Thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm vấn đề dân sự trong vụ án hình sự và kiến nghị hoàn thiện
Hiện nay vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định về thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Trên cơ sở xác định nguyên nhân của những hạn chế, bất cập, bài viết đã đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật.
Kháng nghị giám đốc thẩm là một trong những chế định quan trọng đã được chính thức quy định trong BLTTHS năm 1988 và được tiếp tục kế thừa, phát triển hoàn thiện trong BLTTHS năm 2003, BLTTHS năm 2015. Quy định của BLTTHS năm 2015 về kháng nghị giám đốc thẩm đã góp phần hạn chế tình trạng kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm tràn làn, chất lượng kháng nghị không ngừng được nâng lên, nội dung kháng nghị đã bám sát các căn cứ kháng nghị theo quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
1.Căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm
Kháng nghị giám đốc thẩm là cơ sở duy nhất để Tòa án có thẩm quyền mở phiên tòa giám đốc thẩm. Tính chất của giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Vì vậy căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm phải phù hợp với tình chất của giám đốc thẩm đó là có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án.
Theo quy định tại Điều 371 BLTTHS năm 2015 thì căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được quy định như sau: Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;\Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
2. Chủ thể có quyền kháng nghị giám đốc thẩm
Theo quy định tại Điều 373 BLTTHS thì những người sau đây có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm:
- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
- Chánh án Tòa án quân sự trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực.
- Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Những người đã kháng nghị bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền tạm đình chỉ việc thi hành bản án hoặc quyết định bị kháng nghị giám đốc thẩm. Như vậy, đối với bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật đang được thi hành, nếu thấy trong thời hạn chờ xét xử giám đốc thẩm, việc tiếp tục thi hành bản án hoặc quyết định đó có thể gây thiệt hại cho người phải thi hành án thì người đã kháng nghị có quyền quyết định tạm đình chỉ việc thi hành bản án, quyết định đó. Người đã kháng nghị có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành án ngay trong bản kháng nghị hoặc sau khi đã kháng nghị, không được tạm đình chỉ thi hành án trước khi kháng nghị. Quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định bị kháng nghị giám đốc thẩm phải gửi cho toà án, viện kiểm sát noi đã xét xử sơ thẩm và cơ quan thi hành án có thẩm quyền (Điều 377 BLTTHS năm 2015).
3. Thủ tục kháng nghị giám đốc thẩm
Theo quy định tại khoản 1 Điều 374 BLTTHS thì kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm phải nêu rõ lý do và được gửi cho: Tòa án, Viện kiểm sát nơi gần nhất kèm theo chứng cứ, tài liệu, đồ vật (nếu có). BLTTHS 2015 quy định phải gửi quyết định cho Viện kiểm sát là quy định tiến bộ và phù hợp với thực tiễn xét xử để Viện kiểm sát chuẩn bị ý kiến của mình khi tham gia phiên tòa và gửi kháng nghị cho viện kiểm sát cùng cấp là thực hiện chức năng kiểm sát của Viện kiểm sát.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, Tòa án đang quản lý hồ sơ vụ án phải chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án, Viện kiểm sát đã yêu cầu. Người thông báo là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ; trường hợp cơ quan, tổ chức thông báo thì người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu[1].
4. Thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm
Điều 30 BLTTHS 2015 quy định “Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”.
Theo quy định tại Điều 379 BLTTHS 2015 thì thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm được quy định như sau:
“ Việc kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được tiến hành trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
Việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.
Việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với đương sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Nếu không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì người có quyền kháng nghị phải trả lời bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã kiến nghị biết rõ lý do của việc không kháng nghị”.
Theo quy định trên thì có hai trường hợp kháng nghị, mỗi trường hợp thời hạn kháng nghị được quy định thời hạn khác nhau. Trường hợp thứ nhất: nếu kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án thì việc kháng nghị chỉ được thực hiện trong thời hạn một năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Thời hạn một năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là thời gian để những người có thẩm quyền kháng nghị phát hiện những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án như: những bản án xử quá nhẹ, chưa phù hợp với tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, chưa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Bên cạnh đó quy định này còn thể hiện tính nhân đạo trong luật tố tụng hình sự đối với người bị kết án. Việc pháp luật quy định thời hạn theo hướng không có lợi là một năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật còn nhằm đề cao tinh thần trách nhiệm của các chủ thể có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm. Đảm bảo việc phát hiện và khắc phục kịp thời các vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Trường hợp thứ hai: Nếu kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án thì không bị hạn chế thời hạn, ngay cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ. Như vậy, kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án thì không có thời hạn nhằm khắc phục sai lầm, đảm bảo lợi ích của người bị kết án. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng không phải trường hợp nào hễ cứ có lợi cho người bị kết án là quyết định kháng nghị mà phải tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Ví dụ: Một người bị kết án 3 năm tù, sau khi ra tù người này đề nghị cho họ được hưởng án treo để được giải quyết chế độ nghỉ hưu. Trường hợp này dù có muốn kháng nghị theo hướng cho người này được hưởng án treo cũng không thể thực hiện được. Hình phạt tù họ đã chấp hành xong nên đặt vấn đề cho hưởng án treo là vô nghĩa[2]. Tác giả chia sẻ với quan điểm này, việc kháng nghị theo hướng có lợi không nên máy móc, hình thức, mà phải có khả năng để khắc phục sai lầm, khôi phục lợi ích cho người bị kết án.
Việc kháng nghị về vấn đề dân sự trong vụ án hình sự đối với nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án được tiến hành theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Theo quy định tại Điều 334 BLTTHS 2015, thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm về dân sự được quy định trong thời hạn ba năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp có các điều kiện sau đây thì thời hạn kháng nghị được kéo dài thêm hai năm, kể từ ngày kết thời hạn kháng nghị: Đương sự đã có đơn đề nghị theo quy định tại khoản 1 Điều 328 của Bộ luật này và sau khi hết thời hạn kháng nghị quy định tại khoản 1 Điều này đương sự vẫn tiếp tục có đơn đề nghị; Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật theo quy định tại Điều 326 của Bộ luật này, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, của người thứ ba, xâm phạm lợi ích của cộng đồng, lợi ích của Nhà nước và phải kháng nghị để khắc phục sai lầm trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đó.
Hiện nay, quy định về thời hạn kháng nghị vấn đề dân sự trong vụ án hình sự tại khoản 3 Điều 379 BLTTHS 2015 còn một số hạn chế: Thứ nhất, việc xác định vấn đề dân sự trong vụ án hình sự nói chung và xác định vấn đề dân sự để áp dụng thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm về dân sự nói riêng chưa được quy định cụ thể trong luật nên việc xác định vấn đề nào là vấn đề dân sự để xác định chính xác thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm còn chưa có sự thống nhất.
Ý kiến thứ nhất cho rằng: “Dân sự” trong vụ án hình sự là tất cả những gì không phải là tội phạm và hình phạt có liên quan đến tiền hoặc tài sản đều là dân sự trong vụ án hình sự, bao gồm: tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm, trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; tiền tài sản bị kê biên, bị thu giữ trong quá trình giải quyết vụ án nhưng không thuộc trường hợp quy định tại BLHS nên Tòa án quyết định hủy bỏ quyết định kê biên hoặc trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp hoặc người quản lý hợp pháp; án phí hình sự, án phí dân sự; hoặc các khoản tiền, tài sản mà cơ quan tiến hành tố tụng quyết định trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Theo quan điểm này vấn đề dân sự trong vụ án hình sự tương đối rộng, trong đó trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ là một phần dân sự trong vụ án hình sự. Thời hạn kháng nghị theo BLTTHS là ba năm không kể có lợi hay không có lợi cho người bị kết án.
Ý kiến thứ hai cho rằng: “Dân sự” trong vụ án hình sự chỉ bao gồm những khoản tiền hoặc tài sản có liên quan đến trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại quy định tại BLHS, hay nói cách khác dân sự trong vụ án hình sự chỉ trong phạm vi trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo đó, thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm là ba năm đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, còn các khoản khác như: tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm, quyết định kê biên tài sản, tạm giữ đồ vật, án phí thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng không có lợi đối với người bị kết án là một năm kể từ khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, còn kháng nghị theo hướng có lợi không có thời hạn[3].
Ý kiến thứ ba cho rằng, việc xem xét vấn đề nào là vấn đề dân sự phải căn cứ vào tính chất và nội dung của vấn đề để xác định. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp việc bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra đơn thuần là vấn đề dân sự mà còn ảnh hưởng đến trách nhiệm hình sự của người bị kết án. Vì vậy, phải phân biệt trường hợp nào áp dụng thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm hình sự và trường hợp nào áp dụng thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm dân sự[4].
Thứ hai, về vấn đề có áp dụng BLTTHS để kháng nghị giám đốc thẩm đối với người bị kết án và người bị hại hay không?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 379 BLTTHS 2015 quy định:
“ Việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với đương sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.
Tại điểm g khoản 1 Điều 4 Bộ luật tố tụng hình sự quy định “Đương sự gồm nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự”. Theo quy định trên thì đương sự gồm nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Vấn đề này trước đây có rất nhiều quan điểm khác nhau. Ý kiến thứ nhất cho rằng, chỉ áp dụng BLTTHS để kháng nghị giám đốc thẩm phần dân sự đối với nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, còn đối với người bị kết án và người bị hại phải căn cứ vào BLTTHS vì BLTTHS không quy định đối với người bị kết án và người bị hại. Mặt khác, trong quan hệ pháp luật tố tụng hình sự mới có khái niệm người bị kết án và người bị hại, mặc dù người bị kết án và người bị hại trong một số trường hợp có quan hệ với nhau về việc đòi lại tài sản, đòi bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần, yêu cầu sửa chữa tài sản bị hư hỏng, bị hủy hoại do tội phạm gây ra, nhưng đó không phải quan hệ dân sự thuần túy mà gắn với quan hệ pháp luật tố tụng hình sự. Ý kiến thứ hai cho rằng, tuy BLTTHS chỉ quy định đối với nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án nhưng phải hiểu tinh thần của điều luật là áp dụng đối với cả người bị kết án và người bị hại nếu việc kháng nghị đó có liên quan đến phần dân sự trong vụ án hình sự có liên quan đến họ[5].
Như vậy, trong quy định của BLTTHS chưa có quy định cụ thể để xác định vấn đề dân sự là những vấn đề nào. Bên cạnh đó, việc có áp dụng BLTTHS để kháng nghị giám đốc thẩm vấn đề dân sự đối với người bị kết án và người bị hại hay không là những vấn đề là chưa có sự thống nhất khi áp dụng Điều 379 BLTTHS.
5. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Thứ nhất, BLTTHS năm 2015 chưa có quy định cụ thể về “vấn đề dân sự” trong vụ án hình sự mà chỉ dừng lại ở góc độ nguyên tắc nên chưa có sự thống nhất về vấn đề này. Vì vậy, cần phải nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể vấn đề dân sự trong vụ án hình sự vào Điều 30 BLTTHS xác định rõ ràng “vấn đề dân sự” trong vụ án hình sự là những vấn đề nào để đảm bảo sự thống nhất trong quá trình áp dụng thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm về vấn đề dân sự nói riêng và các quy định khác của BLTTHS về vấn đề dân sự nói chung.
Thứ hai, sau khi xác định xác định vấn đề dân sự là vấn đề nào thì cần sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 379 theo hướng “Việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự” mà không nên liệt kê đối tượng là “Đương sự” như hiện nay. Trong quy định tại khoản 3 Điều 379 BLTTHS năm 2015 không quy định áp dụng đối với người người bị kết án và người bị hại. Xét về bản chất người bị kết án không chỉ thuần túy bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà còn phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tội phạm mà họ gây ra và theo quy định của BLDS thì đây chính là nội dung của chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chính là quan hệ dân sự, nhưng thiệt hại trong trường hợp này do hành vi phạm tội gây ra nên nó chính là vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Tương tự như vậy, người bị hại trong vụ án hình sự cũng đồng thời là nguyên đơn dân sự nếu họ đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Vì thế không nên phân biệt vấn đề dân sự theo chủ thể mà đã là vấn đề dân sự thì cần áp dụng thống nhất đối với các chủ thể bao gồm cả người bị kết án và người bị hại chứ không chỉ áp dụng với nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án như quy định tại khoản 3 Điều 379 BLTTHS năm 2015. Vì vậy, khoản 3 Điều 379 chỉ cần quy định “Việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự” là phù hợp.
Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn đối với thời hạn kháng nghị “vấn đề dân sự” trong vụ án hình sự trong các trường hợp sau: vấn đề dân sự có liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm, xác định các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và các vấn đề dân sự không liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm, xác định tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người bị kết án để đảm bảo sự thống nhất trong quá trình áp dụng.
Trong trường hợp vấn đề dân sự có liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm, đến việc xem xét tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người bị kết án, thì cần phân biệt như sau: Vấn đề dân sự có liên quan đến xác định cấu thành tội phạm, xem xét tình tiết tăng nặng theo hướng không có lợi đối với người bị kết án nếu thời hạn kháng nghị theo hướng không có lợi đối với người bị kết án vẫn còn thì người kháng nghị có thể kháng nghị cả phần trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự theo hướng không có lợi đối với người bị kết án. Nếu thời hạn kháng nghị theo hướng không có lợi đối với người bị kết án đã hết nhưng thời hạn kháng nghị về vấn đề dân sự theo quy định của BLTTHS vẫn còn thì về trách nhiệm hình sự không được kháng nghị nhưng vẫn có thể kháng nghị phần dân sự của bản án hình sự[6].
Trong trường hợp phần dân sự trong vụ án hình sự có liên quan đến xác định cấu thành tội phạm, xem xét tình tiết giảm nhẹ theo hướng có lợi đối với người bị kết án thì nếu thời hạn kháng nghị vấn đề dân sự vẫn còn thì người có quyền kháng nghị có thể kháng nghị cả phần dân sự và phần trách nhiệm hình sự. Nhưng nếu thời hạn kháng nghị về vấn đề dân sự đã hết thì người kháng nghị chỉ được quyền kháng nghị phần trách nhiệm hình sự. Đối với vấn đề dân sự không liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm, xác định tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người bị kết án thì thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Kết luận: Những hạn chế trong quy định của pháp luật về thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm vấn đề dân sự trong vụ án hình sự sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động kháng nghị giám đốc thẩm trên thực tiễn, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể bị thiệt hại. Vì vậy, những hạn chế này cần phải được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn kháng nghị giám đốc thẩm vấn đề dân sự trong vụ án hình sự nói riêng và thủ tục giám đốc thẩm nói chung trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Tòa án huyện Lộc Ninh, Bình Phước xét xử vụ án “Tàng trữ trái phép chất ma túy” - Ảnh: Nguyễn Khánh
[1] Khoản 1, khoản 3 Điều 376 Bộ luật tố tụng hình sự 2015
[2] Ths. Đinh Văn Quế, Thủ tục giám đốc thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb Đà Nẵng, năm 1999, tr 101, 102.
[3] Ths. Đinh Văn Quế, Vấn đề kháng nghị giám đốc thẩm về “Dân sự trong vụ án hình sự”, tạp chí Tòa án nhân dân số 9, tháng 5/2005, tr 19.
[4] Phan Thị Thanh Mai: “Giám đốc thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam”, Luận án Tiến sỹ, năm 2006, tr 151.
[5] Ths. Đinh Văn Quế, Vấn đề kháng nghị giám đốc thẩm về “Dân sự trong vụ án hình sự”, tạp chí Tòa án nhân dân số 9, tháng 5/2005, tr21.
[6] Ths. Đinh Văn Quế, Vấn đề kháng nghị giám đốc thẩm về “Dân sự trong vụ án hình sự”, tạp chí Tòa án nhân dân số 9, tháng 5/2005, tr 21.
Bài liên quan
-
Bàn về xác định việc thi hành các quyết định dân sự trong vụ án hình sự làm cơ sở để xem xét xóa án tích
-
Bất cập trong quy định của Luật Tố tụng hành chính về thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị giám đốc thẩm và kiến nghị hoàn thiện
-
Một số ý kiến trao đổi về việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự
-
Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự không có vướng mắc
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận