Thực trạng áp dụng Điều 298 BLTTHS tại Tòa án nhân dân cấp huyện
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) đã quy định về giới hạn của việc xét xử theo Điều 298 BLTTHS trong giải quyết các vụ án hình sự tại Tòa án nhân dân cấp huyện. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật vấn đề này hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau. Qua nghiên cứu bài viết “Về xét xử khoản nặng hơn với khoản mà Viện kiểm sát truy tố trong cùng một điều luật” các tác giả bổ sung một số vấn đề.
1. Cơ sở lý luận và quy định pháp luật về giới hạn của việc xét xử
Điều 298 BLTTHS đã quy định những tiêu chí nhất định và trách nhiệm của Tòa án khi xét xử các vụ án hình sự. Vấn đề này đã trở thành một chủ đề quan tâm của cộng đồng pháp lý và xã hội, chủ thể áp dụng pháp luật đặc biệt là trong bối cảnh cải cách pháp luật đang được đẩy mạnh tại Việt Nam. Theo đó, Tòa án phải xem xét toàn bộ tình tiết của vụ án, chuẩn bị tài liệu cần thiết, đánh giá toàn diện các vấn đề có liên quan đến vụ án. Điều này cũng đặt ra trách nhiệm, trong quá trình xét xử, Tòa án phải nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi của các bị cáo và liên quan, và là cơ sở để các bên tham gia tranh tụng. Điều này giúp đảm bảo tính công bằng, minh bạch và trung thực trong quá trình xét xử. Song song đó, giới hạn của việc xét xử cũng yêu cầu Tòa án phải có trách nhiệm đánh giá chính xác mức độ tội phạm, tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật và xem xét tổng quan sự nghiêm trọng của hành vi.
Giới hạn của việc xét xử theo BLTTHS bao gồm các trường hợp sau đây:1
Trường hợp 1. Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử. Đây là trường hợp cơ bản Tòa án chấp nhận quyết định truy tố (cáo trạng) của Viện kiểm sát đối với tội danh đã truy tố. Tòa án có trách nhiệm xét xử những bị cáo, tìm ra sự thật về các hành vi được kiểm sát truy tố và đưa ra quyết định cuối cùng dựa trên những chứng cứ được tranh tụng tại phiên tòa.đảm Trường hợp 2. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố. Đối với trường hợp này xảy ra các tình huống sau đây mà Tòa án có thể xét xử bị cáo:
(i) Xét xử khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật, điều này xảy ra cả trường hợp khoản khác đó ở mức độ nhẹ hơn hoặc nặng hơn trong cùng một điều luật. Ví dụ: Bị cáo bị Viện kiểm sát truy tố về “Tội cướp giật tài sản” theo khoản 1 Điều 171 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS), tuy nhiên qua việc tranh tụng Tòa án xét thấy bị cáo có thêm tình tiết định khung hành hung để tẩu thoát thì Tòa án được xét xử bị cáo theo điểm đ khoản 2 Điều 171 BLHS.
(ii) Xét xử về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố. Theo BLHS hình phạt bao gồm hình phạt chính và hình phạt bổ sung.2 Như vậy, để đánh giá tính nặng nhẹ của tội phạm thì cần căn cứ vào mức hình phạt đối với từng tội danh, hành vi phạm tội đó được quy định tại khung hình phạt chính và các hình phạt bổ sung cụ thể để đối chiếu, so sánh.
Trường hợp 3. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó. Như vậy, khác với hai trường hợp nêu trên, đối với trường hợp này khi xét xử bị cáo về tội danh Viện kiểm sát truy tố thì bắt buộc Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp Viện kiểm sát truy tố lại mà quan điểm vẫn giữ tội danh đã truy tố, trong những trường hợp như vậy giải pháp được đưa ra là Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn.
2. Thực trạng áp dụng pháp luật về giới hạn của việc xét xử
Để đánh giá thực trạng áp dụng pháp luật về giới hạn của việc xét xử cần phân tích, làm rõ qua vụ án sau đây:
Khoảng 14 giờ 00 phút ngày 13/7/2022, tại nhà ông A có tổ chức nhậu và hát Karaoke, dẫn đến đánh lộn. D dùng cây dao gấp bằng Inox, chiều dài khoảng 09cm đâm cánh tay trái của ông Đ gây ra một vết thương dài khoảng 04cm. Kết quả giám định, thương tích của Đ là 41%.
Quan điểm của Viện kiểm sát. Truy tố bị cáo D về “Tội cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 134 BLHS với tình tiết định khung tăng nặng là “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này” (hai tình tiết là “Dùng hung khí nguy hiểm” và “Có tính chất côn đồ”, được quy định tại các điểm a, i Khoản 1 Điều 134 BLHS.
Quan điểm của Tòa án. Hành vi của bị cáo D có dấu hiệu “Tội giết người” theo Điều 123 của BLHS áp dụng theo Án lệ số 47/2021/AL, ngày 25/11/2021 nên Tòa án đã trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại.
Thông qua vụ án nêu trên, sau khi trả hồ sơ để điều tra bổ sung xảy ra các trường hợp sau đây:
Trường hợp 1. Nếu Viện kiểm sát truy tố lại theo hướng thay đổi tội danh từ “Tội cố ý gây thương tích” thành “Tội giết người” thì bắt buộc phải thay đổi thẩm quyền, chuyển hồ sơ lên cấp trên để giải quyết theo quy định pháp luật.
Trường hợp 2. Nếu Viện kiểm sát vẫn giữa nguyên quan điểm truy tố, không thay đổi tội danh thì theo khoản 3 Điều 298 BLTTHS Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó. Tuy nhiên, trường hợp này đặt ra các vấn đề pháp lý sau đây:
Thứ nhất, khi Tòa án quyết định xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn sẽ ảnh hưởng đến thẩm quyền xét xử sơ thẩm. Bởi lẽ, đối với “Tội cố ý gây thương tích” theo như truy tố nêu trên thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, tuy nhiên, khi thay đổi tội danh sang “Tội giết người” thì không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện mà thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ xét xử sơ thẩm. Như vậy, đối với tình huống nêu trên khi Tòa án quyết định xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn, cụ thể là “Tội giết người” sẽ không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện. Điều này sẽ dẫn đến tranh chấp về thẩm quyền “Khi xét thấy vụ án vẫn thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án đã trả hồ sơ thì Viện kiểm sát chuyển lại hồ sơ vụ án đến Tòa án kèm theo văn bản nêu rõ lý do; nếu Tòa án xét thấy vụ án vẫn không thuộc thẩm quyền xét xử của mình thì việc giải quyết tranh chấp thẩm quyền xét xử thực hiện theo Điều 275 của Bộ luật này. Viện kiểm sát phải thực hiện theo quyết định của Tòa án có thẩm quyền”3. Do đó, việc quy định về giới hạn việc xét xử đối với trường hợp Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn so với tội danh mà Viện kiểm sát truy tố chỉ thuận lợi khi Tòa án nhân dân cấp tỉnh đang giải quyết vụ án nhưng sẽ gây ra khó khăn nhất định khi vụ án đang do Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết.
Quan điểm của tác giả trong trường hợp này, bắt buộc Tòa án nhân dân cấp huyện phải chuyển hồ sơ về Tòa án nhân dân cấp tỉnh để giải quyết theo tội danh tương ứng. Tuy nhiên, vấn đề sẽ tiếp tục khó khăn khi Tòa án nhân dân cấp tỉnh không tiếp nhận hồ sơ vì chưa có quyết định cuối cùng xác định bị cáo phạm tội danh nặng hơn, ví dụ “Tội giết người” trong tình huống nêu trên.
Thứ hai, khi Tòa án quyết định xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn sẽ ảnh hưởng đến thành phần Hội đồng xét xử. Đối với trường hợp nêu trên “Tội giết người” có khung hình phạt cao nhất là chung thân hoặc tử hình thì Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm.4 Điều này, đồng nghĩa với việc khi đang xét xử “Tội cố ý gây thương tích” với thành phần Hội đồng xét xử gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm thì Hội đồng xét xử này không có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn “Tội giết người” do không đảm bảo về thành phần Hội đồng xét xử.
Quan điểm của tác giả, về mặt kỹ năng, trước khi quyết định thành phần Hội đồng xét xử đối với trường hợp này Tòa án cần cân nhắc quyết định thành phần, theo đó, có thể vận dụng quy định trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm.5
Thứ ba, khi Tòa án quyết định xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn sẽ ảnh hưởng đến việc đảm bảo quyền bào chữa của bị cáo. Theo quy định, đối với trường hợp xét xử tội phạm quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình thì bắt buộc phải chỉ định người bào chữa.6 Như vậy, đối với trường hợp nêu trên khi xét xử “Tội cố ý gây thương tích” có thể sẽ không có người bào chữa tham gia phiên tòa, tuy nhiên khi Tòa án xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn “Tội giết người” thì không đảm bảo quyền bào chữa của bị cáo tại phiên tòa.
Quan điểm của tác giả, mặc dù Điều 297 BLTTHS không quy định cụ thể khi phát sinh việc chỉ định người bào chữa thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa, tuy nhiên, theo tác giả nếu xảy ra trường hợp tại phiên tòa có căn cứ để xác định cần chỉ định người bào chữa do Tòa án xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn thì cần hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền hợp pháp của bị cáo.
3. Kiến nghị
Từ những vấn đề đặt ra nêu trên, tác giả kiến nghị TANDTC hướng dẫn 03 nội dung như sau để việc áp dụng pháp luật được thống nhất:
(i) Hướng dẫn về trường hợp thay đổi thẩm quyền khi Tòa án quyết định xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn theo hướng nếu Tòa án nhân dân cấp huyện thay đổi tội danh mà tội danh đó không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh phải thụ lý, giải quyết vụ án.
(ii) Hướng dẫn về trường hợp thành phần Hội đồng xét xử theo hướng trước khi Tòa án quyết định xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn thì bắt buộc phải đảm bảo thành phần Hội đồng xét xử gồm 02 Thẩm phán và 03 Hội thẩm.
(iii) Hướng dẫn về trường hợp phát sinh việc chỉ định người bào chữa tại phiên tòa khi Tòa án quyết định xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn theo hướng Tòa án phải hoãn phiên tòa để tiến hành việc chỉ định người bào chữa theo Điều 76 BLTTHS./.
Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình xét xử vụ án Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh- Ảnh: Mai Cao Hải
Bài liên quan
-
Tội danh bị truy tố của 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2
-
Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử
-
Đề nghị truy tố Tổng Giám đốc Công ty Thành An và 37 bị can gây thiệt hại ngân sách hơn 743 tỉ đồng
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận