Tạp chí Tòa án nhân dân số 14 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 14 xuất bản ngày 17 tháng 7 năm 2024.
Trong bài giới thiệu này, chúng tôi xin gửi tới độc giả một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 09 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 14 năm 2024, cụ thể như sau:
Với bài viết “Tòa án nhân dân với công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình”, tác giả Nguyễn Minh Đoan viết: “Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình là xu hướng phát triển tất yếu của dân chủ xã hội, được thể hiện ngày càng rõ hơn trong các hoạt động xã hội nói chung, trong hoạt động nhà nước nói riêng. Đối với Tòa án nhân dân thì vấn đề công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đã được đặt ra từ lâu và trong thực tiễn tổ chức, hoạt động của mình, Tòa án nhân dân ở nước ta luôn thực hiện nghiêm chỉnh tất cả những quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Tuy nhiên, việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của Tòa án có nhiều điểm đặc thù so với các loại cơ quan khác trong bộ máy nhà nước cần được làm rõ và có những giải pháp thiết thực nhằm lan tỏa, phát huy tính tích cực của các hoạt động nói trên hơn nữa để hệ thống Tòa án thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, hoạt động vì Nhân dân.” Trong bài viết này, tác giả tập trung, phân tích, luận bàn làm rõ những luận điểm nêu trên.
Tác giả Đỗ Huy Bình viết trong bài “Những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý trong điều tra vụ án hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”: “Trong những năm gần đây, số vụ án và số đối tượng phạm tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản ở nước ta diễn biến phức tạp, trong khi hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra còn gặp những vấn đề khó khăn, vướng mắc nhất định”. Bài viết tập trung phân tích một số khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý của Cơ quan điều tra trong điều tra vụ án hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản và đề xuất một số phương hướng khắc phục, giải quyết.
Tác giả Phạm Long Hải nêu trong bài “Hoạt động giám định lại trong tố tụng hình sự Việt Nam”: “Giám định lại là một hình thức của giám định tư pháp được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021). Bài viết này phân tích hoạt động giám định lại được quy định tại Điều 211, 212 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) và một số vấn đề bất cập đặt ra; từ đó tác giả đưa ra kiến nghị nhằm hoàn thiện chế định này trong thực tiễn áp dụng pháp luật.”.
Trong bài viết “Một số ý kiến về áp dụng biện pháp tư pháp “tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm”, tác giả Đinh Minh Lượng nêu nhận định: “Hiện nay, biện pháp tư pháp “tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm” chưa được hướng dẫn áp dụng tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, dẫn đến cách hiểu và áp dụng còn chưa thống nhất, gây khó khăn trong thực tiễn xét xử”. Bài viết phân tích quy định về biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm, đồng thời, chỉ ra những ý kiến khác nhau khi áp dụng trong thực tiễn và đề xuất một số kiến nghị để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.
Trong bài viết “Hoàn thiện quy định về bảo vệ chứng cứ trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015”, tác giả Thiều Hữu Minh và Nguyễn Văn Toàn trình bày: “Chứng cứ có ý nghĩa, vai trò quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Chứng cứ là căn cứ để các đương sự chứng minh cho yêu cầu của mình hoặc phản đối yêu cầu của đương sự khác là có căn cứ và hợp pháp. Chứng cứ còn là cơ sở để Tòa án xem xét, đánh giá, áp dụng pháp luật để ban hành quyết định, bản án dân sự. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về bảo vệ chứng cứ nhưng lại không quy định về trình tự, thủ tục áp dụng, thủ tục và trách nhiệm thi hành quyết định của Tòa án áp dụng biện pháp cần thiết để bảo vệ chứng cứ. Đây là vấn đề còn tồn tại của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cần sớm được khắc phục để hoàn thiện”. Bài viết phân tích quy định về bảo vệ chứng cứ trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đánh giá một số vấn đề đặt ra liên quan đến quy định bảo vệ chứng cứ và kiến nghị hoàn thiện.
Trong bài viết: “Điểm mới của Luật Nhà ở năm 2023 về điều kiện và hình thức sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài”, tác giả Lâm Thị Bích Trâm và Nguyễn Anh Thư tập trung trình bày những điểm mới của Luật Nhà ở năm 2023 về điều kiện và hình thức sở hữu nhà ở tại Việt Nam của cá nhân nước ngoài trong sự tương quan so sánh với Luật Nhà ở năm 2014 và đưa ra một số kiến nghị thực thi.
Tác giả Nguyễn Tuấn Hoàng nêu nhận định trong bài ““Mặc cả thú tội” theo quy định pháp luật Cộng hòa Đức và một số gợi mở đối với Việt Nam”: “Mặc cả thú tội” là chế định nổi tiếng ở nhiều quốc gia trên thế giới và được nhiều học giả nghiên cứu, đánh giá như: Tìm hiểu về lịch sử và bản chất của nguyên tắc “mặc cả thú tội” của Mỹ của tác giả Đinh Thị Mai; Chế định “mặc cả thú tội” trong pháp luật tố tụng hình sự Liên bang Mỹ của tác giả Trần Thị Mỹ Duyên, Đinh Thu Thủy; Bàn về nguyên tắc “thỏa thuận nhận tội” (Plea bargains) trong pháp luật Hoa Kỳ của tác giả Nguyễn Thị Thùy Dung…”. Trong bài này, tác giả tiếp nối phần nghiên cứu đó và tìm hiểu quy định về “mặc cả thú tội” trong pháp luật Cộng hòa liên bang Đức - một quốc gia có mô hình tố tụng hình sự khá tương đồng với Việt Nam là những kinh nghiệm tốt để nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự nước ta.
Tác giả Hoàng Vũ Cường và Huỳnh Quang Thuận nêu trong bài: “Giải quyết tranh chấp đất đai bằng trọng tài thương mại Việt Nam theo quy định trong Luật Đất đai năm 2024”: “Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội thông qua ngày 18/01/2024 có nhiều điểm mới, bổ sung, thay đổi so với Luật Đất đai năm 2013. Một trong số những điểm mới mang tính đột phá đó là Luật Đất đai năm 2024 đã bổ sung phương thức giải quyết tranh chấp đất đai bằng Trọng tài thương mại Việt Nam (sau đây gọi tắt là “Trọng tài”) bên cạnh Tòa án và Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền”. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích và bình luận những quy định có liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài trong Luật Đất đai năm 2024, thông qua đó làm rõ phạm vi thẩm quyền của Trọng tài đối với các tranh chấp liên quan đến đất đai, trách nhiệm của các cơ quan hành chính Nhà nước đối với hoạt động giải quyết tranh chấp đất đai bằng Trọng tài và hệ quả của việc giải quyết tranh chấp đất đai bằng Trọng tài. Ngoài ra, bài viết cũng đề cập đến một số điểm còn chưa rõ hoặc còn thiếu sót để từ đó có một số kiến nghị điều chỉnh, làm rõ trong văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai sắp tới.
Bài viết “Áp dụng mô hình hội nghị trong xử lý người chưa thành niên phạm tội tại một số quốc gia trên thế giới và gợi mở cho Việt Nam” của tác giả Trần Hà Anh phân tích lợi ích của việc áp dụng mô hình hội nghị trong xử lý người chưa thành niên phạm tội, trên cơ sở đó, chỉ ra một số mô hình hội nghị được áp dụng thành công tại các quốc gia New Zealand, Canada và Úc. Đồng thời, bài viết nêu ra một số gợi mở cho Việt Nam qua kinh nghiệm của các quốc gia này với việc áp dụng mô hình hội nghị trong xử lý người chưa thành niên phạm tội.
Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 14 kỳ II tháng 7 năm 2024.
* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hằng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 xuất bản ngày 25 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 xuất bản ngày 10 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 xuất bản ngày 25 tháng 10 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 xuất bản ngày 10 tháng 10 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao