Tạp chí Tòa án nhân dân số 11 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 11 là ấn phẩm đặc biệt kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024) xuất bản ngày 10 tháng 6 năm 2024.
Bài giới thiệu này, xin gửi tới độc giả một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 10 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 11 năm 2024, cụ thể như sau:
Bài viết “Bàn về tính độc lập của Thẩm phán trong Nhà nước pháp quyền ở Liên bang Nga và một số khuyến nghị cho cải cách tư pháp ở Việt Nam” của các tác giả Nguyễn Thị Huyền Trang và Chu Văn Hùng bàn về tính độc lập của Thẩm phán trong nhà nước pháp quyền ở Liên bang Nga theo các phương diện sau: tính độc lập của Thẩm phán theo quy định của pháp luật Liên bang Nga; các bảo đảm cho tính độc lập của Thẩm phán ở Liên bang Nga, đồng thời nhóm tác giả bài viết đưa ra một số khuyến nghị cho cải cách tư pháp ở Việt Nam đối với việc bảo đảm tính độc lập của Thẩm phán trong hoạt động xét xử.
Với bài viết “Đề xuất thành lập Tòa chuyên biệt về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ - kinh nghiệm từ Malaysia và Thái Lan”, tác giả Đỗ Thị Diện nêu: “Thực tiễn xét xử trong những năm qua cho thấy, việc có ít tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ được đưa ra giải quyết tại Tòa án chưa phản ánh đúng bản chất dân sự trong giải quyết các tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ đang diễn ra ngày càng đa dạng và phức tạp trong tình hình phát triển kinh tế, xã hội hiện nay. Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết là thành lập Tòa chuyên biệt trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ với đội ngũ Thẩm phán đủ năng lực và chuyên môn cao. Vì vậy, nội dung bài viết phân tích những bất cập từ thực tiễn xét xử các tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án, từ đó đề xuất thành lập Tòa chuyên biệt sở hữu trí tuệ, trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm từ Malaysia và Thái Lan.”
Trong bài viết “Hoàn thiện pháp luật hình sự góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm cưỡng bức lao động”, tác giả Nguyễn Thị Thanh Thùy viết: “Cưỡng bức lao động là hành vi bị nghiêm cấm trong quy định pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng. Xét về bản chất, đây là một trong những hình thức nô lệ thời hiện đại, gắn với việc bóc lột sức lao động của người khác dưới hình thức “lao động gán nợ”, “ép buộc trong việc làm”, “mua bán người”…, gây nhiều hệ lụy xấu trong xã hội. Nhằm tạo khung pháp lý làm cơ sở cho phòng, chống tội phạm cưỡng bức lao động, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước số 29 ngày 28/6/1930 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Lao động cưỡng bức (Công ước số 29) và Công ước số 105 ngày 25/6/1957 của ILO về Xóa bỏ lao động cưỡng bức (Công ước số 105), đồng thời ghi nhận cưỡng bức lao động là một tội phạm quy định tại Điều 279 Bộ luật Hình sự hiện hành. Tuy nhiên, quá trình áp dụng pháp luật hình sự trong phòng, chống tội phạm cưỡng bức lao động đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc, đòi hỏi phải sớm được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.” Bài viết này, tác giả phân tích, luận bàn làm rõ vấn đề nêu trên, đồng thời đưa ra những đề xuất, kiến nghị cụ thể để hoàn thiện quy định pháp luật về vấn đề này.
Tác giả Thái Minh Hải viết trong bài “Bàn về việc khám nghiệm hiện trường các vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa”: “Tai nạn giao thông nói chung, tai nạn giao thông đường thủy nội địa nói riêng luôn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, cũng là nỗi ám ảnh của nhiều gia đình. Quá trình điều tra, giải quyết tai nạn, hiện trường chính là nơi lực lượng khám nghiệm có thể tìm kiếm, thu thập được những dấu vết, vật chứng quan trọng, giúp xác định nguyên nhân, điều kiện cũng như diễn biến vụ việc”. Bài viết tập trung phân tích, làm rõ một số vấn đề nhận thức liên quan đến tai nạn giao thông đường thủy nội địa, hiện trường các vụ việc liên quan và những lưu ý khi tiến hành khám nghiệm hiện trường loại vụ việc này trong thực tiễn.
Với bài viết “Một số vấn đề về hoàn thiện pháp luật về giao kết hợp đồng thương mại bằng phương thức điện tử hiện nay”, tác giả Nguyễn Bích Giang - Huỳnh Huế Tiên - Nguyễn Hồng Quân viết: “Hiện nay, các giao dịch thương mại được thiết lập thông qua phương thức điện tử ngày càng nhiều, điều này phù hợp với xu hướng phát triển chung của nền kinh tế thị trường và nhu cầu giao lưu dân sự trong nước và thế giới. Vì vậy, việc giao kết hợp đồng thương mại thông qua phương thức điện tử ngày càng được các bên lựa chọn nhiều hơn; tuy nhiên, quy định của pháp luật dân sự về vấn đề này vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập”. Bài viết tập trung phân tích, làm rõ quy định của pháp luật về giao kết hợp đồng thương mại bằng phương thức điện tử, từ đó chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và đưa ra đề xuất, kiến nghị hoàn thiện về vấn đề này.
Bài viết “Quy định của pháp luật tố tụng hình sự về hồ sơ giám định kỹ thuật hình sự” của tác giả Phạm Long Hải trình bày quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), quy định của Luật Giám định tư pháp năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018, 2020) và các quy định khác có liên quan đến hồ sơ giám định tư pháp nói chung, hồ sơ giám định kỹ thuật hình sự nói riêng; phân tích những hạn chế, bất cập trong quy định của pháp luật tố tụng hình sự có liên quan đến hồ sơ giám định tư pháp. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật tố tụng hình sự liên quan đến nội dung này.
Với bài viết “Cho thuê lưu trú căn hộ chung cư trong nền kinh tế chia sẻ tại Việt Nam - pháp luật và thực tiễn”, tác giả Hồ Thị Thanh Trúc nêu: “Kinh tế chia sẻ phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực lưu trú du lịch. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nền tảng kết nối người có chỗ ở và người có nhu cầu lưu trú ngắn hạn. Trong đó, căn hộ chung cư là đối tượng được ưa chuộng của dịch vụ này. Tuy nhiên, Luật Nhà ở 2014 và Luật Nhà ở 2023 dù không chỉ rõ lệnh cấm đối với dịch vụ này, nhưng với sự không rõ ràng của quy định cấm sử dụng căn hộ chung cư không nhằm mục đích để ở đã ngăn cản hoạt động chia sẻ căn hộ chung cư ngắn hạn”. Bài viết phân tích thực trạng pháp luật về cho thuê lưu trú đối với căn hộ chung cư tại Việt Nam và đề xuất các giải pháp góp phần hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.
Tác giả Vương Hoài Sơn và Trần Trung Hiếu nêu trong bài viết “Một số khó khăn, vướng mắc về thi hành án treo của Công an cấp xã và đề xuất hướng hoàn thiện”: Án treo là chế định pháp lý hình sự liên quan đến việc chấp hành hình phạt. Trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, bất cập về mặt pháp lý phát sinh trong quá trình thi hành án treo của Công an cấp xã và đưa ra một số kiến nghị, đề xuất góp phần hoàn thiện chế định này trong thời gian tới.
Với bài viết “Giới hạn tự do hợp đồng trong pháp luật dân sự Việt Nam - một số tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị”, tác giả Lý Vương Thảo nêu: “Tự do hợp đồng là một nguyên tắc quan trọng được ghi nhận từ sớm trong pháp luật dân sự một số nước trên thế giới và Việt Nam. Tuy nhiên, tự do hợp đồng không phải là tự do tuyệt đối mà pháp luật đặt ra những giới hạn nhất định để kiểm soát, quản lý các quan hệ hợp đồng phát sinh trong một số trường hợp cụ thể”. Bài viết tập trung phân tích, đánh giá quy định về giới hạn của tự do hợp đồng; từ đó chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và đưa ra kiến nghị hoàn thiện cụ thể.
Bài viết “Nghiên cứu, so sánh quy định của pháp luật Việt Nam và Liên bang Nga về các trường hợp người giám định tư pháp buộc phải từ chối tham gia tố tụng” của tác giả Phan Thành Đông phân tích các trường hợp cụ thể buộc giám định viên phải từ chối tham gia tố tụng hình sự với tư cách là người giám định theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) và Bộ luật Tố tụng hình sự Liên bang Nga năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2022). Trên cơ sở phân tích và so sánh sự khác nhau của các trường hợp nêu trên, cũng như đánh giá những ưu điểm về mặt lý luận của pháp luật Liên bang Nga và học tập kinh nghiệm lập pháp của quốc gia này, bài viết đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực này, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp tại Việt Nam trong thời gian tới.
Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 11 kỳ I tháng 6 năm 2024.
* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hằng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 xuất bản ngày 25 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 xuất bản ngày 10 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 xuất bản ngày 25 tháng 10 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 xuất bản ngày 10 tháng 10 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao