.jpg)
Trần Thị T chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tài sản thực tế đã chiếm đoạt là 46.482.960 đồng
Sau khi nghiên cứu bài viết “Xác định giá trị tài sản chiếm đoạt làm căn cứ định khung hình phạt như thế nào cho đúng?” của tác giả Nguyễn Xuân Kỳ đăng ngày 05/02/2025, tôi đồng ý với quan điểm thứ hai, xác định giá trị tài sản làm căn cứ định khung hình phạt đối với Trần Thị T là số tiền bị can thực tế chiếm đoạt.
Trước khi xác định giá trị tài sản mà Trần Thị T đã chiếm đoạt được từ Viettel Post tỉnh D, chúng ta cần xác định rõ mặt khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:
- Về hành vi khách quan, không giống với hành vi chiếm đoạt ở các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt khác, hành vi chiếm đoạt ở tội này là sự vi phạm nghĩa vụ trả lại tài sản. Việc chuyển giao tài sản từ người bị hại sang người phạm tội xuất phát từ một hợp đồng hợp pháp như vay, mượn, thuê tài sản… Theo quy định tại khoản 1 Điều 175 BLHS có thể thấy, mặt khách quan của tội phạm này được thể hiện bằng hai nhóm hành vi:
Thứ nhất, vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.
Thứ hai, vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Theo như nội dung vụ án, Trần Thị T sau khi nhận được tiền cước của khách hàng thông qua hợp đồng, Trần Thị T mới dùng thủ đoạn gian đối để chiếm đoạt tài sản đang do mình quản lý, về thủ đoạn gian dối cũng được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa Viettel Post tỉnh D để chiếm đoạt tài sản: “Sau khi nhận tiền, T không nộp tiền về cho Viettel Post tỉnh D theo quy định của hợp đồng khách hành sử dụng gói cước đóng trước 06 tháng hoặc 12 tháng tương ứng khuyến mãi 02 tháng hoặc 04 tháng miễn phí cước sử dụng dịch vụ mà T chiếm đoạt sử dụng vào mục đích cá nhân và thực hiện đóng cước từng tháng cho khách hàng nhằm che giấu Viettel Post tỉnh D để chiếm đoạt”.
- Về hậu quả của tội phạm, là thiệt hại về tài sản, cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Điều 175 BLHS quy định giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 4.000.000 đồng trở lên mới cấu thành tội phạm, trường hợp tài sản bị chiếm đoạt dưới 4.000.000 đồng thì phải kèm theo điều kiện đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 BLHS, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ thì mới cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có khách thể xâm phạm đến quan hệ sở hữu, cho nên khi xác định giá trị tài sản mà Trần Thị T chiếm đoạt để làm căn cứ xác định trách nhiệm hình sự cần chú ý: T chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự với những tài sản mà thực tế T đã chiếm đoạt. Số tài sản dùng để xác định trách nhiệm hình sự của T phải là số tài sản thực tế T đã, đang hoặc sẽ chiếm đoạt của Viettel Post tỉnh D “số tiền thực tế chưa nộp về cho Viettel tỉnh D là 46.482.960 đồng”.
Trong vụ án, sau khi Trần Thị T thu cước đối với 101 khách hàng thông qua hợp đồng gói cước đóng trước 06 tháng hoặc 12 tháng tương ứng khuyến mãi 02 tháng hoặc 04 tháng miễn phí cước sử dụng dịch vụ với tổng số tiền là 134.380.000 đồng. Sau khi thu tiền cước đóng trước của khách hàng, nhằm đánh lừa Viettel Post tỉnh D, Trần Thị T chỉ nộp cước đúng quy định vào tài khoản của Viettel Post tỉnh D số tiền 1.813.000 đồng mà không thực hiện nhập thông tin khách hàng và nộp tiền về cho Viettel Post tỉnh D để kích hoạt gói cước cho khách hàng. “Số tiền 132.567.000 đồng còn lại, Trần Thị T đã đóng cước hàng tháng cho khách hàng là 86.084.040 đồng, số tiền thực tế chưa nộp về cho Viettel tỉnh D là 46.482.960 đồng”. Khi Viettel Post tỉnh D phát hiện hành vi của T và yêu cầu T khắc phục toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt nhưng không thực hiện.
Như vậy, tài sản thực tế mà Trần Thị T đã chiếm đoạt của Viettel Post tỉnh D là 46.482.960 đồng không tính số tiền đã đóng cước hàng tháng cho khách hàng 86.084.040 đồng và không bao gồm tiền khuyến mãi phát sinh 41.850.000 đồng, tội phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS.
Trên đây là quan điểm của tác giả đối với tình huống trên, rất mong được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của quý bạn đọc.
TAND tỉnh Bắc Giang mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” - Ảnh: Cổng TTĐT Công an tỉnh.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đề xuất mô hình Tòa án 3 cấp khi bỏ đơn vị hành chính cấp huyện
-
Trao đổi ý kiến về bài viết “bên đặt cọc hay bên nhận đặt cọc có lỗi?”
-
Không áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ đối với Tạ Tấn P
-
Một số vấn đề về dấu hiệu định tội của tội "Tổ chức đánh bạc" quy định tại điểm d, đ khoản 1 Điều 322 Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Quy định 189-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương trong ngành Tòa án
Bình luận