Sự công bằng, bình đẳng, đúng mực trong đạo đức Thẩm phán
Thẩm phán là hạt nhân của Tòa án, là chức danh tư pháp cao quý, nhân danh Nhà nước đưa ra phán quyết về quyền và nghĩa vụ dân sự, hành chính cũng như tội phạm hình sự của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bởi lẽ đó, Đảng, Nhà nước và Nhân dân đặc biệt coi trọng các chuẩn mực đạo đức của Thẩm phán.
Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền thừa nhận một trong những nguyên tắc cơ bản là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được bảo vệ chống lại mọi kỳ thị hay xúi giục kỳ thị[1]; được xét xử một cách công khai và công bằng bởi một Tòa án độc lập và vô tư trong quá trình phán quyết về quyền và nghĩa vụ cũng như tội phạm hình sự bị cáo buộc[2]. Trên cơ sở đó, Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và Chính trị bảo đảm rằng, mọi người đều bình đẳng trước Tòa án và Hội đồng xét xử; bất kỳ ai cũng có quyền đòi hỏi việc xét xử công bằng và công khai bởi một Tòa án có thẩm quyền, độc lập, không thiên vị và được lập ra trên cơ sở pháp luật để quyết định về lời buộc tội trong vụ án hình sự hoặc xác định quyền và nghĩa vụ của người đó trong vụ án dân sự.
Thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Hiến pháp năm 2013 ghi nhận ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ,bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân.
Thẩm phán là hạt nhân của Tòa án, là chức danh tư pháp cao quý, nhân danh Nhà nước giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hình sự, hành chính. Bởi lẽ đó, Đảng, Nhà nước và Nhân dân đặc biệt coi trọng các chuẩn mực đạo đức của Thẩm phán. Trong phạm vi chuyên đề này, chúng tôi xin bình luận về sự công bằng, bình đẳng và sự đúng mực – hai trong số bảy chuẩn mực đạo đức buộc phải có của người Thẩm phán theo quy định của Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán ban hành kèm theo Quyết định số 87/QĐ-HĐTC ngày 04/7/2018 của Hội đồng Tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia.
1.Sự công bằng, bình đẳng trong chuẩn mực đạo đức của Thẩm phán
Theo Từ điển Tiếng Việt thì “công bằng” là theo đúng lẽ phải, không thiên vị; “bình đẳng” là ngang hàng nhau về mặt nào đó trong xã hội. Tòa án là cơ quan thực thi quyền tư pháp, nơi đưa ra những phán quyết ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Vì thế, công bằng phải là yếu tố căn bản tạo thành đạo đức của Thẩm phán. Với lý luận này, hầu hết các bộ quy tắc mang tầm quốc tế cũng như quốc gia đều ghi nhận nguyên tắc công bằng, bình đẳng là một trong những chuẩn mực đạo đức không thể thiếu của Thẩm phán. Bộ nguyên tắc đạo đức tư pháp Bangalore ghi nhận “sự bình đẳng” là giá trị thứ năm trong các quy tắc đạo đức của Thẩm phán; theo đó “Đảm bảo sự đối xử bình đẳng đối với tất cả mọi người trước Tòa án là điều cốt yếu của việc thực hiện chức danh tư pháp một cách công bằng”. Bộ Quy tắc ứng xử dành cho Thẩm phán Hoa Kỳ quy định quy tắc thứ 3 về việc “Thẩm phán phải thực hiện công vụ một cách công bằng, không thiên vị và cẩn trọng”. Bộ Quy tắc ứng xử đối với Thẩm phán Israel quy định: “Thẩm phán phải đối xử bình đẳng với các bên đương sự, bất kể giầu nghèo, không được lịch thiệp với một bên và khiếm nhã với người khác và phải có một thái độ cởi mở, không thành kiến hay thiên vị”. Bộ Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ tư pháp Singapore quy định: “Không thiên vị là nguyên tắc cơ bản để cán bộ tư pháp thực thi công lý trong vụ việc cụ thể. Yếu tố không thiên vị rất quan trọng đối với lòng tin của công chúng vào việc thực thi công lý. Do đó, cán bộ tư pháp phải không thiên vị và thể hiện sự không thiên vị trong quá trình ra quyết định, phán quyết của mình”. Quy tắc ứng xử tư pháp Hàn Quốc quy định: “Vô tư và liêm chính là những phẩm chất quan trọng nhất của Thẩm phán”, “Thẩm phán phải thực thi nhiệm vụ tư pháp của mình mà không làm tổn hại hoặc phân biệt đối xử về giới, tôn giáo, địa vị và khả năng xã hội – kinh tế, cũng như mối quan hệ dòng máu, khu vực và học đường”,…
Ở Việt Nam, nguyên tắc công bằng, bình đẳng được coi là nguyên tắc hiến định trong suốt chiều dài lịch sử lập hiến và được cụ thể hóa ở tất cả các đạo luật tố tụng qua các thời kỳ. Theo đó, Điều 16 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 ghi nhận: “1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; 2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”; trong tố tụng dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng hành chính, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, địa vị xã hội; mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng trước Tòa án; Tòa án có trách nhiệm bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tố tụng.[3] Như vậy, việc bảo đảm công bằng, bình đẳng trong quá trình giải quyết vụ việc không chỉ là trách nhiệm pháp lý, mà còn là trách nhiệm đạo đức của người Thẩm phán.
Là người trực tiếp giải quyết vụ việc, “Thẩm phán có trách nhiệm bảo đảm sự công bằng, bình đẳng để những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của họ trong quá trình giải quyết vụ việc tại Tòa án”[4]. Để thực hiện được yêu cầu này, người Thẩm phán phải nhận thức được tính đa dạng và những khác biệt trong xã hội phát sinh từ nhiều nguyên nhân khác nhau, không giới hạn ở các yếu tố như chủng tộc, mầu da, tôn giáo, nguồn gốc dân tộc, trình độ văn hóa, tình trạng hôn nhân, xu hướng tình dục, địa vị xã hội và các nguyên nhân khác. Từ đó, “trong quá trình giải quyết vụ việc, Thẩm phán không được và không cho phép các hành vi bất bình đẳng, phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ học vấn, nghề nghiệp, địa vị xã hội, hình thức sở hữu và thành phần kinh tế của cá nhân, pháp nhân”.[5] Quy định này thể hiện trách nhiệm thực hiện sự công bằng, bình đẳng không chỉ được đánh giá trên chính những hành động trực tiếp của Thẩm phán, mà còn bao gồm cả sự tác động của Thẩm phán đối với các đối tượng khác trong quá trình giải quyết vụ việc. Cụ thể: Đối với bản thân người Thẩm phán, không được thể hiện sự thiên vị hay thành kiến, dù là hành vi hay lời nói, đối với bất cứ người nào vì bất cứ lý do gì. Thẩm phán giải quyết vụ việc dựa trên cơ sở xem xét nội dung vụ việc phù hợp dành cho tất cả các bên đương sự, người tham gia tố tụng khác. Đối với người khác, Thẩm phán phải yêu cầu những người tiến hành tố tụng, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng tại phiên tòa không được phép bằng lời nói hoặc hành vi thể hiện sự thành kiến hoặc thiên vị dựa trên bất cứ lý do không thích đáng nào; khi người khác có những hành vi, lời nói thể hiện sự thành kiến, phân biệt, Thẩm phán cần có hành động cụ thể không cho phép hành vi, lời nói đó tiếp diễn.
Để bảo đảm chuẩn mực đạo đức về công bằng, bình đẳng, ngoài việc thực hiện các yếu tố thể hiện công bằng, bình đẳng thì Thẩm phán cũng phải thực hiện các quy tắc ứng xử quy định tại Chương III Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán, cụ thể là:
Thẩm phán phải:
– Thực hiện việc giải quyết các vụ việc được phân công theo đúng quy định của pháp luật;
– Bảo đảm dân chủ, nghiêm minh, khách quan trong giải quyết các vụ việc; lắng nghe, tôn trọng ý kiến của những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng;
– Giải thích, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật;
– Từ chối tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật;[6]
– Kịp thời thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết các thông tin về những hành vi vi phạm pháp luật;[7]
– Ưu tiên sử dụng quỹ thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ xét xử.[8]
Thẩm phán không được:
– Tư vấn cho bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ việc không đúng quy định của pháp luật;
– Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ việc hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ việc;
– Sách nhiễu, trì hoãn, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác và người tiến hành tố tụng;
– Truy ép, gợi ý cho bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác và người tiến hành tố tụng cung cấp tài liệu, khai báo, trình bày sự việc không khách quan, trung thực;[9]
– Khi chưa ban hành bản án, quyết định, Thẩm phán không được phát biểu công khai quan điểm của mình về việc giải quyết vụ việc.[10]
Như vậy, chuẩn mực đạo đức về công bằng, bình đẳng là sự thể hiện của Thẩm phán với chính bản thân mình và với người khác đều là không thiên vị, hướng tới lẽ phải để thực sự là chỗ dựa về công lý cho người dân.
2.Sự đúng mực trong chuẩn mực đạo đức của Thẩm phán
Theo Từ điển Tiếng Việt, “đúng mực” được hiểu là đúng đắn, có chừng mực, theo đúng khuôn phép trong cách cư xử. Điều này có nghĩa, đối với mỗi nghề nghiệp khác nhau thì có những chuẩn mực chung và những khuôn phép cư xử riêng biệt, thể hiện đặc thù của mỗi nghề. Đối với nghề nghiệp Thẩm phán, sự đúng mực không chỉ là việc thể hiện những hành vi, thói quen, mà phải được thể hiện như một chuẩn mực đạo đức không thể thiếu. Bộ nguyên tắc ứng xử tư pháp Bangalore coi“sự đúng mực và vẻ đúng mực là điều cốt yếu cho việc thực hiện toàn bộ các hoạt động của một Thẩm phán”. Bộ Quy tắc ứng xử đối với Thẩm phán Israel quy định: “Khi chủ tọa phòng xử án, Thẩm phán phải đối xử với những người có mặt tại Tòa một cách nghiêm trang, kiên nhẫn, trung thực, khoan dung và nhân ái, thấm vào phòng xử án một bầu không khí thoải mái”. Bộ Quy tắc ứng xử cho cán bộ tư pháp Singapore quy định: “Một cán bộ tư pháp phải bảo đảm rằng bất kỳ khi nào, đối với một người bình thường, công bằng và am hiểu, hành vi của mình ở trong và ngoài Tòa án là luôn đúng mực. Cán bộ tư pháp nên chấp nhận rằng, bản chất chức vụ của họ luôn bị giám sát kỹ càng. Có thể chấp nhận hành vi được coi là khiếm nhã, khó chịu và không công bằng của một người nào đó không phải là cán bộ tư pháp nhưng nếu cán bộ tư pháp làm như vậy thì hành vi đó là không thể chấp nhận, bởi cán bộ tư pháp là người phán xét hành vi của người khác. Hành vi như vậy sẽ làm vấy bẩn chức vụ tư pháp, gây nghi ngờ về khả năng đưa ra quyết định một cách khách quan và công bằng của cán bộ tư pháp”.
Có thể thấy, Thẩm phán là chức danh tư pháp cao quý, nên người Thẩm phán phải có những xử sự phù hợp với địa vị của mình; sự đúng mực của Thẩm phán là yếu tố quan trọng giúp bảo vệ phẩm chất, nhân cách, niềm tin và sự tôn trọng của công chúng đối với Thẩm phán và cơ quan tư pháp. Bởi lẽ đó, Điều 7 Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán quy định: “Trong mọi hoạt động của mình, Thẩm phán phải hành xử đúng mực, lịch thiệp, thận trọng; duy trì trật tự và sự tôn nghiêm trong quá trình tố tụng; luôn thể hiện sự kiên nhẫn, nhân ái đối với các bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác. Tại phiên tòa, phiên họp hoặc trong các văn bản tố tụng, Thẩm phán không được đưa ra những nhận định gây xúc phạm người khác”.
Thẩm phán là đối tượng thường xuyên nhận được sự quan tâm và quan sát của công chúng, nên trong mọi hoạt động của mình (cả khi thi hành công vụ hay các hoạt động khác), Thẩm phán phải chấp nhận sự hạn chế những sở thích hay thói quen cá nhân để luôn bảo đảm hành xử văn minh, lịch thiệp, thận trọng, phù hợp với phẩm cách của chức danh tư pháp mà mình đảm nhận. Thẩm phán phải duy trì trật tự và sự tôn nghiêm trong quá trình tố tụng tại Tòa án; luôn thể hiện sự kiên nhẫn, nghiêm trang, khoan dung và nhân ái đối với các bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng, người tiến hành tố tụng khác. Trong các văn bản tố tụng, Thẩm phán cần lựa chọn từ ngữ và văn phạm chuẩn mực, không gây tổn thương hoặc xúc phạm người khác.
Sự đúng mực của Thẩm phán được thể hiện thông qua rất nhiều quy tắc ứng xử được quy định tại Chương III của Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán, cụ thể như:
– Thẩm phán phải ứng xử có văn hóa, tôn trọng, bảo vệ danh dự, uy tín của lãnh đạo và đồng nghiệp; hợp tác với đồng nghiệp để hoàn thành nhiệm vụ được giao;[11]
– Thẩm phán phải xây dựng gia đình có văn hóa; thực hiện nghiêm chỉnh quyền và nghĩa vụ công dân; có nếp sống văn hóa theo phong tục tập quán và truyền thống Việt Nam;[12]
– Thẩm phán phải chấp hành các quy định của pháp luật và quy tắc sinh hoạt nơi công cộng; ứng xử phù hợp với các giá trị đạo đức của Thẩm phán;[13]
– Thẩm phán không được tiếp xúc bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác trong vụ việc mà mình có thẩm quyền giải quyết không đúng nơi quy định;[14]
– Thẩm phán không được đùn đẩy trách nhiệm cho người khác; không trù dập, lợi dụng việc góp ý, phê bình làm tổn hại danh dự, uy tín của cán bộ, công chức;[15]
– Thẩm phán không được và không để thành viên trong gia đình lợi dụng danh nghĩa của Thẩm phán để vụ lợi;[16]
– Thẩm phán không được tổ chức cưới hỏi, ma chay, mừng thọ, sinh nhật, tân gia và các việc khác xa hoa, lãng phí hoặc để vụ lợi;[17]
Việc thực hiện các quy tắc ứng xử trên đây sẽ tạo ra sự đúng mực trong ứng xử của người Thẩm phán, trong cuộc sống, trong công việc ở mọi nơi mọi lúc.
Như vậy, sự đúng mực của Thẩm phán là sự thể hiện của chính bản thân người Thẩm phán trong mọi hoàn cảnh phải phù hợp với chức danh tư pháp, không làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của tư pháp hay ảnh hưởng đến hình ảnh người Thẩm phán “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư” “Gần dân, giúp dân, hiểu dân, học dân” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lịch sử nhân loại cho thấy, niềm tin của công chúng vào Bộ máy Nhà nước nói chung và cơ quan tư pháp nói riêng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự tồn vong và phát triển của đất nước. Trong đó, tầm quan trọng của một cơ quan tư pháp có năng lực, độc lập và vô tư đối với việc bảo vệ nhân quyền được nhấn mạnh đặc biệt. Với vai trò là hạt nhân của Tòa án, dù với tư cách cá nhân hay toàn bộ tập thể, Thẩm phán có trách nhiệm gìn giữ đạo đức Thẩm phán và bảo vệ niềm tin của công chúng đối với cơ quan tư pháp và việc thực hiện sự công bằng, bình đẳng, đúng mực trong mọi hoàn cảnh vừa là trách nhiệm pháp lý, vừa là trách nhiệm đạo đức của người Thẩm phán.
[1] Điều 7 Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền (1948).
[2] Điều 10 Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền (1948).
[3]Xem thêm Điều 8 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Điều 9 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Điều 17 Luật Tố tụng hành chính 2015.
[4] Khoản 1 Điều 6 Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán.
[5]Khoản 2 Điều 6 Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán.
[6] Khoản 1 Điều 10 Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán.
[7] Điều 16 Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán.
[8] Điều 17 Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán.
[9] Khoản 2 Điều 10 Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán.
[10] Điều 12 Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán.
[11] Điểm e khoản 1 Điều 11 Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán.
[12] Khoản 1 Điều 15 Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán.
[13] Khoản 1 Điều 16 Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán.
[14] Điểm đ khoản 2 Điều 10 Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán.
[15] Khoản 2 Điều 11 Bộ Quy tắc đạo đức và ửng xử của Thẩm phán.
[16] Khoản 3 Điều 15 và khoản 3 Điều 16 Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán.
[17] Khoản 4 Điều 15 Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận