Thủ tục hỏi tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính theo Luật Tố tụng Hành chính năm 2015
Luật Tố tụng hành chính (Luật TTHC) năm 2015 đã dành nhiều điều khoản quy định về tranh tụng trong xét xử vụ án hành chính. Trong đó đáng chú ý, là Luật TTHC năm 2015 dành các điều khoản riêng biệt để quy định về thủ tục hỏi tại phiên tòa sơ thẩm. Bên cạnh việc kế thừa các quy định hợp lý của văn bản luật cũ, Luật TTHC năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng về thủ tục này theo hướng bảo đảm tính tranh tụng trong tố tụng hành chính.
1.Thứ tự và nguyên tắc hỏi tại phiên tòa
Thứ tự và nguyên tắc hỏi tại phiên tòa được quy định tại Điều 177 Luật TTHC năm 2015. Đây không phải là quy định mới của Luật TTHC năm 2015 mà đã được quy định tại Điều 148 Luật TTHC năm 2010 với tên gọi là hỏi tại phiên tòa. Việc thay đổi tên gọi theo quy định của Luật TTHC năm 2015 là phù hợp, bởi lẽ, nếu đặt tên gọi điều luật là hỏi tại phiên tòa là chưa phù hợp (nội hàm của hỏi tại phiên tòa có phạm vi rất rộng bao gồm việc quy định những chủ thể nào được quyền hỏi, thứ tự hỏi, nội dung hỏi từng người tham gia tố tụng…) Trong khi đó, Điều 148 Luật TTHC năm 2010 chủ yếu lại quy định về việc nghe ý kiến của người tham gia tố tụng và thứ tự hỏi tại phiên tòa.
Theo quy định tại Điều 177 Luật TTHC năm 2015, thì thứ tự và nguyên tắc hỏi tại phiên tòa sơ thẩm được quy định cụ thể như sau:
Sau khi nghe xong lời trình bày của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo quy định tại Điều 176 của Luật này, theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa, thứ tự hỏi của từng người được thực hiện như sau:
a) Người khởi kiện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện hỏi trước, tiếp đến người bị kiện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện, sau đó là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
b) Người tham gia tố tụng khác;
c) Chủ tọa phiên tòa, Hội thẩm nhân dân;
d) Kiểm sát viên tham gia phiên tòa.
Việc đặt câu hỏi phải rõ ràng, nghiêm túc, không trùng lặp, không lợi dụng việc hỏi và trả lời để xâm phạm danh dự, nhân phẩm của những người tham gia tố tụng.
Theo quy định trên, có thể dễ dàng nhận thấy, thủ tục hỏi được tiến hành sau khi nghe xong lời trình bày của đương sự. Mục đích của việc hỏi là kiểm tra các tài liệu, chứng cứ, làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án, giải quyết mâu thuẫn trong lời trình bày, yêu cầu, đề nghị của các bên. Nhằm bảo đảm cho việc hỏi tại phiên tòa được thực hiện đúng trình tự thủ tục tố tụng, đạt được hiệu quả như mong muốn, Luật TTHC năm 2015 quy định rõ việc hỏi phải được thực hiện theo sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa. Theo quy định tại khoản 1 Điều 177 thì những người được quyền hỏi bao gồm: người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người tham gia tố tụng khác, Chủ tọa phiên tòa, Hội thẩm nhân dân, những người tham gia tố tụng khác, Kiểm sát viên. Có thể nhận thấy, phạm vi chủ thể được quyền hỏi rất rộng bao gồm hầu hết những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa sơ thẩm. Chúng tôi cho rằng, Luật TTHC năm 2015 quy định nhiều chủ thể được quyền tham gia hỏi tại phiên tòa sơ thẩm là điều hợp lý, nhằm làm rõ các vấn đề chưa rõ, còn mâu thuẫn, góp phần giúp Hội đồng xét xử có cái nhìn toàn diện và hiểu rõ bản chất vụ án, đồng thời, các đương sự bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Một điểm sửa đổi đáng chú ý của Luật TTHC năm 2015 so với quy định của Luật TTHC năm 2010 đó là có sự thay đổi thứ tự hỏi tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hành chính. Theo Khoản 2 Điều 148 Luật TTHC năm 2010, thì thứ tự hỏi được quy định như sau: Chủ tọa phiên tòa hỏi trước, rồi đến Hội thẩm nhân dân, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự, cuối cùng là người tham gia tố tụng khác và Kiểm sát viên. Trong khi đó, Luật TTHC năm 2015 lại quy định theo hướng, đương sự và những người tham gia tố tụng khác lại là những người hỏi trước so với Chủ tọa phiên tòa và Hội thẩm nhân dân. Chúng tôi cho rằng, việc thay đổi này là phù hợp nhằm bảo đảm tính tranh tụng trong hoạt động tố tụng. Chính các đương sự trong vụ án hành chính phải là những người đóng vai trò chính trong việc hỏi tại phiên tòa sơ thẩm nhằm làm rõ các tình tiết, sự kiện liên quan tới vụ án, nhằm chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Chủ tọa phiên tòa, Hội thẩm nhân dân giữ vai trò độc lập trong công tác xét xử, nên họ chỉ hỏi các vấn đề chưa rõ ràng mà các bên đương sự chưa đề cập nhằm làm rõ tính hợp pháp của đối tượng khởi kiện để đưa ra phán quyết đúng đắn nhất.
Bên cạnh sửa đổi trên, Luật TTHC năm 2015 còn quy định rõ việc đặt câu hỏi phải rõ ràng, nghiêm túc, không trùng lặp, không lợi dụng việc hỏi và trả lời để xâm phạm danh dự, nhân phẩm của những người tham gia tố tụng. Việc bổ sung quy định này là cần thiết, nhằm bảo đảm chất lượng của các câu hỏi được nêu ra tại phiên tòa đảm bảo tốt trong việc làm sáng tỏ vụ án đồng thời tránh trường hợp các đương sự lợi dụng việc hỏi để xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm của những người tham gia tố tụng khác.
2.Hỏi người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
Luật TTHC năm 2015 kế thừa các quy định của Luật TTHC năm 2010 khi dành các điều khoản riêng biệt để quy định về việc hỏi người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại các Điều 178, 179 và 180. Tuy được quy định tại các điều luật riêng biệt, nhưng tựu trung lại, các điều luật này đều quy định ba nội dung cơ bản sau: một là, trường hợp có nhiều đương sự thì phải hỏi riêng từng người một; hai là, chỉ hỏi đương sự về vấn đề mà đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trình bày chưa rõ, có mâu thuẫn với nhau hoặc mâu thuẫn với lời khai của họ trước đó, mâu thuẫn với lời trình bày của các đương sự khác và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người này; ba là, đương sự có thể tự mình trả lời hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trả lời thay cho đương sự và sau đó đương sự trả lời bổ sung.
Luật TTHC năm 2015 quy định trường hợp vụ án có nhiều đương sự thì phải hỏi riêng từng người một là điều hợp lý bởi vì đối với các đương sự khác nhau thì yêu cầu của họ cũng khác nhau, những vấn đề cần làm sáng tỏ hoặc các vấn đề còn mâu thuẫn của các đương sự khác nhau cũng khác nhau nên việc quy định hỏi riêng từng đương sự để bảo đảm việc giải quyết vụ án được toàn diện. Luật TTHC năm 2015 cũng đã giới hạn rõ phạm vi hỏi về vấn đề mà đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trình bày chưa rõ, mâu thuẫn trong lời khai của họ với nhau hoặc mâu thuẫn trong lời khai trước đó. Ngoài ra, nhằm bảo đảm thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì Luật TTHC 2015 cũng đã quy định rõ đương sự có thể tự mình trả lời hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trả lời thay cho đương sự và sau đó đương sự trả lời bổ sung.
3.Hỏi người làm chứng
Luật TTHC năm 2015 kế thừa hầu hết các quy định của Luật TTHC năm 2010 về hỏi người làm chứng. Theo đó, Điều 181 Luật TTHC năm 2015 quy định rõ việc hỏi người làm chứng ở một số nội dung cơ bản sau:
– Nếu trong vụ án hành chính có nhiều người làm chứng thì phải hỏi riêng từng người một. Quy định này bảo đảm tính khách quan từ lời khai của người làm chứng về các tình tiết liên quan đến vụ án mà họ biết. Ngoài ra, quy định về việc hỏi riêng từng người làm chứng bảo đảm được tính toàn diện trong việc giải quyết vụ án hành chính của Tòa án khi tất cả các tình tiết, sự kiện đều được bảo đảm phải được xem xét để có thể đưa ra phán quyết đúng đắn nhất.
– Trước khi hỏi người làm chứng, Chủ tọa phiên tòa phải hỏi rõ về quan hệ giữa họ với các đương sự trong vụ án; nếu người làm chứng là người chưa thành niên thì Chủ tọa phiên tòa có thể yêu cầu cha, mẹ, người giám hộ hoặc thầy giáo, cô giáo giúp đỡ để hỏi. Việc pháp luật quy định Chủ tọa phiên tòa phải hỏi rõ về quan hệ giữa người làm chứng với các đương sự trong vụ án là điều cần thiết vì đây là một trong những cơ sở để Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể đánh giá tính khách quan, độ tin cậy từ lời khai của họ vì nếu người là chứng có mối quan hệ thân thích với đương sự thì thường họ sẽ đưa ra những lời khai có lợi cho các đương sự trong vụ án.
– Chủ tọa phiên tòa yêu cầu người làm chứng trình bày rõ tình tiết của vụ án mà họ biết. Sau khi người làm chứng trình bày xong thì chỉ hỏi thêm người làm chứng về vấn đề mà họ trình bày chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn với nhau, mâu thuẫn với những lời khai của họ trước đó, mâu thuẫn với lời trình bày của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Như vậy, về nội dung hỏi người làm chứng cũng tương tự như việc hỏi các đương sự trong vụ án là chỉ được hỏi về những vấn đề mà người làm chứng trình bày chưa rõ hoặc còn mâu thuẫn.
– Trường hợp cần thiết phải bảo đảm an toàn cho người làm chứng và những người thân thích của họ, Hội đồng xét xử quyết định không tiết lộ những thông tin về nhân thân của người làm chứng và không để những người trong phiên tòa nhìn thấy họ. Đây là những quy định nhằm bảo vệ an toàn cho người làm chứng tránh trường hợp họ bị đe dọa, trù dập hay trả thù vì cung cấp các thông tin làm chứng gây bất lợi cho một trong các bên đương sự trong vụ án hành chính.
– Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa mới được tham gia hỏi người làm chứng. Đây là quy định mới được Luật TTHC năm 2015 bổ sung nhằm khẳng định quyền được hỏi của đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Ngoài ra quy định này giúp đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể khai thác hết các tình tiết của vụ án, giúp việc tranh luận của các đương sự hiệu quả hơn.
4.Hỏi người giám định
Tương tự như quy định về việc hỏi người làm chứng, khoản 1 Điều 185 Luật TTHC năm 2015 quy định rõ trước khi đặt câu hỏi để hỏi người giám định thì Chủ tọa phiên tòa yêu cầu người giám định trình bày kết luận của mình về vấn đề được giao giám định. Trên cơ sở trình bày của người giám định thì Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa, có quyền nhận xét về kết luận giám định, được hỏi những vấn đề còn chưa rõ hoặc có mâu thuẫn trong kết luận giám định hoặc có mâu thuẫn với chứng cứ khác của vụ án. Chúng tôi cho rằng việc cho phép các chủ trên thực hiện quyền nhận xét về kết luận giám định và quyền được hỏi sẽ góp phần quan trọng trong việc làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, qua đó họ thực hiện quyền tranh tụng hiệu quả hơn, thuyết phục hơn và đưa ra yêu cầu, đề nghị đúng pháp luật. Cũng theo quy định tại khoản 4 Điều 185 Luật TTHC thì nếu có người tham gia tố tụng yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại thì HĐXX có quyền chấp nhận yêu cầu và căn cứ điểm e khoản 1 Điều 187 Luật TTHC năm 2015 để tạm ngừng phiên tòa hoặc không chấp nhận yêu cầu. Như vậy, so với Luật TTHC năm 2010, Luật TTHC năm 2015 có sự sửa đổi đổi, bởi lẽ theo khoản 4 Điều 156 Luật TTHC năm 2010 thì trường hợp giám định bổ sung, giám định lại phải hoãn phiên tòa mà không phải là tạm ngừng phiên tòa.
5.Kết thúc việc hỏi tại phiên tòa
Điều 186 Luật TTHHC năm 2015 cũng quy định rõ việc kết thúc việc hỏi chỉ được tiến hành khi nhận thấy các tình tiết của vụ án đã được xem xét đầy đủ thì Chủ tọa phiên tòa hỏi Kiểm sát viên, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và những người tham gia tố tụng khác xem họ có yêu cầu hỏi vấn đề gì nữa không; trường hợp có người yêu cầu và xét thấy yêu cầu đó là có căn cứ thì Chủ tọa phiên tòa quyết định tiếp tục việc hỏi. Trong trường hợp không ai có ý kiến thì phiên tòa được chuyển sang thủ tục tiếp theo. Tuy nhiên nếu có người yêu cầu và xét thấy yêu cầu đó là có căn cứ thì Chủ tọa phiên tòa quyết định tiếp tục việc hỏi, nếu có người yêu cầu và xét thấy yêu cầu đó là không có căn cứ thì Chủ tọa phiên tòa bác yêu cầu và tuyên bố kết thúc việc hỏi tại phiên tòa. Như vậy, các chủ thể được quyền yêu cầu hỏi thêm gồm: Kiểm sát viên, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và những người tham gia tố tụng khác. Ngoài ra, Điều 192 Luật TTHC năm 2015 quy định rõ việc trở lại việc hỏi và tranh luận khi qua tranh luận hoặc qua nghị án, nếu xét thấy có tình tiết của vụ án chưa được xem xét, việc xét hỏi chưa đầy đủ hoặc cần xem xét thêm chứng cứ thì Hội đồng xét xử quyết định trở lại việc hỏi và tranh luận. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả của thủ tục hỏi tại phiên tòa sơ thẩm giúp Hội đồng xét xử có được cách nhìn khách quan, toàn diện và rõ ràng các vấn đề liên quan đến vụ án trước khi đưa ra phán quyết về tính hợp pháp của đối tượng khởi kiện.
Tóm lại, Luật TTHC năm 2015 quy định về thủ tục hỏi tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hành chính đã khắc phục được các điểm hạn chế của Luật TTHC năm 2010 và đặc biệt Luật TTHC năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục hỏi tại phiên tòa sơ thẩm theo hướng, bảo đảm tính tranh tụng trong hoạt động tố tụng hành chính. Tuy nhiên, có thể nhận thấy một số vấn đề về thủ tục hỏi chưa được quy định rõ ví dụ như, người giám định, người làm chứng cũng được quyền hỏi tại phiên tòa sơ thẩm nhưng họ có được quyền hỏi đương sự về tất cả các vấn đề còn chưa rõ ràng, mâu thuẫn hay chỉ hỏi về các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ của họ khi tham gia tố tụng; việc hỏi người khởi kiện, người bị kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được quy định như nhau như hiện nay sẽ gây khó khăn cho các chủ thể tố tụng trong việc đặt câu hỏi… Vì vậy, để quy định này được áp dụng đúng và thống nhất trong thực tiễn thì cần sớm có văn bản hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận