di ảnh, mất danh tính xảy ra tại Chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp, TP.HCM) đặt ra vấn pháp lý dân sự. Tác giả sẽ tập trung trao đổi xung quanh các câu hỏi sau đây: Có hay không có quan hệ hợp đồng giữa các bên đã được xác lập? Nếu hợp đồng giữa các bên đã được xác lập thì hợp đồng đó là hợp đồng gì? Trách nhiệm dân sự do một bên vi phạm hợp đồng được xác định như thế nào?

Trong vụ việc xảy ra tại Chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp, TP.HCM), nhiều hũ tro cốt, di ảnh của người chết do thân nhân của người chết gửi tại nhà chùa đã bị để bừa bộn, xáo trộn và khó xác định. Trong số 883 hũ tro cốt được kiểm đếm, chỉ có 108/883 hũ tro cốt của người chết được nhà chùa tiếp nhận từ thân nhân người chết là có gắn ảnh hoặc bài vị, số lớn còn lại là không có dấu vết để nhận diện. Trong vụ việc này, nhiều vấn đề pháp lý được đặt ra, trước hết xin bàn về quan hệ dân sự.

1.Quan hệ hợp đồng giữa các bên đã được xác lập

Thân nhân của người chết đã giao và Chùa Kỳ Quang 2 đã nhận tro cốt của người chết để nhà chùa bảo quản tro cốt giúp cho nhà chùa và người thân của người chết cùng nhau chăm lo việc thờ cúng, thực hiện lễ nghi tôn giáo gắn với phong tục, tập quán nên giữa Chùa Kỳ Quang 2 và thân nhân của người chết đã xác lập một thỏa thuận dân sự liên quan đến đời sống tâm linh, không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, phù hợp với truyền thống, đạo lý, phong tục, tập quán của người Việt Nam.

Vấn đề đặt ra là thỏa thuận giữa các bên về việc giao nhận, bảo quản tro cốt tại nhà chùa nhằm mục đích cho việc thờ cúng đó có phải là hợp đồng hay không?

Theo Điều 385 BLDS năm 2015 (Điều 388 BLDS năm 2005), “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Trong vụ việc này, sự thỏa thuận giữa các bên về việc giao nhận, bảo quản tro cốt tại nhà chùa nhằm mục đích cho việc thờ cúng đã rõ. Tuy nhiên, chúng ta cần xác định là thỏa thuận giữa các bên về việc giao nhận, bảo quản tro cốt tại nhà chùa nhằm mục đích cho việc thờ cúng đó có “xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự” hay không, tức là các bên có tạo ra quyền và nghĩa vụ dân sự hay không để từ đó đi đến kết luận có hay không có quan hệ hợp đồng dân sự được xác lập.

Theo khoa học pháp lý, “quyền dân sự là khả năng được phép xử sự theo một cách thức nhất định hoặc được yêu cầu người khác thực hiện một hoặc nhiều hành vi nhất định trong khuôn khổ do pháp luật quy định để thỏa mãn lợi ích của bản thân mình và khả năng đó được đảm bảo thực hiện bằng biện pháp cưỡng chế của Nhà nước”[1].

Dưới góc độ pháp luật thực định, “nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền)” (Điều 274 BLDS năm 2015/Điều 280 BLDS năm 2005).

Trở lại vụ việc tại Chùa Kỳ Quang 2, trong quá trình thỏa thuận giao nhận, bảo quản tro cốt tại nhà chùa nhằm mục đích cho việc thờ cúng, các bên đã không thương lượng, trao đổi cụ thể, rõ ràng, rạch ròi về thù lao công việc, về khoản phí cho việc bảo quản tro cốt, về quyền và nghĩa vụ cụ thể giữa các bên, về trách nhiệm pháp lý xảy ra khi tro cốt bị thất lạc, bị mất mát… Nhìn chung, thỏa thuận giao nhận, bảo quản tro cốt tại nhà chùa nhằm mục đích cho việc thờ cúng không được các bên thống nhất một cách minh thị… Điều đó là hết sức bình thường đối với quan hệ này, các bên thường tin tưởng lẫn nhau, tự nguyện ý chí, chú trọng nhiều đến các vấn đề tôn giáo, tâm linh, đạo đức, nghĩa vụ đạo lý hơn là các vấn đề về pháp lý. Vậy thì quyền và nghĩa vụ pháp lý mà cụ thể là quyền và nghĩa vụ dân sự có phát sinh trong thỏa thuận trên hay không?

Theo quan điểm của chúng tôi, quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên đã phát sinh thông qua thỏa thuận nêu trên bởi các lý do sau:

Thứ nhất, mục đích thỏa thuận giữa các bên về việc giao nhận, bảo quản tro cốt tại nhà chùa là để nhà chùa (cơ sở tôn giáo) bảo quản tro cốt giúp cho nhà chùa và người thân của người chết cùng nhau chăm lo việc thờ cúng, thực hiện lễ nghi tôn giáo gắn với phong tục, tập quán và đời sống tâm linh.

Thứ hai, thỏa thuận giữa các bên về việc giao nhận, bảo quản tro cốt tại nhà chùa nhằm mục đích cho việc thờ cúng đã làm phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự. Cụ thể là sau khi nhận tro cốt, nhà chùa phải có nghĩa vụ quản lý, bảo quản tro cốt một cách cẩn thận và trang trọng, thông báo cho thân nhân người chết về vị trí đặt tro cốt để thân nhân người chết biết thực hiện việc thờ cúng, phải thông báo cho thân nhân người chết biết khi di chuyển tro cốt đến một vị trí khác, phải giao trả lại tro cốt cho thân nhân người chết khi có yêu cầu, nếu để tro cốt bị thất lạc thì phải tìm kiếm, khôi phục lại tình trạng ban đầu và khi phát hiện được thì tiếp tục thực hiện việc quản lý, bảo quản hoặc giao trả lại tro cốt cho thân nhân người chết, trường hợp làm mất tro cốt thì phải bồi thường thiệt hại phát sinh… Bên cạnh nghĩa vụ thì quyền dân sự của nhà chùa cũng được phát sinh như quyền yêu cầu thân nhân người chết phối hợp trong việc bảo vệ môi trường, trong việc sắp xếp đặt để tro cốt vào vị trí thờ cúng, trong việc vệ sinh nơi đặt để tro cốt, trong việc di chuyển tro cốt đến vị trí khác để thờ cúng, quyền yêu cầu thân nhân người chết nhận lại tro cốt nếu không thể tiếp tuc quản lý, bảo quản, quyền yêu cầu thân nhân người chết thanh toán một khoản tiền công (thù lao) trong việc quản lý, bảo quản theo thỏa thuận…

Trong quan hệ nghĩa vụ dân sự, thông thường quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên chủ thể có tính đối xứng tương ứng, tức là nghĩa vụ và quyền của bên này tương ứng với quyền và nghĩa vụ của bên kia. Trong trường hợp này, tương ứng với quyền và nghĩa vụ của nhà chùa chính là nghĩa vụ và quyền của thân nhân người chết.

Thứ ba, hình thức thỏa thuận và nội dung thỏa thuận là hai vấn đề khác nhau trong vụ việc này. Chúng ta cần phân biệt việc các bên có hay không có thỏa thuận với việc các bên có thỏa thuận nhưng thỏa thuận đó bằng lời nói hoặc (và) bằng hành vi. Chúng ta cũng cần phân biệt nội dung các bên thỏa thuận như thế nào, có chứng cứ chứng minh hay không, chứng minh được bao nhiêu là những vấn đề liên quan đến chứng cứ, chứng minh trong tố tụng dân sự chứ không phải là do các bên không có thỏa thuận bằng văn bản, hay không thỏa thuận cụ thể nên dẫn đến có ý kiến cho rằng các bên không có thỏa thuận, hoặc có thỏa thuận nhưng không xác lập ra quyền và nghĩa vụ dân sự.

Khi đề cập đến quyền và nghĩa vụ dân sự giữa các bên đã được phát sinh từ thỏa thuận giao nhận, bảo quản tro cốt tại nhà chùa nhằm mục đích cho việc thờ cúng, chắc sẽ có ý kiến không đồng tình, thậm chí phản đối cho rằng thỏa thuận đó đã không “xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”, tức là các bên không có thỏa thuận để tạo lập ra các quyền và nghĩa vụ dân sự. Do vậy, kết luận các bên có xác lập quan hệ hợp đồng là “không phù hợp, có phần gượng gạo, bởi những yếu tố tâm linh, khát vọng của những người gửi tro cốt”[2].

Về quan điểm không đồng tình nêu trên, chúng tôi có ý kiến như sau: Quan hệ giữa các bên mang nhiều yếu tố tâm linh, chủ yếu là niềm tin nội tâm, thỏa thuận giữa các bên diễn ra tại cơ sở tôn giáo, cộng với hình thức của thỏa thuận bằng lời nói hoặc (và) bằng hành vi nên thông thường, các bên sẽ không thể hiện ra hết những mong muốn, yêu cầu của mình bằng lời nói, hoặc ít bàn bạc, trao đổi cụ thể, rõ ràng đối với quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên một cách minh thị.

Thông thường trong các trường hợp này, nếu có xảy ra tranh chấp, Tòa án sẽ phải xác định là có hay không có tồn tại quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên bằng cách tổng hợp nhiều yếu tố và trả lời nhiều câu hỏi liên quan như: có hay không có sự thỏa thuận giữa các bên, nếu có thỏa thuận thì thỏa thuận giữa các bên là thỏa thuận gì, mục đích cho sự thỏa thuận giữa các bên, các bên im lặng trong quá trình thể hiện hành vi thỏa thuận như vậy là có đồng nghĩa với việc không thỏa thuận nội dung đó hay không, các bên đã thực hiện những hành vi của mình như thế nào sau khi thỏa thuận, và nếu một trong các bên không thực hiện nội dung thỏa thuận thì bên kia có quyền khởi kiện bên vi phạm thỏa thuận ra Tòa án để yêu cầu Tòa án buộc bên vi phạm thỏa thuận thực hiện trách nhiệm pháp lý được hay không… Trong khoa học pháp lý và thực tiễn xét xử, không hiếm trường hợp Tòa án đã xác định có tồn tại thỏa thuận ngầm định (thống nhất và tiếp nhận ý chí của nhau) và xác định được nội dung thỏa thuận ngầm định giữa các bên, kết luận giá trị pháp lý của thỏa thuận ngầm định. Vấn đề là các bên có chứng cứ để chứng minh hay không và chứng minh như thế nào để thuyết phục được Tòa án mới là quan trọng.

Trở lại với vụ việc ở Chùa Kỳ Quang 2, các thông tin cho đến thời điểm hiện tại đã rõ, các bên đã thỏa thuận về việc giao nhận, bảo quản tro cốt tại nhà chùa nhằm mục đích cho việc thờ cúng, ngầm định thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên, bởi lẽ nội dung của thỏa thuận liên quan đến yếu tố tâm linh, đến lễ nghi tôn giáo, đến nghĩa vụ đạo lý nên rất khó để các bên thể hiện một cách minh thị, cụ thể, rõ ràng. Do vậy, có đủ cơ sở để xác định quan hệ giao nhận, bảo quản tro cốt tại nhà chùa nhằm mục đích cho việc thờ cúng là quan hệ hợp đồng dân sự.

2.Hợp đồng giữa các bên là Hợp đồng bảo quản tro cốt

Ở phần trên, chúng ta đã có đủ cơ sở để kết luận quan hệ thỏa thuận giữa các bên về việc giao nhận, bảo quản tro cốt tại nhà chùa nhằm mục đích cho việc thờ cúng là quan hệ hợp đồng dân sự. Vậy hợp đồng dân sự nêu trên có tên gọi là gì?

Thật ra, dưới góc độ thực tiễn, tên gọi của hợp đồng không quan trọng bằng nội dung của hơp đồng. Bởi lẽ, Tòa án thường xem xét nội dung cụ thể của hợp đồng để xác định bản chất của hợp đồng hơn là xem xét tiêu đề của hợp đồng.

Có quan điểm cho rằng, hợp đồng giữa Chùa Kỳ Quang 2 và thân nhân người chết về việc giao nhận, bảo quản tro cốt tại nhà chùa là hợp đồng gửi giữ tài sản theo quy định tại Điều 554 BLDS năm 2015 (Điều 559 BLDS năm 2005) với lập luận tro cốt là tài sản tồn tại dưới dạng vật, mà cụ thể là vật đặt định (không có vật thay thế)[3]. Về ý kiến này, chúng tôi chỉ đồng ý ở nội dung “Hợp đồng gửi giữ” chứ chưa đồng ý nội dung “tro cốt là tài sản”, bởi lẽ hợp đồng gửi giữ tài sản thì đối tượng của hợp đồng phải là tài sản. Theo Điều 105 BLDS năm 2015 (Điều 163 BLDS năm 2005), “tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Tro cốt không phải là tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản và dùng phương pháp loại trừ thì tro cốt có thể là tài sản tồn tại dưới dạng vật. BLDS năm 2005 trước đây và BLDS năm 2015 hiện nay không đưa ra định nghĩa như thế nào là vật và thực tiễn xét xử ở Việt Nam, chưa có trường hợp nào Tòa án xác định tro cốt là vật để từ đó kết luận tro cốt là tài sản theo pháp luật dân sự. Bên cạnh đó, khó khăn nhất định nếu xác định tro cốt là tài sản (vật) thì xác định giá trị vật chất của tài sản (vật) đó như thế nào, tro cốt được trị giá thành bao nhiêu tiền nếu có phát sinh tranh chấp.

Quan điểm khác cho rằng, hợp đồng giữa Chùa Kỳ Quang 2 và thân nhân người chết về việc giao nhận, bảo quản tro cốt tại nhà chùa là hợp đồng gửi giữ tài sản theo Điều 554 và hợp đồng dịch vụ theo Điều 513 BLDS năm 2015 (Điều 518 BLDS năm 2005)[4]. Chúng tôi đồng ý với quan điểm cho rằng, hợp đồng bảo quản tro cốt liên quan đến chiếc hũ đựng tro cốt là hợp đồng gửi giữ tài sản theo Điều 554 BLDS năm 2015. Tuy nhiên, vấn đề pháp lý mấu chốt mà chúng ta cần quan tâm ở đây không phải là chiếc hũ đựng tro cốt, mà là tro cốt của người chết, đối tượng của hợp đồng. Nếu chiếc hũ đó là chiếc hũ của nhà chùa, không thuộc quyền sở hữu của thân nhân người chết thì cũng không có tồn tại hợp đồng gửi giữ tài sản.

Ở nội dung thứ hai, chúng tôi chưa đồng tình với ý kiến cho rằng, hợp đồng bảo quản tro cốt tại nhà chùa là hợp đồng dịch vụ. Bởi lẽ, Điều 513 BLDS năm 2015 quy định: “Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ”. Với quy định vừa nêu, hợp đồng dịch vụ là hợp đồng có yếu tố đền bù[5], yếu tố đền bù thể hiện ở chỗ “bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ” và bù lại “bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ”. Trong vụ việc xảy ra ở Chùa Kỳ Quang 2, yếu tố “bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ” là chưa rõ. Do vậy, chúng ta chưa có đủ cơ sở để xác định hợp đồng giữa các bên là hợp đồng có yếu tố đền bù (trả tiền thực hiện công việc) như đã trình bày nên rất khó để xác định đây là hợp đồng dịch vụ.

Chúng tôi cũng chưa thật sự đồng tình với quan điểm cho rằng, “có thể nhà chùa không thu phí chính thức nhưng người dân và nhà chùa có những cách thức khác như người dân gửi đóng góp vào chùa lợi ích vật chất khi gửi tro cốt thì đó vẫn có thể được coi là tiền dịch vụ”. Bởi lẽ, việc nhà chùa bảo quản tro cốt mà có thu phí (tiền công) thì đây là hợp đồng có đền bù, còn bảo quản tro cốt mà không có thu phí (tiền công) thì đây là hợp đồng không có đền bù. Đối với việc thân nhân người chết có đóng góp lợi ích vật chật, đóng góp tiền của cho nhà chùa thì việc đóng góp này cũng có thể là sự tự nguyện trả ơn cho việc bảo quản tro cốt, liên quan nhiều đến hợp đồng tặng cho tài sản cũng được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự.

Quan điểm của tác giả: Thỏa thuận giữa Chùa Kỳ Quang 2 và thân nhân người chết về việc giao nhận, bảo quản tro cốt tại nhà chùa là quan hệ hợp đồng dân sự có tên gọi là Hợp đồng bảo quản tro cốt. Tên gọi của hợp đồng như vậy là thể hiện đúng với nội dung và bản chất về sự thỏa thuận giữa các bên. Trong Chương XVI về “Một số hợp đồng thông dụng” của BLDS năm 2015 (Chương XIII của BLDS năm 2005) có quy định một số hợp đồng phổ biến, thường xuyên diễn ra trong đời sống dân sự như hợp đồng mua bán tài sản, tặng cho tài sản, gửi giữ tài sản, dịch vụ[6]… Vì nó phổ biến, thường xuyên được các bên giao kết, thực hiện trong đời sống dân sự nên nhà làm luật gọi các hợp đồng đó là hợp đồng thông dụng. Điều này không có nghĩa là các chủ thể chỉ được xác lập và thực hiện trong phạm vi các hợp đồng thông dụng mà về nguyên tắc, các chủ thể có quyền xác lập, thực hiện hợp đồng (ngoài phạm vi hợp đông thông dụng) với bất cứ những nội dung gì mà không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội.

