Thủ tướng yêu cầu đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa, sâu rộng hơn nữa
Chiều ngày 14/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại chương trình “Dấu ấn TECHFEST và WHISE 2021”. Đây là sự kiện tâm điểm trong chuỗi hoạt động Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia TECHFEST 2021, do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng UBND TP. Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao cùng nhiều đơn vị tổ chức từ tháng 9/2021 đến tháng 12/2021.
Kết quả còn khiêm tốn, chưa được như mong muốn
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước tuy chưa hoàn thiện nhưng đã cơ bản đầy đủ để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chúng ta cần tổ chức thực hiện thật đồng bộ, hiệu quả trong thời gian tới. Nghị quyết Đại hội XIII đã khẳng định rất rõ: “Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”, “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.
Chia sẻ với các đại biểu một số suy nghĩ, trăn trở về đổi mới sáng tạo, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng với những kết quả rất có ý nghĩa của hoạt động đổi mới sáng tạo trong năm 2021 có rất nhiều khó khăn, khẳng định sự cố gắng, vươn lên của các chủ thể đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, kết quả này vẫn còn khiêm tốn, chưa được như mong muốn, chúng ta cần một phong trào đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa, sâu rộng hơn nữa. Thủ tướng lấy ví dụ, Việt Nam không có tên trong số 15 kỳ lân công nghệ khởi nghiệp Đông Nam Á gọi vốn thành công, được định giá từ 1 tỷ USD trở lên trong năm 2021.
Thủ tướng nêu rõ, những kết quả đạt được là nhờ bám sát đường lối, chủ trương của Đảng được cụ thể hóa bằng chính sách, pháp luật của Nhà nước; sự nỗ lực, cố gắng, phấn đấu vươn lên của các chủ thể đổi mới sáng tạo; sự phối hợp, liên kết trong nước và ngoài nước.
Vấn đề thứ hai được Thủ tướng chia sẻ là vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo trong quá trình vận động và phát triển. Ông nêu rõ, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan của sự phát triển với bất cứ quốc gia nào, bất cứ lĩnh vực nào, bất cứ giai đoạn nào, bất cứ con người nào, không có đổi mới sáng tạo thì không phát triển được.
Về các mục tiêu cơ bản của đổi mới sáng tạo, Thủ tướng nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo phải phục vụ hiệu quả các mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng và đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra; góp phần làm cho mọi người dân được ấm no, hạnh phúc, không để ai bị bỏ lại phía sau; góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, cuộc sống bình yên của nhân dân; góp phần khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; chứng minh trí tuệ, sức sáng tạo của con người Việt Nam.
“Đổi mới sáng tạo phải phục vụ dân giàu, nước mạnh, mọi người dân được ấm no, hạnh phúc, đất nước được yên bình, góp phần hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Về quan điểm, cách tiếp cận để đổi mới sáng tạo có hiệu ứng lan tỏa, nhân lên giá trị, mang lại hiệu quả thiết thực, Thủ tướng cho rằng, đổi mới sáng tạo là sự nghiệp của toàn dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân. Đổi mới sáng tạo phải triển khai đồng bộ, tổng thể, liên thông, toàn diện, bao trùm ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp; đổi mới sáng tạo phải trở thành phong trào, truyền cảm hứng, thu hút sự tham gia cả tất cả mọi người, không phân biệt độ tuổi, vùng miền, giới tính... Đổi mới sáng tạo phải có sự kết nối giữa các cá nhân với tập thể, với cả nước và toàn cầu, hài hòa giữa lợi ích cá nhân, lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích chung của nhân loại.
Nhiệm vụ và giải pháp cụ thể
Trong bối cảnh nguồn lực và thời gian có hạn, Thủ tướng cho rằng việc triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới cần có trọng tâm, trọng điểm. Thứ nhất, phải phòng chống, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Việc phòng chống dịch là chưa có tiền lệ nên càng đòi hỏi đổi mới sáng tạo để phù hợp với điều kiện cụ thể Việt Nam, bảo đảm khoa học, hiệu quả, tiết kiệm, nhất là trong thực hiện 3 trụ cột phòng chống dịch (cách ly, xét nghiệm và điều trị) và phương châm “5K+vaccine+thuốc+công nghệ+đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác”. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương không ngừng tổng kết, bổ sung, hoàn thiện lý thuyết, biện pháp phòng chống dịch.
Nhiệm vụ thứ hai là phải phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình này, mọi cơ quan, đơn vị, mọi người trong mọi ngành, mọi nghề, mọi cấp đều phải suy nghĩ để tìm giải pháp phù hợp trong lĩnh vực, nhiệm vụ của mình.
Nhiệm vụ thứ ba là đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, từ chủ yếu dựa vào tài nguyên sẵn có và lao động giá rẻ sang phát triển dựa trên trí tuệ con người, phát huy được cơ hội nổi trội, tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của đất nước, của mỗi ngành, mỗi địa phương.
Thứ tư, đổi mới sáng tạo phải đi thẳng vào, góp phần giải quyết các vấn đề đang nổi lên như biến đổi khí hậu (trong bối cảnh thiên tai đang diễn ra cực đoan, phức tạp, gay gắt, không theo quy luật); cạn kiệt tài nguyên (trong khi trí tuệ và sức sáng tạo của con người là vô hạn); già hóa dân số (để giải quyết hài hòa các vấn đề trước mắt và lâu dài, đáp ứng các nhu cầu của hiện tại nhưng không ảnh hưởng tới các thế hệ tương lai); phát triển xanh, năng lượng sạch; chuyển đổi số…
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý, tập trung thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp – đây là những vấn đề cấp thiết với đất nước ta để nâng cao năng lực y tế trong bối cảnh dịch bệnh; phát triển nguồn nhân lực có thể đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế; người nông dân có thể tham gia đổi mới sáng tạo, thay đổi vận mệnh và cuộc sống của mình. “Phải tâm huyết, trách nhiệm, đam mê, máu lửa, gắn bó máu thịt với những lĩnh vực này”, Thủ tướng chia sẻ.
Về các giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, trước hết phải quan tâm công tác tổng kết thực tiễn, tích lũy, xây dựng dữ liệu. Thủ tướng cho biết, cơ sở dữ liệu của chúng ta còn thiếu và yếu nên việc hoạch định dựa trên cơ sở dữ liệu rất khó khăn. Đổi mới sáng tạo phải dựa trên nền tảng dữ liệu tốt thì mới sát thực tế, đi thẳng vào những vấn đề mà cuộc sống đặt ra.
Thứ hai, tập trung nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài để phát huy tối đa nguồn lực con người Việt Nam – tài sản quý giá nhất của dân tộc, nhân tố quyết định trong quá trình phát triển, nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Con người phải có mong muốn, khát vọng đổi mới sáng tạo và có tố chất, nền tảng để đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để phát hiện kịp thời các vấn đề thực tiễn đặt ra, không ngừng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, “giải quyết bài toán để mọi người tham gia vào đổi mới sáng tạo”. Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát và phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ. Có cơ chế hiệu quả để huy động các nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy nguồn lực nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực trong xã hội.
Các giải pháp quan trọng khác là hình thành thị trường khoa học, thị trường đổi mới sáng tạo để kết nối cung cầu, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh; đầu tư thích đáng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế để tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu trên cơ sở cùng có lợi…
Thủ tướng bày tỏ cảm ơn những góp ý về cơ chế, chính sách tại chương trình, khẳng định Chính phủ, các bộ, ngành sẽ lắng nghe, tiếp thu, luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu cao nhất là đất nước hùng cường, thịnh vượng, mọi người dân được ấm no, hạnh phúc, không ai bỏ lại phía sau và đóng góp tích cực cho cộng đồng quốc tế.
Những con số đáng quan tâm
Chia sẻ kinh nghiệm của quốc gia, ông Nadav Eshcar, Đại sứ Israel tại Việt Nam, cho biết một yếu tố chiến lược của Israel là huy động nguồn vốn nhà nước phục vụ cho hoạt động nghiên cứu phát triển. "Chúng tôi giành tới 4,9% GDP cho nghiên cứu và phát triển và có cơ quan về đổi mới sáng tạo. Đây tương đương như một Bộ để điều phối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo", ông nói và cho biết cơ quan này đưa ra các hình thức hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp startup. Bài học của Israel cũng cho thấy, cơ chế, chính sách của nhà nước có giá trị hơn nhiều sự hỗ trợ về vật chất của nhà nước với các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, năm 2021, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng nguồn tài chính đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam lại tăng cao chưa từng thấy trước đó. Hơn 1,5 tỷ USD đã được ghi nhận đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, cao nhất từ trước tới nay. Trong hệ sinh thái, hiện có khoảng hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, hơn 140 trường đại học, cao đẳng tổ chức hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng tham gia tích cực vào hoạt động này. Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế về đổi mới sáng tạo toàn cầu, tiếp tục giữ vị trí đứng đầu trong 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
Thủ tướng thăm gian triển lãm về đổi mới sáng tạo KHCN của một số doanh nghiệp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bài liên quan
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 01/2025
-
Quốc hội tiếp tục kế thừa, đổi mới và phát triển hoạt động lập hiến trong giai đoạn hiện nay
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Ngành Tòa án nhân dân “Đoàn kết, Trách nhiệm, Kỷ cương, Liêm chính, Đổi mới, Vượt khó, Hiệu quả”
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận