Tọa đàm với JICA về hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Ngày 16/10/2018, tại Hà Nội, TANDTC phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản - Jica , tổ chức Tọa đàm khoa học về Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. TS Nguyễn Thúy Hiền - Phó Chánh án TANDTC chủ trì tọa đàm. Ông Tokura Saburo - Thẩm phán Tòa án tối cao Nhật Bản cùng các Thẩm phán Nhật Bản tham gia Tọa đàm.
Chia sẻ hữu ích của các Thẩm phán
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS Nguyễn Thúy Hiền thông tin về việc TANDTC đã triển khai thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND Tp Hải Phòng và 9 TAND cấp huyện của Tp Hải Phòng từ tháng 3 đến hết tháng 9 năm 2018.
Qua 6 tháng triển khai, cùng với sự hỗ trợ của Thẩm phán Hoa Kỳ, 10 trung tâm hòa giải, đối thoại đã nhận 2.573 đơn khởi kiện; đã đưa ra hòa giải, đối thoại 2.399 đơn. Kết quả hòa giải, đối thoại thành công 1.827 đơn, đạt tỷ lệ 76,2%. Trong số đó có 1.606 vụ tranh chấp về hôn nhân và gia đình, tranh chấp về tài sản chung vợ chồng và nuôi con; 159 vụ tranh chấp dân sự; 45 vụ kinh doanh thương mại; 4 vụ tranh chấp lao động; 13 vụ khiếu kiện hành chính.
Nhằm nhân rộng mô hình có hiệu quả này và thực hiện kết luận của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tại phiên họp thứ 6, ngày 15/9/2018, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục và mở rộng thực hiện thí điểm tại Hải Phòng và các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương và Long An.
Ngoài ra, hiện nay Tòa án nhân dân tối cao đang triển khai xây dựng hồ sơ đề nghị Quốc hội bổ sung Dự án Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2019. Trong thời gian tới, Tòa án nhân dân tối cao cũng sẽ biên soạn Giáo trình và Sổ tay Thẩm phán về công tác hòa giải, đối thoại để các Thẩm phán tham khảo; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, diễn đàn trao đổi kinh nghiệm trong công tác hòa giải, đối thoại và làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để công tác này đạt hiệu quả cao nhất.
Vì vậy, TS Nguyễn Thúy Hiền nhấn mạnh “Tọa đàm là cơ hội để các Thẩm phán Nhật Bản và Thẩm phán tại Việt Nam cùng trao đổi về các vấn đề này. Tôi tin rằng những chia sẻ của Thẩm phán sẽ vô cùng hữu ích trong quá trình triển khai công tác hòa giải tại Việt Nam”.
Thành công hơn cả mong đợi
Bà Hoàng Thị Thúy Vinh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế & Quản lý khoa học TANDTC đã trình bày về tình hình triển khai thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính trong 6 tháng tại Hải Phòng (từ tháng 3 đến tháng 9/2018)
Thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của TANDTC, Chánh án TAND Tp Hải Phòng đã ban hành Quyết định 345/QĐ-TA thành lập 10 Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án ; rà soát, lựa chọn, chỉ định 58 Hòa giải viên, Đối thoại viên, là những Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên đã nghỉ hưu, các cán bộ mặt trận và các Luật sư có phẩm chất đạo đức, có kỹ năng, phương pháp hòa giải, đối thoại tốt, tâm huyết, nhiệt tình với công tác hòa giải.
Và ngay trong tuần đầu của tháng 3 năm 2018, khóa tập huấn đầu tiên được tổ chức tại TANDTC với sự tham gia của các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Thư ký giúp việc. Khóa tập huấn thứ 2 được tổ chức tại thành phố Hải Phòng cho các Hòa giải viên, Đối thoại viên, Thẩm phán Tòa án 2 cấp. Chương trình, nội dung tập huấn được TANDTC chỉ đạo, chuẩn bị kỹ lưỡng, tập trung vào quy trình hòa giải, đối thoại theo Hướng dẫn số 48 của TANDTC, các kỹ năng, kinh nghiệm, xử lý tình huống, biện pháp họp kín, làm việc với từng bên đương sự. Giảng viên là các thẩm phán TANDTC phụ trách dân sự, phụ trách hành chính và các chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm là các Thẩm phán, chuyên gia đến từ Nhật Bản, Thẩm phán TATC Ấn Độ, Thẩm phán Hoa kỳ Gordon Low.
Sau các khóa tập huấn, các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án bắt đầu tiến hành phân công vụ việc cho các Hòa giải viên, Đối thoại viên. Thẩm phán Gordon Low – Hoa Kỳ tiếp tục dành nhiều thời gian giúp hỗ trợ các Trung tâm hòa giải, đối thoại về kỹ năng, kinh nghiệm hòa giải.
Đồng thời, với mong muốn để những kinh nghiệm hòa giải, đối thoại của chuyên gia nước ngoài sẽ được lan tỏa trên phạm vi cả nước, ngày 21-5-2018, TANDTC tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn về kỹ năng hòa giải, đối thoại cho các cán bộ, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án.
Kết quả 6 tháng thực hiện thí điểm, 10 Trung tâm hòa giải, đối thoại của Tòa án 2 cấp thành phố Hải Phòng đã nhận 2.573 đơn khởi kiện; đã đưa ra hòa giải, đối thoại 2.399 đơn. Đã tổ chức Hòa giải, đối thoại thành 1.827 đơn, đạt tỷ lệ 76,2%. Số vụ việc hòa giải, đối thoại thành 6 tháng là 1.827 vụ nên các Tòa án thực hiện thí điểm không phải thụ lý giải quyết 1.827 vụ tranh chấp và giảm được 1827 phiên tòa tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính. Trong số 1.827 vụ tranh chấp hòa giải, đối thoại thành có 1.451 vụ các đương sự đề nghị Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự; 376 vụ các đương sự rút đơn khởi kiện tự thỏa thuận giải quyết nên đã giảm số vụ chuyển Cơ quan thi hành án dân sự 376 vụ. Đối với 1.451 vụ các đương sự đề nghị Tòa án ra quyết định công nhân sự thỏa thuận sẽ được Cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành trên cơ sở tự nguyện của các đương sự, không phải cưỡng chế cũng giúp Cơ quan thi hành án dân sự giảm được rất nhiều về nhân lực, chi phí. Kết quả triển khai thí điểm đã thu được những kết quả rất tích cực, cơ bản đạt được các mục tiêu của Đề án thí điểm, được lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể, các chuyên gia trong nước và quốc tế hoan nghênh, đánh giá cao các kết quả đã đạt được của công tác thí điểm.
Kết quả đó được các chuyên gia quốc tế, Thẩm phán Hòa Kỳ Gordon J. Low đánh giá thành công hơn cả sự mong đợi.
Về tình hình triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại tại Hải Phòng và 15 tỉnh, thành phố trực thuộc khác (dự kiến 06 tháng kể từ ngày 01-11-2018), bà Hoàng Thúy Vinh chia sẻ: Thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tại Thông báo số 121a-TB/BNCTW ngày 20-9-2018, TANDTC đã ban hành Kế hoạch số 301/KH-TANDTC ngày 01-10-2018 về tiếp tục và mở rộng thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Hải Phòng và các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương và Long An.
TANDTC cũng đã xây dựng Kế hoạch Tập huấn , bồi dưỡng các quy định của pháp luật Việt Nam về hòa giải, đối thoại; tiếp cận, chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải đã được áp dụng thành công trên thế giới để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác thí điểm hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Thời gian tập huấn dự kiến từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 10 năm 2018 tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Bà Hoàng Thúy Vinh nhấn mạnh : “Việc tiếp tục thí điểm mở rộng thành công sẽ góp phần củng cố cơ sở thực tiễn để xây dựng dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, tạo hành lang pháp lý nhằm đẩy mạnh hòa giải, đối thoại trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính”.
Bản chất hòa giải là làm cho cả hai bên đều thực sự hài lòng
Tại buổi Tọa đàm, ông Tokura Saburo – Thẩm phán Tòa án tối cao Nhật Bản trình bày về hòa giải theo pháp luật Nhật Bản. Thẩm phán cho biết: Chế độ hòa giải Nhật Bản được hơn 90 năm, ban đầu chúng tôi xây dựng hòa giải để rút ngắn thời gian và lắng nghe nguyện vọng của các bên. Cũng giống như Việt Nam, giải quyết tranh chấp bằng hòa giải và tố tụng là khác nhau. Giải quyết bằng tố tụng thì theo trình tự thủ tục chặt chẽ, tốn về thời gian và kinh phí. Hòa giải sẽ gần với nguyện vọng của các bên. Chế độ hòa giải được xây dựng trên cơ sở thủ tục đơn giản, ngắn gọn. Nội dung giải quyết theo hòa giải khác với tố tụng, nếu tố tụng thì chỉ theo quy định của pháp luật, theo lý, còn hòa giải thì theo phong tục và cái tình nữa. Chúng tôi đã có nghiên cứu nhiều về vấn đề này. Ở địa phương, trước đây, những người có uy tín cũng đảm nhiệm việc hòa giải. Sau nay, khi xây dựng chế độ hòa giải, chúng tôi cũng tham khảo mô hình hòa giải bởi những người uy tín ở địa phương.
Hòa giải viên là luật sư và những người làm về luật, những người có kiến thức xã hội, những người có uy tín và chuyên gia trong các lĩnh vực có liên quan. Thông thường khi giải quyết tranh chấp dân sự, ở Nhật Bản có Hội đồng gồm 3 người, trong đó, 1 Thẩm phán và 2 hòa giải viên. Hình thức hòa giải này có nhiều ưu thế, nhanh chóng hơn. Kết quả tích cực nữa, phần việc của Tòa án được giảm nhẹ, có lợi cho cả các bên và Tòa án, giảm chi phí do không cần phải có sự tham gia của luật sư. Việt Nam chia ra, vụ việc nào phải thụ lý và vụ việc nào hòa giải là cách làm hiệu quả.
Buổi Tọa đàm đã mang lại những thông tin, kiến thức rất bổ ích – Ảnh HL
Thẩm phán bày tỏ sự kinh ngạc và đánh giá cao kết quả 6 tháng thực hiện thí điểm, và cho rằng cần nhân rộng nữa. 10 năm trước, Nhật Bản có hàng trăm nghìn đơn yêu cầu hòa giải vì 10 năm trước có nhiều tổ chức cho vay và người vay tiêu dùng không trả được nợ (tranh chấp tín dụng) và với lãi cao hơn quy định. Khi đó, Nhật Bản đã đưa ra quy định là những vụ việc này phải qua trung tâm hòa giải. Đến năm ngoái đã giảm xuống còn 32.000 đơn. Như vậy, vụ việc ở trung tâm hòa giải có xu hướng giảm và số lượng vụ việc gia tăng. Hòa giải giúp giảm tải công việc tại Tòa án. Tuy nhiên, có nhiều vụ việc người tiêu dùng cho rằng lãi quá cao và đưa ra Tòa án. Nhìn chung, số lượng đơn mà trung tâm hòa giải thụ lý có xu hướng giảm dần, một trong số nguyên nhân là xã hội đã phát triển ở mức mới, giải quyết theo tình không còn đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, tiếp cận ở góc độ khác, các tranh chấp trong tố tụng cũng giảm. Như vậy, các tranh chấp đã giảm, có thể do tốn kém thời gian và tiền bạc nên người ta ngại ra Tòa. Chính vì thế, mô hình hòa giải cần phải chuyển mình, thay đổi, cần phải nắm bắt thực chất vụ việc. Rõ ràng bản chất hòa giải là làm cho cả hai bên đều thực sự hài lòng, nếu không sẽ chưa thực sự giải quyết được tranh chấp đó. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, chế độ hòa giải của chúng tôi đang phải khảo sát và xem xét lại. Theo chúng tôi, ở Việt Nam, nên có sự tham gia của các chuyên gia có uy tín.
Sau phát biểu của Thẩm phán Tokura Saburo, nhiều câu hỏi được các đại biểu đặt ra và được trao đổi thẳng thắn. Bà Đào Tú Hoa – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ TANDTC hỏi về cơ chế bổ nhiệm hòa giải viên, đối thoại viên? Chế độ tập huấn, bồi dưỡng đối với họ ở Nhật Bản như thế nào?
Thẩm phán Tokura Saburo cho biết: Liên quan đến việc lựa chọn hòa giải viên thì Hội đồng hòa giải có 3 người, 1 Thẩm phán và 2 hòa giải viên, trước tiên, họ phải lắng nghe, nắm bắt tình tiết vụ việc, 2 hòa giải viên làm việc với nhau và làm việc với đương sự, sau đó cùng làm việc với Thẩm phán để đưa ra hướng để hòa giải.
Điều kiện để được chọn là hòa giải viên là hơn 40 tuổi, có hiểu biết sâu rộng, từ nguồn là Thẩm phán Tòa gia đình và Tòa địa phương; cũng có trường hợp tự ứng cử. Điều kiện trở thành hòa giải viên là không nhất thiết có kiến thức về luật, mà cần chuyên môn và kinh nghiệm, ví dụ kinh nghiệm về tài chính, ngành bảo hiểm, xây dựng …. vì đã có Thẩm phán bảo đảm điều kiện về pháp luật. Tất nhiên, họ vẫn qua các đợt tập huấn về pháp luật. Nguồn nữa là Hiệp hội hòa giải sẽ cung cấp. Nhật Bản có 50 tỉnh, có 50 Tòa địa phương và Tòa gia đình.
Nhật Bản cũng đề cao đạo đức hòa giải viên. Hòa giải viên khi làm công việc khác thì không được phép ghi chức danh hòa giải viên lên danh thiếp của mình. Hòa giải viên phải tuân theo pháp luật giao thông hay gây ra vụ tai nạn.
Hai hòa giải viên tiếp tục làm việc với đương sự theo hướng thống nhất và như thế là thành công, thời gian hòa giải bằng khoảng 1/3 thời gian giải quyết tranh chấp. Nếu các bên không đồng ý mà hướng đó phù hợp với các bên thì vẫn ra quyết định hòa giải, nếu có khiếu nại thì xem xét lại, nếu không có khiếu nại thì được thực thi như kết quả hòa giải thành. Tỷ lệ khiếu nại ở Nhật Bản chỉ hơn 1%.
Có đại biểu đặt nhiều câu hỏi như: Hòa giải bởi Ủy ban hòa giải, gồm 01 Thẩm phán và 02 hòa giải viên? Kinh nghiệm hòa giải cho thấy nên là Hội đồng hay là cá nhân? Việc tham gia của Thẩm phán có ý nghĩa gì? Nếu không thành thì Thẩm phán đó tham gia xét xử vụ việc đó không? Nhật Bản có cơ chế công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án? Nhật bản có đối thoại trong tố tụng hành chính? Nếu hòa giải được 01 phần tranh chấp thì sẽ xử lý thế nào? Có công nhận phần đó không?
Thẩm phán Tokura Saburo và một số Thẩm phán trong đoàn đã chia sẻ về những vấn đề mà các đại biểu đặt ra một cách thấu đáo.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận