Tạp chí Tòa án nhân dân số 15 năm 2024

Tạp chí Tòa án nhân dân số 15 xuất bản ngày 10 tháng 8 năm 2024.

     Trong bài giới thiệu này, chúng tôi xin gửi tới độc giả một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 08 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 15 năm 2024, cụ thể như sau:

     Với bài viết “Chính sách hình sự trong xây dựng nhà nước pháp quyền: một số vấn đề học thuật cơ bản”, tác giả Lê Cảm và Lê Thúy Hiền trên cơ sở làm sáng tỏ về mặt lý luận một số vấn đề học thuật cơ bản của chính sách hình sự trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các tác giả đưa ra sự phân tích khoa học năm vấn đề học thuật cơ bản cụ thể tương ứng với 05 tiểu mục sau đây: 1) Tính cấp thiết của việc nghiên cứu những vấn đề học thuật về chính sách hình sự hiện nay; 2) Nhận thức khoa học về chính sách hình sự; 3) Các chức năng và các mục đích chủ yếu của chính sách hình sự; 4) Các hình thức thể hiện của chính sách hình sự dưới dạng các hoạt động cụ thể; và 5) Các hình thức thể hiện của chính sách hình sự dưới dạng một số quy phạm pháp lý về tư pháp hình sự.

     Bài viết Thu thập dữ liệu điện tử theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành” của tác giả Lê Văn Công tập trung phân tích làm rõ quy định của pháp luật hiện hành về dữ liệu điện tử, thu thập dữ liệu điện tử; từ đó, chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong các quy định pháp luật về vấn đề này và đưa ra đề xuất, kiến nghị hoàn thiện.

    Trong bài viết “Bất cập trong quy định về trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú và kiến nghị hoàn thiện”, tác giả Cao Nhất Linh và Nguyễn Hoài Châu nêu: “Kinh doanh dịch vụ lưu trú là một trong những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nói chung và có điều kiện về an ninh, trật tự nói riêng. Nhằm bảo đảm điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định, chủ cơ sở kinh doanh phải thực hiện các trách nhiệm khi khách đến lưu trú tại cơ sở lưu trú của mình. Thế nhưng, nhiều quy định về vấn đề này không còn phù hợp với sự phát triển của tình hình kinh tế, xã hội và tốc độ chuyển đổi số như hiện nay.” Bài viết phân tích những bất cập trong các quy định hiện hành về trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, từ đó, đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật.

     Tác giả Lê Bá Đức trình bày trong bài viết “Một số vấn đề về thẩm quyền và thời điểm xử lý vật chứng là động vật hoang dã trong vụ án hình sự”: “Động vật hoang dã có vai trò vô cùng quan trọng đối với hệ sinh thái và sự đa dạng sinh học. Khung pháp lý của Việt Nam để giải quyết vụ án hình sự về các tội phạm về động vật hoang dã đã được xây dựng và dần hoàn thiện. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, tác giả nhận thấy, vẫn còn một số bất cập liên quan đến quy định về thẩm quyền và thời điểm xử lý vật chứng là động vật hoang dã, dẫn đến những khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.” Bài viết tập trung phân tích các quy định về thẩm quyền và thời điểm xử lý vật chứng là động vật hoang dã để tìm ra các điểm còn hạn chế, bất cập của quy định này và đưa ra một số kiến nghị để hoàn thiện quy định pháp luật và nâng cao hiệu quả thực hiện.

     Bài viết Một số khó khăn, vướng mắc trong quy định của bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về người bào chữa và kiến nghị hoàn thiện của tác giả Phùng Văn Hà phân tích những khó khăn, vướng mắc trong những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến người bào chữa. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số giải pháp và kiến nghị nhằm hoàn thiện trong thực tiễn áp dụng pháp luật.

     Tác giả Lê Thị Tuyết Hà nêu trong bài viết Xác định lãi suất, phí và tiền phạt trong giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng của doanh nghiệp và kiến nghị hoàn thiện pháp luật” như sau: “Hiện nay, các tranh chấp trong hợp đồng tín dụng của doanh nghiệp xảy ra ngày càng nhiều và phức tạp, trong đó, điển hình là các tranh chấp về lãi suất, phí và tiền phạt. Thực tiễn này xuất phát từ quy định pháp luật hiện hành chưa cụ thể, thống nhất.” Bài viết phân tích một số vướng mắc, bất cập trong quy định về xác định lãi suất, phí và tiền phạt, đồng thời đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp về hợp đồng tín dụng của doanh nghiệp.

      Bài viếtKiểm soát hoạt động hành chính nhà nước trong nhà nước pháp quyền hiện đại” của tác giả Nguyễn Thu Trang phân tích về sự cần thiết và đặc trưng của việc kiểm soát hoạt động hành chính nhà nước trong bối cảnh hiện đại; trong đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát quyền lực nhà nước để ngăn chặn lạm quyền, bảo vệ quyền công dân và duy trì trật tự của nhà nước pháp quyền. Thông qua việc nghiên cứu các lý thuyết pháp lý, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam, bài viết hướng đến mục tiêu cung cấp một cái nhìn toàn diện và đa chiều về vấn đề kiểm soát hoạt động hành chính nhà nước trong nhà nước pháp quyền hiện đại.

      Tác giả Nguyễn Xuân Thạch trình bày trong bài “Hoàn thiện quy định về giám định kỹ thuật hình sự tại viện kiểm sát nhân dân tối cao, đáp ứng xu thế đa dạng hóa cơ quan giám định tư pháp”: “Xu thế hiện nay là đa dạng hóa các cơ quan giám định tư pháp công lập, đặc biệt là lĩnh vực giám định kỹ thuật hình sự. Bài viết nghiên cứu một số vấn đề về pháp lý và tổ chức liên quan đến quyền thực hiện giám định kỹ thuật hình sự tại Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo quy định của Luật Giám định tư pháp năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020.”

      Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 15 kỳ I tháng 8 năm 2024.

 

     * Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hằng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

BTK