Tích cực đóng góp tình huống pháp lý sẽ  giúp trợ lý ảo Toà án ngày càng hữu ích hơn

Chỉ thị số 01/2023/CT-CA ngày 03/01/2023 của Chánh án TANDTC về việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác Toà án năm 2023 có một chỉ tiêu, yêu cầu công tác là “Bảo đảm 100% Thẩm phán phải sử dụng, tương tác và đóng góp ít nhất 01 câu hỏi và câu trả lời cho phần mềm Trợ lý ảo”.

Trong kỷ nguyên chuyển đổi số đang dần thay đổi tích cực nhiều mặt của đời sống xã hội, việc sử dụng "Trợ lý ảo Toà án" đã và đang giúp các chức danh tư pháp trong hệ thống Toà án, đặc biệt là giúp các Thẩm phán tra cứu, áp dụng pháp luật đầy đủ, chính xác cho mỗi vụ việc cụ thể; hướng dẫn Thẩm phán thực hiện các hoạt động tố tụng đúng trình tự, thủ tục, nhanh chóng kịp thời, đúng quy định pháp luật; đồng thời giúp các Thẩm phán có cơ sở để ra các quyết định đúng bản chất sự việc, đúng pháp luật.

Có một thực tế không thể phủ nhận là Trợ lý ảo Toà án đang ngày càng hoàn thiện và phát huy hiệu quả vô cùng tích cực trong công tác xét xử, giải quyết các loại án của hệ thống Toà án. Đúng như tên gọi, Trợ lý ảo Toà án đóng vai trò như một Thư ký của chính người dùng. Trợ lý ảo Toà án đã giúp các Thẩm phán tự tin hơn khi đưa ra các quyết định của mình.

Tại Chỉ thị số 01/2023/CT-CA ngày 03/01/2023 của Chánh án TANDTC về việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác Toà án năm 2023 thì một trong những chỉ tiêu, yêu cầu công tác là “Bảo đảm 100% Thẩm phán phải sử dụng, tương tác và đóng góp ít nhất 01 câu hỏi và câu trả lời cho phần mềm Trợ lý ảo”. Điều này có nghĩa là chính các Thẩm phán sẽ là người trực tiếp sử dụng phần mềm trợ lý ảo Toà án nhưng đồng thời cũng là người làm cho phần mềm trợ lý ảo ngày càng thông minh hơn, hữu ích hơn thông qua việc các Thẩm phán tự đặt câu hỏi và đề xuất câu trả lời cho phần mềm Trợ lý ảo. Theo thống kê trên phần mềm Trợ lý ảo Toà án tính đến ngày 20/9/2023 đã có 2.328 tình huống pháp lý (bao gồm 2.328 câu hỏi và tương ứng là 2.328 câu trả lời cho chính câu hỏi đó) mà người dùng là các Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên trong hệ thống Toà án đã tích cực đóng góp cho phần mềm Trợ lý ảo Toà án.

Như đã nói, việc đóng góp các tình huống pháp lý không chỉ là nhiệm vụ công tác của từng Thẩm phán mà qua đó là thể hiện được tinh thần tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của Thẩm phán, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới hiện nay. Bởi lẽ, khi Thẩm phán đưa ra một câu hỏi và đề xuất một câu trả lời cho phần mềm trợ lý ảo chính là các Thẩm phán đang nghiên cứu một hay nhiều nhiều quy định của pháp luật. Và một khi Thẩm phán đóng góp càng nhiều tình huống pháp lý cho phần mềm trợ lý ảo thì Thẩm phán sẽ có điều kiện nghiên cứu, tiếp cận nhiều quy định của pháp luật hơn. Điều này sẽ giúp ích cho các Thẩm phán trong quá trình giải quyết, xét xử những vụ án có liên quan đến tình huống pháp lý mà mình đã từng nghiên cứu đến.

Từ thực tiễn công tác và thực tế sử dụng phần mềm Trợ lý ảo Toà án, tác giả nhận thấy việc đóng góp tình huống pháp lý (câu hỏi và câu trả lời) cho phần mềm Trợ lý ảo Toà án có một số vấn đề cần lưu ý. Thông qua đó, tác giả xin đưa ra một số đề xuất, kiến nghị liên quan đến việc đóng góp tình huống pháp lý cho phần mềm Trợ lý ảo Toà án trong thời gian tới.

Một số vấn đề cần lưu ý khi đóng góp tình huống pháp lý cho phần mềm Trợ lý ảo Toà án

Theo chỉ tiêu công tác tại Chỉ thị số 01/2023/CT-CA ngày 03/01/2023 của Chánh án TANDTC thì hiện nay gần như các Thẩm phán trong hệ thống Toà án đã có đóng góp tình huống pháp lý vào phần mềm trợ lý ảo. Tuy nhiên, thực tế thì ngoài các Thẩm phán thì các Thư ký, Thẩm tra viên trong hệ thống Toà án cũng đang rất tích cực đóng góp tình huống pháp lý cho phần mềm Trợ lý ảo Toà án. Tuy nhiên, có những vấn đề cần lưu ý như sau:

Thứ nhất, cần phân biệt việc đặt câu hỏi, nêu câu trả lời tại mục “Trao đổi chuyên môn nghiệp vụ” và việc đặt câu hỏi, đề xuất câu trả lời tại mục “Đóng góp tình huống pháp lý” là hoàn toàn khác nhau.

Tại mục “Trao đổi chuyên môn nghiệp vụ”, người dùng phần mềm có thể đặt câu hỏi là một tình huống, sự việc thể để người khác khi dùng phần mềm có thể đưa ra ý kiến (câu trả lời) cho câu hỏi của người đã đặt câu hỏi. Người đặt câu hỏi cũng có thể đưa ra câu trả lời cho câu hỏi của chính mình để người khác tham khảo.

Tại mục “Đóng góp tình huống pháp lý”, người dùng phần mềm phải đặt câu hỏi là một tình huống, sự việc cụ thể hay một thắc mắc về quy định của pháp luật và phải đề xuất được câu trả lời cho câu hỏi của chính mình. Người khác khi dùng phần mềm không thể đưa ra câu trả lời cho câu hỏi của người đã đặt câu hỏi. Và tình huống pháp lý này chính là các dữ liệu để người dùng phần mềm đọc nghiên cứu tham khảo khi đưa ra câu hỏi trong “mục nhập từ khoà tìm kiếm” tại trang đầu khi truy cập vào phần mềm Trợ lý ảo Toà án.

Cho nên chỉ tiêu đóng góp ít nhất 01 câu hỏi và câu trả lời cho phần mềm Trợ lý ảo, chính là đặt câu hỏi và câu trả lời tại mục “Đóng góp tình huống pháp lý”. Một số Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên đã có sự nhầm lẫn nên chỉ đặt câu hỏi, nêu câu trả lời tại mục “Trao đổi chuyên môn nghiệp vụ”. Từ đó không đảm bảo chỉ tiêu công tác “đóng góp ít nhất 01 câu hỏi và câu trả lời cho phần mềm Trợ lý ảo.

Thứ hai, hình thức và nội dung câu hỏi và câu trả lời cho tình huống pháp lý cần đóng góp là gì. Qua nghiên cứu các tình huống pháp lý trong Trợ lý ảo Toà án có thể lưu ý như sau:

Đối với câu hỏi có thể chia làm hai dạng: (1) Dạng câu hỏi là tình huống sự việc cụ thể. Ví dụ như: “Bà D khởi kiện yêu cầu ông N và bà M trả số tiền vay còn nợ là 100 triệu đồng. Tòa án ra thông báo Thụ lý vụ án gửi cho ông N, bà M. Quá trình giải quyết vụ án, ông N đã có văn bản nêu rõ ý kiến là đồng ý cùng với bà M trả cho bà D tiền vay còn nợ là 100 triệu đồng và chịu toàn bộ án phí. Tại phiên hòa giải, bà M có mặt đồng ý cùng với ông N trả tiền vay còn nợ cho bà D là 100 triệu đồng và chịu toàn bộ án phí. Ông N do điều kiện đi làm ăn xa nên vắng mặt tại phiên hòa giải. Thẩm phán lập biên hòa giải thành. Vậy biên bản hòa giải thành có gửi cho đương sự vắng mặt không?”; (2) Dạng câu hỏi là thắc mắc về quy định của pháp luật. Ví dụ như: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất để làm mặt bằng sản xuất vật liệu xây dựng, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi Nhà nước thu hồi đất, những hộ gia đình, cá nhân này có được bồi thường về đất không?

Đối với câu trả lời thì người dùng cần tập trung vào nội dung câu hỏi và phải nêu cho được căn cứ pháp lý. Tức là những nội dung được trả lời được quy định tại điều khoản văn bản quy phạm pháp luật nào.

Ngoài ra, cũng cần phải lưu ý thêm là nội dung câu hỏi không được trùng với nội dung câu hỏi mà người khác đã đặt; nội dung câu trả lời không được viết tắt, không có lỗi chính tả, chứa câu hỏi khác.... Vì như thế tình huống pháp lý đóng góp sẽ không được duyệt.

Một số đề xuất, kiến nghị liên quan đến việc đóng góp tình huống pháp lý cho phần mềm Trợ lý ảo Toà án

Để góp pháp cho phần mềm Trợ lý ảo ngày càng hữu ích, tạo điều kiện thuận lợi cho các Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên tích cực đóng góp tình huống pháp lý cho phần mềm Trợ lý ảo Toà án và tăng số lượng  tình huống pháp lý cho phần mềm Trợ lý ảo Toà án, tác giả đề xuất, kiến nghị nội dung sau:

Đối với phần mềm Trợ lý ảo Toà án, cần nghiêm cứu cải thiện phần mềm làm sao khi người dùng đặt câu hỏi mà câu hỏi đã có trên phần mềm hoặc nội dung câu trả lời có lỗi chính tả, có chữ viết tắt,.... dẫn đến tình huống pháp lý không được duyệt thì phải thông báo liền ngay cho người dùng biết. Khắc phục hạn chế như hiện nay phải chờ khi Ban quản trị đọc qua và thông báo là tình huống pháp lý không được duyệt hoặc bị từ chối vì các lý do trên.

Đối với mỗi Toà án, ngoài việc đặc chỉ tiêu “100%Thẩm phán phải sử dụng, tương tác và có đóng góp câu hỏi và câu trả lời cho phần mềm Trợ lý ảo” trong năm thì cần mở rộng hơn đối tượng phải sử dụng, tương tác và có đóng góp câu hỏi và câu trả lời cho phần mềm Trợ lý ảo là Thư ký, Thẩm tra viên trong đơn vị. Nhằm giúp cho số lượng tình huống pháp lý ngày càng nhiều hơn, phục vụ cho nhiều đối tượng sữ dụng phần mềm Trợ lý ảo Toà án. Bởi vì phần mềm này còn được các Thư ký, Thẩm tra viên sử dụng. Nên tuỳ theo nhiệm vụ của người dùng sẽ có tình huống pháp lý phù hợp đóng góp cho phần mềm trợ lý ảo.

Để số lượng tình huống pháp lý đóng góp cho phần mềm Trợ lý ảo Toà án ngày càng nhiều và có chất lượng, ý kiến riêng của tác giả là mỗi Toà án cần đề ra chỉ tiêu là số tình huống pháp lý mà Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên phải đóng góp cho phần mềm Trợ lý ảo Toà án, ít nhất là mỗi tháng 01 tình huống pháp lý. Bên cạnh đó, tuỳ tình hình mỗi đơn vị Toà án có thể phát động phong trào thi đua chuyên đề, ngắn hạn... trong đó có lồng ghép tiêu chí thi đua khen thưởng là phải có đóng góp tình huống pháp lý cho phần mềm Trợ lý ảo Toà án với số lượng nhất định.

Tóm lại, để Trợ lý ảo Toà án ngày càng hoàn thiện và hữu ích hơn, trở thành trợ lý đắc lực cho Thẩm phán nói riêng và các chức danh tư pháp trong hệ thống Toà án nói chung đòi hỏi phải đóng góp tình huống pháp lý ngày càng nhiều và chất lượng hơn. Vì vậy, mỗi chức danh tư pháp cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình đối với công tác đóng góp tình huống pháp lý vào phần mềm trợ lý ảo. Coi phần mềm Trợ lý ảo Toà án là nơi chia sẽ, học hỏi lẫn nhau về kiến thức pháp luật, kinh nghiệm thực tiễn, góp phần làm cho chất lượng giải quyết, xét xử các loại án của Toà án ngày càng được nâng lên.

 

*Phó Chánh án TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh

Hội nghị trực tuyến của TANDTC tập huấn hướng dẫn sử dụng phần mềm "Trợ lý ảo" - Ảnh: Nhật Nam

DƯƠNG TẤN THANH*