Hợp đồng bảo quản tro cốt có một số đặc điểm gần giống với hợp đồng gửi giữ tài sản vì nó có yếu tố giao nhận tro cốt (tương tự như giao nhận tài sản) để bảo quản, có yếu tố trả tiền công (nếu thỏa thuận có đền bù) hoặc không trả tiền công (nếu thỏa thuận không có đền bù), bởi lẽ hợp đồng gửi giữ tài sản có hai loại (có đền bù hoặc không có đền bù), cụ thể: “Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công” (Điều 554 BLDS năm 2015).

Hợp đồng bảo quản tro cốt có một số đặc điểm gần giống với hợp đồng dịch vụ nếu các bên thỏa thuận thêm yếu tố trả tiền công (tiền dịch vụ), bởi lẽ “Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ” (Điều 513 BLDS năm 2015). Trường hợp các bên thỏa thuận việc bảo quản tro cốt có trả tiền công (tiền dịch vụ) thì chúng ta xác định đó là hợp đồng dịch vụ mà không cần phải xác định thêm yếu tố tro hài cốt có phải là tài sản theo pháp luật dân sự hay không và trong trường hợp này, việc bảo quản tro cốt thuần túy là công việc trong hợp đồng dịch vụ. Trường hợp các bên thỏa thuận việc bảo quản tro cốt nhưng không đề cập gì đến yếu tố trả tiền công (tiền dịch vụ) thì chúng ta không xác định đó là hợp đồng dịch vụ.

Với hướng phân tích nêu trên và trở lại vụ việc ở Chùa Kỳ Quang 2, vì Hợp đồng bảo quản tro cốt không thỏa mãn đầy đủ những đặc trưng của hợp đồng gửi giữ tài sản theo Điều 554 BLDS năm 2015 và cũng không thỏa mãn đầy đủ những đặc trưng của hợp đồng dịch vụ theo Điều 513 BLDS năm 2015, mà hợp đồng này gần giống với hai loại hợp đồng nêu trên nên chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng tương tự pháp luật (khoản 1 Điều 6 BLDS năm 2015) trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể cũng như tình tiết, thông tin của vụ việc khi đã được thu thập đầy đủ.

3.Trách nhiệm dân sự phát sinh do vi phạm hợp đồng

Theo khoản 1 Điều 351 BLDS năm 2015, “bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền”. Trong vụ việc này, sau khi nhận tro cốt, nhà chùa đã vi phạm nghĩa vụ quản lý, bảo quản tro cốt, di chuyển tro cốt đến một vị trí khác mà không thông báo cho thân nhân người chết biết, để thất lạc và (hoặc) làm mất tro cốt nên không thể giao trả lại được tro cốt cho thân nhân người chết khi có yêu cầu… nên nhà chùa phải chịu trách nhiệm dân sự phát sinh.

Đầu tiên, trách nhiệm của nhà chùa có thể được xác định là trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng với cơ sở pháp lý tại Điều 352 BLDS năm 2015: “Khi bên có nghĩa vụ thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên có quyền được yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ”.

Tiếp theo, trách nhiệm của nhà chùa có thể được xác định là trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ giao trả lại vật trong hợp đồng (áp dụng tương tự pháp luật, xem tro cốt như tài sản tồn tại dưới dạng vật như đã phân tích ở phần trên) với cơ sở pháp lý tại khoản 1 Điều 356 BLDS năm 2015: “Trường hợp nghĩa vụ giao vật đặc định không được thực hiện thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm phải giao đúng vật đó; nếu vật không còn hoặc bị hư hỏng thì phải thanh toán giá trị của vật”.

Bên cạnh đó, trách nhiệm của nhà chùa có thể được xác định là trách nhiệm do không thực hiện một công việc trong hợp đồng với cơ sở pháp lý tại khoản 1 Điều 358 BLDS năm 2015: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện một công việc mà mình phải thực hiện thì bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện hoặc tự mình thực hiện hoặc giao người khác thực hiện công việc đó và yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán chi phí hợp lý, bồi thường thiệt hại”.

Ngoài ra, trách nhiệm của nhà chùa có thể được xác định là trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng với cơ sở pháp lý tại Điều 360 BLDS năm 2015: “Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”. Trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại, “thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần” (khoản 1 Điều 361 BLDS năm 2015).

Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, chi phí để tìm kiếm lại tro cốt bị thất lạc, chi phí giám định để xác định tro cốt thuộc về thân nhân nào, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút (khoản 2 Điều 361 BLDS năm 2015).

Đối với thiệt hại về tinh thần do vi phạm hợp đồng, theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc cụ thể (khoản 3 Điều 419 BLDS năm 2015).

Trong từng trường hợp cụ thể, Tòa án sẽ xem xét mức bồi thường thiệt hại về tinh thần cho từng hoàn cảnh cụ thể trên cơ sở áp dụng tương tự pháp luật đối với thiệt hại về tinh thần trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi mồ mả bị xâm phạm được bồi thường không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (khoản 3 Điều 607 BLDS năm 2015), cộng với việc xem xét vị trí, vai trò, mối quan hệ của người chết trong gia đình của họ, hoặc trường hợp tro cốt bị mất thì thân nhân người chết được bồi thường ở mức cao hơn với trường hợp tro cốt bị thất lạc và đã tìm lại được…

Kết luận

Bằng cách tiếp cận từ một vụ việc xảy ra trên thực tế tại Chùa Kỳ Quang 2, giữa các bên đã có thỏa thuận về việc giao nhận, bảo quản tro cốt tại nhà chùa nhằm mục đích cho việc thờ cúng nhưng nhà chùa đã vi phạm nghĩa vụ quản lý, bảo quản. Hiện tại, vụ việc đã có nhiều nhiều quan điểm pháp lý khác nhau, tác giả đã dựa vào tình tiết của vụ việc, dựa vào pháp luật thực định Việt Nam để phân tích, luận giải và đi đến kết luận: quan hệ hợp đồng giữa các bên đã được xác lập, hợp đồng giữa các bên là hợp đồng bảo quản tro cốt, xác định trách nhiệm dân sự phát sinh do vi phạm hợp đồng.

Đây là vấn đề dân sự còn mới mẻ trong thực tiễn pháp lý ở Việt Nam, tác giả bài viết mong muốn nhận được nhiều ý kiến trao đổi từ các nhà nghiên cứu, những người làm công tác xây dựng pháp luật cũng như những người làm công tác thực tiễn.

 

Chùa Kỳ Quang 2 sắp xếp và phân loại các hũ tro cốt để thân nhân vào nhận diện, định danh các hũ tro cốt. Ảnh: Hữu Huy/ BLĐ

 

 

[1] Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh (2018), Giáo trình Những quy định chung về Luật Dân sự, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 58.

[2] Thu Tâm, Giải pháp cho sự cố tro cốt ở Chùa Kỳ Quang 2, https://plo.vn/phap-luat/luat-va-doi/giai-phap-cho-su-co-tro-cot-o-chua-ky-quang-2-936793.html (ngày 07/9/2020).

[3] Nguyễn Đức Hiển (2020), Trách nhiệm pháp lý từ vụ gửi tro cốt ở Chùa Kỳ Quang 2, https://plo.vn/ban-doc/y-kien-ban-doc/trach-nhiem-phap-ly-tu-vu-gui-tro-cot-o-chua-ky-quang-2-936578.html (ngày 05/9/2020).

[4] Minh Chung (thực hiện) (2020), Vụ Chùa Kỳ Quang 2 dưới góc nhìn pháp lý, https://plo.vn/phap-luat/vu-chua-ky-quang-2-duoi-goc-nhin-phap-ly-936792.html (ngày 07/9/2020).

[5] Hợp đồng có đền bù là hợp đồng mà trong đó một bên nhận được một lợi ích thì phải chuyển cho bên kia một lợi ích khác tương ứng (Xem Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh (2017), Giáo trình Pháp luật về Hợp đồng và Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 125).

[6] Xem thêm Đỗ Văn Đại (Chủ biên) (2020), Bình luận khoa học Những điểm mới của BLDS năm 2015, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 443-514: Tác giả Nguyễn Trương Tín và Lê Thị Hồng Vân bình luận phần Hợp đồng thông dụng.

ThS.NCS. NGUYỄN TRƯƠNG TÍN ( Giảng viên Khoa Luật Dân sự Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh)