Sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự, nhiều nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm
Ngày 25/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận toàn thể trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Trước đó, các đại biểu đã nghe trình bày Tờ trình của VKSNDTC và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) và tiến hành thảo luận theo Tổ về dự án luật này. Ngay sau khi kết thúc phiên thảo luận Tổ, các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội từ 72 tổ thảo luận đã được tổng hợp đầy đủ, gửi các cơ quan hữu quan trong đó có cơ quan chủ trì soạn thảo. Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại Tổ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã có giải trình, tiếp thu bước đầu.
Tại phiên họp toàn thể, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi của dự án Luật nhằm bảo đảm đúng lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP); đồng thời, tháo gỡ những khó khăn của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nói riêng và phù hợp với thực tiễn trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh bất khả kháng nói chung.
Khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm đối với chỉ dẫn địa lý
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, đề nghị cân nhắc, chưa bãi bỏ quy định về việc chỉ khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm đối với chỉ dẫn địa lý trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng khi có yêu cầu của người bị hại. Đại biểu cho rằng đây là nội dung mà Hiệp định không yêu cầu chúng ta phải bãi bỏ. Pháp luật hiện hành quy định như vậy trước hết là để bảo vệ lợi ích của người bị hại, họ có quyền lựa chọn hoặc là thương lượng, hòa giải, yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc là yêu cầu khởi tố vụ án. Như vậy, nếu bỏ quy định này sẽ không có lợi cho người bị hại.
Mặt khác, chỉ dẫn địa lý là vấn đề rất đặc biệt. Chỉ dẫn địa lý thuộc sở hữu nhà nước, Nhà nước trao quyền sở hữu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cho một số tổ chức, hiệp hội quyền quản lý, trao cho các doanh nghiệp sản xuất quyền sử dụng, như vậy khi có hành vi xâm phạm thì tất cả các chủ thể này đều có quyền yêu cầu khởi tố và đặc biệt Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan hoàn toàn có điều kiện và có khả năng để thực hiện yêu cầu khởi tố. Yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đơn giản hơn rất nhiều so với việc tham gia tố tụng hành chính hay khởi kiện dân sự. Vì vậy, việc yêu cầu khởi tố hoàn toàn khả thi và thuận lợi.
Việc điều tra chứng minh hành vi xâm phạm chỉ dẫn địa lý là vấn đề khá phức tạp nếu không có yêu cầu, không có sự cộng tác của chủ sở hữu hoặc người bị hại trong việc cung cấp thông tin liên quan đến chỉ dẫn địa lý đã đăng ký hay chưa hay phạm vi đăng kí đến đâu, giá trị thiệt hại… nếu như quy định như Dự thảo thì sẽ dẫn đến trường hợp có quy định phải khởi tố, nhưng chúng ta không chứng minh được, như vậy sẽ bỏ lọt tội phạm.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là việc sửa đổi phải tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đây là yêu cầu của Nhà nước pháp quyền và Quốc hội cũng phải tuân thủ quy định này. Hiện nay, việc sửa đổi nội dung nêu trên được thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề cấp bách, không thuộc trường hợp phải sửa đổi để thực hiện điều ước quốc tế, không phải trường hợp sửa đổi vì thiên tai, dịch bệnh hay là các trường hợp khẩn cấp khác nên không thuộc trường hợp được sửa đổi theo thủ tục rút gọn. Việc sửa đổi này cần phải tuân thủ trình tự, thủ tục chung trong việc xây dựng pháp luật. Đặc biệt là cần phải lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động, nhất là ý kiến của Ủy ban nhân dân các cấp, tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp và thậm chí là ý kiến của người tiêu dùng. Hiện nay, cả Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, v.v. đều băn khoăn, thậm chí còn có ý kiến cho rằng nếu không thận trọng thì chúng ta có thể dễ hình sự hóa quan hệ dân sự, thương mại. Vì vậy, đề nghị Quốc hội chưa sửa đổi nội dung này ngay tại kỳ họp này để bảo đảm tính thận trọng.
Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) kiến nghị chỉ sửa đổi, bổ sung theo trình tự rút gọn đối với những nội dung đáp ứng yêu cầu của Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về việc dự thảo Luật bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của người bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý, đại biểu Đoàn Thị Lê An cho biết, Hiệp định CPTPP chỉ đặt ra yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền có thể chủ động thực hiện hành động pháp lý mà không cần có khởi kiện chính thức từ người thứ ba hay chủ thể quyền đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, không đặt ra với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý. Do đó, chỉ có nội dung bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của người bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đó là, trường hợp cần ban hành ngay văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Về mặt thực tiễn, cơ bản việc áp dụng Điều 155 và Điều 157 BLTTHS liên quan đến khoản 1 Điều 226 BLHS đều thuận lợi, chính xác, bảo đảm đúng người, đúng tội, góp phần đấu tranh phòng, chống hiệu quả các tội phạm loại này, đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp ở nước ta hiện nay. Việc thực hiện các quy định xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý như quy định hiện hành không có vướng mắc.
Việc quy định mở hơn so với vi phạm cam kết của Hiệp định CPTPP là việc cơ quan chủ trì soạn thảo tự quy định mới. Do đó, không nên bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của người bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý và nếu có cần nghiên cứu kỹ, đánh giá theo trình tự xây dựng luật thông thường theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, không thể ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Đại biểu Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) cho rằng, BLHS quy định hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý trên cơ sở xác định các hành vi này có đặc điểm, tính chất, mức độ nguy hiểm tương đồng, do đó cần được áp dụng thống nhất về chính sách xử lý. Qua số liệu tổng kết từ khi BLTTHS năm 2015 có hiệu lực đến nay, không có vụ án nào về xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý, nguyên do có phải vì các chủ thể thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó nên tính chủ động trong việc đưa ra yêu cầu khởi tố vụ án để xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý là không cao, từ đó dẫn đến kết quả như đã nêu. Với việc sửa đổi, bổ sung như nội dung tờ trình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chủ động trong việc xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, góp phần bảo vệ sớm triệt để quyền sở hữu công nghiệp, tạo môi trường pháp lý an toàn, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân mà trực tiếp là tổ chức, cá nhân là chủ thể của quyền sở hữu công nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh giải pháp thúc đẩy việc tạo dựng và phát triển tài sản trí tuệ theo tinh thần Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cân nhắc thêm thẩm quyền cho công an xã
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường bày tỏ tán thành với việc cần phải bổ sung trách nhiệm của công an cấp xã, quy định về các căn cứ tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh như trong Dự thảo đã quy định. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị là trong Thông tư hướng dẫn thi hành thì cần phải quy định rất chặt chẽ về cấp độ thiên tai, dịch bệnh, cần xác định thời gian xảy ra thiên tai, dịch bệnh và các điều kiện cụ thể khác để tránh việc lạm dụng.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), bày tỏ quan điểm nhất trí với sự cần thiết bổ sung thẩm quyền của công an xã trong hoạt động điều tra, tố tụng hình sự và quy định cho phép tạm đình chỉ trong trường hợp vì lý do bất khả kháng, do thiên tai, dịch bệnh được quy định trong dự thảo.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng ( Hưng Yên), đề nghị, ngoài những nội dung sửa đổi như dự thảo Luật, trong quá trình thi hành BLTTHS còn phát sinh một số những bất cập, vướng mắc cần được nghiên cứu để có lộ trình sửa đổi bảo đảm phù hợp với thực tế thi hành bộ luật. Tại khoản 3 Điều 147 BLTTHS khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền tiến hành các hoạt động điều tra, xác minh, không có quyết định tiến hành hoạt động khám xét. Thực tế trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm như trường hợp khẩn cấp, cần khám xét nơi ở, nơi làm việc của đối tượng liên quan trước khi khởi tố để làm căn cứ xử lý, tránh đối tượng xóa dấu vết, kịp thời thu giữ vật chứng có liên quan. Việc khám xét cần phải có quy định chặt chẽ, đảm bảo vừa đáp ứng yêu cầu cấp bách, cũng tránh lạm dụng việc khám xét không đúng quy định.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh ( Khánh Hoà) tranh luận về nội dung này, cũng cho rằng, thời gian qua công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền là hợp lý và triển khai tương đối tốt. Đến nay, dự thảo Luật giao thêm nhiệm vụ, trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo tội phạm thì Bộ Công an cần phải giải trình thêm, tính toán thêm về số lượng con người, về khả năng chuyên môn, về nghiệp vụ và những điều kiện cần thiết khác. Bởi nếu giao nhiệm vụ nhưng lại làm không tốt thì sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Bổ sung căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án
Liên quan đến việc bổ sung căn cứ tạm đình chỉ trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố vì lý do thiên tai, dịch bệnh, đại biểu Nguyễn Thanh Sang (Tp.Hồ Chí Minh), cho biết, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn toàn quốc, đặc biệt là tại Tp Hồ Chí Minh phải thực hiện triệt để việc giãn cách, cách ly, dẫn đến việc kiểm tra, xác minh, giải quyết các vụ việc trong giai đoạn tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, việc tiến hành các hoạt động điều tra trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự và việc tiến hành các hoạt động tố tụng trong giai đoạn truy tố của các cơ quan có thẩm quyền bị trì hoãn, kéo dài. Do không thực hiện được các hoạt động cần thiết để xác định hành vi phạm tội, người phạm tội, để quyết định việc khởi tố, để chứng minh tội phạm khi kết thúc điều tra hoặc để quyết định việc truy tố.
Đại biểu cho biết, từ tháng 6/2021 đến ngày 30/9/2021 tại Tp Hồ Chí Minh, hồ sơ vụ án không có cách nào giải quyết, hết thời hạn điều tra, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, hồ sơ do dịch bệnh điều tra viên thu thập tài liệu, chứng cứ chưa đầy đủ và Viện kiểm sát không thể truy tố được do thiếu tài liệu, chứng cứ. Mặt khác, phải thực hiện các quy định của tố tụng và quy chế của ngành nên Viện kiểm sát cũng không thể trực tiếp phúc cung, hỏi cung để ban hành cáo trạng. Hồ sơ có chuyển tòa thì tòa cũng không thể xét xử, do đó không có cách giải quyết.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình diễn biến của dịch vẫn còn hết sức phức tạp, do đó, nguy cơ các vụ án, vụ việc bị đình trệ do thiên tai, dịch bệnh sẽ gia tăng nếu không có biện pháp tháo gỡ, giải quyết.
Do đó, đại biểu bày tỏ tán thành bổ sung quy định cho phép tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh trong cả ba giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử theo khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229, khoản 1 Điều 247 và khoản 1 Điều 281 BLTTHS. Việc bổ sung quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý rõ ràng để có cơ chế kiểm soát đối với những người bị buộc tội do vụ án, vụ việc vẫn trong vòng tố tụng, các cơ quan có thẩm quyền tố tụng vẫn tiếp tục theo dõi, quản lý được vụ án, vụ việc tạm đình chỉ. Việc bổ sung quy định này cũng góp phần thực hiện hiệu quả yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.
Đại biểu cũng đề nghị giao Viện trưởng VKSNDTC chủ trì phối hợp Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Chánh án TANDTC quy định chi tiết nội dung này. Trên cơ sở hướng dẫn của liên ngành trung ương, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải cân nhắc, xem xét thận trọng khi quyết định áp dụng căn cứ này đối với từng trường hợp cụ thể, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến giải quyết vụ án, vụ việc khi được phục hồi.
Viện trưởng VKSNDTC giải trình
Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí giải trình các ý kiến đại biểu quan tâm. Viện trưởng Lê Minh Trí phân tích, tại điều khoản của Hiệp định CPTPP về công nhận chỉ dẫn địa lý có quy định rằng các bên thừa nhận chỉ dẫn địa lý có thể bảo hộ thông qua hệ thống nhãn hiệu; hoặc một hệ thống riêng; hoặc các biện pháp pháp lý khác. Như vậy, có thể hiểu việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cũng tương tự như việc bảo hộ nhãn hiệu.
Ở Việt Nam, từ trước đến nay chính sách bảo hộ đối với hai đối tượng này đều có sự tương đồng. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 bãi bỏ nội dung dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 226 của BLHS là đảm bảo sự thống nhất về chính sách pháp luật, chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chính sách xử lý hành vi xâm phạm quyền.
Trong thời gian tới, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên thế giới và Việt Nam sẽ ngày càng được chú trọng. Vì vậy, việc chú trọng hơn so với yêu cầu của Hiệp định CPTPP cũng thể hiện Việt Nam coi trọng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường thuận lợi, an toàn và thu hút đầu tư nước ngoài. Từ các phân tích trên, việc sửa đổi cả bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý trong thời điểm này là hoàn toàn phù hợp.
Về sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 liên quan đến thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, qua thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với việc Dự thảo luật sửa đổi theo hướng bổ sung trách nhiệm tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm cho Công an xã.
Làm rõ hơn nội dung này, Viện trưởng Lê Minh Trí chỉ ra rằng, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã gây khó khăn rất lớn trong hoạt động của xã hội nói chung và khó khăn trong hoạt động xử lý các tình huống liên quan đến tội phạm ở cơ sở nói riêng. Thời gian qua, Công an xã đã được tăng cường lực lượng công an chính quy về cơ sở khá nhiều. Lực lượng này có thể giải quyết ngay tại chỗ một số tình huống, giảm áp lực quá tải cho Công an cấp huyện; đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở cả trước mắt và lâu dài.
Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, năng lực của Công an xã dù đã được chuyển biến nhiều, tuy nhiên thời gian tới cần tiếp tục tính toán về nhân sự, tái đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất với một lộ trình khẩn trương, tích cực. Đồng thời, khi Công an xã được bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm thì VKSND cấp huyện sẽ kiểm sát chặt chẽ hoạt động này của Công an xã, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Đối với việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229, khoản 1 Điều 247 về bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, tạm đình chỉ và đình chỉ vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, biện pháp này được coi là biện pháp kỹ thuật cuối cùng, cần pháp luật cho phép để xử lý tình huống khi hết hạn điều tra, truy tố mà các cơ quan chức năng không thu thập được chứng cứ chứng minh tội phạm do thiên tai dịch bệnh…
Quốc hội nghe Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí giải trình - Ảnh: Qh.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận