Thẩm quyền theo cấp của Tòa án đối với tranh chấp về hợp đồng dân sự trong trường hợp không xác định được địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) đã quy định thẩm quyền giải quyết của Tòa án về hợp đồng dân sự nói chung. Tuy nhiên, trên thực tế việc áp dụng các quy định này vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau, nhất là đối với trường hợp không xác định được địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài.
1. Cơ sở lý luận và quy định về thẩm quyền
Theo Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) quy định “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Đồng thời, khoản 1 Điều 119 BLDS quy định hình thức “giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản”. Như vậy, hợp đồng chính là một dạng của giao dịch dân sự, do đó, hình thức của hợp đồng được thực hiện giống như các hình thức của giao dịch dân sự nói chung. Khi các chủ thể tiến hành giao kết hợp đồng thì luôn mong muốn hợp đồng sẽ được thực hiện một cách thuận lợi nhất. Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau các bên phát sinh tranh chấp liên quan đến quyền và nghĩa vụ dẫn đến việc khởi kiện tại Tòa án.
Về nguyên tắc, thẩm quyền theo loại việc về tranh chấp hợp đồng dân sự theo quy định tại khoản 3 Điều 26 BLTTDS thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện. Ngoại trừ trường hợp có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh hoặc vụ án thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện mà TAND cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của TAND cấp huyện.1
Song song đó, để xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án đối với tranh chấp về hợp đồng dân sự còn căn cứ vào thẩm quyền theo lãnh thổ. Theo đó, Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức hoặc các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức.2 Bên cạnh đó, nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết.3
Theo điểm đ khoản 4 Điều 189 BLTTDS thì trong đơn khởi kiện phải thể hiện nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức. Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện. Đồng thời điểm e khoản 1 Điều 192 BLTTDS quy định người khởi kiện đã ghi đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở mà không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú làm cho người khởi kiện không biết được nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì Thẩm phán không trả lại đơn khởi kiện mà xác định người bị kiện cố tình giấu địa chỉ và tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.
Trên thực tế, việc không xác định được địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài xảy ra 02 trường hợp sau:
Trường hợp 1, qua thông tin xuất cảnh. nhiều vụ án chỉ xác định được bị đơn không có mặt ở Việt Nam vào thời điểm thụ lý vụ án mà không xác định được địa chỉ cụ thể của bị đơn ở nước ngoài.
Trường hợp 2, có vụ án nguyên đơn cho rằng bị đơn đang ở nước ngoài nhưng không có thông tin xuất nhập cảnh được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
2. Các quan điểm khác nhau
Để xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án đối với tranh chấp về hợp đồng dân sự trong trường hợp không xác định được địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài, hiện nay có các quan điểm khác nhau như sau:
Đối với trường hợp 1:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, đây là tranh chấp liên quan đến hợp đồng, đồng thời địa chỉ của bị đơn được ghi trong hợp đồng là ở Việt Nam; ngoài ra, không xác định được địa chỉ cụ thể bị đơn ở nước ngoài, do đó, đây thuộc trường hợp nguyên đơn “đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở của bị đơn” nên vụ án thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện.
Quan điểm thứ hai cho rằng, tại thời điểm thụ lý vụ án không cần biết địa chỉ của bị đơn được thể hiện như thế nào trong hợp đồng, nếu có căn cứ cho rằng bị đơn đang ở nước ngoài, mặc dù chưa xác định địa chỉ cụ thể của bị đơn ở đâu thì vẫn thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh.
Quan điểm của tác giả, thống nhất quan điểm đối với tranh chấp về hợp đồng dân sự trong trường hợp không xác định được địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài thì vẫn thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh, bởi những lý do sau đây:
Thứ nhất, theo quy định tại khoản 2 Điều 473 BLTTDS trường hợp không xác định được địa chỉ của đương sự ở nước ngoài thì người khởi kiện có thể yêu cầu Tòa án Việt Nam đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác định địa chỉ của đương sự hoặc có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú hoặc yêu cầu Tòa án Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài tuyên bố đương sự mất tích hoặc đã chết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật nước ngoài hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trả lời cho Tòa án Việt Nam không xác định được địa chỉ của đương sự ở nước ngoài hoặc sau 06 tháng mà không có trả lời thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện. Như vậy, để thực hiện việc này thì Tòa án Việt Nam cần ủy thác tư pháp để xác định địa chỉ của nước ngoài, do đó, căn cứ vào khoản 3 Điều 35 BLTTDS thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh.
Thứ hai, đối với các tranh chấp về hợp đồng dân sự, nếu người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở của người bị kiện theo địa chỉ được ghi trong hợp đồng bằng văn bản thì được coi là “đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở”, Tòa án sẽ tiếp tục tiến hành giải quyết theo thủ tục chung. Do không thể xác định được địa chỉ cụ thể của đương sự ở nước ngoài nên không thể thực hiện được các phương thức tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự ở nước ngoài được quy định tại Điều 474 BLTTDS. Đồng thời, khi vụ án được giải quyết theo thủ tục chung thì việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng được thực hiện theo Chương X của BLTTDS thì trong phạm vi, quyền hạn của mình, TAND cấp tỉnh vẫn được thực hiện các công việc này.
Đối với trường hợp 2:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, vụ án thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh vì thực tế bị đơn không có mặt ở Việt Nam vào thời điểm thụ lý vụ án.
Quan điểm thứ hai cho rằng, trong trường hợp này, vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện vì không có yếu tố nước ngoài, không có thông tin xuất cảnh ra nước ngoài.
Quan điểm của tác giả, thống nhất quan điểm vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện, bởi những lý do sau đây:
Thứ nhất, căn cứ vào khoản 1 Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 “Xuất cảnh là việc công dân Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam” và một trong những hành vi bị nghiêm cấm là xuất cảnh trái phép, qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục theo quy định.4 Đồng thời, xuất phát từ việc bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam nên việc xuất cảnh là rất quan trọng, do đó được kiểm soát chặt chẽ và bắt buộc phải thông qua cửa khẩu của Việt Nam thì mới được coi là xuất cảnh hợp pháp. Do đó, trong trường hợp không có thông tin xuất cảnh của bị đơn trong vụ án tranh chấp hợp đồng dân sự thì được xem là xuất cảnh trái phép.
Thứ hai, theo điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 BLTTDS về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án quy định: Trường hợp sau khi thụ lý vụ án, Tòa án không tống đạt được thông báo về việc thụ lý vụ án do bị đơn không còn cư trú, làm việc hoặc không có trụ sở tại địa chỉ mà nguyên đơn cung cấp thì Tòa án giải quyết như sau: Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở của người bị kiện theo địa chỉ được ghi trong giao dịch, hợp đồng bằng văn bản thì được coi là “đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở”.
Trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thay đổi nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong giao dịch, hợp đồng mà không thông báo cho người khởi kiện biết về nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở mới theo quy định tại khoản 3 Điều 40, điểm b khoản 2 Điều 277 BLDS thì được coi là cố tình giấu địa chỉ và Tòa án tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không đình chỉ việc giải quyết vụ án vì lý do không tổng đạt được cho bị đơn.
Do đó, vụ án thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện là phù hợp với các quy định của pháp luật./.
Đại diện nguyên đơn và bị đơn tại một phiên tòa dân sự - Ảnh: Phan Thương
[1] Điều 35, Điều 37 BLTTDS;
2 Điểm a, b khoản 1 Điều 39 BLTTDS;
3 Điểm g khoản 1 Điều 40 BLTTDS;
4 Khoản 6 Điều 4 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 quy định các hành vi bị nghiêm cấm “Xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; tổ chức, môi giới, giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục theo quy định”.
Bài liên quan
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Bàn về nghĩa vụ chứng minh của bị đơn trong tố tụng dân sự - Một số vướng mắc và kiến nghị
-
Không bắt buộc phải xác nhận thông tin địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện khi nộp đơn khởi kiện tại Tòa án
-
Cần phải xác nhận địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận