Thực trạng và giải pháp phòng ngừa các tội phạm về môi trường ở Việt Nam hiện nay
Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường (C49) Bộ Công an, trong 10 năm qua (từ 2006 đến 2015), toàn lực lượng đã phát hiện, xử lý hơn 100.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường; khởi tố hơn 3.000 vụ với 4.300 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 97.000 vụ với số tiền 1.166 tỷ đồng. Đặc biệt, đã điều tra, xử lý nhiều vụ phạm tội môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân.
- 1.Thực trạng tội phạm về môi trường và kết quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường
1.1. Thực trạng tội phạm về môi trường thời gian qua
Thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế những năm qua cho thấy, Việt Nam đã mở ra một giai đoạn mới trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh hiệu quả về phát triển kinh tế xã hội. Việt Nam cũng đối diện với vấn đề môi trường bị ô nhiễm, nguồn. Các khu công nghiệp, làng nghề, khu đô thị được hình thành nhanh chóng làm cho nguồn rác thải công nghiệp cũng như rác thải sinh hoạt đưa vào môi trường ngày càng nhiều, gây ô nhiễm không khí, đất, nước. Hầu hết các khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý môi trường tập trung hoặc có nhưng hoạt động chỉ mang tính chất đối phó; việc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xả nước thải trực tiếp ra sông, biển là khá phổ biến. Tình trạng nhập khẩu trái phép chất thải vào nước ta dưới hình thức phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trong nước, kể cả thiết bị công nghệ lạc hậu dẫn đến nguy cơ biến nước ta thành bãi thải công nghiệp. Tình trạng săn bắt, buôn bán động vật hoang dã, quý hiếm xảy ra hết sức nghiêm trọng, làm giảm tính đa dạng sinh học; số vụ ngộ độc thực phẩm, ngộ độc hóa chất bảo vệ thực vật tăng nhanh làm cho tình hình tội phạm về môi trường và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ở Việt Nam ngày càng gia tăng, không những ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe và tài sản của cá nhân, tổ chức mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng đối với môi trường nói chung.
1.2. Những kết quả đạt được và những hạn chế
Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường (C49) Bộ Công an, trong 10 năm qua (từ 2006 đến 2015), toàn lực lượng đã phát hiện, xử lý hơn 100.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường; khởi tố hơn 3.000 vụ với 4.300 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 97.000 vụ với số tiền 1.166 tỷ đồng. Đặc biệt, đã điều tra, xử lý nhiều vụ phạm tội môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân.
Trong khi đó, cũng trong 10 năm (2006 đến 2015), hệ thống Tòa án nhân dân đã thụ lý 2.331 vụ, với 4.342 bị cáo. Trong đó, xét xử 2.237 vụ, với 4.145 bị cáo phạm tội về môi trường, chiếm 0,37% tổng số vụ án hình sự đã xét xử. (Nguồn: Tòa án nhân dân tối cao).
Qua số liệu thống kê trên cho thấy, trong những năm qua công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về môi trường bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, hoạt động phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm về môi trường vẫn gặp nhiều khó khăn và bộc lộ những hạn chế. Thực tế, từ trước tới nay, chúng ta chủ yếu mới chỉ điều tra khởi tố và đưa ra xét xử đối với các hành vi vi phạm thuộc hai tội danh: Hủy hoại rừng (Điều 189BLHS) và tội Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm (Điều 190BLHS). Trong khi đó, các tội danh khác, mặc dù gây hậu quả rất nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người dân và môi trường xung quanh nhưng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự được. Điển hình như vụ Vedan, Nicotex Thanh Thái, Hào Dương và gần đây nhất là vụ Formosa Hà Tĩnh… vấn đề xử lý hình sự đều được đặt ra, song kết quả chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính. Những hạn chế nêu trên xuất phát chủ yếu từ những nguyên nhân sau:
– Chưa có sự hướng dẫn kịp thời về Chương các tội phạm về môi trường trong BLHS 1999 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Việc nhận diện được một hành vi vi phạm môi trường là rất khó, đòi hỏi phải có sự trợ giúp của các phương tiện khoa học kỹ thuật, phải có sự đánh giá của các cơ quan chuyên ngành, có sự định tính, định lượng cụ thể mới có thể xác định đó là một hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Mặt khác, trước đây theo quy định của pháp luật thì một hành vi vi phạm pháp luật về môi trường chỉ có thể bị xử lý về hình sự khi chủ thể tiến hành các hành vi đó “đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền gây hậu quả nghiêm trọng”. Hoặc những yếu tố được quy định trong Chương các tội phạm về môi trường như: “hậu quả nghiêm trọng”, “hậu quả rất nghiêm trọng”, “hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, “Huỷ hoại diện tích rừng rất lớn”… vẫn rất chung chung, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc truy tố, xét xử các loại án này.
Bên cạnh đó, việc xác định chứng cứ trong các tội phạm này rất khó khăn, đặc biệt đối với tội gây ô nhiễm không khí và nguồn nước. Trường hợp gây ô nhiễm không khí, mặc dù biết rõ có rất nhiều chất độc hại trong không khí của một khu vực nào đó, nhưng chúng lan tỏa rất nhanh nên việc chứng minh sự xấu đi của không khí là rất khó khăn. Hoặc đối với tội gây ô nhiễm nguồn nước: Chất thải công nghiệp, y tế, xác động vật, thải các chất dầu, mỡ, nước thải sinh hoạt, vi khuẩn, siêu vi khuẩn gây dịch bệnh chỉ trong một thời gian ngắn nó đã lan tỏa sang những khu vực khác nên rất khó xác định.
Mặt khác, trong một thời gian dài, quan niệm của chúng ta về vấn đề bảo vệ môi trường còn bị xem nhẹ, chưa coi vấn đề môi trường là cấp thiết cần ưu tiên giải quyết. Ý thức pháp luật, ý thức bảo vệ môi trường của đại bộ phận nhân dân nhất là các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.
Công tác phối hợp giữa các lực lượng trong phòng, chống tội phạm về môi trường có nơi, có lúc chưa đồng bộ, còn lúng túng, bị động do chưa có kinh nghiệm và chưa rõ về cơ chế; công tác phối hợp trong phát hiện, điều tra, xử lý chưa thống nhất. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống tội phạm còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác.
2.Những giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường ở Việt Nam hiện nay, theo chúng tôi cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức pháp luật về tội phạm môi trường.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động phòng ngừa tội phạm về môi trường thì công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức pháp luật về tội phạm môi trường có vai trò vô cùng quan trọng. Hiện nay, chúng ta đã có Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật ở từng địa phương và cơ sở; việc phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật bảo vệ môi trường và phòng, chống các tội phạm về môi trường nói riêng đã thu được kết quả nhất định. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn nặng về tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Nội dung tuyên truyền, phổ biến chưa thật sát với nhu cầu, điều kiện của đối tượng cần được tuyên truyền, phổ biến nhất là những người dân sống ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng ta đang thiếu một hệ thống dịch vụ pháp lý đủ mạnh để giúp người dân, doanh nghiệp nắm vững pháp luật, xử sự theo pháp luật trong hoạt động nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Mặt khác, thông tin pháp luật chưa kịp thời, thống nhất. Do đó, cần phải thường xuyên và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục, trang bị những tri thức cần thiết về bảo vệ môi trường, sinh thái cho quần chúng nhân dân, đặc biệt là các doanh nghiệp thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng như sách báo, phát thanh, truyền hình… có như vậy, mới nâng cao được hiệu quả hoạt động phòng ngừa các tội phạm về môi trường ở Việt Nam hiện nay.
Hai là: Hoàn thiện những quy định của pháp luật hình sự về các tội phạm về môi trường.
Đất nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ chế quản lý chưa thật đồng bộ, chính sách kinh tế – xã hội còn nhiều thiếu sót. Hệ thống pháp luật của chúng ta tuy đã có nhiều về số lượng, thay đổi về chất lượng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm đặc biệt là các tội phạm về môi trường. Vì vậy, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động phòng, chống tội phạm về môi trường.
Ba là: Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường.
*Đối với Cơ quan điều tra
Để nâng cao chất lượng hoạt động của Cơ quan điều tra trong công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm về môi trường, Cơ quan điều tra cần làm tốt một số việc sau đây:
Thứ nhất, đề cao vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường. Vì quần chúng nhân dân là tai mắt của lực lượng cảnh sát môi trường trong việc phát hiện các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Thứ hai, phòng, chống tội phạm về môi trường là lĩnh vực nghiệp vụ mới của lực lượng Công an nhân dân. Chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường thường khó phát hiện, thu thập, bảo quản. Hành vi xâm hại đến môi trường lại diễn ra trong một thời gian dài, đến khi bị phát hiện thì nó đã gây ra hậu quả lớn và trên diện rộng cho xã hội. Vì vậy, để đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm về môi trường cần phải nâng cao năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ điều tra. Trước hết mỗi cán bộ điều tra phải tuân thủ pháp luật và nắm vững quy định của Bộ Công an về nhiệm vụ công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng cảnh sát môi trường. Trong đó, cần nắm vững đối tượng điều tra nghiên cứu, đấu tranh, phòng ngừa đặc biệt là các vi phạm pháp luật về môi trường trong sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu, thăm dò khai thác tài nguyên, môi trường sinh thái, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dân cư… Bên cạnh đó, cán bộ điều tra phải thực hiện nhiệm vụ với tinh thần tích cực, khẩn trương, kiên quyết và thận trọng trong công tác điều tra các tội phạm về môi trường.
Thứ ba, cần tổ chức nghiên cứu các đề tài khoa học, các chuyên đề về bảo vệ môi trường, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường; đồng thời tăng cường mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức đấu tranh phòng, chống tội phạm môi trường cho đội ngũ cán bộ điều tra. Xây dựng hệ thống tài liệu tham khảo phục vụ công tác điều tra. Thường xuyên mở những lớp tập huấn, hội nghị chuyên đề, tổng kết, rút kinh nghiệm về việc Cơ quan điều tra áp dụng những quy định của pháp luật hình sự về các tội phạm về môi trường trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.
