Thỏa thuận phạt cọc theo pháp luật Việt Nam và một số quốc gia

Thực tiễn nhiều trường hợp các bên trong hợp đồng đặt cọc thỏa thuận việc phạt cọc gấp nhiều lần tài sản đặt cọc, trường hợp này, thỏa thuận phạt cọc đó có hiệu lực không? Bài viết này phân tích cơ sở pháp lý cho việc công nhận thỏa thuận này, cũng như đánh giá pháp luật Việt Nam và đưa ra kiến nghị phù hợp theo kinh nghiệm một số quốc gia.

Đặt cọc và phạt cọc

Đặt cọc là một trong những chế định bảo đảm nghĩa vụ xuất hiện từ sớm trong xã hội. Biện pháp đặt cọc được sử dụng phổ biến do sự đơn giản, cũng như chức năng của đặt cọc mang lại trong các giao dịch dân sự. Trong quan hệ đặt cọc, khi một bên từ chối việc giao kết hoặc thực hiện hợp đồng, chế tài phạt cọc được ra. Theo Điều 328.2 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015, trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trên thực tế, để nâng cao trách nhiệm và thể hiện sự thiện chí trong việc xác lập hay thực hiện hợp đồng, các bên có xu hướng đưa ra chế tài phạt cọc gấp nhiều lần tài sản đặt cọc. Khi có tranh chấp xảy ra, liệu rằng việc các bên thỏa thuận về việc phạt cọc gấp nhiều lần số tài sản đặt cọc có thể thực thi không và nếu có, thì đâu là giới hạn đối với thỏa thuận này? Trên thực tế xét xử, Hội đồng xét xử đa phần công nhận thỏa thuận này của các bên. Cụ thể trong một bản án, Hội đồng xét xử đã cho rằng:

Ông H1 nhận của bà H 80 triệu đồng để bảo đảm cho các bên thực hiện hợp đồng mua bán sau khi ông H1 thu hoạch nếp. Theo đó, các bên thỏa thuận, trong trường hợp nếu ông H1 vi phạm hợp đồng thì sẽ phạt cọc gấp 03 lần, nếu bà H không cân nếp trong thời hạn ba ngày kể từ ngày thu hoạch thì sẽ mất cọc. Sau khi thu hoạch ông H1 bán nếp cho người khác là vi phạm hợp đồng nên bà H khởi kiện. Theo phán quyết của Tòa án, do ông H1 đã vi phạm hợp đồng nên bà H khởi kiện là có cơ sở chấp nhận. Vì vậy, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở xác định ông H1 phải có trách nhiệm trả cho bà H số tiền vay là 240 triệu đồng. Trong đó, tiền đặt cọc là 80 triệu đồng và tiền phạt cọc là 160 triệu đồng[1]”.

Hay tại một bản án khác, Hội đồng xét xử cũng chấp nhận về việc thỏa thuận phạt gấp đôi số tiền đặt cọc, cụ thể: “Sau khi nhận 40.000.000 đồng tiền đặt cọc của chị M, anh K bán vườn cây Tràm (keo) cho anh Hiếu. Hợp đồng mua bán không thực hiện được là do lỗi của anh K. Theo khoản 2 Điều 328 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “ ...nếu bên nhận cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Tòa án cấp sơ thẩm buộc anh K phải trả cho chị M số tiền đặt cọc là 40.000.000 đồng và bồi thường tiền phạt cọc 80.000.000 đồng, tổng cộng: 120.000.000 đồng là có căn cứ, đúng pháp luật.[2]

Dựa trên thỏa thuận

Như vậy, khi có tranh chấp xảy ra, cơ quan xét xử có xu hướng công nhận sự thỏa thuận này của các bên. Tác giả cho rằng hướng xét xử này là phù hợp với quy định trong BLDS 2015 hiện nay, bởi lẽ:

Thứ nhất, pháp luật cho phép các bên thỏa thuận. Xuất phát từ quy định tại Điều 328.2 BLDS 2015, theo đó: Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Như vậy, thỏa thuận khác ở đây được hiểu là pháp luật vẫn dành cho các bên không gian để thỏa thuận về việc phạt cọc, nếu như các bên không áp dụng theo quy tắc thông thường là trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc. Từ đó, có thể hiểu các bên có thể thỏa thuận về việc phạt cọc gấp nhiều lần số tài sản đặt cọc hoặc ngược lại – phạt cọc với số tài sản nhỏ hơn như 1/2 hoặc 1/3 số tài sản đặt cọc đối, miễn sao các bên cảm thấy có sự bảo đảm cho sự giao kết hoặc thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng.

Thứ hai, việc thỏa thuận nêu trên cũng không vi phạm điều cấm của pháp luật, trái với đạo đức xã hội. Thông thường, để nâng cao tính tuân thủ của các bên trong việc giao kết hoặc thực hiện hợp đồng, việc thỏa thuận nâng cao mức phạt cọc là điều thường thấy. Thỏa thuận này, về cơ bản không vi phạm bất kỳ điều cấm nào của luật, cũng như trái đạo đức xã hội và được thiết lập dựa trên sự tự nguyện của các bên. Do đó, cơ quan xét xử cần tôn trọng ý chí của các bên trong quan hệ đặt cọc.

Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp, các bên cố tình lợi dụng quy định này nhằm mục đích trục lợi, cụ thể là đưa ra cơ chế phạt cọc lên đến mức hàng trăm lần, nghìn lần tài sản đặt cọc. Khi xét xử các tranh chấp nêu trên, thông thường Tòa án có xu hướng bác các yêu cầu vì cho rằng mức phạt cọc là chưa có căn cứ và vi phạm điều khoản về đặt cọc theo BLDS 2015. Điển hình trong một bản án, Hội đồng xét xử đã nhận định: “Vào ngày 04/01/2019 giữa ông Hồ Trọng T, bà Lương Thị Kim O và ông Nguyễn Ngọc Th lập hợp đồng đặt cọc bằng hình thức văn bản. thỏa thuận đặt cọc như sau: “mua bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất tại địa chỉ 105B đường NDC, P. H, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, gồm GCNQSDD số AP 695109 thửa đất số 175A tờ bản đồ số 07 cấp ngày 18/9/2019, số vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: H 00019-vp và GCNQSDD số AP 695110 thửa đất số 199 tờ bản đồ số 07 cấp ngày 18/09/2009. Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, hồ sơ gốc số 5128 QĐ-UBND16 – GCNQSDD số AP 695110, ngày 18/09/2009 thửa đất 199 tờ 07 cấp ngày 01/12/2009 và 291m2 đất nằm ngoài sổ nhưng đã có trong khuôn viên đất của khu nghỉ dưỡng EverGreen resort. Ngoài ra trong hợp đồng cũng thể hiện rõ bên B (tức bên ông Th, bà Đ) có nghĩa vụ trả lại số tiền đặt cọc và một khoản tiền bằng 10 lần số tiền đặt cọc cho bên A (tức bên ông T, bà O) trong trường hợp bên B từ chối việc giao kết hoặc thực hiện nghĩa vụ dân sự đã thỏa thuận và theo Toà án việc 2 bên thỏa thuận phạt cọc gấp 10 lần là vi phạm Điều luật đã viện dẫn. Do đó, nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả số tiền phạt cọc gấp 10 lần tiền cọc là không có căn cứ để chấp nhận.[3]”.

Như vậy, trong bản án nêu trên, Tòa án từ chối yêu cầu mức phạt cọc gấp 10 lần tiền cọc do thiếu căn cứ. Hướng xét xử nêu trên có phần hợp lý nếu các bên thỏa thuận về mức phạt cọc quá lớn so với khả năng của một bên, tuy nhiên, việc đánh giá mức phạt cọc thế nào là chưa phù hợp cũng như căn cứ pháp lý để bác bỏ yêu cầu phạt cọc nếu các bên có thỏa thuận dường như chưa được quy định minh thị theo pháp luật. Điều này tạo ra nhiều khó khăn cho cơ quan xét xử trong quá trình giải quyết tranh chấp về phạt cọc.

Hoàn thiện quy định về giới hạn đặc cọc, phạt cọc

Để khắc phục điều này, theo tác giả, hướng hoàn thiện pháp luật trong tương lai là cần phải giới hạn mức đặt cọc và phạt cọc giữa các bên.

Trước hết, sự tự do thỏa thuận của các bên cần phải nằm trong khuôn khổ cho phép của pháp luật và sự hợp lý. Việc phạt cọc cũng không phải ngoại lệ. Bởi lẽ, hiện nay việc không giới hạn về số tiền phạt cọc dẫn đến nhiều trường hợp, bên đặt cọc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bên nhận đặt cọc để đưa vào các điều khoản về phạt cọc cao hơn tài sản đặt cọc gấp nhiều lần, dẫn đến thiệt hại cho bên nhận đặt cọc để thu lợi. Do đó, việc đưa ra giải pháp phạt cọc mang tính trung hòa cho các bên trong quan hệ đặt cọc là điều cần thiết hiện nay tại Việt Nam.

Dưới góc độ luật so sánh, pháp luật Trung Quốc quy định giới hạn số tiền đặt cọc của các bên, theo đó mức tiền đặt cọc do đương sự thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 20% mức của đối tượng hợp đồng chính, phần vượt quá sẽ không phát sinh hiệu lực (Điều 586 BLDS Trung Quốc). Đối với việc phạt cọc, pháp luật nhiều quốc gia đều xác định mức phạt cọc cụ thể nhằm tạo ra cơ chế công bằng cho các bên trong giao dịch. Tại Pháp, Điều 1590 của BLDS 1804 quy định trường hợp hứa bán được xác lập có kèm theo tiền đặt cọc, mỗi bên đều có thể từ bỏ lời hứa. Bên trao tiền đặt cọc phải mất tiền cọc và bên nhận tiền đặt cọc phải trả lại gấp đôi. Hay ở Nhật, BLDS quy định trường hợp bên mua trả trước một khoản đặt cọc trong một giao dịch mua bán, bên mua có thể hủy hợp đồng bằng cách bỏ khoản tiền đặt cọc mà bên mua đã bỏ, ngược lại, bên bán cũng có thể hủy hợp đồng bằng cách hoàn trả lại gấp đôi khoản tiền cọc đã nhận (Điều 577). Tại Trung Quốc, nếu bên nhận tiền đặt cọc không thực hiện trái vụ hoặc thực hiện trái vụ không phù hợp với thỏa thuận hợp đồng dẫn đến không thể  thực hiện mục đích hợp đồng thì phải trả lại số tiền gấp đôi số tiền đặt cọc (Điều 587 BLDS). Như vậy, pháp luật nhiều quốc gia chỉ cho phép phạt cọc gấp đôi số tiền đặt cọc nhằm bảo đảm sự công bằng cho cả hai bên.

Hơn hết, đặt cọc xuất phát từ bản chất của một biện pháp bảo đảm nghĩa vụ, sinh ra nhằm mục đích tăng cường sự bảo đảm cho các bên, hơn là một biện pháp mang tính sát thương để tìm kiếm lợi nhuận. Vì vậy mà chế tài phạt cọc tương ứng với số tiền đặt cọc hay việc hoàn trả gấp đôi số tiền đã đặt cọc là phù hợp. Nhìn lại trước đây, biện pháp phạt vi phạm ban đầu được xem là một biện pháp bảo đảm nghĩa vụ trong BLDS 1995, tuy nhiên sau đó đã được loại bỏ khỏi các biện pháp bảo đảm và không còn cho đến hiện nay.

Tương tự, việc phạt cọc dẫu sao cũng là một giải pháp khắc phục tổn thất và bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ, hơn là một chế tài phạt vi phạm. Có lẽ vì vậy mà pháp luật Trung Quốc còn quy định thêm về trường hợp nếu có thỏa thuận về việc phạt cọc và phạt vi phạm, thì khi một bên vi phạm, bên còn lại có thể lựa chọn đặt cọc hoặc phạt vi phạm. Nếu tiền đặt cọc theo thỏa thuận không đủ để đền bù cho thiệt hại do vi phạm thỏa thuận gây ra, bên còn lại có thể yêu cầu bồi thường phần thiệt hại vượt quá mức đặt cọc (Điều 588 BLDS Trung Quốc).

Như vậy, pháp luật hiện nay cho phép các bên có thể thỏa thuận về mức phạt cọc khi có sự vi phạm của một bên. Tuy nhiên, việc xác định về mức phạt cọc như thế nào là phù hợp để bảo đảm được quyền của hai bên, cũng như tránh việc lạm dụng quy định này để trục lợi thì việc sửa đổi các quy định về đặt cọc là cần thiết trong thời gian tới.

 


[1] Bản án 246/2017/DS-ST ngày 28/12/2017 của Tòa án Nhân dân huyện Châu Phú, tỉnh An Giang về tranh chấp hợp đồng đặt cọc.

[2] Bản Án 214/2021/DS-PT ngày 10/12/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh về tranh chấp hợp đồng đặt cọc, xem bản án tại: https://thuvienphapluat.vn/banan/ban-an/ban-an-ve-tranh-chap-hop-dong-dat-coc-so-2142021dspt-225856, truy cập ngày 14/5/2023.

[3] Xem Bản án số 28/2020/DS-PT ngày 12/6/2020 của Toà án nhân dân tỉnh Bình Thuận.

ThS LIÊN ĐĂNG PHƯỚC HẢI ( Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. HCM)