Thời hạn, thời hiệu trong hoạt động tố tụng
Trong các Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự và luật Tố tụng hành chính hiện hành đều có quy định thời hạn tố tụng đối với từng giai đoạn giải quyết vụ án, bao gồm giải quyết ở giai đoạn sơ thẩm, giai đoạn phúc thẩm, giai đoạn giám đốc thẩm, giai đoạn tái thẩm và quy định thời hạn đối với một số vấn đề trong thời gian giải quyết vụ án, đồng thời quy định một số thời hiệu để cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và đương sự trong vụ án thực hiện. Bài có bốn phần là Thời hạn, Thời hiệu, Các vấn đề quan tâm và Đề nghị.
2. Về thời hiệu
Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.
2.1. Thời hiệu trong hoạt động tố tụng dân sự
Khoản 1 Điều 184 BLTTDS năm 2015 quy định: “Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của BLDS.”
2.1.1.Các loại thời hiệu
Điều 150 BLDS năm 2015 quy định như sau:
“1. Thời hiệu hưởng quyền dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự.”
“2. Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn việc thực hiện nghĩa vụ.”
“3. Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.”
“4. Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích công cộng nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu.”
2.1.2.Cách tính thời hiệu
Điều 15 BLDS năm 2015 quy định: “Thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu.”
a.Các thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu
Thời hiệu kiện về hợp đồng.
Điều 429 BLDS năm 2015 quy định: “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu cần biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.”
Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại
Điều 588 BLDS năm 2015 quy định: “Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.”
Thời hiệu thừa kế
Điều 623 BLDS năm 2015 quy định:“1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm, đối với bất động sản là 10 năm, đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này, thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản, thì di sản được giải quyết như sau:
“a.Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.
b.Di sản thuộc về nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.”
“Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế.”
“Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.”
Thời hiệu yêu cầu không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam.
Điều 444 BLTTDS năm 2015 quy định:
“1. Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày bản án quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài có hiệu lực pháp luật, người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Tòa án Việt Nam không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài.
“2 . Trường hợp người yêu cầu chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà không thể yêu cầu đúng thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hạn gửi đơn.”
Thời hiệu yêu cầu không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam, Điều 447 BLTTDS năm 2015 quy định:
“Trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày nhận được bản án quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành án tại Việt Nam, đương sự, người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền gửi đơn đến Bộ Tư pháp Việt Nam theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên không quy định hoặc không có điều ước quốc tế liên quan để yêu cầu Tòa án không công nhận bản án, quyết định dân sự đó.”
2.2. Thời hiệu trong hoạt động tố tụng hình sự
2.2.1.Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
Điều 27 BLHS năm 2015 quy định như sau:
“1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”
“ 2.Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
“05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng
10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng
15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng
20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”
“3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội.”
“Nếu trong thời gian quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.”
Theo quy định tại Điều 9 BLHS năm 2015 thì “tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm”.
“Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù”.
“Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm”.
“Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội là đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”.
2.2.2.Thời hiệu thi hành bản án.
Điều 60 BLHS năm 2015 quy định như sau:
“1.Thời hiệu thi hành bản án hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên.
2. Thời hiệu thi hành bản án đối với người bị kết án được quy định như sau:
a) 05 năm đối với các trường hợp xử phạt tiền, cải tạo không giam giữu hoặc xử phạt tù từ 03 trở xuống.
b) 10 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 03 năm đến 15 năm.
c) 15 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 15 năm đến 30 năm.
d) 20 năm đối với các trường hợp xử phạt tù chung thân hoặc tử hình.
3) Thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với pháp nhân thương mại là 05 năm.
4) Thời hiệu thi hành án hình sự được tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án lại thực hiện hành vi phạm tội mới thì thời hiệu tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
5) Trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người bị kết án cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã thì thời hiệu tính lại kể từ ngày người đó ra trình diện hoặc bị bắt giữ”.
c) Thời hiệu khiếu nại. Điều 471 BLTTHS năm 2015 quy định thời hiệu khiếu nại như sau:
“1. Thời hiệu khiếu nại là 15 ngày, kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định hành vi tố tụng mà người đó cho rằng có vi phạm pháp luật.
2. Trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu thì thời gian có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại”.
2.3. Thời hiệu trong hoạt động tố tụng hành chính:
2.3.1.Thời hiệu trong khởi kiện
-Điều 116 Luật Tố tụng hành chính (LTTHC) năm 2015 quy định như sau thời hiệu khởi kiện đối với từng trường hợp được quy định như sau:
a.01 năm, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
b.30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
c.Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày”.
-Trường hợp đương sự khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thảm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện quy định như sau:
a. 01 năm, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai”.
b. 01 năm, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại”.
-Trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này, thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không tính với thời hiệu khởi kiện”.
2.3.2.Thời hiệu khiếu kiện
Điều 330 LTTHC năm 2015 quy định như sau: “Thời hiệu khiếu nại là 10 ngày, kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi tố tụng mà người đó cho rằng có vi phạm pháp luật. Trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hạn quy định tại Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại”.
3. Một số vấn đề cần quan tâm
Các thời hạn, thời hiệu trong hoạt động tố tụng để giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hành chính mà chúng tôi trình bày trong bài viết này, chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề cần được bạn đọc quan tâm là:
Vấn đề 1: Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm đối với người phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh. Vấn đề này, Điều 28 BLHS năm 2015 quy định như sau: “Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 27 của Bộ luật này đối với các tội phạm sau đây:”
“1) Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật này”.
“2) Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật này”.
Vấn đề 2: Thẩm quyền quy định thời hạn, thời hiệu trong hoạt động tố tụng để giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hành chính.
Các thời hạn, thời hiệu trong hoạt động tố tụng trong bài viết này, chúng tôi đều trích dẫn trong BLHS, BLDS, BLTTHS, BLTTDS và LTTHC năm 2015 được Quốc hội thông qua năm 2015 . Vấn đề này cho thấy Quốc hội là cơ quan duy nhất của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thẩm quyền ban hành Bộ luật, luật và quy định các thời hạn, thời hiệu trong hoạt động tố tụng giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hành chính.
Vấn đề 3: Sửa đổi, bổ sung thời hạn tố tụng, thời hiệu khởi kiện. Các thời hạn, thời hiệu quy định trong Các BLHS, BLDS, BLTTHS, BLTTDS và LTTHC năm 2015 đều có căn cứ vào tình hình xã hội, tình hình hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng và tính chất phức tạp của từng loại vụ án đồng thời trong quá trình thi hành pháp luật, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung thời hạn, thời hiệu trong hoạt động tố tụng giải quyết vụ án để phù hợp với tình hình xã hội.
Ví dụ 1: Đối với BLHS, về thời hiệu thi hành bản án, trong BLHS được Quốc hội thông qua ngày 21/12/1999, sửa đổi, bổ sung ngày 19/6/2009 không quy định thời hiệu thi hành bản án đối với các trường hợp xử phạt tù chung thân hoặc tử hình. Nay Bộ luật Hình sự năm 2015, đã bổ sung thời hiệu thi hành bản án đối với các trường hợp xử phạt tù chung thân hoặc tử hình là 20 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (quy định tại Điều 60 BLHS năm 2015).
Ví dụ 2: Về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, tại khoản 3 Điều 159 BLTTDS được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2004, sửa đổi, bổ sung ngày 29/3/2011 quy định như sau:
“a) Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu, tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện”.
“b) Tranh chấp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, khoản này thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là hai năm kể tử ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.
Quy định trên đây đã được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể là khoản 1 Điều 184 BLTTDS năm 2015 quy định: “Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự”.
BLDS năm 2015 đã sửa đổi thời hiệu khởi kiện quy định tại Điều 159 BLTTDS năm 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011 như sau: Các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện, cụ thể là: Điều 155 BLDS năm 2015 quy định không áp dụng thời hiệu khởi kiện trong các trường hợp sau đây:
“1. Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản”.
“2. Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.
“3. Tranh chấp về quyền sử dụng đất, theo quy định của Luật Đất đai”.
“4. Trường hợp khác do luật quy định”.
Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại quy định là 03 năm kể từ ngày biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (quy định tại Điều 429 và Điều 588 BLDS năm 2015).
Thời hiệu về thừa kế cũng sửa đổi theo hướng có lợi cho người thừa kế. Cụ thể là: Sửa đổi tên gọi của Điều luật và sửa đổi thời hiệu. Điều 645 BLDS được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005 quy định tên gọi là: “Thời hiệu khởi kiện về thừa kế”. Điều 623 BLDS được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2015 quy định tên gọi là: “Thời hiệu thừa kế”.
Còn nội dung điều luật cũng sửa đổi như sau: Điều 645 BLDS năm 2005 quy định có 02 thời hiệu là 10 năm và 03 năm. Còn Điều 623 BLDS năm 2015 quy định 03 thời hiệu là: Thời hiệu 30 năm kể từ thời điểm mở thừa kế để người thừa kế yêu cầu chia di sản là bất động sản. Thời hiệu 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế để người thừa kế yêu cầu chia di sản của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác. Thời hiệu 03 năm để người yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại.
Ngoài hai ví dụ mà chúng tôi trình bày ở trên còn có nhiều sửa đổi, bổ sung khác.
4. Đề nghị
Các BLHS, BLDS, BLTTHS, BLTTDS và LTTHC năm 2015 đã được thi hành. Tuy nhiên, để bảo đảm sự nhận thức và thi hành thống nhât, chúng tôi đề nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn một số nội dung liên quan đến thời hạn, thời hiệu trong hoạt động tố tụng giải quyết vụ án như sau:
Một là: Hướng dẫn thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 184 BLTTDS năm 2015. Khoản 1 Điều 184 BLTTDS năm 2015 quy định: “Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự”. Nhưng trong Bộ luật Dân sự không quy định thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự. Do đó, cần được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bổ sung thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự để cá nhân, cơ quan, tổ chức và cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện thống nhất.
Hai là: Hướng dẫn thực hiện quy định khoản 2 Điều 184 BLTTDS năm 2015. Khoản 2 Điều 184 BLTTDS năm 2015 quy định: “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định”. Quy định này đang có nhiều ý kiến khác nhau. Cụ thể là khoản 1 Điều 184 BLTTDS đã quy định: “Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự”. Tại khoản 2 Điều 184 BLTTDS năm 2015 lại quy định Tòa án được áp dụng thời hiệu của một bên hoặc của các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định.
Do đó cần được hướng dẫn cụ thể trường hợp nào thì đương sự được tự mình đưa ra thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự. Vì trong BLTTDS cũng như BLDS năm 2015 không có điều luật nào quy định người khởi kiện, người yêu cầu giải quyết việc dân sự được quyền tự mình đưa ra thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự để thực hiện và làm căn cứ pháp lý để Tòa án giải quyết.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận