Quy định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù và thực tiễn tại Tòa án
Quy định về giải quyết cho hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù quy định pháp luật hình sự tại Tòa án hiện nay có những bất cập. Vấn đề này còn có nhiều quan điểm khác nhau, tôi xin nêu một số quan điểm của mình về vấn đề này qua thực tiễn giải quyết hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù tại TAND.
1. Quy định của pháp luật
Hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù là một chế định được quy định pháp luật hình sự của nước ta, thể hiện sự khoan hồng, bao dung của pháp luật, dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền con người. Việc buộc người phạm tội khi phải chấp hành hình phạt tù không chỉ ảnh hưởng đến bản thân chính người đó mà còn ảnh hưởng đến gia đình, bạn bè và những người xung quanh của họ. Để đảm bảo an ninh, trật tự xã hội nên chỉ có một số đối tượng nhất định mới được cơ quan có thẩm quyền cho hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Theo quy định tại Điều 67 BLHS năm 2015 thì: “1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây: Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục; Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi; Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm”
Như vậy, có thể hiểu, hoãn chấp hành án phạt tù là việc người phạm tội được Tòa án cấp có thẩm quyền cho phép chưa cần phải thực hiện chấp hành hình phạt tù vì những lý do nhất định. Nếu trong thời gian được hoãn chấp hành án phạt tù mà người được hoãn chấp hành án phạt tù lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.
Điều 68 BLHS năm 2015 quy định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù: “Người đang chấp hành hình phạt tù mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 của Bộ luật này, thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Thời gian tạm đình chỉ không được tính vào thời gian chấp hành hình phạt tù”.
Như vậy, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là trường hợp người phạm tội đang chấp hành hình phạt tù, nhưng vì một trong những lý do trên mà người phạm tội được xin tạm ngừng chấp hành hình phạt tù trong một thời gian nhất định.
Về thủ tục hoãn và tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù: Người bị kết án phải có đơn đề nghị hoặc văn bản đề nghị phải được gửi cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án kèm theo các giấy tờ có liên quan. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đơn hoặc văn bản đề nghị hoãn chấp hành án phạt tù, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải xem xét, quyết định. Trường hợp không đồng ý hoãn chấp hành án phạt tù thì Chánh án Tòa án phải có văn bản trả lời người có đơn đề nghị hoặc cơ quan có văn bản đề nghị và thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp, trong đó nêu rõ lý do không chấp nhận (Khoản 2 Điều 24 Luật Thi hành án hình sự năm 2019). Đối với tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù thì do cơ quan có thẩm quyền nơi phạm nhân đang chấp hành án có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và chuyển cho Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định (Khoản 2 Điều 36 LTHAHS năm 2019).
Điểm khác biệt giữa hoãn thi hành án hình phạt tù với tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là: Hoãn thi hành án thi hành án hình phạt tù là Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án có thể tự mình hoặc theo đơn đề nghị của người bị kết án, văn bản đề nghị của Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án cư trú, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người chấp hành án làm việc hoặc cư trú ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù. Đơn đề nghị hoặc văn bản đề nghị phải được gửi cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án kèm theo các giấy tờ có liên quan (Khoản 1 Điều 24 LTHAHS năm 2019). Đối với tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù là do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đề nghị: Trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu (Khoản 1 Điều 36 LTHAHS năm 2019).
Về thẩm quyền hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù: Theo quy định tại điểm d, đ và e khoản 1 Điều 44 BLTTHS năm 2015 thì:“1. Chánh án Tòa án có những nhiệm vụ, quyền hạn:... d) Ra quyết định thi hành án hình sự; đ) Quyết định hoãn chấp hành án phạt tù; e) Quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; ....
Khi vắng mặt, Chánh án Tòa án ủy quyền cho một Phó Chánh án Tòa án thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án. Phó Chánh án Tòa án phải chịu trách nhiệm trước Chánh án Tòa án về nhiệm vụ được ủy quyền”.
2. Cơ quan có thẩm quyền nơi phạm nhân đang chấp hành án quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và chuyển cho Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định”.
Sau khi Tòa án nhận được đơn, văn bản đề nghị hoãn, hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù của cá nhân hoặc cơ quan tổ chức thì trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đơn, văn bản, hồ sơ đề nghị hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu nơi phạm nhân đang chấp hành án phải xem xét, quyết định. Trường hợp không đồng ý hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì Chánh án Tòa án phải có văn bản thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp và cơ quan đề nghị tạm đình chỉ, trong đó nêu rõ lý do không chấp nhận.
Theo quy định tại Điều 21 LTHAHS năm 2019, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong LTHAHS: “Ra quyết định thi hành án; Ra quyết định hoặc hủy quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, …”
Theo quy định khi Bản án đã có hiệu lực pháp luật thì người bị kết án phải chấp hành. Tuy nhiên, trên thực tế có những lí do khách quan đặc biệt mà người bị phạt tù chưa thể đi chấp hành hình phạt tù ngay được, theo quy định tại Điều 67 BLHS năm 2015 thì hoãn chấp hành hình phạt tù:
“ 1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây: Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục; Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi; Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm.
2. Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này”.
Đối với tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù quy định tại Điều 67 BLHS năm 2015, gồm:
“1. Người đang chấp hành hình phạt tù mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 của Bộ luật này, thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.
2. Thời gian tạm đình chỉ không được tính vào thời gian chấp hành hình phạt tù.”
Tại Điều 4, Điều 6 Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BYT ngày 15/5/2013 của Bộ Công an an, Bộ quốc phòng, Bộ y tế, TAND tối cao và VKSND tối cao hướng dẫn thi hành quy định về tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân, điều kiện có thể được tạm đình chỉ và thời hạn tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Ngoài ra, LTHAHS năm 2019 cũng quy định về thi hành quyết định hoãn và thi hành quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù (Điều 25, Điều 37); Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2027 về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về thời hiệu thi hành Bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt; Nghị quyết số 02/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ năm “ Thi hành bản án và quyết định của Tòa án” của Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 về bổ sung một số hướng dẫn của Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP và Nghị quyết số 02/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán TANDTC.
Có thể nhận thấy, hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là người bị kết án được hoãn chấp hành hình phạt tù khi chưa thực hiện việc chấp hành án tại cơ quan thi hành án, hoãn chấp hành hình phạt tù là người bị kết án tù chưa chấp hành hình phạt trước khi có quyết định hoãn của Toà án. Đối với người có được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là người kết án đang chấp hành hình phạt tù tại cơ quan thi hành án nhưng vì một lý do nào đó theo quy định của pháp luật, họ được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Đây là các chế định thể hiện tính nhân đạo của Nước ta được quy định trong Hiến pháp năm 2013 đối với người phạm tội, thể hiện sự khoan hồng, dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền con người.
2. Bất cập trong quy định
Mặc dù, BLTTHS năm 2015, BLHS năm 2015 sửa đổi năm 2017; LTHAHS năm 2019 và các Văn bản, Thông tư hướng dẫn của đã quy định, hướng dẫn hoãn chấp hành hình phạt tù hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều Tòa án nhân dân địa phương vẫn còn lúng túng trong việc ban hành “Quyết định” cho hoãn chấp hành hình phạt tù hoặc tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
2.1- Đối với trường hợp tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.
Qua nghiên cứu các quyết định hoãn và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù của người chấp hành hình phạt tù ở một số đơn vị, chúng tôi thấy: Ở mỗi Tòa án địa phương khác nhau có cách giải quyết cho hoãn và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là khác nhau. Có Tòa thì cho hoãn và tạm đình chỉ có thời hạn (03 tháng, 06 tháng), có Tòa thì cho hoãn và tạm đình chỉ cho đến khi sức khỏe được hồi phục (Đối với người bị kết án bị bệnh nặng); Có Tòa cho hoãn và tạm đình chỉ thi hành hình phạt tù trong thời hạn 36 tháng, có Tòa thì cho hoãn và tạm đình chỉ đến khi hết 36 tháng (đối phụ nữ nuôi con nhỏ). Hiện nay, còn có nhiều quan điểm, ý kiến trái chiều nhau về vấn đề trên.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Việc Tòa án cho hoãn và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù cho người bị kết án là căn cứ theo quy định tại các Điều 67, Điều 68 BLHS năm 2015; Điều 44 BLTTHS năm 2015; Các điều 24, 25 36, 37 Luật THA hình sự năm 2019 cũng Thông tư liên tịch và các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 67 BLHS năm 2015 thì “Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục”. Vì vậy, Tòa án có quyền cho hoãn và tạm đình chỉ thi hành án phạt tù đối với người bị bệnh nặng theo Kết luận của Hội đồng giám định y khoa, bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên là bệnh nặng thì được cho hoãn và tạm đình chỉ thi hành án phạt tù cho đến khi được hồi phụ sức khỏe. Vì vậy, Quyết định hoãn và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù có thể được cho hoãn và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù một lần đến khi người bị kết án sức khỏe được hồi phục. Cũng tại điểm b khoản 1 Điều 67 BLHS năm 2015 thì “Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi”. Vì vậy, Tòa án có quyền cho hoãn thi hành án phạt tù đối với người phụ nữa có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi. Vì vậy, Quyết định hoãn và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù có thể được cho hoãn và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù một lần đến 36 tháng.
Bởi lẽ, Quyết định hoãn và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù được giao cho UBND cấp xã nơi người bị kết án cư trú quản lý trong thời gian hoãn, tạm đình chỉ chấp hành phạt tù (Khoản 1 Điều 19 LTHAHS năm 2019). Bên cạnh đó, một năm hoặc sáu tháng Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan THAHS cùng cấp và chính quyền địa phương có trách nhiệm kiểm tra, xác minh, theo dõi người bị kết án trong thời gian hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, trên cơ sở đó thì các cơ quan này có văn bản kiến nghị, báo cáo hoặc Tòa án tự mình xét thấy việc hoãn và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù không còn phù hợp, thì Tòa án ban hành ngay quyết định hủy bỏ Quyết định hoãn và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù đối với người bị kết án, buộc người bị kết án phải chấp hành án.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Tòa án chỉ nên cho hoãn và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù cho người bị kết án mỗi lần là 12 tháng. Hết thời hạn 12 tháng, người bị kết án nếu muốn hoãn thì phải có đơn xin hoãn chấp hành án kèm theo tài liệu xin hoãn; Cơ quan Thi hành án hình sự cùng cấp; Trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an đứng trên địa bản tỉnh muốn tiếp tục cho người bị kết án được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì chỉ cần có Văn bản yêu cầu, kèm theo tài liệu chứng cứ có liên quan (Không cần lập hồ sơ). Trên cơ sở đó thì Tòa án tiến hành xác minh, nếu đủ điều kiện thì cho hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, còn không đủ điều kiện thì Tòa án sẽ Thông báo cho người bị kết án, Cơ quan Thi hành án hình sự cùng cấp; Trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an đứng trên địa bản tỉnh để buộc người bị kết án phải đi chấp hành án. Chính điều đó, tạo điều kiện cho các cơ quan Nhà nước dễ theo dõi, giám sát và quản lý người bị kết án.
Quan điểm thứ ba cho rằng: Việc Tòa án cho hoãn và tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với người bị kết án là trên cơ sở quy định tại các Điều 67, Điều 68 BLHS năm 2015; Điều 44 BLTTHS năm 2015; Các điều 24, 25 36, 37 Luật THA hình sự năm 2019 cũng Thông tư liên tịch và các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối.
Tuy nhiên, quyết định cho người chấp hành hình phạt tù được hoãn và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù còn tùy thuộc tình hình an ninh chính trị- tự trật an toàn xã hội của địa phương và từng tính chất vụ việc, nên thời gian cho người bị kết án hoãn và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù của mỗi địa phương và vụ việc là khác nhau.
Do đó, khi Tòa án có thẩm quyền nhận được “Đơn” xin hoãn chấp hành hình phạt tù và tài liệu chứng cứ kèm theo hoặc “Hồ sơ” đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù của Cơ quan THAHS cùng cấp; Trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an đứng trên địa bản tỉnh với nội dung yêu cầu cho người bị kết án được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì Tòa án tiến hành kiểm tra, xác minh, xem xét và trên cơ sở đề nghị bằng “Văn bản” của Viện kiểm sát cùng cấp để trên cơ sở đó có chấp nhận hoặc không chấp nhận; Nếu chấp nhận thì tùy từng trường hợp cho hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án một lần hoặc nhiều lần phù hợp với tình hình địa phương, nhưng không quá quy định của Luật thi hành án. Trường hợp không chấp nhận cho người bị kết án được hoãn và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù thì cũng Thông báo cho người bị kết án, cơ quan đề nghị hoãn thi hành án theo đúng quy định của pháp luật.
3. Cần có hướng dẫn thống nhất
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc mỗi Tòa án nhân dân ở mỗi cấp, mỗi tỉnh ban hành quyết định hoãn và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù cho người bị kết án là khác nhau về thời gian cho hoãn và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, nhiều quyết định có thể nhìn nhận không phù hợp với sự thật khách quan. Tác giả mạnh dạn đưa ra các quan điểm như sau:
Một là: Do pháp luật chưa có hướng dẫn, quy định rõ ràng, đối như đối với trường hợp theo quy định tại Điều 67 BLHS năm 2015 thì: “Bị bệnh nặng thì được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án cho đến khi sức khỏe được hồi phục; Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi..” là được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù “một lần” hoặc “nhiều lần” nên khi có Đoàn thanh tra, kiểm tra của Tòa án về công tác thi hành án hình sự tại Tòa án các địa phương phát hiện nội dung cho hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án chưa đúng, sau đó ban hành “Kết luận” đối với Tòa án địa phương đó. Văn bản này chỉ là kết luận từng vụ việc của từng địa phương khi được thanh tra, kiểm tra, nó không mang tính bao quát cho tất cả các Tòa án địa phương trên cả nước phải thực hiện. Vì vậy, nên chăng các cơ quan tư pháp liên ngành của Trung ương cần hướng dẫn về việc quyết định hoãn và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù một cách cụ thể cho tất cả các trường hợp.
Thông thường Tòa án ban hành các quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án hình phạt tù là trên cơ sở “Đơn” xin hoãn của người bị kết án; “Hồ sơ” đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù của Cơ quan Thi hành án hình sự cùng cấp; Trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an đứng trên địa bản tỉnh. Sau đó, Viện kiểm sát cùng cấp có ý kiến bằng văn bản đối với các trường hợp trên, trên cơ sở “Văn bản” đề xuất của Viện kiểm sát cùng cấp thì Tòa án các cấp ban hành các quyết định cho hoãn và tạm đình chỉ chấp hành hình án phạt tù, nên các sai sót cũng có phần lỗi của Viện kiểm sát cùng cấp.
Hai là: Thực tiễn các quyết định hoãn và tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù ở các địa phương cùng một loại việc nhưng quyết định cho hoãn và tạm đình chỉ về thời gian cho hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù là khác nhau. Bởi lẽ, nhiều khi còn phụ thuộc vào tình hình an ninh chính trị tại địa phương, các cơ quan tư pháp còn phải căn cứ vào tình hình chính trị, tự tự an toàn xã hội ở địa phương. Ở mỗi một vụ án và mỗi địa phương có tính chất phức tạp riêng, vụ việc có dư luận xã hội quan tâm là khác nhau,...nên trên cơ sở “Đơn xin hoãn” hoặc “Hồ sơ” đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù của Cơ quan THA hình sự cùng cấp; Trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an đứng chân trên địa bàn tỉnh, mà Viện kiểm sát cùng cấp có ý kiến đề xuất bằng “Văn bản”, từ đó Tòa án ban hàng các quyết định hoãn và tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với người bị kết án nhiều khi chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Ba là: Cá biệt có những quyết định hoãn chấp hành án phạt tù, cho người bị kết án hoãn không đúng quy định pháp luật; Có thể: Do người ban hành quyết định mang tính chủ quan, do nhận thức pháp luật còn hạn chế hoặc bị tác động các yếu tố khác….
Để thực tiễn ban hành quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được thống nhất trong việc áp dụng pháp luật hình sự, rất mong các cơ quan tố tụng ở Trung ương hướng dẫn về việc “Hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù” để các cơ quan tư pháp tại địa phương, đặc biệt là Tòa án khi quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thống nhất trong toàn hệ thống Tòa án.
Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai xét xử vụ án hình sự sơ thẩm, tội “Mua bán trái phép chất ma túy” - Ảnh: HT
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận