Thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự và kiến nghị
Thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật về thẩm quyền xét xử của các Tòa án quân sự hiện nay còn có một số khó khăn vướng mắc, cần được hướng dẫn tháo gỡ, khắc phục.
Quy định của pháp luật
Trước đây thẩm quyền xét xử của các Tòa án quân sự được quy định tại Điều 3 Pháp lệnh Tổ chức Tòa án quân sự năm 2002 (viết tắt Pháp lệnh), cụ thể theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh: “Các Toà án quân sự có thẩm quyền xét xử những vụ án hình sự mà bị cáo là: 1. Quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ phối thuộc với Quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu và những người được trưng tập làm nhiệm vụ quân sự do các đơn vị quân đội trực tiếp quản lý; 2. Những người không thuộc các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này mà phạm tội có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho Quân đội.”.
Để hướng dẫn khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh thì tại Mục 1 Phần I Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BCA ngày 18/4/2005 (viết tắt Thông tư số 01/2005) thì thẩm quyền xét xử theo đối tượng của Tòa án quân sự được hướng dẫn như sau:
“a) Quân nhân tại ngũ bao gồm sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ và quân nhân chuyên nghiệp được quy định trong Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam;
b) Công chức quốc phòng bao gồm những công dân được tuyển dụng vào phục vụ trong Quân đội hoặc từ sĩ quan chuyển sang và do các đơn vị doanh nghiệp Quân đội trực tiếp quản lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam;
c) Công nhân quốc phòng bao gồm: Những công dân được tuyển dụng thuộc biên chế của các đơn vị, doanh nghiệp quân đội; những công dân có hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các đơn vị, doanh nghiệp quân đội, nếu họ phạm tội khi đang thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo hợp đồng;
đ) Quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng động viên, tình trạng sẵn sàng chiến đấu theo quy định của pháp luật về lực lượng dự bị động viên;
e) Dân quân, tự vệ trong thời gian phối thuộc với Quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu theo quy định của pháp luật về dân quân, tự vệ;
g) Những người được trưng tập làm nhiệm vụ quân sự do các đơn vị quân đội trực tiếp quản lý bao gồm những công dân do nhu cầu chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc do nhiệm vụ quân sự khác được các đơn vị quân đội trưng tập và trực tiếp quản lý họ để đáp ứng các nhu cầu đó”.
Để hướng dẫn khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh thì tại Mục 2 Phần I Thông tư số 01/2005 đối tượng phạm tội không thuộc Quân đội quản lý, sử dụng thì vụ án vẫn thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự nếu “phạm tội có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho Quân đội, cụ thể:
“a) Bí mật quân sự là bí mật của Quân đội, bí mật về an ninh quốc phòng được xác định là bí mật quân sự và được quy định trong các văn bản do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
b) Gây thiệt hại cho Quân đội là gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tự do, danh dự, nhân phẩm của những người quy định tại khoản 1 Điều 3 của Pháp lệnh hoặc tài sản của những người này được Quân đội cấp phát để thực hiện nhiệm vụ quân sự; gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội. Tài sản của Quân đội là tài sản do Quân đội quản lý, sử dụng, kể cả trường hợp Quân đội giao tài sản đó cho dân quân tự vệ hoặc bất kỳ người nào khác quản lý, sử dụng để chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc thực hiện nhiệm vụ quân sự. Cũng được coi là gây thiệt hại cho Quân đội trong trường hợp người đang bị tạm giữ, tạm giam và chấp hành hình phạt tù trong nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam do Quân đội quản lý mà lại tiếp tục phạm tội”.
Nay vấn đề thẩm quyền xét xử của các Tòa án quân sự được quy định tại Điều 272 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (viết tắt BLTTHS), cụ thể theo quy định:
“1. Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử:
a) Vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân;
b) Vụ án hình sự mà bị cáo không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân hoặc phạm tội trong doanh trại Quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ.
2. Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật.”
Như vậy, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 272 thì các đối tượng được liệt kê ở trên được xem là các đối tượng có nhân thân liên quan đến Quân đội (các đối tượng do Quân đội quản lý), do đó, khi phạm vào bất kỳ tội gì được quy định trong Bộ luật Hình sự và phạm tội ở bất kỳ nơi đâu thì đều thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.
So với quy định giữa Điều 3 Pháp lệnh và hướng dẫn tại Mục 1 Phần I Thông tư số 01/2005 thì quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự theo điểm a khoản 1 Điều 272 BLTTHS đã bổ sung thêm đối tượng là “viên chức quốc phòng” và “công dân được điều động hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân”.
Quy định này thể hiện sự rõ ràng, tránh trường hợp tranh chấp về thẩm quyền xét xử vụ án hình sự giữa Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự.
Còn theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 272 BLTTHS và mục 2 Phần I của Thông tư số 01/2005 đều xác định những vụ án hình sự mà bị cáo không thuộc Quân đội quản lý, sử dụng nhưng họ phạm tội liên quan đến bí mật hoặc gây thiệt hại cho Quân đội thì vẫn thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự. Tuy nhiên, BLTTHS quy định bổ sung thêm đối tượng thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự là trường hợp cá nhân “phạm tội trong doanh trại Quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ”. Quy định này bảo đảm được về đối tượng phạm tội do Tòa án quân sự xét xử.
Về các đối tượng trong trường hợp thiết quân luật, khoản 2 Điều 272 BLTTHS năm 2015 quy định: “Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật”.
Đây là quy định mới, thể hiện sự tiến bộ của BLTTHS năm 2015 về thẩm quyền xét xử tất cả tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật của Tòa án quân sự, có tính chất dự báo và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đối với những người không còn phục vụ trong Quân đội mà phát hiện tội phạm của họ được thực hiện trong thời gian phục vụ trong Quân đội hoặc những người đang phục vụ trong Quân đội mà phát hiện tội phạm của họ được thực hiện trước khi vào Quân đội thì Tòa án quân sự xét xử những tội phạm có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho Quân đội; những tội phạm khác do Tòa án nhân dân xét xử.
Với các quy định tại Điều 272 BLTTHS quy định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự cơ bản đã khắc phục được những điểm bất cập, hạn chế của Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự năm 2002 và phù hợp với các nguyên tắc của Hiến pháp năm 2013.
Khó khăn vướng mắc
Qua nghiên cứu từ thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật về thẩm quyền xét xử của các Tòa án quân sự; mặc dù thuận lợi là cơ bản tuy nhiên chúng tôi thấy vẫn còn có một số khó khăn vướng mắc sau sau:
Thứ nhất, xác định khu vực do quân đội, quản lý, bảo vệ
Theo quy định tại Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1994 thì tại Điều 1 có quy định: “Công trình quốc phòng và khu quân sự là tài sản của Nhà nước, được giao cho lực lượng vũ trang nhân dân và chính quyền các cấp tổ chức việc xây dựng, quản lý, sử dụng, bảo vệ để phục vụ sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.” Và Điều 2 quy định: “Công trình quốc phòng là các công trình được xây dựng, các địa hình và địa vật tự nhiên được cải tạo và xác định nhằm phục vụ mục đích phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc. Khu quân sự là khu vực có giới hạn được xác định chuyên dùng cho mục đích quân sự”.
Tại Quyết định số 2649/1999/QĐ-BQP ngày 27 tháng 12 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc Ban hành quy định quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự thì có thể hiểu khu vực do quân đội, quản lý, bảo vệ tại Điều 3 có hướng dẫn, cụ thể, gồm: Công trình quốc phòng (CTQP): là các công trình được xây dựng, các địa hình và địa vật tự nhiên được cải tạo và xác định nhằm phục vụ mục đích phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc; Khu quân sự (Khu QS): là khu vực có giới hạn được xác định chuyên dùng cho mục đích quân sự Khu vực cấm (KVC): là khu vực đất quốc phòng an ninh, được cấp hoặc được giao quản lý theo quyết định của Chính phủ và UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các diện tích, ranh giới, mốc giới và biển báo để xác định, do đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân quản lý, sử dụng vào mục đích quân sự. Các công trình quốc phòng đơn lẻ độc lập được xây dựng trước đây, như pháo đài thành lũy lô cốt cũ, là công trình quốc phòng được bảo vệ, cấm xâm phạm; Khu vực bảo vệ (KVBV): là khu vực bao quanh phía ngoài khu vực cấm hoặc bao phía ngoài công trình đơn lẻ, một khoảng cách và phạm vi giới hạn nhất định do yêu cầu chiến thuật, hoặc yêu cầu bảo vệ quy định, có cột mốc, biển báo hoặc các ký, tín hiệu riêng để xác định; Vành đai an toàn (VĐAT): là khu vực bao quanh phía ngoài khu vực bảo vệ, là địa bàn an toàn về an ninh chính trị, được xác định bằng văn bản giữa UBND địa phương với đơn vị lực lượng vũ trang quản lý CTQP-khu QS; Khu A: là khu sở chỉ huy và khu cơ quan tham mưu, được quy định ở cấp Bộ Quốc phòng và cấp quân khu, quân đoàn, quân chủng”.
Tuy nhiên, Bên cạnh đó nhiều khu vực hiện nay là đất quốc phòng do quân đội quản lý nhưng hiện chưa đưa vào sử dụng hiện đang được liên doanh, liên kết góp vốn kinh doanh bằng quyền sử dụng đất hoặc cho thuê, cho mượn, làm nhà công vụ cho cán bộ, nhân viên thuê, mượn hay nhiều khu vực đất quốc phòng đã chuyển đổi sang mục đích dân sinh làm nhà bán theo giá ưu đãi cho cán bộ, nhân viên nhưng hiện chưa chuyển cho địa phương quản lý... Chính vì vậy, khi tội phạm xảy ra ngoài khu vực doanh trại Quân đội như các khu vực được liệt kê ở trên thì hiện vẫn có các quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong và ngoài Quân đội là vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự hay thuộc Tòa án nhân dân.
Thứ hai, xác định thiệt hại về uy tín, danh dự của Quân đội
Để đánh giá một hành vi hay một sự kiện gây thiệt hại đến uy tín, danh dự của Quân đội nhân dân trên thực tế còn chưa định lượng được.
Thứ ba, về các đối tượng là viên quốc phòng, công dân được điều động hoặc hợp đồng vào phục vụ trong quân đội:
BLTTHS đã bổ sung đối tượng “viên chức quốc phòng”, “công dân được điều động hoặc hợp đồng vào phục vụ trong quân đội” nhưng đến nay chưa có cơ quan nào giải thích về đối tượng này, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến người đó phục vụ cho loại đơn vị, doanh nghiệp quân đội nào; loại điều động, hợp đồng nào để xác định họ là đối tượng được Toà án quân sự xét xử khi phạm tội hoặc là bị hại trong vụ án hình sự.
Đề xuất kiến nghị
Sau 17 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BCA ngày 18 tháng 4 năm 2005 hướng dẫn về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự đến nay BLTTHS năm 2015 đã được ban hành mới thay thế BLTTHS năm 2003 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 đã thay thế Pháp lệnh Tổ chức Tòa án quân sự năm 2002; trong đó như chúng tôi đã phân tích thì BLTTHS năm 2015 quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự tại Điều 272 đã có những quy định mới bổ sung một số đối tượng thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự như “viên chức quốc phòng” và “công dân được điều động hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân” và trường hợp cá nhân “phạm tội trong doanh trại Quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ” thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự. Bên cạnh đó vấn đề pháp nhân thương mại thuộc BQP hiện nay phạm tội có thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự hay không, đây là vấn đề mới chưa được Thông tư hướng dẫn. Đặc biệt là về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự theo lãnh thổ thì nhiều vấn đề mới phát sinh như vừa qua các Tòa án quân sự Khu vực trong toàn quân đã được sắp xếp lại trong năm 2021. Chính vì vậy, việc ban hành Thông tư của Chánh án TANDTC quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự theo chúng tôi là hết sức cần thiết.