Thứ tư, cần trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Đó là các thiết bị đo kiểm; thu, bảo quản và vận chuyển mẫu; phân tích môi trường về đất, nước, khí, chất rắn, phóng xạ… Việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật này phải đảm bảo yêu cầu về kiểm định, đo lường chất lượng của Nhà nước và theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong quá trình hoạt động, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khi có yêu cầu của lực lượng Cảnh sát nhân dân phải nghiêm chỉnh chấp hành việc giám sát, phát hiện, xử lý đối với các hành vi vi phạm được phát hiện bằng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật về môi trường và có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm các hành vi cản trở, hạn chế hoặc vô hiệu hóa tính năng kỹ thuật của các phương tiện, thiết bị kỹ thuật về môi trường.
Thứ năm, trong công tác phối kết hợp với các lực lượng, cần phối hợp với cơ quan tài nguyên môi trường và các cơ quan chức năng khác có liên quan để trao đổi thông tin nắm bắt tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như việc phát hiện tội phạm về môi trường; xây dựng quy chế phối hợp liên ngành trên cơ sở đó Cơ quan điều tra cần phối hợp chặt chẽ với Tòa án, Viện kiểm sát trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về các tội phạm về môi trường để đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
*Đối với Viện kiểm sát nhân dân
Viện kiểm sát nhân dân với chức năng là cơ quan kiểm sát hoạt động tư pháp và thực hành quyền công tố. Nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống các tội phạm về môi trường, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Viện kiểm sát nhân dân các cấp phải tăng cường thực hiện tốt vai trò thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, để đẩy mạnh việc phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các tội phạm về môi trường, góp phần đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Việc phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh về các tội phạm về môi trường không những có tác dụng đảm bảo trừng trị và giáo dục người phạm tội, mà còn có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung đối với những người có nguy cơ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đồng thời làm cho những người đã phạm tội này không còn điều kiện dễ dàng tiếp tục thực hiện tội phạm.
* Đối với Tòa án nhân dân
Tòa án nhân dân có vị trí trung tâm và hoạt động xét xử là trọng tâm trong các hoạt động cải cách tư pháp, nhiệm vụ chủ yếu của Tòa án là phải nâng cao chất lượng xét xử, chống oan sai và bỏ lọt tội phạm, việc áp dụng pháp luật đúng đắn trong công tác xét xử các vụ án về tội phạm về môi trường là một vấn đề quan trọng. Từ việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật sẽ phát huy tính giáo dục, răn đe và phòng ngừa người phạm tội. Thông qua tổng kết thực tiễn xét xử từ đó chỉ ra nguyên nhân, điều kiện phát sinh loại tội phạm này để kiến nghị các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp khắc phục những thiếu sót trong công tác xây dựng và áp dụng pháp luật.
Bên cạnh đó, cần khẩn trương thành lập Tòa môi trường với tư cách là Tòa chuyên trách thuộc hệ thống Tòa án nhân dân để chuyên xét xử các tội phạm về môi trường.
Bốn là: Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phòng, chống tội phạm về môi trường; trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại và kinh phí phục vụ công tác phòng, chống tội phạm về môi trường.
Năm là: Tăng cường ký kết hoặc gia nhập các công ước quốc tế trong lĩnh vực tội phạm về môi trường.
Nhà nước ta đang tham gia tích cực vào việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu. Quan điểm tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm cần được quán triệt sâu sắc trong xây dựng và thực hiện pháp luật. Hệ thống pháp luật hình sự nói chung và pháp luật về tội phạm môi trường nói riêng cần phải hài hòa với các chuẩn mực quốc tế, đồng thời nội luật hóa các cam kết quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, tăng cường hợp tác, giao lưu về pháp luật và thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế góp phần tăng cường quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế của nước ta, đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế, trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh việc tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở đối chiếu, so sánh với các cam kết, chuẩn mực trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã hoặc sẽ tham gia nhằm làm cho các quy định pháp luật trong nước phù hợp với luật pháp quốc tế, đảm bảo cho việc thực hiện các cam kết quốc tế thì chúng ta cũng cần phải khẩn trương ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế trong đó quy định rõ quy trình, cơ chế chuyển hóa các quy phạm của điều ước quốc tế vào hệ thống pháp luật Việt Nam và quy định điều kiện, thủ tục thi hành điều ước quốc tế tại Việt Nam.
Sáu là: Hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm về môi trường.
Bảo vệ môi trường là vấn đề mang tính toàn cầu. Do đó, Nhà nước cần có những chính sách phù hợp để đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm về môi trường. Ví dụ như: Tham gia các diễn đàn, hội thảo, hội nghị về môi trường để thảo luận, trao đổi kinh nghiệm cũng như đúc rút các bài học về bảo vệ môi trường; tranh thủ các nguồn tài trợ quốc tế. Đặc biệt là của “Quỹ Môi trường toàn cầu” nhằm huy động và tiếp nhận cho vay vốn phục vụ mục đích phòng, chống tội phạm về môi trường./.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận