S và Đ là bị hại trong vụ án
Sau khi nghiên cứu bài viết “S và Đ là bị hại hay người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan đến vụ án” của tác giả Vũ Hoàng đăng ngày 15/08/2024 và các bài viết có liên quan, tôi cho rằng S và Đ là bị hại trong vụ án.
Điều 207 BLHS năm 2015 quy định “Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả” nhằm bảo vệ sự ổn định của nền tài chính, tiền tệ quốc gia và sự độc quyền của Nhà nước trong việc phát hành tiền. Đây là khách thể trực tiếp của tội này. Khách thể điều này không trực tiếp bảo vệ quyền sở hữu tài sản của cá nhân, mà tập trung vào việc bảo vệ hệ thống tài chính quốc gia.
Trong khi đó, Điều 105 BLDS năm 2015 quy định về “Tài sản”, bảo vệ quyền sở hữu tài sản, trong đó xác định quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản. Trong vụ án này, hành vi của D đã dẫn đến việc S và Đ mất quyền sử dụng hợp pháp số tiền mà họ nhận được. Tuy nhiên, khách thể được bảo vệ trực tiếp trong “Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả” không phải là quyền sở hữu của cá nhân, mà là sự ổn định của nền tài chính đất nước.
Điều 62 BLTTSH năm 2015 xác định bị hại là cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra. Điều 65 BLTTHS năm 2015 quy định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là người mà quyền lợi hoặc nghĩa vụ của họ bị ảnh hưởng bởi tội phạm nhưng không phải là bị hại.
Theo đó, nếu xét thiệt hại về tài sản mà S và Đ phải chịu do hành vi của D, họ phải được xác định là bị hại. Nhưng nếu xem xét theo khách thể chính của “Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả”, thì S và Đ chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Từ những phân tích nêu trên cho thấy, việc tiếp cận dựa trên khách thể hoặc thiệt hại về tài sản do hành vi gây ra đối với vụ án trong xác định S và Đ là bị hại hay người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan gặp phải vướng mắc, bất cập. Bởi vì các cách tiếp cận này đều được pháp luật bảo vệ.
Trong vụ án này, quan điểm cá nhân tôi cho rằng cần đảm bảo quyền lợi hợp pháp, bảo vệ đầy đủ quyền sở hữu tài sản và để đảm bảo tính công bằng và khách quan trong tố tụng. Chính vì vậy, xác định S và Đ là bị hại hoàn toàn phù hợp. Với những lý do sau:
Thứ nhất, Quyền sở hữu tài sản là quyền hiến định và được pháp luật bảo vệ chặt chẽ. Điều 32 Hiến pháp năm 2013 và Điều 105 BLDS 2015 quy định quyền sở hữu tài sản của công dân là bất khả xâm phạm. Nếu không xác định S và Đ là bị hại, quyền lợi hợp pháp của họ không được bảo vệ đầy đủ. Mặc dù khách thể của “Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả” là sự ổn định tài chính quốc gia, nhưng thiệt hại cụ thể về tài sản mà S và Đ phải chịu là kết quả trực tiếp của hành vi phạm tội của D. Do đó, không thể bỏ qua thiệt hại này khi xác định tư cách tố tụng.
Thứ hai, “Bị hại” là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần hoặc tài sản do tội phạm gây ra. Nếu áp dụng cách tiếp cận về khách thể, S và Đ không được coi là bị hại, dẫn đến việc quyền lợi trong việc yêu cầu bồi thường thiệt hại bị hạn chế hoặc không được xem xét trong vụ án. Đồng thời, khi xác định S và Đ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thay vì bị hại sẽ không phản ánh đúng mức độ thiệt hại phải chịu và dẫn đến việc không được đền bù hoặc bảo vệ đầy đủ trong quá trình tố tụng.
Thứ ba, Pháp luật hình sự với mục đích bảo vệ toàn diện quyền lợi của Nhà nước và cá nhân. Không chỉ bảo vệ sự ổn định của nền tài chính quốc gia mà còn bảo vệ quyền của cá nhân, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản. Nếu chỉ áp dụng cách tiếp cận về khách thể, quyền lợi của các cá nhân bị thiệt hại sẽ bị xem nhẹ và không đáp ứng được mục tiêu mà pháp luật đã đề ra.
Qua vụ án cho thấy cần có hướng dẫn về việc xác định tư cách tố tụng trong các vụ án liên quan đến hành vi Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, để tránh vướng mắc trong áp dụng pháp luật. Nhằm bảo vệ đầy đủ khách thể của tội phạm vừa đảm bảo quyền lợi của người bị thiệt hại do hành vi phạm tội đều được áp dụng một cách đầy đủ và công bằng trong quá trình tố tụng.
Trên đây là quan điểm trao đổi của tôi, rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ quý độc giả và đồng nghiệp.
Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng xét xử vụ án sản xuất, lưu hành tiền giả - Ảnh Đoàn Cường
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận