Trả lại đơn khởi kiện với lý do người khởi kiện không cung cấp được chứng cứ chứng minh người vay tiền đã chết là không đúng
Sau khi đọc bài “Giải quyết tranh chấp yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài sản do người vay tiền chết để lại – Vướng mắc và kiến nghị” đăng ngày 09/02/2022, tôi thấy Tòa án trả lại đơn khởi kiện của ông N là không đúng.
Theo nội dung vụ án thì vào ngày 03/12/2020, ông Nguyễn Văn T có vay tiền của ông Trần N số tiền là 300 triệu đồng; lãi suất thỏa thuận là 1,5%/tháng, ông T cam kết đến ngày 03/12/2021 sẽ trả toàn bộ số tiền lãi và vốn cho ông N. Tuy nhiên, đến ngày 06/10/2021, ông T chết do nhiễm bệnh Covid-19, không có di chúc và để lại di sản là căn nhà cấp 4 và thửa đất diện tích 5.065m2, trị giá khoảng 4 tỷ đồng. Do không thỏa thuận được với những người con của ông T nên ông N khởi kiện ra Tòa án yêu cầu những người con của ông T trả số tiền ông T đã nợ lúc còn sống. Sau khi nhận đơn khởi kiện, do ông N không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh ông T đã chết nên Tòa án đã trả lại đơn vì không đủ điều kiện khởi kiện. Tác giả bài viết đồng tình việc Tòa án trả lại đơn khởi kiện vì cho rằng phù hợp với các quy định của pháp luật về điều kiện thụ lý vụ án.
Vấn đề đặt ra là căn cứ vào quy định của pháp luật, liệu Tòa án trả lại đơn khởi kiện có đúng không. Để trả lời câu hỏi này tôi xin phân tích một số quy định của pháp luật có liên quan như sau:
Một là, theo quy định của pháp luật, Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 192 của BLTTDS năm 2015. Vụ án trên, Tòa án căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 của BLTTDS năm 2015 “Chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật”.
Hai là, chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015 được hiểu như thế nào.
Theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 5 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 điều 192 BLTTDS số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án thì “Chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật là trường hợp pháp luật tố tụng dân sự, pháp luật khác có quy định về các điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó”. Vậy hiện nay pháp luật tố tụng dân sự, pháp luật khác có quy định nào bắt buộc người khởi kiện khi nộp đơn khởi kiện yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại phải cung cấp tài liệu, chứng minh người có nghĩa vụ tài sàn với mình đã chết không. Qua nghiên cứu các quy định hiện hành thì thấy rằng không có quy định nào buộc như vậy.
Ba là, giả sử thực tế người có nghĩa vụ tài sản với người khởi kiện đã chết nhưng khi nộp đơn khởi kiện cho Tòa án người khởi kiện chưa thể cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh là người có nghĩa vụ tài sàn đã chết thì Tòa án có nhận đơn khởi kiện của họ không. Tại khoản 5 Điều 189 của BLTTDS năm 2015 có quy định như sau: “Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án”.
Như vậy, pháp luật không bắt buộc người khởi kiện phải cung cấp đấy đủ chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm mà người khởi kiện hoàn toàn có quyền bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án. Tương tự tại Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 của TANDTC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử tại mục 3 Phần II có nội dung như sau: “Trường hợp người khởi kiện không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm kèm theo đơn khởi kiện, thì Tòa án vẫn phải xem xét, thụ lý vụ án theo quy định. Trong quá trình tố tụng, trên cơ sở yêu cầu của người khởi kiện thì Tòa án yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ cung cấp cho mình tài liệu, chứng cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 93 của Luật Tố tụng hành chính. Trường hợp không có tài liệu, chứng cứ để chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm thì Tòa án bác yêu cầu khởi kiện.”
Như vậy, dù trong tố tụng dân sự hay hành chính thì pháp luật cũng quy định Tòa án không được từ chối nhận đơn khởi kiện nếu tại thời điểm nộp đơn khởi kiện mà người khời kiện chưa cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Cho nên trong quá trình tố tụng, trên cơ sở yêu cầu của người khởi kiện thì Tòa án yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ cung cấp cho mình tài liệu, chứng cứ đó. Trường hợp không có tài liệu, chứng cứ để chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm thì Tòa án bác yêu cầu khởi kiện.
Trở lại vụ án trên, thấy rằng ông T chết là do mắc bệnh COVID-19. Trường hợp này, ông N không thể cung cấp cho Tòa án được tài liệu, chứng cứ chứng minh ông T đã chết; tài liệu, chứng cứ chứng minh hàng thừa kế thứ nhất của ông T; tài liệu, chứng cứ chứng minh di sản thừa kế của ông T để lại. Tất cả các tài liệu, chứng cứ, chứng minh cho các vấn đề này sẽ được Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ làm rõ. Còn việc ông T thực tế có chết hay không, ông T có vay nợ và chưa trả nợ cho ông N hay không; ai là người có nghĩa vụ phải trả nợ cho ông N là thuộc về nội dung của vụ án sẽ được Tòa án xem xét giải quyết theo quy định dựa trên toàn bộ tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
Tóm lại, với những phân tích một số quy định của pháp luật như trên thì có thể khẳng định rằng việc Tòa án trả lại đơn khởi kiện với lý do ông N không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh ông T đã chết thuộc trường hợp “Chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 của BLTTDS năm 2015 là không đúng.
Trên đây là ý kiến cá nhân về vấn đề Tòa án trả lại đơn khởi kiện xin trao đổi với tác giả bài viết và bạn đọc.
TAND huyện Lắk, Đắk Lắk xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản - Ảnh: Văn Bách
Bài liên quan
-
Giải pháp hạn chế trả lại đơn khởi kiện về tranh chấp đất đai do hòa giải tại cơ sở chưa đúng
-
Một số bất cập, vướng mắc trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng đặt cọc, tranh chấp di sản thừa kế
-
Toà án trả lại đơn khởi kiện khi chưa có thông báo cho bên vay thực hiện nghĩa vụ trả nợ là có căn cứ
-
Tòa án trả lại đơn khởi kiện khi đương sự không nộp chứng cứ về việc đã thông báo cho bên vay
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận