Nội dung mới của các luật, pháp lệnh, nghị quyết liên quan đến hoạt động của Tòa án

Tòa án nhân dân tối cao vừa ban hành văn bản tóm tắt các nội dung mới của các luật, pháp lệnh, nghị quyết liên quan đến tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân. Yêu cầu Tòa án nhân dân các cấp cần nghiên cứu đầy đủ và phổ biến đến toàn thể hệ thống Tòa án nắm rõ các quy định này trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua các luật, pháp lệnh, nghị quyết có nhiều nội dung mới liên quan đến tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân. Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, Tòa án các cấp quán triệt các nội dung mới như sau:

I. Về Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi, bổ sung năm 2025)

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức bộ máy, thẩm quyền của Tòa án và các vấn đề liên quan để phù hợp với chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tổ chức hệ thống Tòa án nhân dân theo 03 cấp: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực; Không tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt về Phá sản, Sở hữu trí tuệ, Hành chính như một cấp Tòa án mà tổ chức thành các tòa chuyên trách về Phá sản, Sở hữu trí tuệ tại một số TAND khu vực tại Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh; Thành lập Tòa án chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế.

1. Điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các Tòa án

Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tối cao được sửa đổi, bổ sung theo hướng: Bổ sung nhiệm vụ phúc thẩm các vụ án hình sự mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị; Thực hiện nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Giao Thẩm phán Tòa án nhân dân tại Tòa án nhân dân tối cao nhiệm vụ xét xử các vụ án, vụ việc, trả lời đơn đề nghị, văn bản yêu cầu, kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo phân công của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Về cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao: Thành lập 03 Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao (đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh). Tăng số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao từ 13 đến 17 người lên thành từ 23 đến 27 người để đảm bảo đủ nguồn nhân lực giải quyết kịp thời, chất lượng đối với khối lượng công việc giám đốc thẩm, tái thẩm tăng thêm từ Tòa án nhân dân cấp cao chuyển về.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân cấp tỉnh được sửa đổi, bổ sung theo hướng: Bổ sung nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực; Thực hiện nhiệm vụ phúc thẩm vụ án, vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực bị kháng cáo, kháng nghị; Thực hiện nhiệm vụ sơ thẩm vụ án hình sự về các tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 20 năm tù, tù chung thân, tử hình và những vụ án khác theo quy định của luật.

Chuyển nhiệm vụ sơ thẩm các vụ án hình sự về các tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt đến 20 năm tù; vụ án hành chính; vụ án, vụ việc dân sự và các vụ việc khác cho Tòa án nhân dân khu vực, trừ vụ việc về yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc; Giao cho Tòa án nhân dân Tp. Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh thẩm quyền giải quyết đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc.

Cơ cấu tổ chức Tòa án nhân dân cấp tỉnh gồm: Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh; các Tòa chuyên trách (Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Hành chính, Tòa Kinh tế, Tòa Lao động, Tòa Gia đình và người chưa thành niên); Bộ máy giúp việc.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân khu vực được sửa đổi, bổ sung theo hướng: Xét xử theo thủ tục sơ thẩm các vụ án hình sự về các tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt đến 20 năm tù; Xét xử theo thủ tục sơ thẩm tất cả các vụ án hành chính, vụ án, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, trừ các vụ việc giải quyết đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc; Giao thẩm quyền giải quyết, xét xử theo thủ tục sơ thẩm các vụ việc phá sản, sở hữu trí tuệ cho Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ tại một số Tòa án nhân dân khu vực ở Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh.

Cơ cấu tổ chức Tòa án nhân dân khu vực gồm: các Tòa chuyên trách (Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Kinh tế, Tòa Hành chính, Tòa Gia đình và người chưa thành niên; Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ tại một số Tòa án nhân dân khu vực); Bộ máy giúp việc.

Với Tòa án chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế: Nhiệm vụ, quyền hạn, trình tự, thủ tục tố tụng giải quyết tranh chấp; tiếng nói, chữ viết dùng trong tố tụng, việc áp dụng pháp luật tại Tòa án chuyên biệt; Thẩm phán giải quyết tranh chấp và các nội dung khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tòa án chuyên biệt do Quốc hội quy định.

2. Về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo hướng bổ sung trường hợp người đang là Thẩm phán Tòa án nhân dân và có từ đủ 05 năm trở lên làm Vụ trưởng Vụ chuyên môn nghiệp vụ tại Tòa án nhân dân tối cao thì được xem xét bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận nhưng số lượng không quá 10% tổng số Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Về thành phần Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia

Sửa đổi, bồ sung thành phần của Hội đồng gồm 01 thủ trưởng đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao là Thẩm phán Tòa án nhân dân, 01 Chánh tòa Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, 01 Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ định.

Về việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân

Sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ bầu Hội thẩm nhân dân theo hướng: Tòa án nhân dân cấp tỉnh đề xuất nhu cầu về số lượng, cơ cấu thành phần Hội thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân khu vực đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh lựa chọn và giới thiệu người đủ tiêu chuẩn để Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bầu Hội thẩm nhân dân; Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh sau khi thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân.

II. Về Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2025)

Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền giải quyết tất cả các tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động", trừ yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tòa Sở hữu trí tuệ Tòa án nhân dân khu vực 2 - Hà Nội và Tòa Sở hữu trí tuệ Tòa án nhân dân khu vực 1 - Thành phố Hồ Chí Minh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ.

Bổ sung quy định Chánh án Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện có căn cứ theo quy định của luật.

Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền: (1) Phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực bị kháng cáo, kháng nghị; (2) Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực nhưng bị kháng nghị theo quy định của luật; (3) Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng và Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc.

Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định kinh doanh, thương mại, dân sự về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực bị kháng cáo, kháng nghị.

Tòa án nhân dân cấp tỉnh mà các bên đã có thỏa thuận lựa chọn theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Trọng tài thương mại trước ngày 01/7/2025 có thẩm quyền giải quyết đối với hoạt động trọng tài.

Bổ sung thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo hướng: Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị. Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm toàn thể Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh; phiên tòa xét xử phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia; quyết định của Ủy ban Thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên Ủy ban Thẩm phán biểu quyết tán thành.

Thẩm quyền của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh

Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền: (1) Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ; (2) Xem xét, quyết định việc tổ chức xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực bị kháng nghị; (3) Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giữa các Tòa án nhân dân khu vực trong cùng một tỉnh, thành phố; (4) Quyết định thay đổi Thẩm phán là Chánh án Tòa án nhân dân khu vực trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự.

Thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao

Sửa đổi, bổ sung thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao theo hướng: (1) Giám đốc thẩm, tái thẩm toàn bộ vụ án trong trường hợp bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật về cùng một vụ án dân sự cùng thuộc thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân tối cao; (2) Xem xét theo thủ tục tái thẩm đối với quyết định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng nghị.

Sửa đổi, bổ sung thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo hướng: Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng nghị.

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm năm Thẩm phán đối với bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; quyết định của Hội đồng xét xử phải được tất cả thành viên tham gia Hội đồng biểu quyết tán thành;

(2) Toàn thể Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng nghị nhưng có tính chất phức tạp hoặc bản án, quyết định đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm năm Thẩm phán nhưng không đạt được sự thống nhất khi biểu quyết thông qua quyết định về việc giải quyết vụ án;

Phiên tòa xét xử của toàn thể Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia; quyết định của Hội đồng Thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên Hội đồng Thẩm phán biểu quyết tán thành.

Thẩm quyền của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền: (1) Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; (2) Xem xét, quyết định việc tổ chức xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng nghị, (3) Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giữa các Tòa án nhân dân khu vực thuộc các tỉnh, thành phố khác nhau; (4) Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giữa các Tòa án nhân dân cấp tỉnh; (5) Thay đổi Thẩm phán là Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự.

III. Về Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2025)

Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2025) đã điều chỉnh một số nhiệm vụ, thẩm quyền để phù hợp với mô hình tổ chức của các cơ quan tiến hành tố tụng sau sắp xếp tổ chức bộ máy, bổ sung một số trình tự thủ tục liên quan đến các vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn, cụ thể như sau:

1. Về tổ chức và thẩm quyền của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân

Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy quan điều tra từ mô hình 03 cấp (cấp bộ, cấp tỉnh và cấp huyện) chuyển thành 02 cấp (cấp bộ và cấp tỉnh); bổ sung quy định Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp là Trưởng Công an cấp xã hoặc Phó trưởng Công an cấp xã được phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra vụ án về tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cấp xã có một số nhiệm vụ, quyền hạn như Thủ trưởng Cơ quan điều tra trừ quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy Viện kiểm sát nhân dân từ mô hình 04 cấp (tối cao, cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện) thành 03 cấp (tối cao, cấp tỉnh và khu vực), điều chỉnh nhiệm vụ, thẩm quyền của Viện kiểm sát các cấp để phù hợp với mô hình của Cơ quan điều tra và Tòa án.

2. Về thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án

Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2025) sửa đổi, bổ quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự như sau: Tòa án nhân dân khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đến 20 năm tù.

Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử sơ thẩm” những vụ án: (1) Vụ án hình sự về các tội phạm không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực; (2) Vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân khu vực nhưng có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; vụ án mà khi xử lý có ảnh hưởng đến chính trị, đối ngoại; vụ án mà người phạm tội là cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ cấp tỉnh trở lên, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc thiểu số.

Thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự được giữ nguyên.

3. Về điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt bị can, bị cáo

Sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt theo hướng Cơ quan điều tra có thể kết luận điều tra đề nghị truy tố bị can, Viện kiểm sát có thể quyết định truy tố bị can, Tòa án có thể xét xử vắng mặt bị cáo khi đã có đủ căn cứ và bảo đảm quyền bào chữa cho bị can, bị cáo theo quy định trong các trường hợp sau: (1) Bị can, bị cáo bỏ trốn, không biết bị can, bị cáo ở đâu và việc truy nã không có kết quả; (2) Bị can, bị cáo đang ở nước ngoài mà không thể triệu tập để phục vụ các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Ngày 01/7/2025, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 05/2025/TTLTBCA-BQP-VKSNDTC-TANDTC quy định về phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tụng trong điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt bị can, bị cáo.

4. Về thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành

Sửa đổi Điều 367 của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành theo hướng trường hợp Chủ tịch nước không quyết định ân giảm thì hết thời hạn 01 năm kể từ ngày nhận được ý kiến của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì cơ quan có thẩm quyền thông báo ngay về việc không có quyết định ân giảm của Chủ tịch nước để Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm tổ chức việc thi hành bản án tử hình theo quy định.

5. Một số quy định khác

Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2025) điều chỉnh thẩm quyền từ Tòa án nhân dân cấp tỉnh về Tòa án nhân dân khu vực đối với việc xét xử sơ thẩm vụ án có yếu tố nước ngoài (khoản 2 Điều 268); thẩm quyền theo lãnh thổ đối với vụ án mà bị cáo phạm tội ở nước ngoài (khoản 2 Điều 269); tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh (Điều 452); xem xét yêu cầu thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ (Điều 501)...

Sửa đổi, bổ sung các quy định khác có liên quan (quan hệ phối hợp, giao, gửi quyết định, kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện, không tổ chức Nhà tạm giữ, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, đổi tên Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước...) tại các điều 71, 75, 76, 111, 113, 114, 119, 120, 121 và 122 của Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2025).

IV. Về Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2025)

Tòa án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của các Tòa án; Tòa án nhân dân cấp tỉnh giám đốc việc xét xử của Tòa án nhân dân khu vực thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ để bảo đảm việc áp dụng pháp luật nghiêm chỉnh và thống nhất (Điều 24).

Về những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân: Sửa đổi, bổ sung khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ dưới Thứ trưởng và dưới tương đương Thứ trưởng (khoản 2 Điều 30).

Về thẩm quyền của từng cấp Tòa án được quy định cụ thể.

V. Về Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2025)

1. Về bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh

Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2025) bỏ hình phạt tử hình đối với 08 tội danh bao gồm: (1) Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); (2) Tội gián điệp (Điều 110); (3) Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); (4) Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); (5) Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); (6) Tội tham ô tài sản (Điều 353); (7) Tội nhận hối lộ (Điều 354) và (8) Tội phá hoại hòa bình gây chiến tranh xâm lược (Điều 421).

2. Về giảm mức hình phạt đã tuyên

Sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 63 của Bộ luật Hình sự theo hướng người bị kết án tù chung thân về Tội tham ô tài sản, Tội nhân hối lộ chỉ có thể được xem xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt khi đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

3. Về các tội phạm về ma túy

Bổ sung Tội sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 256a) theo hướng chỉ xử lý đối với những người sau đây mà tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy: (1) Đang trong thời hạn cai nghiện ma túy hoặc điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế; (2) Đang trong thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy; (3) Đang trong thời hạn 02 năm kể từ ngày hết thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy và trong thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; (4) Đang trong thời hạn 02 năm kể từ khi tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế.

Tách khung hình phạt “phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình” thành 02 khung hình phạt “20 năm hoặc chung thân” và “chung thân hoặc tử hình” tại Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248) và Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251).

Bổ sung các chất ma túy Ketamine và Fentanyl trong cấu thành của 05 tội phạm về ma túy, bao gồm: Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248), Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249), Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250), Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251), Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252).

4. Về nâng mức hình phạt tù, hình phạt tiền đối với một số tội danh

Nâng mức khởi điểm của khung hình phạt tù đối với một số tội về môi trường, an toàn thực phẩm, ma túy gồm: Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235); Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại (Điều 236); Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248); Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249); Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251); Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 255) và Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (Điều 317).

Nâng mức phạt tiền gấp 02 lần đối với một số tội phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thương mại, tội phạm về môi trường, tội phạm khác xâm phạm an toàn công cộng, tội phạm tham nhũng.

5. Một số nội dung khác

Bổ sung trường hợp không thi hành án tử hình đối với người bị kết án là người bị mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối tại Điều 40 của Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2025).

Bổ sung quy định sau khi có kết luận khỏi bệnh hoặc có kết luận đủ khả năng nhận thức, đủ khả năng điều khiển hành vi, người phạm tội có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, tiếp tục chấp hành hình phạt tại Điều 49 của Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2025).

Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan tổ chức việc rà soát người bị kết án tử hình thuộc diện được chuyển từ hình phạt tử hình thành tù chung thân để báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.

VI. Về thi hành án hình sự

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự điều chỉnh một số thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh về Tòa án nhân dân khu vực như sau: (1) Xem xét, quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; (2) Quyết định trưng cầu giám định pháp y, pháp y tâm thần đối với phạm nhân; (3) Quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người đang chấp hành án phạt tù.

Ngày 27/6/2025, Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch số 04/2025/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự, quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự.

VII. Về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (sửa đổi, bổ sung năm 2025)

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (sửa đổi, bổ sung năm 2025) sửa đổi, bổ sung việc tổ chức hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo hướng Tòa án nhân dân cấp tinh không còn thẩm quyền: (1) Tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại; (2) Chỉ định, hỗ trợ, hướng dẫn Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại, đánh giá, nhận xét kết quả hoạt động của Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp tỉnh; (3) Bố trí địa điểm, trang thiết bị và điều kiện bảo đảm khác cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

VIII. Về Luật Phá sản (sửa đổi, bổ sung năm 2025)

Luật Phá sản (sửa đổi, bổ sung năm 2025) sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền giải quyết phá sản theo hướng Tòa Phá sản Tòa án nhân dân khu vực 2 - Hà Nội, Tòa án nhân dân khu vực 1 - Đà Nẵng và Tòa án nhân dân khu vực 1 - Thành phố Hồ Chí Minh có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa Phá sản Tòa án nhân dân khu vực đó.

IX. Về thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công (Nghị quyết số 205/2025/QH15 ngày 24/6/2025 của Quốc hội)

Viện kiểm sát thực hiện thí điểm khởi kiện vụ án dân sự công ích tại 06 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh và Đắk Lắk. Thời gian thí điểm thực hiện là 03 năm kể từ ngày 01/01/2026.

Vụ án dân sự công ích gồm: (1) Vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương và (2) Vụ án dân sự bảo vệ lợi ích công.

Việc giải quyết vụ án dân sự công ích thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực theo quy định tại Điều 5 của Nghị quyết số 205/2025/QH15. Tòa án có trách nhiệm thụ lý vụ án dân sự công ích do Viện kiểm sát khởi kiện. Trường hợp cần làm rõ nội dung quyết định khởi kiện thì Tòa án yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung.

Không được hòa giải và bị đơn không được đưa ra yêu cầu phản tố trong vụ án dân sự công ích. Khi khởi kiện, Viện kiểm sát không phải nộp tạm ứng án phí, không phải chịu án phí. Viện kiểm sát yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không phải thực hiện biện pháp bảo đảm; trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

X. Về một số thẩm quyền khác trong hoạt động tố tụng

1. Về một số thẩm quyền được điều chỉnh theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân: Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định; không còn tổ chức cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện. Thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài theo quy định của luật; Xem xét, quyết định dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù hoặc từ chối dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; Tiến hành các hoạt động tương trợ tư pháp khác theo quy định của luật.

2. Về một số thẩm quyền khác theo quy định của Pháp lệnh

Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển, Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay, Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân và Pháp lệnh Chi phí tổ tụng đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về thẩm quyền của Tòa án và cơ quan tố tụng khác như sau: (1) Điều chỉnh thẩm quyền bắt giữ tàu biển, tàu bay từ Tòa án nhân dân cấp tỉnh về Tòa án nhân dân khu vực; (2) Bổ sung quy định Chánh tòa Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng; (3) Sửa đổi, bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền chuyển hồ sơ đề nghị đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội sang Trưởng Công an cấp xã; (4) Sửa đổi, bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính từ Công an cấp huyện, Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội sang Trưởng Công an cấp xã.

Ngoài ra, một số thẩm quyền khác được điều chỉnh theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân

Trên đây là tóm tắt một số nội dung mới liên quan đến tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân; quá trình triển khai thi hành cần nghiên cứu đầy đủ nội dung tại các luật, nghị quyết, pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các đồng chí Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp sau khi nhận được Công văn này tổ chức quán triệt các nội dung nêu trên tới Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, công chức, người lao động khác trong cơ quan đơn vị biết và thực hiện.

TRIỆU HỒ