Một số ý kiến về đánh giá chứng cứ trong giải quyết vụ việc dân sự và kiến nghị hoàn thiện

Đánh giá chứng cứ là một trong những giai đoạn quan trọng của quá trình chứng minh trong tố tụng dân sự, là cơ sở cho quyết định giải quyết vụ việc dân sự và là hoạt động thuộc thẩm quyền của tòa án. Bài viết phân tích thực tiễn áp dụng pháp luật về đánh giá chứng cứ trong các vụ án dân sự và đề xuất các kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

1. Thực tiễn áp dụng pháp luật về đánh giá chứng cứ trong tố tụng dân sự

Điều 108 BLTTDS năm 2015 quy định “1. Việc đánh giá chứng cứ phải khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác; 2. Tòa án phải đánh giá từng chứng cứ, sự liên quan giữa các chứng cứ và khẳng định tính hợp pháp, tính liên quan, giá trị chứng minh của từng chứng cứ.”. Đây là các yêu cầu đặt ra đối với hoạt động đánh giá chứng cứ, tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật về đánh giá chứng cứ trong các vụ việc dân sự còn đặt ra nhiều vấn đề.

Nội dung vụ án “Tranh chấp đòi tài sản là quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Hà Văn T và bị đơn là ông Nguyễn Trọng V, bà Hoàng Thị Đ tại TH[1]:

Các đương sự đều thừa nhận diện tích của cả thửa đất số 33, số 34 tờ bản đồ số 02, do UBND huyện X cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Hà Văn T ngày 20/4/1995 và cấp cho ông Nguyễn Trọng V ngày 20/4/1995, đều có nguồn gốc của ông V, bà Đ. Ông T cho rằng đã mua thửa đất số 33 của ông V với giá 45 đồng, trên đất có nhà tranh, giếng khơi; khi giao đất, ông Vinh chỉ ranh giới nhưng không đo đạc. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND cấp cho ông T đã bao gồm cả phần đất tranh chấp 211m2 tại thửa đất số 33.

Ông T đã xây tường bao quanh diện tích đất mà ông T thực tế sử dụng, còn ông V vẫn là người sử dụng diện tích đất tranh chấp từ khi chưa có gia đình ông Thắng đến ở và tại thời điểm UBND huyện X cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông T. Cả Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T đối với phần diện tích đất thuộc thửa đất số 33 đã được cấp cho ông T mà ông V đang trực tiếp sử dụng.

Vấn đề thứ nhất là về tính liên quan giữa các tài liệu, chứng cứ.

Trong vụ việc này, các tài liệu do các bên cung cấp cho thấy có sự khác biệt. Cụ thể là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho ông T ngày 20/4/1995 bao gồm cả phần đất ông T đang sử dụng và có xây tường bao quanh cùng với diện tích 211m2 đang tranh chấp. Tuy nhiên, ông V trình bày ông đã sử dụng diện tích đất đang tranh chấp suốt từ năm 1979 đến này với các công trình như nhà tắm, cây trồng và có tường bao quanh. Các nhân chứng gồm ông Hoàng Văn Th, ông Hoàng Văn L là anh em ruột của bà Đ (vợ ông V), bà Đ (vợ ông T) và ông Trần Văn Ng là hàng xóm liền kề đều xác định đất tranh chấp là của ông V.

Điều 95 BLTTDS năm 2015 quy định “Chứng cứ thuộc loại tài liệu đọc được nội dung để được coi là chứng cứ phải là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận” và “Lời khai của đương sự, người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi ấm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh theo quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khai bằng lời tại phiên tòa”. Trong trường hợp này, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho ông T và ông V được cấp căn cứ vào hồ sơ địa chính năm 1993 và bản đo vẽ theo chỉ thị 299 năm 1985 là bản chính, lời khai của người làm chứng cũng đảm bảo các yêu cầu để được xác định là chứng cứ. Do vậy, khi đánh giá chứng cứ, bên cạnh việc xem xét các chứng cứ một cách độc lập thì tòa án cũng cần phải xác định mối liên hệ giữa các chứng cứ trong việc phản ánh sự thật khách quan. Trong trường hợp có những mâu thuẫn giữa các chứng cứ có cùng mức độ ưu tiên thì tòa án phải sử dụng các biện pháp cần thiết để làm sáng tỏ. Cụ thể tòa án phải sử dụng các biện pháp xác minh chứng cứ, yêu cầu đương sự hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp các chứng cứ nhằm làm rõ giá trị chứng minh của từng chứng cứ để làm căn cứ cho giải quyết vụ việc dân sự.

Như vậy là để đảm bảo tính liên quan của các chứng cứ, tòa án phải làm rõ sự mâu thuẫn giữa lời khai của người làm chứng về việc ông V đã sử dụng diện tích 211m2 đang tranh chấp từ trước khi ông T thực tế sử dụng và nội dung liên quan đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Vấn đề thứ hai là về đánh giá tính hợp pháp của chứng cứ.

Đại diện UBND xã L và UBND huyện X cho rằng việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông T và ông V căn cứ vào hồ sơ địa chính năm 1993 và bản đồ đo vẽ theo chỉ thi 299 năm 1985, tuy nhiên, tài liệu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại không thể hiện được khi đo vẽ có ký giáp ranh hay không, trong khi bản đồ và đo đạc địa chính qua các thời kỳ có số liệu rất khác nhau.

Luật Đất đai năm 1993 quy định tại Điều 2Người sử dụng đất ổn định, được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.” và Điều 21Việc quyết định giao đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được tiến hành sau khi có quyết định thu hồi đất đó.

Căn cứ các quy định trên, nếu thực tế ông V là người sử dụng phần diện tích đất đang tranh chấp từ năm 1979 đến nay thì ông V phải được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đó. Trong trường hợp đất đó được cấp cho ông T thì trước đó phải có văn bản thu hồi đất của ông V.

Việc tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm không đánh giá về mâu thuẫn giữa chứng cứ là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa đất số 33 và lời khai của các nhân chứng cũng như việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông T có vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 2 và Điều 21 Luật Đất đai năm 1993 hay không mà đã quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T, do đó, là không đúng.[2] Như vậy có thể thấy, thực tiễn áp dụng pháp luật về đánh giá chứng cứ còn nhiều vấn đề liên quan đến các sai sót trong hoạt động chứng minh nói chung và đánh giá chứng cứ nói riêng.

2. Một số kiến nghị

Đánh giá chứng cứ là hoạt động cuối cùng của chuỗi các hoạt động trong quá trình chứng minh, thông qua hoạt động này, chủ thể có thẩm quyền khẳng định giá trị chứng minh của từng chứng cứ trong vụ việc và mối liên hệ biện chứng giữa các chứng cứ. Chủ thể duy nhất có thẩm quyền thực hiện hoạt động này là tòa án.

Hoạt động đánh giá chứng cứ có mục đích là làm sáng tỏ giá trị chứng minh của từng chứng cứ đối với việc xác định bản chất của quan hệ pháp luật cần giải quyết. Do đó, việc đánh giá chứng cứ cần tuân thủ các nguyên tắc nhằm đảm bảo được các thuộc tính của chứng cứ gồm tính khách quan, tính hợp pháp và tính liên quan.

Hoạt động đánh giá chứng cứ là hoạt động đi sau thu thập chứng cứ, kết quả của hoạt động thu thập chứng cứ là cơ sở cho đánh giá chứng cứ. Do đó, để đảm bảo đánh giá chứng cứ được khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác thì hoạt động thu thập chứng cứ phải đảm bảo hiệu quả. Tuy nhiên, thông qua đánh giá chứng cứ, chủ thể có thẩm quyền có thể phát hiện các mâu thuẫn giữa các chứng cứ hoặc cần phải làm sáng tỏ giá trị chứng minh của chứng cứ nào đó, từ đó chủ thể có thể quay trở lại hoạt động thu thập và xác minh chứng cứ nhằm đạt được mục đích là tập hợp được đầy đủ các chứng cứ có giá trị trong giải quyết vụ việc dân sự, đảm bảo tính toàn diện và đầy đủ trong quá trình đánh giá chứng cứ.

Xuất phát từ mối quan hệ biện chứng trên giữa hoạt động thu thập chứng cứ và đánh giá chứng cứ, để nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về đánh giá chứng cứ cần hoàn thiện pháp luật về các vấn đề sau:

Thứ nhất, tăng cường hiệu quả hoạt động thu thập chứng cứ với vai trò là tiền đề cho hoạt động đánh giá chứng cứ. Theo đó, cần thúc đẩy sự tham gia của đương sự vào quá trình tố tụng cũng như làm rõ vai trò của tòa án trong việc chủ động yêu cầu đương sự thu thập, giao nộp, hỗ trợ hoặc tự mình thu thập chứng cứ liên quan đến vụ việc dân sự. Đối với đương sự, cần bổ sung các quy định đảm bảo khả năng thu thập tài liệu chứng cứ đang do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác quản lý và lưu giữ. Đối với tòa án, vai trò của tòa án trong việc thu thập chứng cứ là rất lớn nhưng đều dựa vào nhận định chủ quan của tòa án khi “xét thấy cần thiết” nên dễ dẫn đến sự tùy tiện không thu thập đầy đủ các chứng cứ cần thiết cho việc giải quyết vụ án. Mặc dù việc ban hành bản án, quyết định dân sự có sai sót trong thu thập, đánh giá có thể được sửa chữa thông qua thủ tục phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm, tái thẩm nhưng các thủ tục này mang tính “hậu kiểm”, không ngăn chặn được các sai sót trong quá trình tố tụng liên quan đến thu thập và đánh giá chứng cứ chứng minh.

Thứ hai, hoàn thiện các chế tài đối với việc không thực hiện nghĩa vụ sao gửi tài liệu cho các đương sự khác khi giao nộp tài liệu cho tòa án. Chỉ khi đương sự có khả năng thu thập và tiếp cận tài liệu chứng cứ thì mới có điều kiện để họ có sự chuẩn bị cần thiết cho việc tranh tụng với nhau tại phiên tòa, đưa ra các ý kiến đánh giá chứng cứ làm cơ sở cho hoạt động đánh giá chứng cứ của tòa án.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả của phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ. Đây là phương thức để các bên trao đổi chứng cứ, bổ sung tài liệu, chứng cứ (nếu có); trao đổi ý kiến và xác nhận những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết; trình bày ý kiến về những vấn đề cần thiết khác... Tuy nhiên, cần nghiên cứu tổ chức phiên họp về đánh giá chứng cứ trước phiên tòa sơ thẩm nhằm xác định tính đầy đủ của chứng cứ đối với yêu cầu của các bên cũng như xác định các chứng cứ được sử dụng trong việc giải quyết vụ việc dân sự.

Trong phiên họp này, các bên đều có cơ hội trình bày quan điểm về tính hợp pháp, tính khách quan và tính liên quan của các tài liệu của vụ việc để làm cơ sở cho việc xác định tài liệu nào được sử dụng làm chứng cứ cho việc giải quyết vụ việc, tài liệu nào cần tiếp tục xác minh làm rõ để sử dụng làm chứng cứ. Quyết định của tòa án liên quan đến phiên họp này là quyết định liên quan đến giải quyết vụ việc dân sự và có thể bị khiếu nại như đối với các quyết định tố tụng khác.

Việc đảm bảo hiệu quả của hoạt động đánh giá chứng cứ có ý nghĩa quan trọng đối với toàn bộ quá trình tố tụng, là cơ sở cho việc xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong tranh chấp, do đó, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đánh giá chứng cứ trong tố tụng dân sự.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

2. Bản án phúc thẩm số 09/DS-PT ngày 15/01/2020 của TAND cấp cao tại Hà Nội.

3. Quyết định số 61/2021/DS-GĐT ngày 24/11/2021 HĐTPTANDTC hủy Bản án phúc thẩm số 09/DS-PT ngày 15/01/2020 của TAND cấp cao tại Hà Nội.

 

Ảnh: Tòa án  tỉnh Hà Giang tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”. Ảnh: Phương Thảo


[1] Bản án phúc thẩm số 09/DS-PT ngày 15/01/2020 của TAND cấp cao tại Hà Nội.

[2]QĐ số 61/2021/DS-GĐT ngày 24/11/2021 HĐTPTANDTC hủy Bản án phúc thẩm số 09/DS-PT ngày 15/01/2020 của TAND cấp cao tại Hà Nội

TS. NGUYỄN THỊ THU THỦY (Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)