Chính vì vậy, chúng tôi kiến nghị cấp có thẩm quyền cần xây dựng nội dung Thông tư mới trên cơ sở những nội dung còn phù hợp của Thông tư số 01/2005/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BCA ngày 18 tháng 4 năm 2005 hướng dẫn về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự và bổ sung một số số nội dung mới về đối tượng thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự theo BLTTHS năm 2015, theo hướng bổ sung hướng dẫn rõ một số nội dung sau:
Một là, trường hợp “phạm tội trong khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ”, theo đó, cần quy định rõ các khái niệm sau:
“Khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ là khu vực có các công trình được xây dựng, các địa hình và địa vật tự nhiên được cải tạo và xác định nhằm phục vụ mục đích phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc. Khu quân sự là khu vực có giới hạn được xác định chuyên dùng cho mục đích quân sự”.
Hai là, trong nội dung hướng dẫn của Thông tư cần có hướng dẫn cụ thể về nội dung thế nào là gây thiệt hại đến uy tín, danh dự của Quân đội để tránh nhận thức đánh giá thiếu thống nhất trong thực tiễn áp dụng. Bên cạnh đó, cũng cần có nội dung hướng dẫn thế nào là gây thiệt hại cho Quân đội ngoài các nội dung đã hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 01 thì cần có bổ sung trường hợp đất Quốc phòng nhưng đã cho thuê, cho mượn hay liên danh liên kết góp cổ phần để làm kinh tế khi bị xâm hại vẫn thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.
Ba là, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 chỉ quy định thẩm quyền của Tòa án quân sự khu vực và Tòa án quân sự cấp quân khu là “sơ thẩm những vụ án theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự”. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự lại không quy định thẩm quyền về cấp bậc, chức vụ của người phạm tội của Tòa án quân sự cấp quân khu và khu vực như Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự. Trong khi đó, trước khi có Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Pháp lệnh Tổ chức Toà án quân sự còn quy định thẩm quyền xét xử về đối tượng người phạm tội như sau: Toà án quân sự khu vực có thẩm quyền xét xử những vụ án hình sự mà bị cáo khi phạm tội hoặc khi bị khởi tố có quân hàm từ Trung tá trở xuống hoặc là người có chức vụ từ Trung đoàn trưởng hoặc tương đương trở xuống; Toà án quân sự cấp quân khu có thẩm quyền xét xử những vụ án hình sự mà bị cáo khi phạm tội hoặc khi bị khởi tố có quân hàm từ Thượng tá trở lên hoặc là người có chức vụ từ Sư đoàn phó hoặc tương đương trở lên.
Do vậy, trong nội dung của Thông tư mới cũng cần có hướng dẫn thẩm quyền xét xử về người phạm tội theo cấp bậc, chức vụ trong quân đội trên cơ sở những hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 01.
Bốn là, đề nghị nghiên cứu để hướng dẫn rõ hơn về “viên chức quốc phòng”, “công dân được điều động hoặc hợp đồng vào phục vụ trong quân đội”. Theo chúng tôi, bất cứ công dân nào được điều động, hợp đồng vào bất cứ đơn vị quân đội, doanh nghiệp quân đội, với bất cứ hình thức hợp đồng nào đều thuộc đối tượng xét xử của Toà án quân sự.
Năm là, bên cạnh nội dung hướng dẫn của Thông tư về thẩm quyền theo đối tượng Thông tư mới cần quy định về thẩm quyền theo lãnh thổ trên cơ sở nội dung hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 01, đối với việc phân định địa bàn trong Quân đội. Chánh án TANDTC cần trao đổi với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để thống nhất nội dung hướng dẫn cho phù hợp.
Toà án Quân sự Quân khu 7 xét xử sơ thẩm vụ án hình sự liên quan đến đường dây buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng dầu từ Singapore về Việt Nam - Ảnh: Hồng Pha
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận