TAND tỉnh Bình Dương tuyên án các bị cáo trong vụ cháy quán karaoke An Phú
Sáng ngày 30/10, TAND tỉnh Bình Dương đã tuyên án đối với 6 bị cáo trong vụ cháy quán karaoke An Phú khiến 32 người tử vong.
Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Anh Xuân (chủ quán karaoke An Phú) 8 năm tù; Phạm Thị Hồng 7 năm 6 tháng tù; Phạm Quốc Hùng 7 năm tù; Vũ Trường Sơn 5 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thành Luân 5 năm tù về tội "Vi phạm các quy định về PCCC".
Bị cáo Nguyễn Văn Võ 4 năm tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Ngoài ra, các bị cáo Xuân, Hồng, Hùng, Sơn có trách nhiệm liên đới bồi thường tổn thất tinh thần, liên đới cấp dưỡng cho con nhiều bị hại trong vụ cháy.
HĐXX nhận định, có căn cứ xác định Lê Anh Xuân là người đứng đầu cơ sở kinh doanh karaoke An Phú tại số 166C, khu phố 1A, phường An Phú.
Ngày 06/9/2023, cơ sở karaoke An Phú chập điện đoạn trên trần la phông qua khu vực trước phòng 204, phòng 206. Lõi dây đồng nóng chảy rơi xuống gây cháy vật liệu, bùng nhanh ở tầng 2, lan lên tầng 3, khiến 32 người thiệt mạng, 3 người bị thương.
Qua điều tra, Lê Anh Xuân có nhiều vi phạm, cơ sở karaoke An Phú thay đổi thiết kế và thiết bị PCCC so với hồ sơ được duyệt.
Xuân cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng nhưng không báo cáo, lập hồ sơ thiết kế bổ sung trình cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt lại.
Xuân không thực hiện đầy đủ trách nhiệm về PCCC; Không kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống PCCC; Không tổ chức tuyên truyền, giáo dục phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC và CNCH cho nhân viên. Không xây dựng phương án chữa cháy, kế hoạch cứu nạn…
Không duy trì các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH đối với cơ sở; Không có nội quy, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn; nhân viên cơ sở không được tập huấn kiến thức về PCCC; …
Hành vi của bị cáo vi phạm Luật PCCC năm 2013, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Bị cáo Vũ Trường Sơn là cán bộ trực tiếp kiểm tra hồ sơ và thẩm duyệt hồ sơ PCCC của cơ sở karaoke An Phú.
Tuy nhiên, bị cáo lại thẩm duyệt hệ thống PCCC không đúng quy định tại Luật PCCC năm 2013. Sơn báo cáo lãnh đạo là cơ sở karaoke An Phú đủ điều kiện thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo quy định, tạo điều kiện cho cơ sở này hoạt động.
Bị cáo Phạm Thị Hồng là người nhận thi công hệ thống PCCC của cơ sở An Phú. Dù trong quá trình điều tra, tại phiên tòa, bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng căn cứ lời khai các bị cáo khác, người làm chứng và các tài liệu, chứng cứ thu thập được cho thấy:
Năm 2017, bị cáo Hồng dù không có tư cách pháp nhân, không được cấp Giấy phép kinh doanh lĩnh vực PCCC nhưng đã nhận hợp đồng thi công hệ thống PCCC của cơ sở An Phú với ông Lê Xuân Hà.
Sau khi cung cấp vật tư và thuê anh Nguyễn Nhất Linh lắp đặt, hoàn thiện xong hệ thống, Hồng lợi dụng mối quan hệ đồng nghiệp với bị cáo Phạm Quốc Hùng, tác động nhờ Hùng kiểm tra, nghiệm thu hệ thống PCCC cơ sở An Phú, Hùng đông ý. Do Hồng không có tư cách pháp nhân nên nhờ bị cáo Nguyễn Thành Luân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thái Bình Anh ký hợp thức hóa vào Biên bản nghiệm thu do Hùng lập.
Như vậy, Phạm Thị Hồng nhận làm dịch vụ thi công hệ thống PCCC của cơ sở An Phú nhưng không đủ điều kiện hành nghề dịch vụ PCCC theo quy định pháp luật.
Quang cảnh phiên tòa
Bị cáo Nguyễn Thành Luân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thái Bình Anh, dù không phải là đơn vị thi công, không đến cơ sở để tham gia nghiệm thu nhưng do quen biết Hồng nên Luân đồng ý ký xác nhận dưới mục “đơn vị thi công”. Từ đó, tạo điều kiện cho cơ sở An Phú được kiểm tra nghiệm thu hệ thống PCCC và đi vào hoạt động.
Bị cáo Nguyễn Thành Luân không có trách nhiệm gì trong việc thi công hệ thống PCCC của cơ sở An Phú nhưng giả danh nhà thầu thi công, vi phạm quy định pháp luật về PCCC.
Bị cáo Phạm Quốc Hùng là cán bộ được giao nhiệm vụ trực tiếp kiểm tra, nghiệm thu hệ thống PCCC của cơ sở karaoke An Phú. Phạm Quốc Hùng nể nang mối quan hệ đồng nghiệp với bị cáo Phạm Thị Hồng. Khi Hồng nhờ nghiệm thu, Hùng không đến hiện trường, lập khống Biên bản kiểm tra, nghiệm thu về PCCC rồi đưa cho Hồng. Sau đó Hồng đưa cho Luân ký hợp thức hóa.
Các bị cáo tại phiên tòa
Bị cáo Nguyễn Văn Võ là cán bộ trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra công tác PCCC địa bàn phường An Phú (trong đó có cơ sở karaoke An Phú). Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Võ không thực hiện việc hướng dẫn, kiểm tra an toàn về PCCC đối với cơ sở karaoke An Phú theo quy định.
Sau khi vụ cháy xảy ra, vào đêm 06/9/2022, Võ tự soạn khống 03 biên bản kiêm tra an toàn về PCCC & CNCH điền các ngày: 27/4/2021; 20/12/2021 và 27/4/2022 rồi nhờ người khác ký hợp thức hóa việc kiểm tra vào các năm 2021 và 2022 để né tránh trách nhiệm.
Hành vi của Nguyễn Văn Võ đã không thực hiện công tác hướng dẫn, kiểm tra đối với cơ sở karaoke An Phú đúng quy định của Luật PCCC.
Bài liên quan
-
Trao đổi, rút kinh nghiệm công tác xét xử tại TAND các tỉnh phía Nam
-
Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử
-
Thực hiện tốt giải pháp đột phá nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án
-
Phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự: Giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận