Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 xuất bản ngày 25 tháng 10 năm 2024.
Trong bài giới thiệu này, chúng tôi xin gửi tới độc giả một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 08 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 năm 2024, cụ thể như sau:
Trong bài viết “Xây dựng luật tư pháp người chưa thành niên nhân văn, bảo vệ quyền, lợi ích và tạo điều kiện tốt nhất cho người chưa thành niên”, tác giả Nguyễn Văn Du nêu nhận định: “Xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên là yêu cầu tất yếu nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về “phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013; thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.”. Bài viết giới thiệu tính nhân văn, đặt mục tiêu bảo vệ quyền, lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên, giúp họ cải tạo, sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội trong Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Với bài viết “Về hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khi bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm do lỗi của doanh nghiệp bảo hiểm”, tác giả Tưởng Duy Lượng và Võ Văn Hiếu nêu: “Việc xác định hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khi bên mua bảo hiểm không đống phí bảo hiểm do lỗi của doanh nghiệp bảo hiểm là vấn đề khá khó khăn và phức tạp, bởi căn cứ pháp lý quy định cụ thể về vấn đề này chưa thực sự rõ ràng. Để bảo đảm thống nhất việc xét xử đối với trường hợp này trong thực tiễn, Án lệ số 23/2018/AL ra đời nhằm đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn giải quyết tranh chấp phát sinh.”. Bài viết này tập trung phân tích, luận bàn và đưa ra một số nhận xét cũng như khuyến nghị về nội dung của Án lệ này.
Trong bài viết “Bảo vệ quyền lợi của người lao động khi tổ chức lại doanh nghiệp theo pháp luật Việt Nam”, tác giả Lê Mộng Thơ nêu: “Bảo vệ quyền lợi của người lao động luôn là vấn đề tất yếu và quan trọng của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bởi lẽ, trong mối quan hệ lao động, người lao động luôn ở vi ̣trí yếu thế hơn, phụ thuộc và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát từ phía người sử dụng lao động và có thể bị người sử dụng lao động phân biệt đối xử, ngược đãi, cưỡng bức lao động… Hiện nay, khi các quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng được mở rộng, các doanh nghiệp được quyền chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (gọi là tổ chức lại doanh nghiệp) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường và giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Cùng với việc tổ chức lại doanh nghiệp, dưới bất cứ hình thức nào đều kèm theo sự thay đổi về phương thức quản lý, đổi mới công nghệ… Tất nhiên, sự thay đổi này sẽ kéo theo sự thay đổi quan hệ lao động trong doanh nghiệp và đặc biệt ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích của người lao động. Do đó, việc bảo vệ quyền lợi của người lao động khi tổ chức lại doanh nghiệp là vấn đề quan trọng cần phải được quan tâm.”. Trong bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu về vấn đề bảo vệ quyền lợi của người lao động khi tổ chức lại doanh nghiệp theo pháp luật Việt Nam và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện.
Với bài viết “Thỏa thuận không cạnh tranh trong quan hệ lao động dưới góc nhìn từ thực tiễn xét xử”, các tác giả Cao Hồng Quân và Chu Trường Giang trình bày: “Trong quan hệ lao động tồn tại các thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, trong đó, vị thế giữa hai chủ thể này có sự bất cân bằng với nhau. Người lao động ở vị thế kém lợi thế hơn so với người sử dụng lao động (bởi họ chịu sự điều hành, quản lý, giám sát). Thế nên, các thỏa thuận giữa họ cần sự điều chỉnh bởi pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên yếu thế. Thỏa thuận không cạnh tranh là một dạng thỏa thuận khá phổ biến trong quan hệ lao động, tuy nhiên, giá trị pháp lý của nó vẫn còn gây ra nhiều vấn đề cần bàn luận về mặt lý luận và thực tiễn.”. Bài viết nghiên cứu bản chất của thỏa thuận, góc nhìn từ thực tiễn xét xử đối với vấn đề này, để từ đó, nhóm tác giả đưa ra một số đề xuất hoàn thiện pháp luật Việt Nam.
Tác giả Phạm Long Hải nêu trong bài viết “Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt - quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, vướng mắc và kiến nghị” như sau: “Các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là chế định lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Trên thế giới, do yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống một số loại tội phạm nguy hiểm nên rất nhiều quốc gia đã cho áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong tố tụng hình sự. Tùy thuộc vào yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm của từng quốc gia, tùy thuộc vào truyền thống văn hóa, pháp luật và điều kiện kinh tế - xã hội mà quy định về chế định biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có những điểm khác nhau nhất định.”. Bài viết phân tích quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) về chế định biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị.
Tác giả Phạm Thị Hồng Tâm nêu trong bài viết “Thời điểm giao kết hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và kiến nghị hoàn thiện” như sau: “Trong thực tiễn, hoạt động áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp về thời điểm giao kết hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 vẫn còn nhiều vướng mắc, mâu thuẫn, nguyên nhân lớn nhất là do thiếu thống nhất trong cách hiểu và áp dụng quy định pháp luật về vấn đề này.”. Bài viết giới thiệu, phân tích quy định của BLDS năm 2015 về thời điểm giao kết hợp đồng; đánh giá thực trạng pháp luật và đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện.
Với bài viết “Phản biện xã hội của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tại Việt Nam hiện nay - quy định pháp luật, kết quả đã đạt được, vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện”, tác giả Trần Thị Cẩm Tú nêu: “Xây dựng cơ chế pháp lý bảo đảm cho Nhân dân tham gia hoạt động phản biện xã hội là một trong những giải pháp cấp thiết nhằm thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân đối với bộ máy nhà nước. Hơn thế, đó còn là giải pháp quan trọng nhằm góp phần đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.”.
Bài viết “Về bài viết: “Phạm Quốc H phạm tội gì?”” nêu quan điểm của các tác giả về giải quyết một tình huống pháp lý cụ thể được đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 05/2024.
Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 kỳ II tháng 10 năm 2024.
* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hằng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 xuất bản ngày 25 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 xuất bản ngày 10 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 xuất bản ngày 10 tháng 10 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 18 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 18 xuất bản ngày 25 tháng 9 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao