Tết sum họp, Tết bình an… và những con số

Tết Nguyên đán trong văn hóa Việt là một lễ hội đặc biệt, lễ hội kết thúc năm cũ, đón chào năm mới, lễ hội khiến bất kỳ người dân Việt nào cũng hướng về cội nguồn, bày tỏ tình cảm gia đình, bạn bè, thầy trò với những hy vọng tốt lành… Nhưng để giữ được cái tết đủ đầy, sum vầy, vui vẻ và bình an, đòi hỏi mỗi người, mỗi nhà phải ứng xử có trách nhiệm hơn.

Tết, đó là dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, bày biện thật đẹp bàn thờ tổ tiên, là gói bánh chưng, bánh tét để dâng cúng; là những bữa tiệc đoàn viên, thơm chén rượu quê và những sản vật địa phương sau một năm bận rộn; là những nụ cười, những lời chúc an vui, thành đạt trong năm mới… Tết là những chuyến du xuân nhẹ nhàng, trong niềm hân hoan của lòng người, của trời đất, cây cỏ xanh tươi.

Xưa hơn, người ta nhắc nhau trong ba ngày Tết, mùng Một thăm nhà nội, mùng Hai thăm nhà ngoại, mùng Ba thăm các thầy cô giáo. Mỗi người, mỗi nhà tự giữ gìn để năm mới chỉ nói lời hay, làm việc thiện để tránh “dông” cả một năm.

Ngày tết xưa được hội tụ trong đôi câu đối dân gian “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, gói trong đó là niềm vui đầy đủ cả vật chất lẫn tinh thần. Câu đối đỏ xưa dán cột mỗi nhà để mừng xuân thường viết: “Thiên thiêm tuế nguyệt, nhân thiêm thọ/ Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường” nghĩa là: Trời thêm năm tháng, người thêm thọ/ Xuân đầy trời đất, phúc đầy nhà”; hay nhắc nhở con cháu: “Hiếu hữu ngoại hà sư khả lạc/ Hòa mục trung đáo xứ giai xuân” nghĩa là: Ngoài hiếu hữu ai có thể dạy ta vui được/ Trong sự hòa mục đi đâu cũng như mùa Xuân.

Hiếu là con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; Hữu là anh em thương yêu, đùm bọc nhau; Hòa mục là chan hòa, thân ái với mọi người… mỗi người, mỗi nhà giữ được những chuẩn mực đó thì lúc nào cũng an vui, cả năm lúc nào cũng đẹp như mùa xuân. Chơi Tết, trang trí Tết nhưng hàm chứa trong đó những lời dạy về đạo lý rất sâu sắc.

Và Tết không thể không đến chơi, ngày xưa cuộc sống đơn sơ, trong mỗi làng xã, sân đình, sân chùa là nơi chơi xuân vui vẻ với cờ tướng, chọi gà, đánh đu, có nơi thi bơi chải, thi hát, thi thổi cơm… những trò chơi dân gian xưa cũ nhưng tết năm nào cũng tươi mới do niềm vui, niềm hân hoan của những người chơi và dân làng mang đến.

Tất cả những sinh hoạt Tết đều nhắc người ta hướng đến cội nguồn, giữ gìn tư cách đạo đức, tạo ra niềm vui và giữ gìn niềm vui trong cuộc sống. Tết là hội tụ đầy đủ nhất tinh hóa văn hóa của người Việt là thế.

Ngày nay, với quy luật tất yếu, những giá trị Tết xưa cũng đang dần biến đổi, dù mức độ khác nhau giữa mỗi vùng miền, mỗi gia đình. Tết vẫn là dịp để đoàn tụ, hướng về cội nguồn, quê hương, tổ quốc; vẫn là dịp nghỉ ngơi, vui chơi. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là những năm gần đây, Tết cũng mang đến quá nhiều điều không vui. Đó là cờ bạc, đánh nhau, là tai nạn giao thông nghiêm trọng. Nhìn lại những con số đã được công bố mới thấy tính nghiêm trọng của những tệ nạn này.

Tết Nguyên đán xuân Mậu Tuất 2018, Công an cả nước đã điều tra, xử lý 222 vụ, bắt giữ 281 đối tượng hình sự, 1365 đối tượng cờ bạc. Cờ bạc diễn ra phổ biến trong mấy ngày Tết, từ thành thị đến nông thôn, với các quy mô khác nhau. Hệ lụy tất yếu là của cờ bạc là kéo theo các vi phạm pháp luật khác như cho vay nặng lãi, xiết nợ, đánh nhau.

Cũng trong 3 ngày Tết Mậu Tuất 2018, từ 15-2 (30 tháng chạp) đến 17-2 (mùng 2 Tết), 1.300 cơ sở y tế trong cả nước đã tiếp nhận 1.949 ca cấp cứu do các vụ ẩu đả, đánh nhau. Có ít nhất 6 trường hợp tử vong. Năm trước, Tết nguyên đán năm 2016, trong 9 ngày nghỉ Tết, số bệnh nhân khám cấp cứu do đánh nhau là 6.868 trường hợp, trong đó 15 người tử vong. Tết Đinh Dậu 2017, trong 7 ngày nghỉ Tết là 5.675 trường hợp cấp cứu do đánh nhau.

Tết cũng là dịp tai nạn giao thông tăng cao,  trong 5 ngày nghỉ Tết Mậu Tuất, cả nước xảy ra 202 vụ tai nạn, làm chết 155 người, 149 người bị thương. Đặc biệt, tai nạn giao thông tăng cao, liên tục trong 4 ngày từ 30 đến mùng 3 Tết. Tết năm 2017, trung bình mỗi ngày có 31 người chết, tăng 2 người so với kỳ nghỉ Tết 2017.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn giao thông ngày Tết là bia rượu. Tết là dịp lượng tiêu thụ bia rượu tăng vọt, kéo theo hệ lụy buồn lòng. Theo số liệu của Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), trong 10 năm qua, tốc độ tiêu thụ bia của người Việt Nam đã tăng hơn 200%. Có đến 90% đàn ông Việt Nam uống rượu, bia, trong đó 1/4 số này sử dụng rượu bia ở mức độ có hại.

Làm gì để Tết thật sự an vui, mang lại niềm hứng khởi cho một năm mới, không ai khác, chính mỗi người phải làm chủ được hành vi ứng xử của mình, tôn trọng pháp luật và những chuẩn mực văn hóa, đạo đức truyền thống… Bên cạnh đó các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác vận động, tuyên truyền và ngăn chặn những điểm cờ bạc, đua xe, gây mất trật tự, trị an… để mang lại bình yên cho không gian Tết khắp mọi miền.

Tết đang đến gần, mùa xuân đang nao nức bên khung cửa, mong sao chúng ta có một Tết Kỷ Hợi thật an vui, lành mạnh và sáng ngời những giá trị Việt.

 

 

 

BẢO THƯ