Quy định mới về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 97/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/2/2018 của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
Nghị định 97/2021/NĐ-CP sửa đổi quy định về mức phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc như sau:
Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm từ 1.000 tỷ đồng trở lên (trừ cơ sở hạt nhân): Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận mức phí bảo hiểm trên cơ sở được doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm chấp thuận. Trong mọi trường hợp, mức phí bảo hiểm không được thấp hơn mức phí bảo hiểm tương ứng với 1.000 tỷ đồng nhân (x) tỉ lệ phí bảo hiểm quy định tại Khoản 1 Mục I Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này”.
Đối với cơ sở hạt nhân: Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận mức phí bảo hiểm trên cơ sở được doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm chấp thuận.
Bổ sung quy định về giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc
Nghị định 97/2021/NĐ-CP bổ sung quy định về giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm phải cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho bên mua bảo hiểm.
Nội dung Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do doanh nghiệp bảo hiểm chủ động thiết kế và phải bao gồm các nội dung sau
a) Tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm;
b) Thuộc danh mục cơ sở (nêu rõ thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ nào theo quy định pháp luật về phòng cháy và chữa cháy);
c) Địa chỉ tài sản được bảo hiểm;
d) Tài sản được bảo hiểm;
đ) Số tiền bảo hiểm;
e) Mức khấu trừ bảo hiểm;
g) Thời hạn bảo hiểm;
h) Tỷ lệ phí bảo hiểm, phí bảo hiểm;
i) Tên, địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng của doanh nghiệp bảo hiểm;
k) Ngày, tháng, năm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.
Trường hợp cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành; Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành và phản ánh đầy đủ các nội dung quy định trên.
Sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc
Nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy được sử dụng như sau:
a) Hỗ trợ trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy. Chi cho nội dung này không vượt quá 65% số tiền thực tế thu được từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm tài chính.
b) Hỗ trợ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức phòng cháy, chữa cháy và bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Chi cho nội dung này không vượt quá 15% số tiền thực tế thu được từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm tài chính.
c) Hỗ trợ lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy trong các hoạt động sau: Điều tra nguyên nhân vụ cháy; bồi dưỡng nghiệp vụ, kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy; giám sát việc tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Chi cho nội dung này không vượt quá 15% số tiền thực tế thu được từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm tài chính.
Hỗ trợ khen thưởng thành tích của tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia, phối hợp trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Chi cho nội dung này không vượt quá 5% số tiền thực tế thu được từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm tài chính.
Phải xác định hạng nguy hiểm cháy, nổ của cơ sở sản xuất công nghiệp
Nghị định cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Cụ thể, các cơ quan, tổ chức, cá nhân này có trách nhiệm xác định hạng nguy hiểm cháy, nổ A, B, C, D, E của cơ sở sản xuất công nghiệp đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định của pháp luật phòng cháy và chữa cháy.
Nghị định 97/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/12/2021.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận